Pháp luật

Bài 3: Hình thành công dân số, xã hội số

Nhóm P.V Pháp Luật 15/04/2025 09:13

Nhằm đưa Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vào cuộc sống có hiệu quả, thời gian qua, ngành Tư pháp Nghệ An đã tích cực phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh. Qua đó giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp, từng bước hình thành công dân số, xã hội số.

TIEU DE BAI 3

15/04/2025

Tit phu 1

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Tư pháp Nghệ An quan tâm thực hiện trong nỗ lực đưa Đề án 06 đi vào cuộc sống.

Ông Võ Văn Tám - Trưởng phòng Hành Chính Tư pháp, Sở Tư pháp Nghệ An, cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là yếu tố cốt lõi trong thực hiện đề án, Sở Tư pháp đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác này dưới nhiều hình thức, trong đó chú trọng ứng dụng chuyển đổi số để tạo sự lan toả sâu rộng, tiếp cận tới nhiều đối tượng.

Cán bộ Tư pháp xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn tiếp nhận giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử. Ảnh Khánh Ly
Cán bộ Tư pháp xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn tiếp nhận giải quyết hồ sơ trên môi trường điện tử. Ảnh: Khánh Ly

Trên cơ sở đó, nhiều đơn vị cấp huyện tích cực tổ chức các cuộc thi trực tuyến (Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai); nhiều đơn vị xây dựng các mô hình tuyên truyền kết hợp hỗ trợ người dân tiếp cận và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, có điểm nhấn như mô hình Ngày thứ 7 vì dân (Diễn Châu, Nam Đàn, TP Vinh, Nghi Lộc); Ngày thứ 3 không viết (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu); Mô hình hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công tại trụ sở tiếp dân ở các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC và Bình dân học vụ số tại các thôn, khối, xóm.

Một số địa phương cấp huyện tuyên truyền trên các trang mạng xã hội đạt kết quả cao, thu hút nhiều lượt like, share, bình luận như các trang Tư pháp Diễn Châu, Tư pháp Quỳ Hợp, Tư pháp Nghi Lộc...

Một số đơn vị cấp xã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như tại xã Châu Kim (Quế Phong) đã xây dựng video hướng dẫn người dân thực hiện các bước giao dịch trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến sau đó đăng tải lên các hội, nhóm và cung cấp cho các thôn, bản để phát cho người dân xem tại các buổi tuyên truyền.

Ông Hà Chung Đức, công chức Tư pháp- Hộ tịch xã Châu Kim đã tự làm video hướng dẫn giao dịch trực tuyến. Ảnh Đặng Cường
Ông Hà Chung Đức - công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Châu Kim, Quế Phong đã tự làm video hướng dẫn giao dịch trực tuyến. Ảnh: Đặng Cường

Anh Hà Chung Đức - công chức tư pháp xã Châu Kim, cho biết, nhận thấy người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện giao dịch trực tuyến trên hệ thống, anh đã làm từng bước trên máy tính, sau đó quay video màn hình lại và tự thu âm lời bình để lồng vào video.

Dù chỉ thực hiện bằng phần mềm đơn giản nhưng video hướng dẫn của anh Đức giúp người dân dễ hiểu và làm theo. Video này sau khi được tải lên các trang hội, nhóm của xã Châu Kim và được cán bộ tư pháp ở các vùng lân cận như thị trấn Kim Sơn, xã Tiền Phong tải về để phục vụ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn.

Ông Hà Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Châu Kim chia sẻ: trên địa bàn xã có 954 hộ với 4.200 nhân khẩu, chia thành 6 bản. Dù đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt và quyết tâm cao nên hiện nay, việc giao dịch các dịch vụ công trực tuyến đã được thực hiện một cách thuần thục.

Đến bộ phận Một cửa xã Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương), chúng tôi gặp ông Lương Văn Liệng (SN 1963), trú tại bản Tân Sáng, xã Ngọc Lâm đến làm thủ tục uỷ quyền cho con trai là Lương Văn Hà (SN 1993) nhận chế độ lương hưu hàng tháng của mình qua tài khoản anh Hà.

Ông Liệng bày tỏ: Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã hiểu rõ được tiện ích của các dịch vụ công trực tuyến. Hôm nay, tôi rất phấn khởi vì các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện thông qua giao dịch điện tử chứ không phải mất công chờ đợi lâu như trước.

Người dân đến bộ phận giao dịch một cửa làm các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Ảnh Đặng Cường
Người dân đến bộ phận giao dịch một cửa làm các thủ tục liên quan đến lĩnh vực tư pháp. Ảnh: Đặng Cường

Ngọc Lâm là xã tái định cư của người dân từ vùng lòng hồ Thuỷ điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương về huyện Thanh Chương cách đây gần 20 năm. Hiện toàn xã có 6 bản, với 140 hộ gần 6.000 nhân khẩu.

Ông Lữ Văn Đương - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho biết: Sau 3 năm triển khai Đề án 06, đến nay các nhóm tiện ích đã được các bộ phận liên quan thực hiện một cách thành thạo, đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính liên thông được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến và 100% thành phần hồ sơ được số hoá theo quy định.

Hướng dẫn người dân thao tác trên tài khoản VNeID tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh Tiến Đông
Hướng dẫn người dân thao tác trên tài khoản VNeID tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Ảnh: Tiến Đông

Tại xã Hạnh Quảng (Diễn Châu), sau sáp nhập có 14.950 khẩu, 2100 khẩu, nhu cầu làm hồ sơ của người dân cũng theo đó tăng cao. Vì vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hổ - Chủ tịch UBND xã Hạnh Quảng: Để thực hiện tốt đề án 06 nói chung, đẩy mạnh dịch vụ công trên lĩnh vực Tư pháp nói riêng, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác gồm các cán bộ có chuyên môn, thành thạo công nghệ; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc cho các thành viên vừa thực hiện phần việc được giao, vừa đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số.

Đồng thời, xã cũng quan tâm đầu tư trang thiết bị cơ bản để đảm bảo vận hành thông suốt. Nhờ vậy, việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện 100% trên môi trường điện tử. Từ 2024 đến nay, toàn xã tiếp nhận 3041 hồ sơ ( bao gồm cả lĩnh vực chứng thực, tư pháp), số hoá hộ tịch đạt 100%.

Cùng với việc phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Tư pháp Nghệ An cũng bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổ công tác Đề án 06/CP của tỉnh Nghệ An để triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP trong lĩnh vực tư pháp đảm bảo nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ thời gian”.

Công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở được thực hiện thường xuyên, công tác thanh kiểm tra được quan tâm thực hiện.

bna_thuc-hien-viec-lien-thong-thu-tuc-hanh-chinh-anh-tl.jpg
Nhiều địa phương đã bố trí trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu thực hiện việc liên thông thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Lê

Tại nhiều địa phương, phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã thường xuyên tổ chức đoàn công tác lưu động về tận thôn, bản, khối, xóm hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ đăng ký dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp ngày càng tăng.

Theo thống kê, năm 2024, toàn tỉnh Nghệ An tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực Tư pháp 270.974/307.177, đạt tỷ lệ 88,24% vượt 18,24% so với chỉ tiêu Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đề ra. Trong đó dịch vụ công hộ tịch đạt tỷ lệ cao với 97.56%, tương ứng 233.961/239.793 trường hợp, vượt 27,53% so với chỉ tiêu; có 11 đơn vị đạt tỷ lệ dịch vụ công cao với trên 99%.

Tit phu 2

Một trong những mục tiêu của Đề án 06 là giúp giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC (Thủ tục hành chính) của công dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ. Vì vậy, Sở Tư pháp Nghệ An đã tích cực thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị tại 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Bộ phận một cửa thị trấn Quỳ Hợp ( huyện Quỳ Hợp).
Bộ phận Một cửa thị trấn Quỳ Hợp ( huyện Quỳ Hợp).

Tại Sở Tư pháp, năm 2024 đã thực hiện số hóa đầy đủ thành phần hồ sơ đạt tỷ lệ 99,93%; số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ 99,86%.

Tại phòng Tư pháp UBND cấp xã thực hiện 100% số hóa hồ sơ, kết quả TTHC lĩnh vực hộ tịch; 99,57% số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên lĩnh vực chứng thực.

Cán bộ Tư pháp xã Diễn Lộc, Diễn Châu giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ảnh Khánh Ly
Cán bộ Tư pháp xã Diễn Lộc, Diễn Châu giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Ảnh: Khánh Ly

Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được tăng cường toàn diện trên tất cả các lĩnh vực Tư pháp. 100% TTHC thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được tiếp nhận trên môi trường điện tử.

Riêng đối với lĩnh vực chứng thực mặc dù là TTHC có khối lượng hồ sơ rất lớn, tuy nhiên các cơ quan đăng ký hộ tịch đã có nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ tiếp nhận lĩnh vực này trên môi trường điện tử.

Theo đó, tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh đã tiếp nhận 280.397/510.654 việc chứng thực, đạt tỷ lệ 54,91%, trong đó có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ cao vượt bậc, như Quỳ Hợp đạt 99,58%; Quỳnh Lưu đạt 95,12%; Diễn Châu đạt 90,69%...

Cần phải nói thêm rằng, cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực công chứng, chứng thực đã được Sở Tư pháp triển khai từ tháng 1/2023 tại các cơ quan đăng ký hộ tịch, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và hiện nay đã đi vào ổn định.

Công dân đến giao dịch tại Bộ phận một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh Khánh Ly
Công dân đến giao dịch tại Bộ phận Một cửa huyện Nam Đàn. Ảnh: Khánh Ly

Việc sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực giúp người sử dụng dễ dàng thao tác chính xác và hiệu quả, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao, góp phần làm đầy cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực.

Tính đến cuối năm 2024, cơ quan đăng ký hộ tịch đã cập nhật 21.733 việc chứng thực bản sao; 9.073 việc chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; 7.308 hồ sơ hợp đồng, giao dịch; tại tổ chức hành nghề công chứng đã cập nhật 6.202 hợp đồng, giao dịch với 40 tổ chức tham gia.

Tit phu 3

Song song với việc đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các mô hình chung như 6 dịch vụ công thiết yếu, thí điểm dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy tại cấp huyện, cấp xã với 6 TTHC; Sở Tư pháp Nghệ An cũng chú trọng thực hiện các mô hình được tổ công tác Đề án 06 của tỉnh giao chủ trì.

Trong đó, hiện đã hoàn thành Mô hình 26 về tuyên truyền chính sách, hỗ trợ pháp lý qua ứng dụng VNeID, CallCentrer; triển khai hiệu quả mô hình 4 về lưu trữ, chứng thực các giấy tờ tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia môi trường số, theo đó hiện 481/481 đơn vị đã thực hiện chứng thực bản sao điện tử; toàn tỉnh chứng thực 679.163 bản sao điện tử, nhiều đơn vị đã triển khai lưu vào Kho dữ liệu kết quả chứng thực điện tử.

Đối với mô hình 8 về sử dụng thiết bị xác thực trong hoạt động công chứng, đến nay đã có 4 tổ chức hành nghề công chứng ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ phục vụ cho việc khai thác cơ sở dữ liệu về dân cư, xác thực khuôn mặt; nhận dạng chủ thể phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ công chứng gồm: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Văn phòng công chứng Hưng Nguyên; Văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Tùng.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng Công chứng số 1, kiêm Chủ tịch Hội công chứng viên tỉnh Nghệ An, cho biết: Để thực hiện “Mô hình 8”, Phòng công chứng số 1 đã ký hợp đồng với VNPT Nghệ An để cung cấp thiết bị đọc thẻ căn cước công dân, cùng các gói dịch vụ đi kèm như: xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip; xác thực khuôn mặt; xác thực dấu vân tay; dịch vụ khai thác dữ liệu…

Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng Công chứng số 1 trao đổi với phóng viên. Ảnh Đặng Cường
Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng phòng Công chứng số 1 trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đặng Cường

“Việc sử dụng thiết bị xác thực là không khó, chỉ cần kết nối thiết bị đầu đọc với máy tính, sau đó đưa thẻ căn cước công dân vào đúng vị trí. Hệ thống sẽ tự động hiển thị các thông tin như họ tên, năm sinh, nơi cư trú và số chứng minh nhân dân cũ. Tính năng này giúp công chứng viên nhanh chóng tạo lập hồ sơ, đảm bảo tính chính xác từ thông tin quét được, đồng thời tiết kiệm thời gian nhập liệu và tối ưu hóa quy trình công chứng" - ông Toàn cho hay.

Thực tế, việc sử dụng thiết bị đọc chip trên căn cước công dân tại Phòng Công chứng cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người dân đến làm thủ tục.

Anh Nguyễn Xuân Dũng, trú tại xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) chia sẻ: "Trước đây, khi làm thủ tục công chứng, tôi phải mang theo rất nhiều giấy tờ. Nhưng giờ đây, chỉ cần mang theo căn cước công dân và quét mã là tất cả thông tin đã hiện lên đầy đủ. Quá trình này diễn ra nhanh chóng, chỉ mất vài giây là xong, giúp tôi tiết kiệm thời gian và giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính".

Những nỗ lực triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của ngành Tư pháp đã và đang góp phần thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn cũng như tuyên truyền để nâng cao kỹ năng số cho người dân. Từ đó, thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang sử dụng hồ sơ điện tử; từng bước hình thành công dân số, xã hội số…

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Bài 3: Hình thành công dân số, xã hội số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO