Bài 2: Những "đầu lĩnh" cuồng tín

31/10/2013 09:45

> Xem Bài 1: Giáp mặt những người "quy" đạo

Qua các cuộc gặp gỡ, nói chuyện với các "đầu lĩnh" thì chiêu thức phát triển của tà đạo này cũng na ná như hoạt động của các công ty đa cấp. Tức là những người đã "quy" được khuyến khích tuyên truyền lôi kéo những người khác. Chiêu thức này được họ gọi là "người đi trước rước người đi sau". Và, cho đến nay, sau khoảng 6 năm (kể từ năm 2007), ở Nghệ An, tà đạo Hoàng Thiên Long đã có mặt tại Thành phố Vinh và 3 huyện Yên Thành, Thanh Chương và Tân Kỳ. Các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Thị xã Cửa Lò cũng đã có người "quy" nhưng số lượng còn ít.

"Cô" Nguyệt - vị "đầu lĩnh" ở TP Vinh nói về chuyến hành hương ra điện của "thầy" Điền:

[audio(318)]

Vị "đầu lĩnh" ở TP Vinh là Nguyệt. Theo lời Nguyệt thì chị ta nguyên là sĩ quan quân đội công tác tại Quân khu 4 nay nghỉ hưu, trú tại xã Hưng Lộc. Sau khi chúng tôi nói được "cô" Thủy ở Yên Thành giới thiệu gặp để xin cho mẹ già được cùng ra điện Hoàng Thiên Long "quy" đạo thì chị ta vui vẻ: "Đoàn Vinh sẽ lên đường vào lúc 21h ngày 24/7 (AL), cứ đến Quảng trường Hồ Chí Minh trước đó vài chục phút mà lên xe.” Cũng như "cô" Thủy, chị này hướng dẫn rất cụ thể quy cách lập bàn thờ và cách đọc kinh "đoạn tràng" làm sao để linh nghiệm.Theo Nguyệt, ở TP Vinh có rất đông người theo đạo Hoàng Thiên Long và ai nấy sau khi "quy" thì tu tại gia. Hàng năm, vài lần họ cùng nhau hành hương ra điện của "thầy" Điền để lễ tạ. Còn việc hành hương về Kim Liên, đoàn Vinh không tham gia, ai có nhu cầu thì tự đi. Nguyệt nói: "Các anh cứ cho "cụ" nhà mình đi Kim Liên để "cụ" biết. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 21/7 (AL) là những người ở Yên Thành, Thanh Chương, Tân Kỳ... đều về Kim Liên làm lễ".

8h30 phút ngày 21/7 (AL), tại quê ngoại Bác Hồ, chúng tôi nhập đoàn hành hương như những tín đồ thực sự. Có khoảng 130 người từ huyện Yên Thành, Tân Kỳ, Thanh Chương tham gia và mọi nghi thức đều do "cô" Thủy hướng dẫn. Phần lớn những người này là phụ nữ đã có tuổi, một số ít là đàn ông và con cháu trong nhà. Trò chuyện được biết hầu hết họ đều gặp những hoàn cảnh éo le, mang bệnh lâu ngày, hoặc sống cô đơn và cũng có người thấy việc làm ăn gần đây thuận lợi nên bấu víu vào đạo Hoàng Thiên Long để mong được "linh" Bác phù hộ.

Sau khi lướt qua vài ba điểm, đoàn tập trung hành lễ tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất chấp sự khó chịu của du khách, đoàn tín đồ tà đạo Hoàng Thiên Long do "cô" Thủy hướng dẫn, quỳ rạp xuống, choán hết cả Nhà tưởng niệm rì rầm đọc kinh rồi vươn hai tay lên ngang đầu như chờ đón sự ban ân. Mọi sự chỉ chấm dứt khi cán bộ Ban quản lý Khu di tích Kim Liên nhắc nhở phải tránh lối đi và dành chỗ cho các đoàn khách vào viếng. Một cán bộ bực bội: “Liên tục mấy năm nay rồi, cứ đến ngày này là y như rằng có những người từ đâu đâu đến cầu cúng, lên đồng, có người còn múa may, kêu khóc. Chúng tôi đến là khổ với họ...”.

“Cô” Thủy cùng các tín đồ tà đạo Hoàng Thiên Long quỳ trước bàn thờ Nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh (Kim Liên).
“Cô” Thủy cùng các tín đồ tà đạo Hoàng Thiên Long quỳ trước bàn thờ Nhà tưởng niệm Bác Hồ (Kim Liên).

Nhờ đàn ông ít nên chúng tôi bắt quen rất nhanh với hai người đàn ông mặc đồ kiểu bộ đội. Hóa ra họ là người “phụ trách” theo dõi hoạt động của các tín đồ trên địa bàn. Đó là ông Liệu "đầu lĩnh" huyện Thanh Chương trú tại khối 9, Thị trấn Dùng và ông Hùng trú tại khối 3 Thị trấn Lạt là "đầu lĩnh" huyện Tân Kỳ. Cả hai ông đều là cựu chiến binh và kinh doanh, làm ăn tại nhà mặt đường của mình. Những vị "đầu lĩnh" này cũng đều tỏ ra rất mừng và "hoan nghênh" khi thấy chúng tôi đang tìm hiểu để tu theo đạo pháp "Tâm linh Hồ Chí Minh". Không những vậy, các ông còn mời lên nhà riêng chơi và chứng kiến Bác "hiển linh" tại nhà họ. Ông Liệu còn "khoe": Chúng tôi thành tâm tu theo "đạo" của Bác nên được Bác phù hộ. Ảnh Bác Hồ trên ban thờ của nhà tôi đã nở hoa rất đẹp, sau hình của Bác có từng chùm hoa nở rộ. Phía trên đầu hình Bác cũng nở những bông hoa giống như ánh hào quang. Các anh cứ đi Thanh Chương một chuyến mà xem cho biết...

Ông Liệu nói về tà đạo:

[audio(320)]

Tại nhà riêng ở Thị trấn Dùng, ông Liệu cho biết mình là cựu chiến binh và từng có 16 năm liên tục làm Bí thư Chi bộ khối 9. Hiện ông vẫn tham gia sinh hoạt đảng nhưng "đã xin nghỉ làm bí thư chi bộ để tập trung tu luyện". Ông còn bảo linh Bác là con dao hai lưỡi, người thành tâm thì Bác phù hộ, còn người làm ác thì linh Bác không tha. Đấy, như bên Hà Tĩnh có người sau khi phá bàn thờ Hoàng Thiên Long đã bị “linh” bẻ ngoẹo cổ. Ông Liệu tự hào ở Thanh Chương đã có cả trăm người theo đạo và riêng ông sắp thành "chính quả". Đến ngày đó, ông có thể thu được tà ma. Còn bây giờ thì đi trên đường đã có thể phát hiện "các vong “bám” mình như thế nào"... Và bởi "công tích cao dày" nên được "thầy" Điền ủy thác làm cố vấn cho "cô" Thủy.

Ông Liệu nói: Đừng thấy Thủy nhỏ bé vậy mà coi thường, nó cao tay lắm đấy... Hỏi: Tại sao ông lại gọi "cô" Thủy bằng “nó”? Ông Liệu khoái chí: đạo Tâm linh Hồ Chí Minh không cần phải giữ lễ nghi rườm rà. Trừ bà Điền ra còn thì ai cũng như ai. Đưa chúng tôi lên tầng trên nơi đặt ban thờ, ông Liệu chỉ tay vào ảnh Bác rồi nói: đấy, ảnh Bác đang nở hoa đấy. Nhìn cho kỹ sẽ thấy những quầng hoa đang "tỏa" lên. Đấy có thấy không? Gương mục kỉnh lên mãi mà chẳng thấy chi, đành bấm bụng nói khéo: mắt kém nên nhìn không được rõ...

Ngược lên đất Tân Kỳ và kể những chuyện ở nhà ông Liệu với "đầu lĩnh" Hùng, ông Hùng phản bác: "Ông Liệu nói khoác vậy chứ làm chi đã có chuyện tu được thành "chính quả''. Đến như Thủy mà còn chẳng dám nói câu đó nữa là. Mà ông ấy cũng đâu có phải là "cố vấn"...". Theo ông Hùng, ở Tân Kỳ trước đây có khoảng 160 người tu theo đạo của "thầy" Điền nhưng nay còn khoảng 80 người. Hỏi tại sao, ông Hùng cho biết, đạo rất linh nhưng phải "nhất tâm"; những người "không chịu được gian khổ" thường theo một thời gian rồi bỏ. Phụ trách của Tân Kỳ trước đây là phụ nữ, tuy nhiên vì nhập nhèm tiền nong của đồng đạo nên đã bỏ cuộc. Ở khối 2 cũng có một ông theo đạo, mới rồi ông này được bầu làm khối trưởng, sợ mọi người biết không khéo mất chức thế là nhạt luôn. Chừng sợ chúng tôi phân tâm, ông nói: "Thầy" Điền được Bác linh ứng, cứ yên tâm mà theo. "Thầy" nói sắp đến ngày “giải phóng” rồi. Đến 24/7 (AL) ra điện một chuyến cho tường mọi sự...

Chiều 24/7 (AL), chúng tôi liên lạc lại với "cô" Nguyệt thì được trả lời: "Đoàn Vinh sẽ đi bằng ô tô và mọi người tập trung tại Quảng trường Hồ Chí Minh vào lúc 8h30". Đúng hẹn, chúng tôi được chỉ dẫn đến ven chợ Quán Lau chờ xe. Người "quy" đạo Hoàng Thiên Long chờ sẵn ở đó phải đến gần 150 người và phần lớn cũng đều là những phụ nữ lớn tuổi. Đến 21h, có 4 chiếc xe ca trườn tới hốt mọi người lên xe rồi lăn bánh đến trước vườn hoa vòi phun Cửa Bắc, tại đây tiếp tục có dăm chục người lên xe cùng hành hương ra Bắc. Trên chiếc xe chúng tôi đi có tới 53 người nên hết sức chật chội, nóng bức, vậy nhưng chẳng ai dám lên tiếng kêu ca.

Một người đàn ông phàn nàn "thời buổi này mà đi đứng theo kiểu này" liền bị nhắc "đi theo Bác thì phải chịu đựng khó khăn. "Thầy" nói rồi, đường cách mạng thì phải gian khổ". Thấy sự lạ, hỏi chuyện một cụ bà trên 70 tuổi trú ở gần đền Trìa xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, cụ "khuyên": đi lại vất vả là chuyện thường tình. Chuyến đi nào chẳng chật ních người như vậy, mong khỏi bệnh thì phải chấp nhận...".

Đến 22h30 phút, "cô" Nguyệt cầm micro lên tiếng: Yêu cầu mọi người cùng hát bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" để sau đó ta đọc kinh. Lúc này trên xe người thức, người ngủ ngổn ngang, có người vắt cả hai chân lên thành ghế hết sức hỗn tạp, vậy nhưng chương trình hát hò, đọc kinh vẫn được "cô" Nguyệt duy trì đến gần nửa đêm. Và dù khi đọc kinh có xướng tên các lái xe chính, phụ cùng số biển xe để cầu bình an nhưng vẫn có một xe của đoàn va quệt bị công an giữ lại, cả đoàn xe phải dừng lại chờ mất gần 1 tiếng đồng hồ.

Sau 9 giờ đồng hồ chạy xe, gần 6 giờ sáng, chuyến hành trình khốn khổ của chúng tôi cùng các tín đồ mới tới được thôn Phú Dư, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Đây là nơi “phát tích” và cũng là nơi "thầy" Điền đặt ra điện thờ Đại Phúc Phúc. Lúc này, đoàn "hành hương" của các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành cũng đã có mặt nâng tổng số người của Nghệ An đi lễ lên gần 300 người. Chỉ nhìn qua cũng biết, phần đông trong số họ là người nghèo khó.

(Còn nữa)

Nhật Lân - Việt Long

Mới nhất
x
Bài 2: Những "đầu lĩnh" cuồng tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO