Bài 2: Những xứ, họ yên vui
Tỉnh ta hiện có trên 45 ngàn hộ đồng bào công giáo, với trên 24 vạn giáo dân, gồm 9 giáo hạt, 82 giáo xứ, 329 giáo họ sinh sống ở cả 3 vùng đồng bằng, miền núi, trung du thuộc 14/20 huyện, thành, thị. Những năm qua, đồng bào công giáo đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc xây dựng nên những xứ, họ đầm ấm, yên vui.
(Baonghean.vn) Tỉnh ta hiện có trên 45 ngàn hộ đồng bào công giáo, với trên 24 vạn giáo dân, gồm 9 giáo hạt, 82 giáo xứ, 329 giáo họ sinh sống ở cả 3 vùng đồng bằng, miền núi, trung du thuộc 14/20 huyện, thành, thị. Những năm qua, đồng bào công giáo đã không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc xây dựng nên những xứ, họ đầm ấm, yên vui.
Xem Bài 1-> Những giáo dân - công dân gương mẫu
Giáo họ Quang Tịnh (Giáo xứ Phú Xuân- xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) có 221 hộ với 1.065 khẩu. Thực hiện phương châm sống "tốt đời, đẹp đạo", bà con giáo dân Quang Tịnh gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, qui ước của địa phương. Linh mục và hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ luôn nhắc nhở giáo dân bảo ban con cháu học hành, xây dựng nếp sống văn hóa, vừa là người công dân tốt, vừa là người tín hữu mẫu mực.
Ông Trần Văn Quang- Trưởng ban Hội đồng mục vụ (HĐMV) giáo họ Quang Tịnh, cho biết: "Trong 5 năm qua, giáo họ không có các tệ nạn xã hội, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt hơn 75%". Không chỉ ở Quang Tịnh mà ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, cuộc vận động "Sống tốt đời, đẹp đạo" với 10 nội dung được các giáo xứ, dòng tu gắn với phong trào thi đua xây dựng "Giáo xứ tiên tiến, gia đình người công giáo gương mẫu".
Nhiều khu dân cư xứ, họ đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống đạo đức, loại bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo, làng xóm, xứ đạo ngày càng đầm ấm, yên vui. Nhiều giáo xứ, giáo họ liên tục 5 năm liền không có người sinh con thứ 3, như giáo họ Xuân Liễu ở xứ Yên Lạc (Nam Đàn), họ Yên Duệ giáo xứ Cầu Rầm (Tp. Vinh), giáo họ Rú Đất ở giáo xứ Rú Đất (Long Thành, Yên Thành)...
Không chỉ đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đồng bào công giáo tỉnh nhà còn tích cực tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể phù hợp với lứa tuổi như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi... tạo hình ảnh đẹp về tinh thần lương giáo đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Đến nay, trong đồng bào công giáo toàn tỉnh có hơn 35 ngàn gia đình văn hoá, đạt tỷ lệ 65%, 400 khu dân cư tiên tiến, hơn 60 làng văn hoá cấp huyện, cấp tỉnh. Cuộc vận động phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng giáo dân phát triển mạnh. Mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát huy thế mạnh từng vùng, đa dạng hóa các ngành nghề nâng cao hiệu quả kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Điển hình như ở Hưng Nguyên, bà con giáo xứ Kẻ Gai, Mỹ Dụ, Tràng Nứa đã mạnh dạn đưa các giống con vào chăn nuôi như vịt, gà, bò laisind, lợn siêu nạc, dê... bước đầu cho thu nhập 40-50 triệu đồng/ năm. Bà con giáo dân xứ Quan Lạng, xã Hùng Sơn (Anh Sơn) vừa trồng chè công nghiệp, trồng cây nguyên liệu giấy vừa làm nghề phụ mỗi năm cho thu nhập từ 100-140 triệu đồng/hộ.
Làng nghề bánh, bún, mộc, nề ở Tân Sơn, Thượng Cát, Trung Hậu, giáo xứ Sơn La (Đô Lương) thu hút 50% hộ giáo dân tham gia, chiếm 65% tổng thu nhập giáo hộ. Các giáo, xứ huyện Thanh Chương có 113 mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả trải đều ở 17 giáo họ, thu nhập bình quân mỗi năm từ 70-80 triệu đồng/hộ nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên 50% hộ nghèo giảm xuống 15,4%. Huyện Nghi Lộc có gần 600 mô hình kinh tế trên các lĩnh vực. Nổi bật như mây tre xuất khẩu ở Làng Anh, xã Nghi Phong, mô hình trồng hành tăm và thuốc lào ở giáo xứ Nhân Hòa, mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp trồng rừng ở họ Kiều Mộc cho thu nhập bình quân từ 80- 100 triệu đồng/năm... Nhờ cách làm ăn mới, có hiệu quả, đời sống của bà con giáo dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ khá giàu trong đồng bào công giáo tăng từ 29,42% năm 2005 lên 38,4% năm 2010.
Bên cạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hoạt động hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng được bà con hưởng ứng tích cực. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều xứ họ, khu dân cư đã huy động hàng chục ngàn ngày công, đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng với nguyên, vật liệu, tự nguyện giải phóng mặt bằng... phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi khác góp phần làm cho bộ mặt quê hương, xứ họ ngày càng giàu đẹp, văn minh. Điển hình như ở huyện Anh Sơn, giáo họ Quan Lạng có 4 gia đình tự nguyện hiến gần 500m2 đất mở đường trong khu dân cư, bà con giáo dân xã Hùng Sơn tự giác tháo dỡ tường rào, bờ rào, mái che, hiến đất mở rộng đường rộng 12m theo tiêu chí mới. Ở Qui Chính (
Trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bà con giáo dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các qui định của địa phương, cùng nhau xây dựng xứ họ, khu dân cư an toàn làm chủ, tích cực phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt qui ước, hương ước thôn, xóm.
Hoạt động của các tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản ở một số nơi phát huy hiệu quả cao. Các cha xứ, HĐMV xứ, họ và những người có uy tín trong bà con giáo dân đã cùng chính quyền, MTTQ, các ngành kịp thời khuyên răn, giáo dục, giải quyết các vụ việc có lý, có tình, góp phần tạo nên bầu không khí phấn khởi, tình làng nghĩa xóm ngày càng ấm cúng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Điển hình như tại huyện Nghi Lộc, hưởng ứng cuộc vận động "4 xây, 4 không", mục tiêu "3 yên, 3 giảm" và thực hiện tốt "10 điều răn của chúa", đến nay 100% giáo xứ, giáo họ và xóm giáo không để xảy ra tụ điểm phức tạp về ma túy và tệ nạn xã hội. Với 132 ban tự quản, 396 tổ tự quản, bà con giáo dân còn tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ cho thôn xóm bình yên. ANTT được đảm bảo nên đời sống kinh tế văn hóa của đồng bào giáo dân cũng có nhiều đổi thay và phát triển. Số hộ giàu, hộ khá không ngừng tăng lên (chiếm tỷ lệ 40,4%), hộ nghèo giảm xuống còn 19,8%, không có hộ đói.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp từ đời sống vật chất, tinh thần đến giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng chính đáng. Đồng bào công giáo tỉnh ta ngày càng yên tâm, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp sức hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng văn minh, giàu đẹp và bình yên
Quốc Hưng