Bài 2: Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

21/07/2015 07:28

(Baonghean) - Với khung pháp lý ngày càng được hoàn thiện, thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam hiện đang được bổ sung nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới, tăng tính cạnh tranh của các thành viên tham gia thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong đó, đáng chú ý là Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy nhanh triển khai chính sách BH theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP giúp ngư dân vươn khơi bám biểm, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Việc triển khai chính sách BH này đang được thực hiện tại 21/28 tỉnh. Đến nay, đã có 30.428 thuyền viên và 2.555 tàu được BH với tổng giá trị được BH là 6.309 tỷ đồng.

Tham gia bảo hiểm nông nghiệp,   người nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: P.H
Tham gia bảo hiểm nông nghiệp, người nông dân yên tâm sản xuất. Ảnh: P.H

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 97/2015/TT-BTC ngày 23/6/2015, trong đó sửa đổi Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 115/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, theo hướng bỏ nội dung xác nhận giá trị tàu và mẫu xác nhận giá trị tàu của UBND cấp xã; bám sát tình hình triển khai tại từng địa phương để có những giải pháp thích hợp, kịp thời, đảm bảo việc thực hiện chính sách BH này mang lại hiệu quả cao - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát BH Nguyễn Quang Huyền cho biết.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chương trình BH nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg sau 3 năm đã được thực hiện tại 20 tỉnh, thành phố (65 huyện, 748 xã) có 304.017 hộ dân tham gia BH, giá trị BH cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 7.748 tỷ đồng, số tiền bồi thường là 713 tỷ đồng, góp phần thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện BH nông nghiệp và mở rộng triển khai BH vật nuôi tại Hà Giang, trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định tiếp tục triển khai thí điểm BH nông nghiệp (có mở rộng triển khai BH vật nuôi tại Hà Giang).

Đẩy mạnh triển khai các loại hình bảo hiểm bắt buộc

Trong các loại hình BH, có hai hình thức BH được Chính phủ quy định bắt buộc thực hiện là BH trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cháy nổ. Đầu năm 2015, Cục Quản lý, giám sát BH - Bộ Tài chính và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an đã ký chương trình phối hợp đẩy mạnh thực hiện chế độ BH cháy nổ bắt buộc giữa Cục Quản lý, giám sát BH và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Chương trình phối hợp này nhằm nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về công tác BH cháy nổ bắt buộc là rất quan trọng, đồng thời tăng cường phối hợp triển khai thực hiện, chia sẻ thông tin và tập huấn chính sách, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý trong triển khai thực hiện BH cháy nổ bắt buộc để việc thực hiện chế độ này mang lại hiệu quả cao hơn - Phó cục trưởng Nguyễn Quang Huyền nói.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đã tăng quyền lợi của người tham gia giao thông trong thực hiện chế độ BH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Có thể nói, BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới đã có những đóng góp nhất định trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Theo đó, tất cả những người tham gia giao thông không may gặp tai nạn đều được BH hỗ trợ, bồi thường thông qua BH bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới theo quy định tại NĐ 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người là 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là 40 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe mô tô, xe máy gây ra và 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn do xe ô tô gây ra

Trong điều kiện giá cả và chi phí tăng cao thì mức trách nhiệm này không đủ để người bị tai nạn (hoặc gia đình người bị nạn) bảo đảm về tài chính, ổn định cuộc sống và sản xuất kinh doanh khi không may gặp rủi ro, do đó cần nghiên cứu tăng mức trách nhiệm BH. Cục QLBH đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Hiệp hội Vận tải Việt Nam và các hợp tác xã vận tải, Hiệp hội BH Việt Nam, các DNBH tổ chức hội thảo để trao đổi, thảo luận, đánh giá cụ thể về các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hiện hành, theo hướng tăng mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người lên 100 triệu đồng. Đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH thu thập hồ sơ tai nạn từ các cơ quan công an, hồ sơ bệnh án từ bệnh viện để nhanh chóng bồi thường cho chủ xe và người bị thiệt hại - Tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt Nguyễn Kim Bằng nhận xét.

Tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách BH

Bên cạnh việc quản lý, giám sát chặt chẽ, thông thoáng để tạo điều kiện cho các loại hình BH phát triển, cơ quan quản lý BH hiện đang nghiên cứu đưa ra thị trường các loại hình sản phẩm mới như BH trong hoạt động đầu tư xây dựng, BH hưu trí, BH vi mô, BH thiên tai, BH năng lượng nguyên tử, chính sách thuế,...Trong công tác đăng ký, phê chuẩn các sản phẩm BH mới, hiện đã có 27 sản phẩm BHNT mới, 7 sản phẩm được sửa đổi, bổ sung; trong lĩnh vực BH phi nhân thọ, đã chấp thuận đăng ký điều chỉnh quy tắc, điều khoản, biểu phí BH vật chất xe cơ giới của 25/25 DN; phê chuẩn sản phẩm BH sức khỏe của 7 DN,...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc DNBH theo Quyết định 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Quyết định này và căn cứ báo cáo tài chính đã được kiểm toán của các DNBH, Bộ Tài chính đã xếp loại các DNBH năm 2014. Tính đến hết tháng 5/2015, có 46/47 DNBH đáp ứng yêu cầu an toàn tài chính, khả năng thanh toán, chỉ có duy nhất 1 DNBH đang thực hiện tái cấu trúc (để đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ) để đáp ứng các quy định, đạt được kết quả kinh doanh theo đúng kế hoạch. Bộ Tài chính thường xuyên giám sát, đôn đốc các DNBH triển khai thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại theo Thông tư 195/2014/TT-BTC hướng dẫn đánh giá, xếp loại DNBH để kịp thời xử lý hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời tiếp tục thực hiện nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh (củng cố, sắp xếp lại bộ máy, mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin,...) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh BH (phát triển sản phẩm, kênh phân phối,...), tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp (thoái vốn, tăng cường quản lý, giám sát, điều hành...).

Đồng thời, quan hệ và hợp tác giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, đặc biệt hợp tác quốc tế với IAIS, ASEAN, WB, ADB, FSA, FSS ngày càng đi vào thực chất trên các lĩnh vực đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ, quản lý, giám sát, thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tài trợ, hỗ trợ cho các chương trình BH mục tiêu như BH nông nghiệp, BH thiên tai, BH năng lượng nguyên tử, BH tín dụng xuất khẩu; xây dựng cơ chế chính sách/khuôn khổ pháp lý... Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cơ quan công chúng về ý nghĩa và sự cần thiết của BH trong đời sống kinh tế xã hội được thực hiện kịp thời, đa dạng dưới nhiều hình thức và cho nhiều đối tượng khác nhau (thông tin cho Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, cho các DNBH và cho người dân - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh khẳng định.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bài 2: Tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO