Bài 2: Hệ lụy của công khai “hình thức”, minh bạch “nửa vời”

(Baonghean) - Việc công khai “hình thức”, minh bạch “nửa vời” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, nhưng hệ lụy lớn nhất là người dân mất niềm tin vào bộ máy công quyền, tình trạng khiếu nại, tố cáo ngày một tăng cũng bắt nguồn từ đó…

>>Bài 1: Nhìn từ hai phía - chính quyền và người dân

Nhiều tiếng ì xèo, nhiều lời đồn thổi, kêu ca, bức xúc của người dân bắt nguồn từ việc không công khai hoặc có công khai nhưng chưa minh bạch, hoặc “núp dưới chiêu bài công khai” kiểu như công bố rõ các tiêu chí nhưng đằng sau vẫn có chuyện “đi đêm”, chuyện “mặc cả” trong đấu thầu  xây dựng cơ bản, đấu giá tài sản lúc nào cũng có chuyện quân xanh, quân đỏ, thi tuyển công chức thì thi một đường, tuyển một nẻo hay bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ cũng công khai số lượng, vị trí, tiêu chí… trên báo, đài, website đầy đủ cả. Thế nhưng, thực ra bên trong đã được sắp sẵn bằng con đường không chính thống, dành cho người nhà, người quen hoặc theo kiểu đôi bên cùng có lợi.

Trong số hàng chục đơn thư gửi về thanh tra tỉnh trong năm 2012 có 5 đơn liên quan đến vấn đề công khai minh bạch. Đơn cử như trường hợp của ông Hoàng Vũ Quang, trú tại bản Mới xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp phản ánh việc Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Quỳ Hợp lập phương án bồi thường về cây cối một số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở xã Châu Tiến không công bằng, minh bạch, gây lãng phí, thất thoát tiền của nhà nước. Thanh tra tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra xác minh và kết luận nội dung phản ánh của công dân là đúng. Chênh lệch do lập phương án sai về giá trị cây cối cho 4/13 hộ gia đình và kinh phí hội đồng là 612.993.000 đồng. Sau khi kiểm tra rà soát tổ công tác đã tham mưu cho Chánh Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thu hồi số tiền 381.591.000 đồng. Trong đó, nguồn kinh phí không có đối tượng chi trả là 206.139.000 đồng, đã trả quá cho 3 hộ là 175.452.000 đồng.

Còn rất nhiều vụ việc liên quan đến việc thiếu công khai minh bạch xảy ra ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ cấp xã cho đến cấp huyện, tỉnh mà không ai thống kê được, chỉ có người dân là phải ấm ức, gánh chịu nỗi khổ từ sự thiếu công khai minh bạch của bộ máy công quyền.

Việc thiếu công khai, minh bạch dẫn đến việc người dân không tiếp cận được thông tin một cách đầy đủ, không phát huy được vai trò giám sát và cũng tạo kẽ hở cho cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm, để công việc tồn đọng. Thậm chí có nơi người ta còn cố tình sử dụng quyền lực của mình để “mật hóa” các thông tin, nhằm “gây khó để ló phong bì”, hoặc che đậy khả năng có thể bị phát giác về những sai phạm của mình. Ngoại trừ những trường hợp cố tình đi đường tắt cho nhanh, thì việc thiếu thông tin, không nắm vững các quy trình, quy định liên quan đến chế độ, chính sách cũng khiến một bộ phận người dân dùng phong bì để bôi trơn thủ tục hành chính. Đơn cử như quá trình giải quyết chế độ chính sách (chất độc da cam, người có công…). Nhiều nơi người dân không hiểu được về quy trình thủ tục nên phải qua nhiều khâu, nhiều cửa có khi còn sập bẫy “cò trung gian” vừa tốn kém vừa lãng phí thời gian...

Đó cũng là nguyên nhân để căn bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí còn tồn tại, còn có đất sống. Chỉ tính riêng trong năm 2012, cơ quan chức năng đã phát hiện khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 19 vụ án, 37 bị can, bị cáo, phát hiện thu hồi 2,274 tỷ đồng và 3,12 ha đất. Cơ quan điều tra tiếp tục thụ lý 12 vụ án với 26 bị can có hành vi liên quan đến tham nhũng. Viện kiểm sát đã thụ lý 11 vụ với 22 bị can phạm  tội tham nhũng. Tòa án thụ lý xét xử 16 vụ với 26 bị can phạm tội tham nhũng. Đó chỉ là một vài con số trong rất nhiều những vụ việc còn “nằm trong bóng tối” hay mới chỉ dừng lại ở mức “dư luận đồn thổi” nhưng niềm tin của nhân dân đối với cán bộ công chức, vào bộ máy công quyền bị giảm sút nghiêm trọng.

Làm sao có thể tạo dựng lòng tin vào tính công khai minh bạch khi phiên tòa thì xét xử công khai nhưng phía sau thẩm phán lại “vòi” tiền hối lộ để giảm án cho đối  tượng bị truy tố; cán bộ kiểm lâm ngày đi bắt buôn lậu đêm đến lại âm thầm đi buôn lậu, hoặc tiếp tay cho buôn lậu? Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh năm 2012, bà Cao Thị Hiền - Giám đốc Sở Nội vụ đã thừa nhận thực tế: “Các quy định của pháp luật chưa đồng bộ, cụ thể, nhiều quy định, thủ tục hành chính còn rườm rà phức tạp, tính công khai minh bạch chưa cao là một trong những yếu tố nảy sinh những biểu hiện, hành vi xấu, lợi dụng cơ chế để nhũng nhiễu, tiêu cực trong cán bộ, công chức, viên chức”.

Còn  trong môi trường đầu tư, kinh doanh, việc thiếu công khai minh bạch cũng là một trở ngại lớn. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng không ngại bày tỏ rằng: Minh bạch là cả một quá trình, từ lúc thiết kế chính sách, văn bản pháp quy, lấy ý kiến tham vấn doanh nghiệp, người dân đến quá trình thực hiện và sự giám sát của người dân vào quá trình đó. Theo tiêu chí chung như vậy thì hiện nay chúng ta chỉ mới dừng ở mức độ công khai hơn là minh bạch thật sự. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)  hàng năm.

Trong chỉ số thành phần PCI của Nghệ An thì tính minh bạch và tiếp cận thông tin thường nằm trong top các chỉ số giảm. Năm 2010 giảm 13 bậc so với 2009, năm 2011 giảm 3 bậc so với năm 2010. Riêng năm 2012 chỉ số có tăng so với 2010 nhưng không đáng kể (từ 5,25 lên 5,85). Nguyên nhân được xác định là do việc tiếp cận các văn bản, thông tin của doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Phần thông tin về cơ chế chính sách trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh nói chung và trên các trang web của các cơ quan hành chính trong tỉnh nói riêng chưa được cập nhật một cách đầy đủ, thường xuyên. Việc ban hành danh mục thủ tục hành chính kèm với đó là thời gian giải quyết của các cơ quan hành chính trong tỉnh ở nhiều nơi còn chưa nghiêm túc. Việc áp dụng ISO tại nhiều cơ quan còn mang tính hình thức. Việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu sự đồng nhất, chặt chẽ về quy trình thủ tục; phân cấp trách nhiệm giữa các ngành, địa phương còn chồng chéo. Chậm trễ trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp không được giải thích một cách thỏa đáng…

Việc thiếu công khai, minh bạch sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ cản trở sự phát triển của kinh tế - xã hội nhưng hệ luỵ lớn nhất là sự hoài nghi của nhân dân vào hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, vào đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước – những người được coi là “nô bộc của dân”.

Khánh Ly - Nguyên Sơn

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.