Bài 2: Những dự án nhiều năm dang dở
Có một thực trạng đang diễn ra tại KCN Nam Cấm (Nghị Lộc- Nghệ An): Nhiều dự án triển khai cầm chừng, vốn đầu tư thực hiện thấp, tiến độ xây dựng quá chậm theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã được giao đất sau thời gian dài, chủ đầu tư gần như không triển khai xây dựng, sau nhiều năm vẫn là bãi đất hoang.
(Baonghean) - Có một thực trạng đang diễn ra tại KCN Nam Cấm (Nghị Lộc- Nghệ An): Nhiều dự án triển khai cầm chừng, vốn đầu tư thực hiện thấp, tiến độ xây dựng quá chậm theo quy định trong giấy chứng nhận đầu tư. Nhiều dự án đã được giao đất sau thời gian dài, chủ đầu tư gần như không triển khai xây dựng, sau nhiều năm vẫn là bãi đất hoang.
Ông Đậu Văn Năm - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Nam Cấm cho biết: Tại Khu công nghiệp Nam Cấm, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất gần như kín đối với diện tích đất sạch (đã GPMB), nhưng số DN thực hoạt động và có hiệu quả rất ít, số còn lại, cầm chừng thậm chí cả chục năm chẳng triển khai gì. Chính vì lý do đó, hiện có tới 16 dự án bị thu hồi. Đó là các dự án: Nhà máy sản xuất bê tông tươi và gạch block do Công ty CP Trường Thịnh làm chủ đầu tư, Nhà máy sản xuất thức ăn nuôi tôm cá (Công ty CP Biển xanh), Nhà máy chế biến đá Granit (Công ty TNHH Hoa Cương B&A), Nhà máy sản xuất bao bì và giấy tự hủy (Công ty TNHH Bình Minh - Hà Nội), Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc (Công ty TNHH TAGS Nhuận Đức), Trung tâm kho vận và xưởng sửa chữa cơ khí (Công ty TNHH TM&VT Bình Minh Nghệ An), Nhà máy chế biến bột đá Barit và bột đá vôi xuất khẩu (Công ty Phúc Thịnh), Nhà máy chế biến đá vôi trắng (Công ty TNHH Wolkem Việt Nam), Nhà máy chế biến bột đá siêu mịn (Công ty TNHH Freeland Universial)... Nhiều dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư lớn như Nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa và vật liệu xây dựng công nghệ cao do Công ty CP dịch vụ và đầu tư phát triển công nghệ mới làm chủ đầu tư với số vốn gần 170 tỷ đồng, hay Nhà máy Chế biến bột đá siêu mịn (Công ty TNHH Freeland Universial) đăng ký 8 triệu USD trên diện tích đất hơn 6,5 ha... cũng đều trong diện thu hồi.
Dự án Nhà máy Bao bì thân thiện môi trường do Công ty Cp bao bì Toàn Thắng làm chủ đầu tư được cấp GCN đầu tư tháng 4/2007 tại khu C trên diện tích 25.409m2 với tiến độ cam kết là 12 tháng. Chủ đầu tư đã hoàn thành xong một số hạng mục như san lấp mặt bằng, xây dựng nhà ăn ca và triển khai dở dang một số hạng mục và đã dừng thi công từ đầu năm 2010 đến nay. Dự án chậm tiến độ 40 tháng so với tiến độ cam kết. Ban quản lý KKT Đông Nam đã tổ chức kiểm tra, đôn đốc và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục tiến hành xây dựng dự án nhưng đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Trước tình hình đó, BQL KKT Đông Nam đã có Văn bản số 519/KKT - ĐT ngày 16/8/2011 thông báo về việc thu hồi GCN đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án. Lý do chậm tiến độ mà chủ đầu tư nêu ra là do khó khăn trong việc huy động vốn. Công ty đã nỗ lực trong việc tìm kiếm đối tác và huy động nguồn vốn thực hiện dự án. Tuy nhiên, lý do đưa ra này không thuyết phục. Theo nguồn tin của PV, chủ đầu tư đã làm thủ tục vay vốn ngân hàng từ tháng 9/2009 và đến ngày 31/3/2011 hoàn tất thủ tục cho vay với số tiền 63,9 tỷ đồng và thông báo đã giải ngân đợt 1 là hơn 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay, tại hiện trường dự án, Công ty vẫn không tiến hành thi công các hạng mục dở dang. Qua kiểm tra, kể từ thời điểm chủ đầu tư được ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án, không có đơn vị thi công nào tại hiện trường.
Điển hình của sự nhùng nhằng trong giải quyết hậu quả là chủ đầu tư dự án "Nhà máy chế biến bột đá Barit và bột đá vôi xuất khẩu" của Công ty Phúc Thịnh được BQL các KCN Nghệ An (nay là BQL KKT Đông Nam Nghệ An) cấp GCN đầu tư số 06/GP-BQL ngày 27/11/2002. Tới KCN Nam Cấm một ngày trung tuần tháng 9, lô đất rộng của Công ty Phúc Thịnh đóng tại khu B ngoài bờ rào, nhà bảo vệ là dãy nhà cấp 4 bỏ hoang. Bảo vệ ở đây cho biết, khu đất lâu nay được doanh nghiệp khác thuê đổ nguyên liệu.
Năm 2007, sau gần 5 năm kể từ ngày cấp GCN đầu tư nhưng Công ty Phúc Thịnh không đủ năng lực hoàn thành để đưa dự án đi vào hoạt động, vì vậy, ngày 09/8/2007, BQL các KCN Nghệ An đã ban hành quyết định thu hồi GCN đầu tư của dự án. Sau khi thu hồi GCN đầu tư, BQL KKT Đông Nam Nghệ An đã chỉ đạo Công ty Phát triển KCN tổ chức thanh lý hợp đồng thuê lại đất với Công ty Phúc Thịnh. Tuy nhiên, sau 2 năm việc thanh lý hợp đồng thuê lại đất vẫn không thực hiện được. Khu đất 4,05 ha được cấp cho Công ty Phúc Thịnh đến nay đã hơn 8 năm nhưng không được đưa vào sử dụng đã gây thiệt hại không nhỏ cho Nhà nước. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, BQL KKT Đông Nam đang đề nghị UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định để xác định giá trị tài sản đầu tư tại lô C35, khu C, KCN Nam Cấm.
Dự án sản xuất bột đá các loại của Công ty Thành Hưng cũng "nhùng nhằng" không kém. Dự án này được cấp phép năm 2008 tại khu A, bị rút giấy phép tháng 10/2010. Sau khi bị thu hồi, doanh nghiệp này có đơn kiện Ban QL KKT Đông Nam. Hiện nay tòa án đang thu thập chứng cứ để xét xử. Không biết phán quyết cuối cùng của tòa ra sao nhưng vụ việc đã mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho các bên tham gia hầu tòa.
Thu Huyền