Bài 3: Hé lộ đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em

18/04/2012 15:10

Phóng sự điều tra

(Baonghean) - Với giá bán một phụ nữ tại Trung Quốc từ 40-50 vạn tệ (120-160 triệu đồng Việt Nam), có thể nói không có "mặt hàng" nào lãi bằng việc lừa bán người. Với những thiếu nữ vùng cao nhẹ dạ, cả tin, bọn buôn người đã lẻn vào các bản vùng sâu, vùng xa dễ dàng lừa bán các em như một món hàng, trong đó không ít bé gái chưa đầy 16 tuổi...

Chúng tôi đến nhà Lô Thị Xôi (SN 1997) ở bản Hồng Điện (Đôn Phục - huyện Con Cuông), người mới bị bán sang Trung Quốc như danh sách của cơ sở báo. Bố của Xôi là Lô Văn Mằn đang ngồi xem ti vi. Chị vợ đang chuẩn bị bữa tối bằng sắn luộc. Anh Mằn không muốn nói chuyện về con, chỉ bảo nó đi làm ăn với o của nó là Lô Thị Năm. Tìm hiểu ra, chúng tôi mới biết: Lô Thị Năm chỉ là o nuôi, chứ không phải o ruột. Theo người dân ở đây cho biết, lẽ ra là Lô Thị Lan (em gái của Lô Thị Xôi) đi, nhưng chắc sau khi "xem mặt gửi vàng", người ta lại đưa Lô Thị Xôi đi. Đặc biệt, cứ 1 phụ nữ đưa đi Trung Quốc, gia đình được trả 30 triệu đồng. Một vài gia đình đang chuẩn bị làm lại nhà từ tiền "bán con".

Trưởng Công an xã Chi Khê, huyện Con Cuông - Quang Văn Định cho biết: Chi Khê từ năm 2011 đến nay có 4 người bị bán sang Trung Quốc, gồm: Trần Thị Hồng (SN 1990) ở thôn Bãi Trang; Lộc Thị Trang (SN 1991), Lê Thị Nhung ở thôn Thiện Thành - Chi Khê; Lô Thị Hiền (SN 1977). Một số đối tượng trong đường dây "buôn người" nổi lên là Lương Thị I. ở thôn Bãi Văn; Phạm Văn B. ở khối 5, Thị trấn Con Cuông và Lao Thị Á hiện đang ở Trung Quốc. Phạm Văn B. là một đối tượng có tiền án tiền sự, từng đưa Vạm Thị Mơ (Lưu Kiền - Tương Dương) đi, may mắn là hồi tháng 3/2012, Vạm Thị Mơ chạy thoát về được.



Đối tượng Vi Thị Khuôn (bản Bà, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn)
có liên quan đến việc lừa đưa người đi Trung Quốc

Đôn Phục - Con Cuông là một điểm nóng về tình trạng "buôn" người. Tại đây, nổi lên các đối tượng nghi vấn: Lô Thị N. (bản Hồng Điện), Vi Thị H. (bản Hồng Thắng), Lương Thị Nh. (SN 1982). Lương Thị Nh có thời gian ở Thanh Hóa, lấy chồng, có một con gái. H và Nh đi từ Trung Quốc về Việt Nam thường xuyên và chỉ về bản vào buổi tối. Ở Đôn Phục, còn có Kha Thị T (bản Pục), đi từ 2006, sau đó còn đưa cả người Trung Quốc về, giới thiệu với mọi người là chồng. Trước đây, T. từng lấy chồng là trai bản, bị chồng đánh đập, hai người đã ly hôn. T đi Trung Quốc về giàu có, đeo nhiều vàng bạc, xã cũng tạo điều kiện làm lại chứng minh thư, làm thủ tục cho xuất cảnh. Đối tượng Lương Thị X. (SN 1961) trú ở bản Hồng Điện (Đôn Phục - Con Cuông), hơn 10 năm về trước, vì không chịu được sự hành hạ tàn nhẫn của người chồng vũ phu, nát rượu, đã trốn sang Trung Quốc và chung sống với 1 người Hoa. Đến năm 2004, X. trở về cùng với chồng Trung Quốc và đón 2 con đi. Khi về, người trong bản thấy bà nhiều tiền, người đẫy đà, đeo nhiều vàng.

Trong khi nhóm PV Báo Nghệ An đang thực hiện phóng sự này, thì tại Kỳ Sơn: Các cơ quan chức năng vừa giải cứu thành công 3 thiếu nữ bị bọn "buôn người" lừa sang bên kia biên giới (ngày 7/4/2012), bắt giữ các đối tượng: Kha Văn Nghiệp (SN 1979), Lương Văn Việt (SN 1976) và Moong Văn Nam (SN 1983) cùng trú tại bản Cha Ca 2 và Cha Ca 1, xã Bảo Thắng- huyện Kỳ Sơn.

Chúng tôi đã tìm gặp được Moong Thị May ở bản Na Lượng (Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) vừa mới trốn thoát từ Trung Quốc về. May kể: Đang lúc thấy buồn khổ vì chuyện riêng (May yêu một thanh niên ở Tương Dương nhưng bố mẹ cấm), thì bà Quang Thị Thải đến, bà Thải kể về một cơ hội việc làm có thu nhập cao lại nhàn hạ. May quyết định theo Thải "đi làm ăn xa". Thải đưa May xuống bản Bà - Hữu Kiệm rồi giao cho Vi Thị Khuôn có con gái là Lộc Thị May (SN 1995) vừa trở về từ Trung Quốc.

Đi theo Lộc Thị May sang Trung Quốc, Moong Thị May đã bị Lộc Thị May bán cho một người khác tên là Hảo với giá 45 vạn tệ. Hảo bắt May tiếp khách, May không chịu. May bị đánh đập, nhưng vẫn không chịu. Thấy May "bản lĩnh", Hảo cho May đi theo, nói "làm việc cho tao". Hảo đưa May đi lao động trồng rau cải và lúa mạch ở một vùng núi. Biết Hảo đang cần người "tìm hàng", May nói dối là về thăm nhà sẽ đưa "hàng" sang cho bà ta. Bà Hảo đã đưa May về đến Vinh rồi quay trở lại Trung Quốc để cô tự đón xe khách về quê. May nói: "Em sẽ không bao giờ đưa người đi cho bà ấy, vì chính em đi về rồi mới biết bên đó không tốt đẹp như người ta nói".

Bố của May, ông Mong Văn Đức (bản Na Lượng- Kỳ Sơn) năm 2011 đã có đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng về việc con gái mình bị lừa bán sang Trung Quốc. Theo đơn của ông Đức thì những người lừa bán em May gồm Quang Thị Thải (trong đơn ông Đức viết là Thại), Vi Thị Quý (trú ở bản Na Lượng) và 2 mẹ con Vi Thị Khuôn (SN 1974) và Lộc Thị May (SN 1995) đều trú tại bản Bà (Hữu Kiệm - Kỳ Sơn). Tuy nhiên, Công an xã chưa xác minh vì người bị hại đang ở Trung Quốc. Tìm đến nhà bà Thải và Quý (theo đơn của ông Đức) thì hai người đã đi khỏi, để lại 2 căn nhà trống. Trưởng bản Na Lượng - ông Xã Văn Công cho biết: Thải đã mang theo 3 con nhỏ đi khỏi bản vì sợ sự đe dọa của gia đình ông Đức. Chồng và mẹ chồng của Thải đang ngồi tù vì buôn ma túy, bố chồng của Thải đã mất trước Tết Nhâm Thìn (2012) ít ngày.

Ông Trần Quang Trung - Phó trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết: Sắp tới, Công an xã Hữu Kiệm sẽ triệu tập những người liên quan trong đơn kiện của ông Đức để lấy lời khai.

Có thể nói hiện nay, mạng lưới "chân rết" đã hình thành khá dày đặc trong những đường dây "buôn người" ở các huyện miền núi Nghệ An. Các đường dây đó là người dân bản, dụ dỗ người bản mình, xã mình, rồi đưa xuống Vinh hoặc đưa đi Móng Cái. Trong số đó, nhiều người từng là "nạn nhân" sập bẫy. Họ đã bị bán, bị lừa, lấy những người đàn ông nước ngoài tàn tật, ở những vùng nông thôn Trung Quốc, hoặc bị bán vào các nhà thổ nước ngoài. Nay trở về lại dụ dỗ các thiếu nữ, phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Món lợi "kếch xù" từ việc bán "hàng" họ chia nhau theo từng công đoạn "mang vác", "chăn, dắt". Không ít người đã vào phải các nhà chứa, các tụ điểm bán dâm ở Việt Nam, hoặc Trung Quốc, không ít người gặp số phận hẩm hiu nơi đất khách quê người.
(Còn nữa)

Điều 120 - Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 1999):
Khoản 1: - Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Khoản 2: Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: - Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, vì động cơ đê hèn, đối với nhiều trẻ em, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, để đưa ra nước ngoài, để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo, để sử dụng vào mục đích mại dâm, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng.


Hồng Sọc- Hà Phượng

Mới nhất
x
Bài 3: Hé lộ đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO