Bài 3: Thâu đêm thậm thịch tiếng chày

29/10/2013 14:25

(Baonghean) - Qua sự biến thiên của cuộc sống, một vật dụng thân thuộc của người Thái và Khơ mú đã có sự nhập vai khác đầy lý thú, từ một công cụ lao động, nó được dùng như thứ nhạc cụ được ưa thích trong các ngày hội. Đó là chiếc cối dài dùng giã gạo, vốn dĩ được khoét từ thân cây. Người Thái gọi đấy là chiếc "loóng"...

(Baonghean) - Qua sự biến thiên của cuộc sống, một vật dụng thân thuộc của người Thái và Khơ mú đã có sự nhập vai khác đầy lý thú, từ một công cụ lao động, nó được dùng như thứ nhạc cụ được ưa thích trong các ngày hội. Đó là chiếc cối dài dùng giã gạo, vốn dĩ được khoét từ thân cây. Người Thái gọi đấy là chiếc "loóng"...

Bài 2: "Bạn đời" của m

Bài 1: Sức sống lâu bền của những đồ vật xưa

Bản Pục là tên xưa, nay là bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương) - một quần cư nằm ven Quốc lộ 7A, nhưng dường như vẫn tỏ ra thờ ơ trước trào lưu đô thị hóa, đang len lỏi đến mọi ngõ ngách. Tuyệt đại đa số dân bản là người Thái nhóm Tày Thanh vốn có gốc gác từ mường Ca Gia, ở miền Tây Thanh Hóa. Người già trong bản vẫn thổi khèn bép, hát khắp Tày Thanh, người trẻ vẫn ưa dùng tiếng mẹ đẻ.

Điều đặc biệt là dưới gầm sàn mỗi nhà vẫn còn chiếc loóng, một nông cụ quen thuộc dùng để tách hạt lúa ra khỏi bông lúa, trước khi đem giã thành gạo. Công cụ giã gạo này được người Thái dùng rất phổ biến, không chỉ ở các cộng đồng vùng cao Nghệ An. Chúng ta cũng có thể bắt gặp ở miền Tây Thanh Hóa, miền núi phía Bắc nước ta. Chiếc loóng dài trên 2m, được khoét từ thân cây gỗ cứng thường là gỗ táu, de thậm chí là gỗ trai mọc trên núi đá. Thân cây được đẽo gọt vuông vức, rồi khoét sâu chừng 30cm, chiều rộng khoảng 25 - 30cm. Phía một đầu cái loóng có đục một lỗ hình tròn sâu để làm chiếc cối giã hạt lúa thành gạo. Đi cùng với chiếc loóng là những chiếc chày làm từ những thứ gỗ phải đảm bảo các yếu tố chắc, cứng, nặng, đặc biệt là gỗ làm chày không được có nhựa độc có hại cho sức khỏe con người.

Bà Lô Thị Tâm đang giã cum cum dưới gầm sàn, tỏ ra khá ngạc nhiên khi thấy chúng tôi đội mưa vào bản. Nghe hỏi chuyện về chiếc loóng, gương mặt bà lão 60 tuổi lộ nét buồn. Bà cho hay, cách đây vài năm trước bản vẫn dùng loóng giã gạo. Bây giờ bản dùng máy tuốt lúa, khỏe người hơn nên tiếng chày giã gạo đã vắng dần. "Giá mà các chú đến sớm hơn vài năm, tha hồ quay phim, chụp ảnh. Bây giờ loóng chỉ nằm im dưới gầm sàn thôi. Chỉ thỉnh thoảng được dùng để giã cây chuối cho lợn, bò. Ngày tết mới dùng gõ gọi ông bà về ăn Tết".

Chiếc loóng của nhà bà Lô Thị Tâm (bản Quang Phúc - Tam Đình - Tương Dương).
Chiếc loóng của nhà bà Lô Thị Tâm (bản Quang Phúc - Tam Đình - Tương Dương).

Bà kể về thời con gái của mình: Ngày trước, tối đến con gái bản thường thắp đèn giã gạo. Con gái trong bản chơi thành từng nhóm bạn thân thiết thường ngủ chung một nhà. Đầu buổi tối, cùng nhau giã gạo đến khuya mới chịu đi ngủ. Các chàng trai nghe tiếng giã gạo liền tìm đến tình tự, có khi còn phụ giúp các cô cốt để chiếm lấy trái tim người mình thầm thương.

Tiếng chày giã gạo có giai điệu, tiết tấu rộn ràng, thường gợi không khí vui nhộn. Vui nhất là khi sắp có đám cưới, cả bản quy tụ về giã gạo, có khi phải bày ra 2, 3 chiếc loóng giã cả tuần liền mới đủ gạo làm đám cưới cho cả bản về ăn. Lúc đó, tiếng chày sẽ thậm thịch suốt đêm, vọng khắp bản gần bản xa, khiến không khí ngày vui thêm phần náo nức.

Bà Tâm cho biết thêm, ở bản Quang Phúc, ngày Tết người ta cũng gõ loóng. Đó là tín hiệu mời gọi tổ tiên về ăn Tết. Những người là con dâu, cháu dâu trong họ tộc tụ tập về dưới gầm nhà xếp thành hai hàng đối diện với nhau gõ loóng. Sau đó mới đến bài cúng gọi ông bà về ăn Tết, xong một nhà lại đến nhà khác. Cứ thế, tiếng gõ loóng lần lượt vang lên trong từng nhà của họ tộc. Có lẽ vì thế mà sau này chiếc lóng được dùng như một thứ nhạc cụ trong trò khắc luống, tại những lễ hội, ngày Tết ở vùng cao.

Chiếc cối cũng là một phần trong bộ công cụ giã gạo của người miền núi. Nó vốn dĩ cũng không có gì xa lạ với người Việt ngày xưa. Chỉ có điều những chiếc cối vùng cao khác với cối đá của người miền xuôi là chúng được làm ra từ một đoạn gốc cây gỗ cứng khoét loóng. Cũng như chiếc gùi (đề cập trong bài viết trước), chiếc loóng gắn bó với đời sống lao động của người phụ nữ vùng cao.

Tục phát nương làm rãy khiến nhiều thứ nông cụ vùng cao mai một, tuy nhiên, chiếc loóng không hẳn đã bị lãng quên. Bây giờ, nó có một vai trò mới, là một thứ nhạc cụ. Chính những tiết tấu và nhạc âm của nó tạo ra trong khi giã gạo và những dịp gõ loóng khi cúng lễ, Tết, hay khi có người qua đời đã được những nghệ sỹ dân gian sáng tạo ra trò khắc luống (miền núi Thanh Hóa gọi là khua luống, quanh loóng).

Trò khắc luống không thể thiếu tại các lễ hội vùng cao, như Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ hội đền Vạn (Tương Dương)... Ông Lữ Minh Phương (bản Hồng Tiến - Châu Tiến - Quỳ Châu) cho biết: Lễ hội Hang Bua có được điều đặc sắc một phần nhờ vào diễn khắc luống. Thanh âm của nhạc cụ bằng gỗ kết cùng với tiếng cồng chiêng tạo thành một bản hòa tấu dung dị, độc đáo chỉ có ở vùng rừng núi. Trong khi diễn khắc luống, chiếc loóng được trang trí đẹp, chứ không xù xì thô mộc như cái ngày nó còn là một công cụ giã gạo...

Hữu Vi

Mới nhất

x
Bài 3: Thâu đêm thậm thịch tiếng chày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO