Bài 2: Mua đất, cất nhà nhờ... phế liệu!
Về Diễn Hồng, Diễn Tháp (Diễn Châu), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không những hoạt động kinh doanh buôn bán ở đây tấp nập mà còn bởi những ngôi nhà biệt thự bạc tỷ mọc lên san sát. Người dân ở đây cho biết, chủ nhân của các ngôi biệt thự này chính là các ông "trùm" phế liệu.
(Baonghean.vn) Về Diễn Hồng, Diễn Tháp (Diễn Châu), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi không những hoạt động kinh doanh buôn bán ở đây tấp nập mà còn bởi những ngôi nhà biệt thự bạc tỷ mọc lên san sát. Người dân ở đây cho biết, chủ nhân của các ngôi biệt thự này chính là các ông "trùm" phế liệu.
Có mặt tại nhà anh Trần Văn Sanh (SN 1974, ở khối Nam, xã Diễn Hồng), trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 3 tầng khang trang, không khác gì những ngôi nhà ở phố thị, có chăng là những chồng bao tải phế liệu chất cao trước nhà đã giúp người khác biết được chủ nhân của ngôi nhà này làm nghề gì.
Trước con mắt ngạc nhiên của chúng tôi, anh Sanh bảo, "tất cả cũng nhờ những chuyến ngược xuôi buôn bán phế liệu mà ra cả đấy chú à".
Anh Sâm (bên phải) trao đổi với PV trong ngôi nhà khang trang được xây nên từ... rác
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cuộc sống khó khăn ngay từ nhỏ đã giúp anh biết cách tự lập từ rất sớm. Năm học lớp 8, anh đã phải vừa đi học vừa đi bán kem. Học xong phổ thông, anh một mình một xe đạp với hai cái trác (giỏ tre) buộc hai bên lang thang khắp tận hang cùng, ngõ hẻm từ các huyện miền núi Quế Phong, Tương Dương, cho đến sang tận Hà Tĩnh, Quảng Bình để đổi xoong nồi lấy sắt vụn, dép đứt. Bao nhiêu vất vả trong những năm tháng đạp xe đi mua, đổi phế liệu, từ việc đội mưa, đội nắng, cho đến ăn ngủ ngay bên đường... anh đã trải qua hết.
Càng ngày nguồn phế liệu trong nước cũng cạn dần, số người làm nghề này cũng tăng lên, nên khoảng đầu năm 2000 anh đã cùng với một số người trong làng đánh liều sang Lào thu mua. Sau một thời gian buôn bán nhỏ lẻ, tích lũy được một số vốn, năm 2005 anh chuyển sang làm đại lý, thuê nhà xưởng để thu gom và đưa phế liệu về tại Diễn Hồng để phân loại hoặc bán lại cho người khác.
Mỗi chuyến đi Lào của anh thường kèm theo số vốn khoảng trên 100 triệu đồng. Mấy năm gần đây, việc làm ăn suôn sẻ, anh Sanh còn bàn với anh trai là Trần Văn Sâm bỏ nghề buôn bán thịt lợn để cùng hùn vốn sang Lào thu mua phế liệu. Tính trung bình mỗi năm thu nhập của hai anh em cũng lên đến khoảng 300 triệu đồng. Sau mấy năm tham gia buôn bán phế liệu, cả hai anh không chỉ xây dựng được nhà khang trang, với đầy đủ tiện nghi nằm kề Quốc lộ 1A, mà còn mua thêm được mấy miếng đất để tập kết phế liệu và có điều kiện để chăm lo cho con ăn học.
Cách nhà anh Sanh không xa, nằm sát Quốc lộ 1A là ngôi nhà 3 tầng khang trang của gia đình anh Trần Văn Hạnh (khối Nam, Diễn Hồng), dù không trực tiếp sang Lào buôn phế liệu, nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán của gia đình anh cũng gắn chặt với các loại phế liệu nhập về từ Lào hơn 10 năm nay. Hiện tại, mỗi tuần gia đình anh nhập về khoảng 2 chuyến xe tải chở đầy phế liệu (chủ yếu là đồng, nhôm, sắt), mỗi xe khoảng 10 tấn. Sau khi mua phế liệu (đã phân loại sơ qua trước đó), anh lại cho công nhân phân loại tiếp, chọn lựa ra các loại khác nhau để bán cho các nhà máy với giá nhôm, sắt khoảng 30.000 đồng/1kg, đồng là 100.000 đồng/1kg. Sau khi trừ chi phí thì mỗi 1kg phế thải anh cũng lãi được khoảng 2.500 đồng. Hoạt động phân loại, phế liệu này không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh, mà còn giải quyết việc làm cho 10 lao động tại xưởng phân loại, với thu nhập 100.000 đồng/1 ngày công.
Lợi nhuận từ việc thu mua phế liệu từ Lào về Việt Nam là điều thấy rõ. Đây thực sự là cách làm giàu một bước tiến khá thần kỳ của không chỉ anh Sanh, anh Sâm, anh Hạnh mà còn với nhiều người dân Diễn Hồng, bởi chỉ mới khoảng 10 năm về trước họ còn phải chạy ăn từng bữa, chứ chưa nói đến việc xây được nhà cao, sắm được xe ôtô như hiện nay. Và từ những hiệu quả đó mà ngày càng có nhiều người học theo, tạo nên trào lưu buôn bán phế liệu một cách nhộn nhịp.
Chính sự năng động, không ngại khó khăn đó, đã giúp họ vươn lên làm giàu. Những hộ gia đình làm nghề buôn bán phế liệu đã làm thay đổi bộ mặt của cả xã Diễn Hồng. Theo con số thống kê cho thấy, những người tham gia vào hoạt động thu mua phế liệu đã đóng góp hơn 40% thu nhập hàng năm của toàn xã. Không chỉ có thế, hiện nay tại Diễn Hồng một khu công nghiệp chế biến rác có một không hai trong cả nước đã mọc lên, thu hút hàng ngàn lao động và lưu lượng rác được mua về và bán đi trong ngày lên đến hàng trăm tấn.
Quảng An