Bài 2: Vì sao người trồng mía luôn phải chịu thua thiệt?

18/07/2013 18:50

>> Bài 1: Những bất cập và thiệt thòi của người trồng lúa

(Baonghean) - Hiện nay toàn tỉnh đang trồng 27.200 ha mía cung cấp nguyên liệu cho 3 nhà máy chế biến đường với tổng sản lượng mía xấp xỉ 1,5 triệu tấn/năm. Vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh hiện nay là Phủ Quỳ với diện tích 18.900 ha, trên địa bàn các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn và một phần của huyện Quỳnh Lưu.

Phần lớn diện tích trồng mía là đất gò đồi, đất đồi vệ dưới các triền núi thấp và đất trồng các loại cây hoa màu. Loại đất này thường gặp hạn hán nặng trong mùa khô, ngập úng tạm thời trong mùa mưa lụt, gãy cây trong mùa gió bão. Do tác động của nhiều yếu tố nên năng suất mía đang ngày càng giảm mạnh, năm 2005 đạt 68 tấn/ha, năm 2008 xuống còn 58 tấn/ha, năm 2012 chỉ còn 55 tấn/ha và dự báo năm 2013 sẽ khó đạt được năng suất 50 tấn/ha.

Người trồng mía đang lo lắng nghề trồng mía sẽ đi về đâu khi năng suất mía cứ giảm dần vì nắng hạn, sâu bệnh, mức độ đầu tư thâm canh bị hạn chế. Việc bao tiêu sản phẩm thì doanh nghiệp áp dụng cơ chế thu mua theo hợp đồng hàng năm. Giá cả thu mua mía không tính theo chi phí sản xuất mà tính theo giá đường lên xuống trên thị trường. Theo bà con nông dân ở các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn thì chưa bao giờ Nhà máy đường Tate & Lyle kéo dài thời gian thu mua mía từ đầu tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau như vụ ép 2012 - 2013 vừa qua. Nông dân phải bán với giá chỉ 870.000 đồng/tấn mía cây, thấp thua 50.000 đồng/tấn so với giá mua trước đây, sau đó lại tiếp tục giảm giá với lý do mía trổ cờ, mía bị sâu bệnh…

Khi giá đường trong nước giảm nhưng nhà máy vẫn phải mua mía cho nông dân theo hợp đồng đã ký, phần lãi thu được sau chế biến đường thấp. Việc kéo dài thời gian thu mua mía của nông dân nên vụ mía vừa qua phần lớn diện tích mía chưa chặt bán được sau ngày 30/3 trở đi đã đồng loạt trổ cờ làm thất thu năng suất mía từ 12 - 15%. Một số diện tích mía sang tháng 4 vẫn chưa được nhà máy thu mua, gặp nắng hạn gay gắt, gió Lào về sớm làm cho mía chết khô, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Người trồng mía nản lòng khi năm nào cũng có từ 6.000 - 7.000 ha mía bị căn bệnh chồi cỏ, thu hoạch không đáng kể. Những năm giá đường lên cao, nhà máy thu mua mía với giá 910.000 - 920.000 đồng/tấn. Còn vụ ép năm nay, giá đường bán buôn trong nước xuống thấp, dao động trên dưới 14.000 đồng/kg thì nhà máy chỉ mua mía cao nhất với giá 870.000 đồng/tấn nhưng cũng không mặn mà.


Mía chờ nhập ở Công ty mía đường Sông Con. Ảnh: C.S

Ông Phan Văn Tân, một nông dân ở xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn, người có nhiều năm trồng mía bán cho Nhà máy đường Tate & Lyle buồn bã nói: "Nếu có cây gì thay được cây mía trên đất này thì chúng tôi bỏ cây mía để trồng cây đó ngay. Vài ba năm nay năng suất mía ngày càng thấp, phần thì do hạn, phần thì bị bệnh chồi cỏ phát triển mạnh, đến khi thu hoạch lại bị nhà máy đường ép cấp, ép giá không chịu mua cho, cuối cùng chúng tôi là người chịu thiệt thòi nhiều nhất". Sơ bộ tính toán ở vùng trồng nhiều mía cho thấy: Bình quân chi phí để trồng 1 ha mía từ khi làm đất đến khi thu hoạch xong, hết 30.600.000 đồng. Năng suất mía bình quân hiện nay 55 tấn/ha, bán với giá 870.000 đồng/tấn, sẽ cho thu nhập 47.850.000 đồng. Lãi ròng trên 1 ha mía sau khi trừ chi phí sản xuất được 17.250.000 đồng.

Người trồng mía được hưởng lợi như vậy, còn nhà máy chế biến đường thì sao? Năm nào giá bán buôn đường trên thế giới và trong nước cao thì năm đó nhà máy chế biến đường thu lãi lớn. Ví dụ, vụ ép năm 2009 - 2010 và vụ ép năm 2010 - 2011 giá đường bán buôn trong nước từ 16.500 - 17.000 đồng/kg, trong khi đó giá thu mua mía của bà con nông dân chỉ trên dưới 910.000 đồng/tấn. Bình quân 1 tấn mía nguyên liệu của các giống mía ROC10, ROC11, Quế Đường, F158 chế biến được 100kg đường (tỷ lệ 10%).

Tiền mua 1 tấn mía tối đa là 910.000 - 920.000 đồng, cộng với tiền vận chuyển, tiền lương, khấu hao máy móc… tất cả là 1.340.000 - 1.350.000 đồng, giá thành sản xuất 1 kg đường từ 13.400 - 13.500 đồng. Nếu bán đường với giá như các năm 2010 - 2011 từ 16.500 - 17.000 đồng/kg thì nhà máy thu lãi từ 3.100 – 3.500 đồng/kg đường, một nguồn lợi không nhỏ với một nhà máy mỗi năm cho ra sản phẩm cả ngàn tấn đường, chưa kể tiền bán cồn và mật rỉ. Riêng vụ ép năm nay do giá đường bán buôn trong nước chỉ có 13.800 - 14.000 đồng/kg thì mỗi kg đường sản xuất ra nhà máy chỉ thu lãi ròng được từ 400- 500 đồng.

Còn tầng lớp buôn bán đường trung gian như các thương lái, nhà hàng, siêu thị mua đường từ nhà máy với giá 13.800 - 14.000 đồng/kg, bán tận tay người tiêu dùng trên thị trường Nghệ An hiện tại là 17.500 - 18.000 đồng/kg. Như vậy tầng lớp buôn bán trung gian chỉ mua đi, bán lại đã thu lãi ròng trên mỗi kg đường từ 3.700 - 4.000 đồng.
Những năm gần đây diễn biến thời tiết bất lợi cho cây mía và đang có xu thế ngày càng bất lợi hơn. Hạn hán ngày càng gay gắt, như vụ mía vừa rồi có đến gần 8.000 ha mía ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ sang tháng 4 chưa thu hoạch xong gặp nắng nóng và gió Lào làm thân, lá khô cháy, năng suất mía giảm nghiêm trọng. Mùa mưa to, gió mạnh thì cây bị đổ gãy làm giảm cả năng suất lẫn chất lượng mía.

Đáng lo ngại nhất là bệnh chồi cỏ đang có xu thế phát triển mạnh ở hầu hết các vùng trồng mía trong tỉnh, nhiều nhất hiện nay tập trung ở vùng mía Phủ Quỳ. Cho đến nay chưa có loại thuốc đặc hiệu nào chữa trị được bệnh này. Vụ mía vừa qua toàn tỉnh đã có trên 7.000 ha mía bị bệnh chồi cỏ, nhiều gia đình trồng mía ở các xã Nghĩa Xuân, Nghĩa Khánh, Nghĩa An, Nghĩa Hưng huyện Nghĩa Đàn không có thu hoạch vì mía bị bệnh chồi cỏ.

Cái khó của người trồng mía là sản phẩm làm ra chỉ có một thị trường tiêu thụ duy nhất là nhà máy chế biến đường đóng trên địa bàn. Bởi vậy, việc thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy chế biến đường còn bị ép cấp, ép giá, chưa thật sự coi trọng lợi ích hài hòa của hai bên (nông dân và nhà máy) để duy trì tính bền vững của vùng nguyên liệu mía. Người nông dân nếu không bán mía cho nhà máy thì để lâu mía sẽ hỏng, không có thu nhập nên buộc phải bán dù với giá thấp. Còn nhà máy chế biến đường tự định giá thu mua mía cho nông dân sao cho có lãi càng nhiều càng tốt.

Năm nào giá đường bán buôn trong nước và giá đường xuất khẩu cao thì giá thu mua mía cho người nông dân có cao hơn và năm đó nhà máy thu mua mía rất nhanh. Ngược lại như vụ ép năm 2012 - 2013 này do giá đường trong nước và thế giới giảm nên nhà máy thu mua mía với giá bèo bọt lại kéo dài thời gian thu mua từ đầu tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Chừng nào người trồng mía còn phải chịu thua thiệt về lợi ích thì vùng mía nguyên liệu khó phát triển bền vững.
(Còn nữa)


Doãn Trí Tuệ

Bài 2: Vì sao người trồng mía luôn phải chịu thua thiệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO