Bài 2: Vay quyền ả, trả quyền em?

(Baonghean) - “Hồ sơ xong cả rồi, nhưng ngành điện vẫn có những đòi hỏi vô lý như rứa thì bằng đánh đố chúng tôi… biết rứa thì không bàn giao tài sản cho điện lực”, đó là bức xúc của ông Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (Nam Đàn) khi nói về việc phải làm lại hồ sơ để nhận tiền hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn theo yêu cầu của ngành điện.

>>Bài 1: Ở đâu cũng... mất an toàn!

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều lãnh đạo xã và cả những người dân ở những nơi đã hoàn thành việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện nhưng chưa được hoàn trả số tiền mà họ đã đóng góp để xây dựng lưới điện nông thôn trước khi bàn giao, mặc dù hồ sơ định giá và các thủ tục đã hoàn tất từ lâu.

Đến xã Hưng Xuân - xã duy nhất của huyện Hưng Nguyên chưa bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện (mới đồng ý nhưng chưa hẹn ngày bàn giao cụ thể), ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hạ tầng lưới điện nông thôn ở xã chúng tôi là do người dân đóng góp xây dựng nên, kể cả trạm biến áp. Năm 2009, chúng tôi đã chuyển giao trạm biến áp (trị giá vào thời điểm đó khoảng 250 triệu đồng) cho ngành điện, thế nhưng đến nay họ vẫn chưa hoàn trả tiền. Hiện xã viên HTX chúng tôi đã đầu tư vào hạ tầng điện rất nhiều, nên nhiều người sợ rằng khi bàn giao cho ngành điện thì không được thanh toán lại. Một số xã viên thì chưa đồng ý bàn giao, muốn khai thác thêm một thời gian, một số thì muốn ngành điện phải hoàn trả lại tiền trạm biến áp trước khi bàn giao lại lưới điện. Nói chung, chủ trương chuyển giao là đúng, nhưng vẫn còn trở ngại trong chuyện thanh quyết toán!”.

Ông Nguyễn Ngọc Chiến - Ủy viên Ban Quản trị HTX, phụ trách quản lý điện xã Hưng Xuân tiếp lời: Bàn giao lưới điện là đúng, nhưng các khoản vật tư do nhân dân đóng góp để xây dựng lưới điện thì ai chịu trách nhiệm hoàn trả? Trả vào lúc nào? Cần phải làm rõ và giải thích cho người dân một cách thấu tình, đạt lý.

Còn ở Nam Đàn, một trong những huyện có nhiều xã hoàn thành sớm việc chuyển giao lưới điện nông thôn, thì ngoài việc bức xúc về chất lượng, sự an toàn của lưới điện, một vấn đề mà năm nào, cuộc họp nào từ xã đến huyện, các cử tri đều phản ánh là ngành điện chưa chịu hoàn trả tiền lưới điện nông thôn cho các xã đã bàn giao theo quy định.

Đường dây điện trần chạy sát mái nhà ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn).

Ông Nguyễn Hồ Bá -Trưởng phòng Công thương huyện Nam Đàn cho biết: Năm 1998, xã Vân Diên là đơn vị làm điểm của tỉnh thực hiện bàn giao lưới điện hạ thế cho ngành điện và đến năm 2009 đã thực hiện bàn giao lưới điện hạ thế của 17 xã cho ngành điện với giá trị tài sản còn lại là gần 6 tỷ đồng. Hồ sơ bàn giao đã làm đầy đủ từ năm 2009, nhưng đến nay, vẫn chưa có xã nào nhận được tiền hoàn trả vốn. Người dân kêu nhiều, huyện cũng đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Công thương chỉ đạo Công ty Điện lực Nghệ An hoàn trả kinh phí bàn giao lưới điện hạ áp của các xã đã bàn giao cho ngành điện nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Có lần tôi hỏi ông Hiển - Phó Giám đốc Điện lực thì ông trả lời: Phụ thuộc vào Quốc hội (?!). Mới đây, Sở Tài chính có hướng dẫn các huyện cung cấp hồ sơ để thẩm định lại, tôi cho rằng việc này là vô lý, vì hồ sơ khi bàn giao đã lập rồi, tài sản cũng đã bàn giao rồi.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Bình - chuyên viên phòng Công thương huyện Nam Đàn, ông Bình cho biết: “Tôi vừa đi trình hồ sơ hoàn trả vốn của xã Nam Tân ở Điện lực Nghệ An về, đây là bộ hồ sơ làm mẫu mà làm đi làm lại 3 lần rồi họ vẫn bắt phải chỉnh sửa lại. Trong khi đã có biên bản đánh giá tài sản của các bên liên quan lúc bàn giao, giờ họ đòi có phiếu thu, danh sách thu tiền, xác định nguồn vốn có phải của dân hay không. Đòi hỏi như thế thì không bao giờ làm được vì hồ sơ gốc của HTX lưu quá lâu rồi (từ khi làm đường điện đến nay đã trên 20 năm)”.

Về Xuân Hòa, gặp ông Trần Hữu Khuông - Chủ tịch UBND xã, không dấu được sự bức xúc khi nói về việc hoàn trả tiền lưới điện nông thôn, ông nói với chúng tôi: Ngành điện đang làm khó cho xã, khi bàn giao, lập giá trị tài sản, có cả điện lực và xã cùng tham gia, giờ yêu cầu hồ sơ gốc khi góp vốn xây dựng đường điện là vô lý. Dân bức xúc vì họ bỏ tiền xây dựng đường điện nhiều, khi định giá thì quá rẻ, có tài sản chỉ định giá còn khoảng 5%. Lúc định giá huyện cũng bỏ mặc xã… Giờ lại còn đòi hồ sơ gốc đầy đủ mới hoàn trả tiền!

Không chỉ riêng Nam Đàn, tất cả những địa phương trên địa bàn tỉnh đã bàn giao lưới điện nông thôn, đến thời điểm này vẫn chưa được hoàn trả lại số tiền đầu tư của người dân sau khi bàn giao cho ngành điện. Nhiều người dân và lãnh đạo các địa phương đã phàn nàn việc chậm trễ thanh toán đã gây thiệt hại cho người dân vì giá trị đồng tiền từ khi bàn giao đến nay đã có sự trượt giá quá lớn, và với những thủ tục nhiêu khê như vậy thì không biết bao giờ mới được thanh toán!

Biên bản bàn giao lưới điện của xã Nam Lộc cho Điện lực Nghệ An.

Trong khi đó, tại Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BCT-BTC, ra ngày 3/2/2010, hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn đã nêu rõ: Căn cứ quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công ty điện lực nhận bàn giao công trình lưới điện hạ áp nông thôn nào thì thực hiện hoàn trả trực tiếp cho bên có công trình lưới điện bàn giao theo hồ sơ nhận bàn giao. Đối với các công trình lưới điện hạ áp nông thôn do huy động vốn góp của dân thì Công ty Điện lực chuyển tiền cho UBND xã nơi có công trình lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao để UBND xã hoàn trả cho từng người dân có góp vốn. Việc hoàn trả vốn cho các chủ đầu tư thực hiện chia đều trong 3 năm kể từ năm 2010 đến hết năm 2012. Kết thúc việc hoàn trả vốn trước ngày 31 tháng 12 năm 2012.

Nguồn vốn hoàn trả cũng được quy định rõ tại thông tư này: Các công ty điện lực sử dụng nguồn vốn khấu hao trong các năm 2010, 2011, 2012 để hoàn trả vốn cho bên giao hoặc UBND xã (đối với các lưới điện hạ áp nông thôn đầu tư từ nguồn vốn đóng góp của dân).

Thế nhưng, mãi đến ngày 27/6/2013, Công ty Điện lực Nghệ An mới có văn bản số 1055/PCNA-P2 gửi các chủ tài sản thuộc đối tượng hoàn trả về việc lập hồ sơ hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn đã bàn giao cho ngành điện, do chưa nhận được hồ sơ để trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Hội đồng đấu giá tỉnh theo quy định.

Ngày 11/7/2013, Điện lực Nghệ An lại tiếp tục có công văn gửi các huyện đốc thúc việc hoàn thành hồ sơ chậm nhất trước ngày 20/7/2013 để thẩm định và trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt.

Một câu hỏi đặt ra là, trong một thời gian dài, tại sao Điện lực Nghệ An không đốc thúc, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ, để rồi, chỉ trong một thời gian ngắn lại liên tiếp ra các công văn và yêu cầu trong một thời gian ngắn phải hoàn thiện và nộp hồ sơ (với những yêu cầu theo kiểu đánh đố). Phải chăng, đây là những công văn có tính chất đối phó của Điện lực Nghệ An, bởi, trước đó, ngày 21/6/2013, sau cuộc họp với các ngành liên quan, Sở Tài chính đã có một thông báo, trong đó có ghi: “Trong thời gian qua, Công ty Điện lực Nghệ An và các ngành liên quan (Sở Tài chính, Sở Công thương, Hội đồng định giá tài sản lưới điện hạ áp nông thôn tỉnh Nghệ An) đã tích cực phối hợp thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận và hoàn trả các công trình lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh của các tổ chức, đơn vị bàn giao cho ngành điện theo chủ trương của Nhà nước và UBND tỉnh. Tuy nhiên cho đến nay, công tác bàn giao, tiếp nhận và hoàn trả kinh phí chưa đạt hiệu quả cao, chậm so với tiến độ yêu cầu của UBND tỉnh do trong quá trình bàn giao, tiếp nhận còn nhiều vướng mắc liên quan đến hồ sơ tiếp nhận”.

Bài, ảnh: Đức Chuyên - Nhật Lân

tin mới

Doanh nghiệp thủy sản Nghệ An chưa mặn mà với vốn vay ưu đãi

Doanh nghiệp thủy sản Nghệ An chưa mặn mà với vốn vay ưu đãi

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, nguồn tín dụng lãi suất tốt dành cho các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói chung khá dồi dào. Chương trình được kỳ vọng tạo đà bứt phá cho xuất khẩu những tháng cuối năm, tuy nhiên cho đến thời điểm này, doanh nghiệp không mặn mà.

Vườn ươm ‘cây xoá nghèo’ ở xã vùng biên Nghệ An

Vườn ươm ‘cây xoá nghèo’ ở xã vùng biên Nghệ An

(Baonghean.vn) - Sinh kế chủ yếu của người dân xã biên giới Ngọc Lâm (Thanh Chương) là trồng keo. Từ trước đến nay người dân phải đi mua cây keo giống ở địa phương khác với giá và chi phí khá cao. Nay chính quyền và nhân dân quyết vay vốn xây vườn ươm giống cây trồng nguyên chủng tự phục vụ.

Thi công xử lý đoạn nền móng yếu

Đẩy nhanh tiến độ thi công đường N5 giai đoạn 2

(Baonghean.vn) - Theo thông tin từ Ban quản lý dự án Khu kinh tế Đông Nam: Giai đoạn 2 đường N5 có chiều dài khoảng 5 km từ Quốc lộ 1A, xã Nghi Long đến đường ven biển xã Nghi Quang thực hiện được gần 70% khối lượng và phấn đấu cuối năm 2023 sẽ được hoàn thành nghiệm thu và bàn giao.

Nghệ An sẽ quản lý thuế hộ kinh doanh trên nền tảng số

Nghệ An sẽ quản lý thuế hộ kinh doanh trên nền tảng số

(Baonghean.vn) - Theo lộ trình Tổng cục Thuế giao, Cục Thuế tỉnh Nghệ An sẽ triển khai chức năng bản đồ số hoá hộ kinh doanh vào giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 01/02/2024. Bản đồ số hộ kinh doanh được đánh giá là một trong những giải pháp quản lý kinh doanh hiệu quả trên nền tảng số.

Cảng hàng không quốc tế Vinh

Cảng Hàng không Quốc tế Vinh thông báo mời tham gia lựa chọn đơn vị hợp tác kinh doanh

(Baonghean.vn) - Cảng hàng không quốc tế Vinh - Chi nhánh Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam có kế hoạch tổ chức lựa chọn rộng rãi đơn vị hợp tác kinh doanh đối với mặt bằng kinh doanh máy bán hàng tự động tại khu vực nhà ga hành khách quốc nội Cảng hàng không Vinh với các nội dung sau:

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ TP Vinh. Ảnh: Hải An

Hàng lậu, hàng giả vẫn hoành hành tại Nghệ An

(Baonghean.vn) - Mặc dù đã có sự vào cuộc xử lý từ các lực lượng chức năng, tuy nhiên, vấn nạn hàng lậu, hàng giả ở Nghệ An vẫn hoành hành, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.