Bài 4: Công cụ làm rãy và nỗi hoài cổ của người thợ rèn

02/11/2013 22:29

(Baonghean) - Cuộc sống của người vùng cao gắn liền với cái nương, cái rãy vì thế những nông cụ của nghề này khá phong phú, như dụng cụ tra hạt, làm cỏ, thu hoạch lúa và vẫn còn rất cần thiết đối với đời sống của bà con tại những địa bàn vẫn trồng lúa rãy...

TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối Thu, cũng là cuối mùa làm rãy, thóc lúa đã thu hoạch cất kho, mùa làm lễ mừng cơm mới cũng đã vãn. Tuy vậy, vẫn còn một số nhà đi gặt những đám rãy cuối cùng, trong đó có chị Trương Thị Vân, trú bản Xiêng Hương (Xá Lượng - Tương Dương). Cái rãy của chị cách nhà gần 3km, lội qua con một con suối nhỏ, lại phải trèo qua ngọn núi thấp có tên gọi Pu Phá Bìa, thuộc địa phận xã Thạch Giám, là tới.

Chị bảo: "Nhà em trỉa muộn nên người bản ăn mừng lúa mới khắp lượt rồi mới đi cắt". Tôi theo chị lên nương là muốn nhìn xem cách dùng chiếc hép, một công cụ với lưỡi gặt có chấu nhỏ xíu như một con dao nhíp cài vào một cái khung bằng gỗ. Công cụ này có thể cầm gọn trong lòng bàn tay, giúp người ta ngắt lấy từng bông lúa. Cắt lúa rãy mà dùng liềm gặt sẽ chẳng nhanh được vì cây lúa nương mọc không đều như khi cấy trên ruộng. Vả lại, khi ngắt từng bông nhìn bó lúa đẹp hơn. Ở quê tôi, người ta đã không dùng đến thứ công cụ này từ ngày cấm phát nương làm rãy, đã trên 20 năm nay rồi.

Cắt lúa nương bằng chiếc hép
Cắt lúa nương bằng chiếc hép

Là thế hệ "9x", bạn bè đều dắt tay nhau "đi công ty" trong Nam ngoài Bắc, nhưng chị Vân vẫn chung thủy với cái nương, cái rãy ở bản. Theo chị thì dù có đi đâu, cuối cùng ai cũng trở về làng bản, không thi đỗ đại học, chị quyết định ở nhà cùng cha mẹ làm rãy. Thời buổi này, gái bản như chị quả là hiếm gặp.

Chị Vân nói về nghề rãy say sưa, dường như không hay biết tôi cũng từng có một tuổi thơ ở rãy: "Làm rãy cần nhiều thứ đồ nghề lắm, chiếc hép chỉ là một trong số đó thôi". Đó là lời mào đầu cho câu chuyện về những nông cụ làm rãy dẫu rằng với tôi không mấy xa lạ. Khi đám rãy đã phát xong là hết việc của con dao làm nương. Con dao của người Thái thường do người Kinh rèn, chỉ có một số không nhiều người Thái biết nghề rèn. Không như người Mông, họ có thể rèn ra những con dao vừa sắc, vừa cứng. Đám nương phát xong phơi nắng độ một tuần thì có thể đốt để trỉa lúa. Bây giờ, đến phần việc của cái chỉ lé, một thứ công cụ trỉa lúa, ngô, được làm từ chiếc dao cùn tra vào chiếc cán dài dùng để chọc lỗ trỉa hạt. Tuy nhiên, cũng có người làm cầu kỳ hơn, con dao cũ được rèn lại cho sắc hơn, cán được làm cẩn thận, bền đẹp có thể dùng qua nhiều mùa rãy. Trước kia, khi chưa biết dùng công cụ này, người ta chọc lỗ tra hạt bằng chiếc que nhọn (ch'lum), vừa chóng hỏng lại tốn sức lao động, năng suất lao động chỉ bằng nửa so với khi dùng chiếc chỉ lẻ. Những người mê nghề rãy còn đan chiếc ca dăng đeo trước ngực để đựng hạt thóc giống. Khi trỉa hết một nắm, lại thò tay vốc hạt, hạt không đựng trong chiếc phắc pạ (dụng cụ cài dao rừng của phụ nữ vùng cao). Chiếc phắc pạ nhỏ hơn chiếc ca dăng đựng được ít hạt, lại hay đeo sau lưng nên khá bất tiện khi đi trỉa lúa.

Mùa làm cỏ lúa là lúc chiếc vạch vào việc. Nó được dùng thay chiếc cuốc, nhưng lại nhỏ gọn hơn, có vậy mới không làm gãy, đứt cây lúa non. Chiếc vạch được rèn giống con dao đi rừng bẻ cong thành góc vuông, có lưỡi mài sắc để cắt cỏ. Chính vì vậy, đôi khi người ta cũng tận dụng chiếc dao cùn bẻ cong, rồi mài thành chiếc vạch làm cỏ lúa.

22

Chiếc hép và cách ngắt một bông lúa nương.

Ông Vi Văn Đoàn, trú bản Mon (Thạch Giám - Tương Dương), vốn khá thành thạo nghề rèn và đan lát, cho biết: Để rèn được những nông cụ làm rãy vốn không phải là điều gì khó khăn. Người ta vẫn tận dụng lưỡi cưa gỗ của thợ rừng đã bỏ đi để rèn nên chiếc hép, tận dụng những thanh sắt hỏng từ ô tô cũ để rèn các dụng cụ trỉa hạt, làm cỏ lúa. Nhưng "nguyên liệu" được ưa thích nhất cho việc rèn nông cụ của người Thái vẫn là những mảnh bom chiến tranh còn sót lại. Loại thép này khó rèn, cần sự kỳ công nhưng lại rất sắc bén và bền, có những cái có thể dùng hàng chục mùa rãy.

Ông Đoàn chia sẻ: “Những nông cụ của người Thái bây giờ toàn mua của thợ rèn người Kinh thôi. Ra chợ là có thể mua được, vừa rẻ lại sẵn nên dân bản dần lười đi và xa dần nghề rèn truyền thống!". Một nguyên do khác nữa là những chiếc bễ và lò rèn kiểu truyền thống thường rất mất thời gian, có khi vài ngày mới rèn xong một chiếc dao đi rừng. Có thể vì vậy, người bản dần dà xa rời nghề rèn...

Ông Đoàn tâm sự: Nhiều khi vẫn nhớ nghề rèn lắm. Muốn thổi chiếc bễ nhưng bỏ lâu ngày nó đã trở nên nguội lạnh. Tuy vậy, lâu lâu ông cũng thổi bễ rèn vài chiếc hép cho con dâu, con trai đi cắt lúa để khỏi quên mất nghề thôi!

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất

x
Bài 4: Công cụ làm rãy và nỗi hoài cổ của người thợ rèn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO