Bài 2: Tiện ích từ thủ tục hành chính liên thông
Ngành Tư pháp Nghệ An đã và đang phối hợp với các ngành liênquan tăng tốc số hóa thủ tục hành chính, đặc biệt ở các nhóm quan trọng như: khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em, khai tử, giải quyết mai táng phí... Việc liên thông điện tử không chỉ cắt giảm giấy tờ, mà còn giúp người dândântiết kiệm thời gian, côngsức khi giải quyết các thủ tục thiết yếu.

15/04/2025
.png)
Chúng tôi có mặt tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn - địa bàn có hơn 6 km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào, với 11 bản, 1.149 hộ dân thuộc 5 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Đây cũng là địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo 36,9%; dân trí và nhận thức về pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế.

Gặp ông Moong Văn Nhươn, trú tại bản Na Vang, xã Tà Cạ cùng vợ đến Bộ phận Một cửa UBND xã Tà Cạ làm các thủ tục xác nhận thông tin về cư trú, ông cho hay: Kể từ khi Nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính thông qua môi trường điện tử, người dân đi làm thủ tục xác nhận đã thuận tiện hơn rất nhiều, không mất nhiều thời gian nộp hồ sơ và chờ trả kết quả như trước.
-47951edd6428b593f9e3d753945b0c82.png)
huyện Kỳ Sơn chia sẻ với P.V. Ảnh: Tiến Đông
Bà Bùi Thị Nga - công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết: Việc ứng dụng “công nghệ số” tại UBND xã đã mang lại những thay đổi tích cực đáng kể. Người dân giờ đây có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại. Các cơ quan hành chính cũng nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của người dân, chất lượng kết nối internet và năng lực của cán bộ. Để phát huy tối đa hiệu quả của công cụ số, cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo an toàn thông tin.
Bà La Thị Hồng Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ chia sẻ: Sau một thời gian triển khai, địa phương đã thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và đồng bộ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 100% nhân khẩu thường trú, bổ sung định danh cha mẹ phục vụ cấp căn cước cho công dân, cũng như các đối tượng thuộc diện chính sách an sinh xã hội.
Hiện nay, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư của Bộ Công an được liên kết với hệ thống một cửa nên việc sử dụng cũng rất thuận tiện. Đặc biệt, quy trình nghiệp vụ phối hợp giữa các đơn vị Tư pháp, Công an, BHXH đã được thực hiện tốt.
Sau khi công chức Tư pháp- Hộ tịch cấp xã thực hiện việc đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh cho trẻ, thì đồng thời hướng dẫn công dân lập hồ sơ đăng ký thường trú kèm lệ phí chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền.
Các cơ sở dữ liệu trẻ em cũng được cập nhật đầy đủ trên hệ thống; làm sạch dữ liệu tiêm chủng, cập nhật, xác thực, đồng bộ thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, 100% hồ sơ của công dân tiếp nhận qua bộ phận một cửa đã được tiến hành số hóa. Địa phương cũng thực hiện nghiêm việc không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp các loại giấy tờ, thông tin đã được số hóa, đã có trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư theo quy định; thực hiện việc tiếp nhận, xử lý 100% hồ sơ trực tuyến, không có trường hợp tiếp nhận giải quyết hồ sơ muộn, chậm trong tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.
Ở xã Tà Cạ, từ thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, nên trong năm 2024 Bộ phận Một cửa của UBND xã đã tiếp nhận 588 hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến, trong đó, có 106 hồ sơ khai sinh; 22 hồ sơ khai tử; 39 hồ sơ đăng ký kết hôn; 233 hồ sơ chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. Triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính (khai sinh, khai tử), toàn xã đã tiếp nhận 70 bộ hồ sơ liên thông.

Bà La Thị Hồng Văn cũng cho biết, địa phương đã niêm yết đầy đủ, công khai các thủ tục hành chính theo quy định; bố trí đủ số ghế ngồi chờ, bàn để viết, máy tính có kết nối mạng cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch và lắp camera theo dõi toàn bộ khu vực làm việc của Bộ phận Một cửa của UBND xã.
Theo ông Lầu Bá Chò - Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Kỳ Sơn: Thực hiện Đề án 06, phòng đã thường xuyên theo dõi, giám sát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử của công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã thị trấn. Qua đó, kịp thời có giải pháp chỉ đạo hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai đảm bảo thời gian, tiến độ đề ra.

Trong năm 2024, Phòng Tư pháp đã tham mưu UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo triển khai thực hiện tốt việc khai thác 3 dịch vụ công thiết yếu. Trong đó, đăng ký khai sinh là 218 hồ sơ; đăng ký kết hôn là 255 hồ sơ; đăng ký khai tử là 39 hồ sơ. Triển khai thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh là 563 hồ sơ; Đăng ký khai tử là 67 hồ sơ.
.png)
Trước đây, người dân khi thực hiện các thủ tục như đăng ký khai sinh thường phải đi lại nhiều lần giữa các cơ quan để hoàn tất hồ sơ. Tuy nhiên, với hệ thống liên thông điện tử, quy trình này đã được tối ưu hóa.
Chỉ với 1 lần nộp hồ sơ tại UBND cấp xã, toàn bộ dữ liệu sẽ được cập nhật đồng thời tại các cơ quan liên quan như Công an, Bảo hiểm xã hội. Đối với thủ tục đăng ký khai tử và các bước liên quan như xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, hệ thống liên thông giúp giảm đáng kể thời gian xử lý.
Thay vì phải đến nhiều cơ quan, người dân chỉ cần thực hiện 1 lần khai báo, các cơ quan Nhà nước sẽ tự động phối hợp xử lý hồ sơ một cách nhanh chóng. Quy trình xử lý hồ sơ được số hóa, tránh tình trạng thất lạc giấy tờ hay kéo dài thời gian xử lý. Cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin, giảm tình trạng hồ sơ trùng lặp hay sai sót dữ liệu.

Đặc biệt, mới đây thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và công văn hướng dẫn của Sở Tư pháp về triển khai quy trình đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã theo Quyết định số 309/QĐ-BTP ngày 10/3/2023 của Bộ Tư pháp. Người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục trên có thể truy cập Cổng Dịch vụ công Nghệ An tại địa chỉ https://dichvucong.nghean.gov.vn.
Sau khi đăng nhập, người dùng chọn cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền và tiến hành nộp hồ sơ trực tuyến theo hướng dẫn. Mặt khác, theo Nghị định số 07/2025/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 9/1/2025) khi đăng ký kết hôn, công dân không cần nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Thay vào đó, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ tự tra cứu thông tin trên hệ thống để xử lý hồ sơ.

Việc triển khai đăng ký kết hôn và xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến tại Nghệ An đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.
Tại huyện Nam Đàn, công tác tuyên truyền thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông đăng ký kết hôn và cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, chứng thực điện tử, hướng dẫn người dân các bước nộp hồ sơ trực tuyến được triển khai dưới nhiều hình thức (hệ thống truyền thanh, bảng biểu, tờ rơi, áp phích, mạng xã hội…).

Theo bà Lê Thị Phương Thảo - Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Nam Đàn: Nhiều địa phương đã có các cách làm hay như phát động phong trào “Thanh niên tiên phong chuyển đổi số”, phân công đoàn viên trực tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã để hỗ trợ, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến; niêm yết mã QR tại Bộ phận Một cửa các cấp để người dân có thể dễ dàng đăng nhập vào các hồ sơ trực tuyến…
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo quán triệt tới cán bộ, công chức Ngành Tư pháp trên địa bàn khi giải quyết thủ tục hành chính phải đảm bảo 100% thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài việc triển khai liên thông điện tử đối với các nhóm thủ tục hành chính quan trọng, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc thực hiện chia sẻ dữ liệu tử vong giữa 2 ngành Tư pháp và Y tế cũng được nghiêm túc thực hiện, giúp tiết kiệm nguồn lực, công sức của cán bộ chuyên trách cũng như đảm bảo tính chính xác, đồng nhất, kịp thời của số liệu giữa hai bên. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã đăng ký khai tử 11.084 trường hợp, tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn đã tăng từ 55% (tháng 4) lên 64% (tháng 12)…
Lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết: Sau thí điểm thành công tại Thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, từ ngày 10/7/2023, cùng với toàn quốc, Nghệ An triển khai liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký khai sinh, thường trú, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 08/7/2023 của Chính phủ.
Để triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh, Sở Tư pháp đã tạo hơn 1.000 tài khoản hộ tịch điện tử cho lãnh đạo, công chức Văn phòng - Thống kê thuộc UBND cấp xã; tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tiếp lẫn trực tuyến cho công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp các ngành lập nhóm hỗ trợ thực hiện liên thông cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
.jpg)
Phòng Tư pháp các huyện cũng thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền về tiện ích liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính. Đồng thời, tham mưu UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo bố trí trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử như: máy scan, thiết bị ký số bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử...
Ngay trong ngày đầu triển khai, tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận hồ sơ liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ. Để đánh dấu mốc quan trọng này, Tổ Giúp việc Đề án 06 của tỉnh đã phối hợp với Tổ Công tác Đề án 06 huyện Tân Kỳ tổ chức Lễ trao kết quả TTHC liên thông cho công dân đầu tiên của tỉnh Nghệ An.
Sự kiện đã có sức lan tỏa rộng khắp tới các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, sau đó, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai thành công liên thông 2 nhóm TTHC và tổ chức trao kết quả cho công dân đầu tiên trên địa bàn.

Với sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương giữa các ngành: Tư pháp, Công an, Bảo hiểm xã hội, sau hơn 1 năm triển khai, việc thực hiện liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính đã từng bước đi vào nề nếp, 100% đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ; các thao tác nghiệp vụ của công chức tư pháp (ký số, cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử…) cơ bản thành thạo, bài bản.
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận nhận 95.279 hồ sơ, tiếp tục duy trì là một trong những tỉnh có số lượng hồ sơ giải quyết liên thông 2 nhóm thủ tục hành chính lớn nhất cả nước
Bà Bùi Thị Thu Hiền - chuyên viên Phòng Hành chính Tư pháp (Sở Tư pháp Nghệ An) cho biết: Việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm TTHC không chỉ giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho người dân mà còn giúp cơ quan Nhà nước quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân, khắc phục tình trạng trẻ em đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu hoặc cấp Thẻ BHYT, người chết không được xóa khẩu, hưởng chế độ theo quy định.
Cũng từ việc triển khai mô hình liên thông này, đã tạo sự gắn kết giữa các cơ quan có liên quan khi giải quyết thủ tục hành chính (Bộ phận Tư pháp - Hộ tịch xã, Công an xã, phường và cơ quan Bảo hiểm xã hội). Qua đó, góp phần đơn giản hóa thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước.