Bài 3: Những mầm xanh ở Trường Sa

15/05/2014 09:41

(Baonghean) - cuộc sống Trên quần đảo Trường Sa bình dị, nồng ấm tình người. Ở đó, có những con người đang lặng thầm bám biển, bám đảo, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Giữa nắng, gió bão bùng, cuộc sống vẫn đâm chồi, nảy lộc, những thế hệ công dân tiếp tục chào đời trên mảnh đất tiền tiêu…

(Baonghean) - cuộc sống Trên quần đảo Trường Sa bình dị, nồng ấm tình người. Ở đó, có những con người đang lặng thầm bám biển, bám đảo, chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Giữa nắng, gió bão bùng, cuộc sống vẫn đâm chồi, nảy lộc, những thế hệ công dân tiếp tục chào đời trên mảnh đất tiền tiêu…

Trường Sa đầu mùa hạ, trời nắng chang chang. Sóng gió Biển Đông mang theo hơi nước bám chặt vào những vị khách đến từ đất liền gây nên cảm giác mặn mòi, rát bỏng. Giữa bốn bề biển nước, xã đảo Sinh Tồn hiện lên với những hàng cây xanh rợp tầm mắt. Con đường nhỏ dẫn về khu dân cư trên đảo Sinh Tồn được đánh dấu bằng tấm biển xinh xắn. Đi gần hết con đường, chúng tôi đến thăm công dân nhỏ tuổi nhất của đảo Sinh Tồn. Bé Phan Ngọc Hân, gần 1 tháng tuổi, con gái thứ hai của vợ chồng anh Nguyễn Minh Châu và chị Phan Thị Thương. Đón chúng tôi như những người thân, mang theo hơi ấm của đất liền đến ngôi nhà nhỏ nằm bên chân sóng, hai vợ chồng trẻ lúc nào cũng nở nụ cười hạnh phúc.

Hai người có quê gốc ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, ra Trường Sa lập nghiệp. Sau khi cô con gái đầu bước vào lớp 1, căn nhà nhỏ của họ lại có thêm niềm vui khi chị Thương mang bầu đứa thứ hai. Dù ở xa đất liền, điều kiện y tế, thăm khám thai gặp nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ của các y, bác sỹ bệnh xá xã đảo Sinh Tồn, vào đầu tháng 4 vừa qua, chị Thương chuyển dạ rồi mẹ tròn con vuông trong niềm hạnh phúc của gia đình và những người hàng xóm tốt bụng - những chiến sỹ hải quân vui tính. “Khi nghe tiếng khóc của con gái, tôi như muốn hét lên vì hạnh phúc. Không biết làm gì khác, tôi chạy một vòng quanh đảo và reo lên như đứa trẻ lần đầu bắt được con ốc, con cá ngoài biển”, anh Nguyễn Minh Châu nhớ lại giây phút đặc biệt của cuộc đời mình. Trên chiếc võng lắc xinh xinh, bé Ngọc Hân dường như cũng hiểu được tâm sự của bố mẹ mình, dù đang ngủ ngon lành nhưng thỉnh thoảng, bé gái lại nhoẻn miệng cười như xua tan đi cái nắng oi bức ở Trường Sa.

Đại tá Phạm Văn Quang - Trưởng phòng Tuyên huấn quân chủng hải quân và các cháu bé ở đảo Sinh Tồn - Trường Sa.
Đại tá Phạm Văn Quang - Trưởng phòng Tuyên huấn quân chủng hải quân và các cháu bé ở đảo Sinh Tồn - Trường Sa.

Chia tay khu dân cư trên đảo, chúng tôi men theo con đường rợp bóng cây mù u, bàng vuông đến thăm ngôi trường khang trang, vững chãi. Thầy giáo trẻ Lô Anh Đức cho biết, Trường Tiểu học Sinh Tồn được xây dựng theo chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu” của Quỹ học bổng Vừ A Dính vừa được khánh thành, là mái nhà chung của thầy và trò trên đảo. Đang là ngày nghỉ, nhưng các em vẫn đùa vui bên sân trường. Thầy giáo Đức tâm sự rằng, ở vùng đất đầy nắng gió này, tình cảm thầy giáo với học sinh và phụ huynh hết sức bình dị và đặc biệt. Quê gốc của thầy Đức ở tỉnh Thanh Hóa, lớn lên ở Khánh Hòa.

Từ khi đang là sinh viên ngành Sư phạm, chàng trai trẻ có dáng người mảnh khảnh và nụ cười hiền đã tham gia các phong trào tình nguyện và viết đơn ra Trường Sa dạy học ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp. “Những ngày đầu ra đảo dạy học buồn lắm. Xa đất liền, xa gia đình, bè bạn nhưng bù lại, tình cảm của quân và dân trên đảo đã nhanh chóng bù đắp cho những người trẻ như chúng em. Lần đầu tiên được một cậu học trò mang đến tặng thầy một con cá và nói là của bố đi đánh ngoài biển về, em đã không cầm được nước mắt”, thầy giáo Đức nhớ lại. Vì lịch dạy học khá kín, các thầy giáo trẻ trên đảo không có thời gian để trồng rau, đánh cá tăng gia nhưng các thầy vẫn luôn nhận được những món quà đặc biệt từ phụ huynh là những con cá biển, những nắm rau muống, mồng tơi. “Khó có nơi nào mà tình cảm phụ huynh - thầy giáo - học sinh lại giản dị mà nồng ấm như ở Trường Sa. Những ngày lễ như 20/11, Tết, các thầy đều được chính quyền xã và phụ huynh tổ chức liên hoan với những bữa cơm giản dị gồm rau muống, cá khô nhưng chan chứa tình người. Những lúc bão gió, cả thầy giáo và phụ huynh, các chiến sỹ đều oằn mình chống lại những cơn bão ở Trường Sa. Vất vả nhưng đoàn kết và rất vui”, thầy giáo trẻ Nguyễn Ngọc Hạ năm nay 24 tuổi, khẳng định.

Các cháu bé ở đảo Sinh Tồn vui chơi sau giờ học.
Các cháu bé ở đảo Sinh Tồn vui chơi sau giờ học.

TIN LIÊN QUAN

Ở cách xã đảo Sinh Tồn hàng trăm hải lý, Thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa Lớn) được gọi với cái tên trìu mến là “Trái tim của quần đảo Trường Sa”. Ấn tượng đầu tiên của đảo Trường Sa Lớn là chiếc cầu tàu sừng sững vươn ra tận biển khơi, những con tàu chở hàng cỡ lớn có thể cập cảng ngay mà không cần phải dùng xuồng tăng bo. Đón đoàn khách từ đất liền, ngoài những cán bộ, chiến sỹ trên đảo là những người dân hiền lành, tốt bụng. Trong số những người dân có mặt ở cầu tàu để nhận hàng, chúng tôi nhận ra giọng nói quen thuộc của một người Nghệ. Anh trùng tên với nhà văn nổi tiếng Tô Hoài, quê ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu.

Từng là lính hải quân Trường Sa, sau khi giải ngũ đã lấy vợ người Khánh Hòa và xin ra Trường Sa sinh sống, lập nghiệp. “Từ ngày còn đi lính tôi đã muốn ở lại Trường Sa để sinh sống. Ở đây có, ngư trường thuận lợi, giàu có, lại được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của các chiến sỹ hải quân và những người hàng xóm tốt. Các con của tôi cũng có điều kiện học hành, không thua kém ở đất liền là bao”, anh Hoài tâm sự. Ở cạnh nhà anh Hoài là gia đình vợ chồng anh Nguyễn Phong Danh – chị Phan Thị Như Trinh. Hai vợ chồng trẻ này nổi tiếng nhất khu dân cư trên đảo vì một dàn mướp khổng lồ và cây đu đủ trĩu quả phía sau nhà, đủ cung cấp cho 3 - 4 hộ dân có rau ăn thường xuyên. Cả hai sinh ra ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, ra Trường Sa sinh sống, đến nay đã có 2 đứa con, cháu đầu học lớp 1, bé thứ hai đang nằm nôi. Ngày ngày, anh Danh đi biển, chị Trinh ở nhà lo việc học hành, ăn uống của các con, thỉnh thoảng, khi UBND xã có việc, cả hai vợ chồng đều xắn tay giúp đỡ một số việc như quét dọn, nấu nướng…

Trên đảo Trường Sa Lớn hiện có 13 đứa trẻ, chúng là thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra trên đảo. Cũng như ở những đảo khác trên quần đảo Trường Sa, các em được học tiểu học ở đảo và trở vào đất liền học trung học. Mặc dù sống trong điều kiện gian khó, xa đất liền, chịu cảnh bão giông, nắng gió khủng khiếp ở Trường Sa khi mới lọt lòng nhưng bù lại, những em bé ở Trường Sa lại có sức khỏe, sự dẻo dai. Dù đang nhỏ nhưng chất biển đã in đậm trong cả giọng nói, nước da, mái tóc của những em bé này. Tất cả các em đều yêu thương nhau như trong một gia đình. Khi nói về những mầm xanh ở Trường Sa, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch UBND Thị trấn Trường Sa vui mừng khoe rằng, dù phải học tập trong điều kiện gian khó về thiết bị giáo dục nhưng các em học sinh ở Trường Sa học rất giỏi. Tất cả các em khi vào đất liền học phổ thông đều đạt loại giỏi.

Trước khi chia tay đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đề nghị những em bé Trường Sa cùng hát một bài. Điều bất ngờ nhất là các em đều xung phong hát bài Khúc quân ca Trường Sa và hát đi hát lại điệp khúc: “Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Trường Sa…”. Đảo trưởng Nguyễn Văn Hòa cho biết, đây chính là bài “đảo ca”, được các em hát hàng ngày. “Tuy còn nhỏ nhưng em nào cũng mong ước được làm chiến sỹ Trường Sa. Dù phong ba, bão tố, dù gian khổ thì Trường Sa của chúng ta vẫn mãi một màu xanh, vững vàng như cây phong ba trước gió. Các cháu chính là những thế hệ tiếp theo, những người chủ thực sự của quần đảo anh hùng này”, người đảo trưởng vui tính với giọng Nghệ cười giòn tan trong gió biển ban chiều.

Bài, ảnh: Nguyên Khoa

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài 3: Những mầm xanh ở Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO