Bài 3: Những sám hối muộn màng

21/10/2013 17:54

>Bài 1: Sóng gió đi qua, xót xa ở lại…

-->>Bài 2: Có hay không việc công an chặn đường giáo dân đi lễ?

-->> Tập 1: Từ một làng quê bình yên

-->>Tập 2: Lời người trong cuộc

-->> Tập 3: Sự thật bị bóp méo

Theo kết quả giám định của các cơ quan chức năng, tỷ lệ thương tật đối với 3 chiến sỹ công an (Trần Văn Nhung, Nguyễn Quốc Nhàn, Nguyễn Văn Tiến) - những người bị đánh đập vô cớ, giữ trái pháp luật trong buổi tối 22/5/2013 là 20% sức khỏe. Còn đối với gia đình anh Đậu Văn Sơn, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Nghi Phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do đám đông quá khích gây ra lên đến gần 100 triệu đồng.

Điều đáng nói là các cán bộ công an bị đánh, giữ trái pháp luật và anh Đậu Văn Sơn - người bị bao vây, đập phá tài sản không hề có mâu thuẫn, cũng không xa lạ gì với hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải. Theo lời của Khởi thì “Trước đây tôi có làm một vài năm trong Ban hành giáo, cũng ngồi uống rượu với anh Nhung”. Còn với anh Đậu Văn Sơn, thì người hàng xóm, láng giềng Nguyễn Văn Hải đã kể “Vợ với con tôi hay sang nhà anh Sơn lấy thuốc. Vì anh Sơn có nghề bốc thuốc”...

Ngô Văn Khởi (trái) và Nguyễn Văn Hải
Ngô Văn Khởi (trái) và Nguyễn Văn Hải

Trong câu chuyện với chúng tôi, Khởi và Hải luôn bày tỏ sự ăn năn hối lỗi và nhận thức một cách rõ ràng hành vi vi phạm pháp luật của mình. Ngô Văn Khởi giãi bày: “Tôi rất hối hận về việc làm sai trái của mình”, sau này gặp anh Nhung sẽ “xin anh tha thứ cho những việc làm sai trái của em”. Anh ta còn rút ra bài học rằng “Trong đời sống của người dân ở thôn quê thiếu hiểu biết về pháp luật thì thường hay vấp phải sai trái. Đây là một bài học của bản thân cũng như để dạy cho con cháu, hậu quả rất nghiêm trọng và rất ân hận”. Đồng thời bày tỏ mong muốn “Nếu Nhà nước khoan hồng cho tôi, thì thời gian còn lại tôi xin hứa và xem như đó là một lời răn với người thân, xóm giềng cũng như với xã hội là tất cả phải tuân theo pháp luật của Nhà nước. Đừng có làm gì ảnh hưởng đến trật tự xã hội”.

Cuối cùng, Ngô Văn Khởi “nhắn gửi cho vợ con là đừng làm gì trong lời nói cũng như trong hành động có sai trái, vi phạm pháp luật”. Không phải tới tận bây giờ mà ngay sau khi bị bắt, Khởi cũng thừa nhận trước cơ quan điều tra những câu hô hào “Đập đi, đập đi” của mình đã kích động người dân hành hung cán bộ, chiến sỹ công an và đối tượng này cũng đã viết trong bản tự khai: “Việc làm của tôi là sai pháp luật. Nếu được cơ quan pháp luật và cơ quan điều tra cho phép tại ngoại. Tôi xin tuân thủ theo luật pháp…”, “Tôi xin nhắn nhủ với vợ con đừng có gây rối. Đừng gây áp lực với chính quyền, không nghe lời xúi giục”...

Đối tượng Nguyễn Văn Hải còn nhận: “Tôi đã thấy hành vi hô hào “Đập chết cha hắn đi” là sai. Vì tôi là người hô hào, kích động nhân dân. Trước đây tôi suy nghĩ chưa chín chắn nhưng bây giờ, tôi thấy việc tôi bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội gây rối trật tự công cộng là hoàn toàn đúng. Tôi mong được pháp luật giảm nhẹ hình phạt và khoan hồng cho tôi”.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định: “Tôi bị cơ quan điều tra khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng”, “Tôi bị bắt là đúng”, “Tôi thấy hành vi của tôi làm quá sai rồi”. Hải cũng tỏ ra ăn năn hối cải trước những việc làm vi phạm pháp luật của mình, nhất là với người hàng xóm Đậu Văn Sơn bao năm qua vẫn sống hòa thuận “tắt lửa tối đèn có nhau”. Hải ân hận nói: “Tôi đã nhắn vợ sang xin lỗi gia đình anh Sơn rồi, cùng là người làng cả, có gì bỏ qua cho nhau…”. Anh ta còn cho biết: “Tôi khuyên răn gia đình và anh em họ hàng đừng theo họ làm như vậy mà ảnh hưởng đến pháp luật. Cố gắng nhìn nhận về cả ý đúng và sai. Tôi có viết giấy về khuyên gia đình 2 lần”; và hứa “Tôi sẽ sửa chữa, không bao giờ tham gia một cái dại ri nữa”.

Giá mà Khởi và Hải nhận thức được điều này ngay từ đầu, làm theo lời hay, lẽ phải trong giáo lý, sống tốt đời đẹp đạo thì mọi chuyện đáng tiếc như ngày hôm nay đã không xảy ra. Tình làng xóm, nghĩa đồng bào, truyền thống gắn bó của những người dân lương - giáo cũng không vì thế mà rạn nứt hay sứt mẻ. Hành động của họ đã đi ngược lại với những tôn chỉ mục đích, với đường hướng và những giáo lý mà người khai sáng ra Thiên Chúa đã nêu ra và hơn thế đó là những hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Bây giờ chính họ chứ không ai khác, phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.

Nếu chứng kiến phiên xét xử của Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm 8/14 bị cáo trong vụ án Hồ Đức Hòa cùng đồng bọn phạm tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân vào ngày 23/5/2013 tại Thành phố Vinh, sẽ thấy các bị cáo đã ăn năn, hối hận như thế nào. Những giọt nước mắt sám hối, sự ân hận đến xót xa của những người trẻ tuổi nông nổi đã khiến nhiều người buộc phải đặt câu hỏi về những sự việc diễn ra tại linh địa Trại Gáo rằng: Việc cầu nguyện “kêu oan” cho những đối tượng phạm tội phải chăng chỉ là cái cớ!? Đến những lời ăn năn hối lỗi, những giọt nước mắt hướng thiện, những lời sám hối muộn màng của Ngô Văn Khởi, Nguyễn Văn Hải sẽ là bài học cho những người kém hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời kích động, xúi giục của những kẻ có mưu đồ xấu, tự cho mình cái quyền đứng ngoài pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Cần phải hiểu rõ một điều, dù là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào đi chăng nữa, thì mỗi người cũng phải nhớ mình đang sống trên đất nước Việt Nam, là công dân Việt Nam, thì hiển nhiên phải chấp hành pháp luật Việt Nam – đó là điều không cần phải bàn cãi hay tranh luận.

Với đầy đủ chứng cứ, tường trình của nạn nhân, biên bản khám nghiệm hiện trường, xác nhận của người làm chứng, lời nhận tội, bày tỏ sám hối và mong hưởng khoan hồng của các bị can, ...có thể khẳng định, toàn bộ tiến trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam Khởi và Hải của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An là hoàn toàn tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Hai đối tượng Ngô Văn Khởi, Nguyễn Văn Hải đã bị khởi tố và các cơ quan chức năng sẽ xét xử về tội “gây rối trật tự công cộng” tối ngày 22/5/2013 là thực hiện đúng quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là cũng như Khởi và Hải, giáo dân Mỹ Yên phần lớn là những nông dân chân chất hiền lành, bị những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng đức tin để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Khi mù quáng nghe theo sự kích động, giật dây, họ đã có những hành vi bao vây, gây rối, phá hoại tài sản công dân, đánh và giữ người trái pháp luật, tấn công người thi hành công vụ… họ đã quên mất lời huấn từ của Giáo hoàng Benedicto XVI: “Người công giáo tốt trước hết phải là người công dân tốt” và tinh thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: "Các nỗ lực để xây dựng gia đình công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng đất nước”. Họ cũng quên rằng “đạo bất ly đời”, dù tôn giáo nào, khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Bản thân tôn giáo hay đúng hơn là giáo lý tôn giáo luôn răn dạy mỗi con người phải hướng tới cái chân thiện mỹ, hướng tới nhân văn cao cả, hướng con người tu tâm tích đức để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, con người sống có tình, có nghĩa với nhau hơn.

Sự sám hối của Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải dẫu đã muộn màng nhưng dù sao cũng là sự tỉnh ngộ, thức tỉnh lương tri. Bởi cuối cùng, họ đã nhận ra, chỉ có thành tâm hối cải, sửa chữa lỗi lầm, sống đúng với đường hướng “tốt đời đẹp đạo” của Giáo hội công giáo mới là con đường đúng đắn để có thể gặp “Chúa trong lòng dân tộc”. Bởi như Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã từng viết: "Đức tin không góp phần xây dựng trần thế là đức tin chết”.

Bài học rút ra từ những lời sám hối muộn màng của Nguyễn Văn Hải và Ngô Văn Khởi là mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật, tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tôn trọng chính quyền. Tỉnh táo và đề cao cảnh giác trước luận điệu kích động, lôi kéo nhằm chia rẽ mối đoàn kết lương- giáo của những kẻ có mưu đồ xấu. Để tránh gây ra những hậu quả không đáng có và để không bao giờ phải nói từ “giá như”…

Nhóm Phóng viên

Mới nhất
x
Bài 3: Những sám hối muộn màng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO