Bài 4: Lưu giữ chữ Mông và hội ném pao

24/10/2014 15:06

(Baonghean) - Giới trẻ những cộng đồng thiểu số đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa hiện đại. Tuy vậy, với những bạn trẻ người Mông thì dường như cuộc sống hiện đại vẫn chưa tác động nhiều đến lối sống của họ. Chữ Mông, hội ném pao và trang phục truyền thống vẫn hiển hiện trong cuộc sống thường ngày của họ...

Cũng như như nhiều bạn trẻ khác ở bản Hợp Thành (Xá Lượng - Tương Dương), Lì Bá Chỉa (sinh năm 1991) được học hành tương đối căn bản. Xong lớp 12, Bá Chỉa được cha mẹ cho xuống “bản Vinh” (TP. Vinh) học ngành điện. Có đầu óc thực tế nên ông Khù, bố của Chỉa, chọn nghề điện dân dụng cho con, vì nghĩ rằng nếu không kiếm được việc làm cũng có thể về phục vụ gia đình, làng bản. Nhiều bậc cha mẹ trong bản nhỏ chỉ cách trung tâm huyện lị chưa đầy 20km này rất coi việc học của con là quan trọng và lớp trẻ người Mông ở bản Hợp Thành ngày nay không còn bỏ học nhiều như ngày tước nữa. Họ cũng đã tiếp xúc nhiều hơn với các cộng đồng khác và khi ra bên ngoài họ cũng sành sỏi như người Thái, người Kinh. Tuy vậy, trong khi tiếp xúc các cộng đồng khác vẫn nhận ra họ qua lối nói chuyện và triết lý sống rất đặc trưng...

Hội ném pao của trai gái Mông.
Hội ném pao của trai gái Mông.

Ngay từ khi đọc thông viết thạo chữ quốc ngữ ở trường phổ thông, Lì Bá Chỉa cũng bắt đầu được cha mẹ và những người lớn tuổi hơn trong bản dạy chữ Mông. Là người Mông, ai cũng biết rằng từ lâu cha ông họ đã biết dùng chữ cái latin để ghi lại lời nói của mình. Khi về lập nên bản Hợp Thành cách đây hơn 20 năm, gần như những nét đẹp về văn hóa khi sống còn ở Nậm Càn, Mường Lống (Kỳ Sơn) vẫn được bà con gìn giữ. Thế hệ trẻ ngày nay cũng rất có ý thức bảo tồn văn hóa cộng đồng. Những bậc cha mẹ trẻ trong bản dường như vẫn chỉ dạy cho trẻ nói tiếng Mông, không như các cộng đồng khác ngay khi lọt lòng đã cho trẻ nói tiếng phổ thông. Chữ Mông vẫn hiển hiện như một phần không thể thiếu trong đời sống hiện đại của các bạn trẻ. Lỳ Bá Chỉa cho biết, những ngày đầu đi học xa nhà, chưa dùng điện thoại vẫn viết thư về cho cha mẹ bằng tiếng Mông. Ngày nay, khi chiếc điện thoại di động đã trở nên quen thuộc thì người trẻ trong bản vẫn dùng chữ Mông để trao đổi bằng tin nhắn. Chữ Mông dễ phổ biến là bởi nó hoàn toàn dùng các chữ cái latin để ký âm. Kể cả các dấu thanh đều được ký hiệu bằng các chữ cái. Không chỉ với Lì Bá Chỉa, phần lớn các bạn trẻ người Mông ở Tương Dương, Kỳ Sơn, chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có thể sử dụng chữ Mông.

Đối với các bạn trẻ người Mông, không chỉ có chữ viết mà những hội ném pao cũng rất đỗi quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Hội ném pao thường chỉ diễn ra mỗi năm một lần, vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày trước, khi tết truyền thống của người Mông chưa bị bãi bỏ thì trai gái trong các cộng đồng sống trên núi cao này tổ chức ném pao vào khoảng tháng 11 âm lịch. Quả pao được con gái Mông khâu bằng những miếng vải màu, bên trong có đựng trấu hoặc hạt bông. Ngày nay, những quả bóng tennis vừa bền vừa đẹp được dùng thay cho cái túi vải. Trai gái Mông đứng xếp thành 2 hàng, trai một bên, gái một bên. Quả pao tung lên bay từ tay con gái qua tay con trai, rồi cánh con trai tung trả lại. Cứ thế, những cuộc chuyện trò diễn ra sôi nổi. Ngày thường, con gái, con trai mới lớn đi ngang qua nhau cũng thấy e thẹn. Khi vào hội ném pao rồi, ai nấy đều trở nên tự tin, thân thiện. Ban đầu, khoảng cách giữa hai hàng người đứng ném pao xa chừng vài sải tay, khi cuộc chuyện đã thân tình, cánh con trai chủ động ném khoảng cách ngắn lại cho bạn gái xích vào gần hơn. Khi hội ném pao chuẩn bị vãn thì khoảng cách giữa họ chỉ còn chừng một sải tay và nhiều đôi cũng đã tỏ ra chuyện trò hợp ý. Chia tay rồi, những đôi trẻ ít nhiều đều thấy quyến luyến chẳng muốn tàn cuộc vui. Họ lại hẹn hôm sau gặp lại nhau trong một hội ném pao khác...

Tại hội ném pao ở bản Huồi Sơn (xã Tam Hợp Tương Dương) vào dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ (2014), cô bé Vừ Y Dìa tâm sự: Cũng nhờ những hội ném pao như vậy mà nhiều người đã thành vợ thành chồng. Là một cộng đồng chăm chỉ nên ngoài những ngày lễ tết quan trọng, hầu như trai gái Mông đều ở trên nương, trên rẫy, cũng có người đi học và làm ăn xa, hội ném pao là cơ hội hiếm hoi để trai gái gặp gỡ tìm hiểu. Cũng nhờ thế, nhiều người đã thành đôi!

Vừ Y Dìa cũng cho biết, các bạn trẻ người Mông ngày nay trở nên “thoáng” hơn trong lối sống. Con gái trong bản hầu hết đã được đi học. Nhiều người cũng đã biết đến cái điện thoại di động, mặc dù phải ra gần trung tâm xã mới có thể gọi được. Hội ném pao không còn là cách duy nhất để trai gái Mông gặp gỡ nữa. Các bạn trẻ đã trở nên chủ động hơn trong việc tiếp xúc, tìm bạn đời. Sau những ngày giờ bận rộn, con trai Mông cũng đã “học cách” của các bạn người Thái, tìm đến nhà bạn gái để tỏ rõ thành ý của mình.

Trong cuộc gặp gần đây, Y Dìa cho biết bản thân vẫn chưa lập gia đình mặc dù đã 20 tuổi và cũng đã có nhiều người muốn hỏi về làm “bạn đời”. Con gái Mông trong bản không mấy ai lấy chồng muộn vậy. Nhưng với cô thì việc lập nghiệp là trước tiên. Tuy vậy, cô vẫn mong những ngày hội ném pao. Đó là điều không thể thiếu trong những ngày tết đến xuân về.

Đến với những cộng đồng Thái, Khơ mú trên nhiều địa bàn ở miền Tây Nghệ An, hầu hết các bạn trẻ đều đã xa rời với trang phục truyền thống bản địa. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi cách thiết kế của những trang phục này không còn phù hợp với cuộc sống lao động thời hiện đại. Tuy nhiên, với các cô gái trẻ trong những bản người Mông ở Na Ngoi (Kỳ Sơn) thì trang phục Mông vẫn xuật hiện trong khi lên nương, lên rẫy. Lầu Y Mỉ là một trong những cô gái trẻ trú bản Ka Dưới, vẫn thường mặc trang phục Mông trong sinh hoạt hàng ngày. Vào những lúc rỗi việc, Y Mỉ thêu những chiếc địu để sau này khi về nhà chồng, dùng địu con hoặc làm quà cho những người đã lập gia đình trong họ tộc.

Còn với cô giáo trẻ Vừ Y Mái (Mường Lống - Kỳ Sơn) mà chúng tôi gặp trong một lớp học chữ Mông ở Thị trấn Mường Xén, một người có lối sống khá hiện đại, thì chiếc váy Mông vẫn rất đỗi cần thiết. Cô cho biết, ngoài giờ lên lớp hoặc tham gia những hoạt động ngoài xã hội cần đến sự năng động, cô vẫn ăn mặc như các bạn trẻ miền xuôi. Nhưng khi về bản, cô vẫn thích mặc váy Mông...

Sống trong một cộng đồng đoàn kết và ít nhiều còn khá biệt lập về mặt văn hóa, giới trẻ Mông vùng cao ngày nay còn giữ được những nét văn hóa căn bản của dân tộc mình. Với họ, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa dù sao cũng chưa đặt ra bức thiết như với giới trẻ các cộng đồng thiểu số khác ở vùng cao Nghệ An!

Bài, ảnh: Hữu Vi

Mới nhất

x
Bài 4: Lưu giữ chữ Mông và hội ném pao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO