Bài 5: Để ngư dân bám biển...

12/12/2011 16:22

Chúng tôi về Quỳnh Lưu đúng vào ngày trời chuyển gió mùa đông bắc, biển động, từng đoàn tàu thuyền nối đuôi nhau, nêm chật bến cá Lạch Quèn. Những con thu, con nục tươi xanh lấp lánh được chuyển lên bờ trong sự chờ đợi của tư thương. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến đời sống ngư dân, nhưng cuộc sống của những ngư dân bám biển vẫn còn nhiều khó khăn.

(Baonghean) - Chúng tôi về Quỳnh Lưu đúng vào ngày trời chuyển gió mùa đông bắc, biển động, từng đoàn tàu thuyền nối đuôi nhau, nêm chật bến cá Lạch Quèn. Những con thu, con nục tươi xanh lấp lánh được chuyển lên bờ trong sự chờ đợi của tư thương. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều quan tâm đến đời sống ngư dân, nhưng cuộc sống của những ngư dân bám biển vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Hồ Sỹ Trung - xóm Hoà Bình xã Quỳnh Nghĩa chia sẻ: “Cả cuộc đời tôi gắn bó với biển, sống với biển, ăn với biển và ngủ cùng với biển. Năm nay bước sang tuổi 64 nhưng hàng ngày tôi vẫn ra khơi đánh cá vì cuộc sống mưu sinh. Hơn 30 năm miệt mài khai thác ngoài khơi, gia sản mà tôi giành dụm được là nuôi các con trưởng thành, cuộc sống không có gì dư dật. Hơn 30 năm nay tôi vẫn phải đi bạn với người ta, cả đời bám biển nhưng tôi không thể tích lũy được vốn để chung một phần tàu (đóng một con tàu trị giá 2 - 4 tỷ đồng). Vì thế rất thiệt thòi, người ta có vốn bỏ ra đóng tàu thì sau mỗi chuyến biển trở về được ăn chia gấp 4- 5 lần, còn tôi chỉ được một phần. Do đó mình cứ nghèo mãi, chỉ đủ ăn thôi. Vợ tôi mấy chục năm nay vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng chạy chợ bán cá.

Còn ngư dân Hồ Văn Tuyến - xóm Hoà Bình xã Quỳnh Nghĩa cho hay: Năm lên 17 tuổi, tôi được cha cho theo xuống tàu đi đánh cá cùng với các chú, các anh. Ngày đầu tiên ra khơi, sóng đập cho tôi say đứ đừ, tôi tưởng không bao giờ tôi có thể bước chân xuống tàu cá nữa. Nhưng rồi bốn thế hệ gia đình tôi, không có nghề chi khác ngoài đi biển đánh cá. Tôi may mắn được thừa hưởng phần chung tàu của bố nên cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn các bạn cùng trang lứa. Tôi ước ao có được ít vốn để đóng một con tàu riêng lập nghiệp cho mình”.



Vận chuyển cá đưa đi tiêu thụ (bến cá Lạch Quèn - Quỳnh Lưu)

Ông Nguyễn Văn Kế- Chủ tịch Hội “Nghề cá xã Tiến Thuỷ, Quỳnh Lưu cho biết: “Tiến Thuỷ là địa phương phát triển nghề khai thác cá trọng điểm của huyện Quỳnh Lưu. Xã có bến cá Lạch Quèn phục vụ tàu thuyền ra vào của ngư dân 4 xã gồm Tiến Thuỷ, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, An Hoà, với trên 700 phương tiện. Những năm gần đây, đảng uỷ, chính quyền địa phương đặt vấn đề khai thác thuỷ sản là ngành mũi nhọn và cũng là nghề truyền thống của xã nhà. Hiện nay, toàn xã Tiến Thuỷ có 346 chiếc tàu, thuyền với tổng công suất 53.983 CV, với gần 2.000 lao động trực tiếp khai thác trên biển. Riêng trong năm 2011, ngư dân Tiến Thuỷ đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 tỷ đồng để đóng mới 30 con tàu lớn, công suất 400 - 600 CV/tàu, giá trị bình quân từ 3,5- 4 tỷ đồng/tàu”.

Tiến Thuỷ là một xã đất chật người đông, đất đai sản xuất nông nghiệp hầu như không có nên cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nghề khai thác thuỷ sản là chính. Nhờ nghề khai thác phát triển mà các nghề dịch vụ hậu cần nghề cá như: đá lạnh, thu mua, sửa chữa, cơ khí, đóng mới tàu thuyền... trong xã cũng phát triển theo, tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động. Những năm gần đây, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, trang thiết bị máy móc hiện đại... đã hạn chế được rủi ro cho ngư dân trong quá trình vươn khơi. Đồng thời cuộc sống của ngư dân được nâng lên rõ rệt nhờ tăng sản lượng đánh bắt, thu nhập bình quân của lao động nghề cá đạt 35 - 40 triệu đồng/năm. Nhờ chính sách của Nhà nước quan tâm đến ngành khai thác thuỷ sản đã phần nào hỗ trợ cho ngư dân trong lúc khó khăn. Năm 2008, thực hiện hỗ trợ tiền dầu, lãi suất, chuyển đổi nghề... theo Quyết định 289/CP của Chính phủ, ngư dân xã Tiến Thuỷ đã nhận được tổng số tiền hỗ trợ trên 10 tỷ đồng. Năm 2009, hỗ trợ cho ngư dân khoảng 1,3 tỷ đồng. Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 10/2010.

Theo đó, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đóng mới, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng máy trưởng, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, hỗ trợ thông tin liên lạc, phao cứu sinh... cho ngư dân. Năm 2010, ngư dân Tiến Thuỷ được hỗ trợ khoảng 1,3 tỷ đồng. Năm 2011 này, hỗ trợ 270 triệu đồng cho 5 tàu đóng mới, 195 bộ phao cứu sinh, 3 máy thông tin tầm xa, 2 lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Tuy nhiên, nhiều hộ đóng mới tàu vẫn chưa được hưởng chính sách của Nhà nước. Để đóng được một con tàu lớn đủ sức vươn khơi, ngư dân phải đầu tư 3 - 4 tỷ đồng. 10 người phải thế chấp 8 - 10 bìa đất của tất cả mọi thành viên trong tổ hợp thì ngân hàng cũng chỉ cho vay tối đa 800 triệu đồng, còn lại chủ yếu do ngư dân tự bỏ tiền ra đóng.

Hiện nay, bến cá Lạch Quèn vẫn tồn tại 2 rạn đá ngầm, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào mỗi khi nước cạn. Lòng sông hẹp, phương tiện nhiều, những ngày nước rút tàu thuyền vào bến thường bị va vấp, gây thiệt hại, hư hỏng. Năm nào cũng có những trường hợp tàu thuyền của ngư dân bị rạn đá ngầm đâm thủng, chìm tàu, mắc cạn, mắc đá hư hỏng máy móc, phải thuê trục vớt, rất tốn kém. Ngư dân mong tỉnh quan tâm, sớm tạo điều kiện bốc được rạn đá ngầm để ngư dân tránh được thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 2.100 tàu thuyền lớn nhỏ, trong đó 836 tàu trên 90 CV, số còn lại là tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Với hơn 11.000 lao động trong huyện làm nghề khai thác thủy hải sản. Chỉ tính riêng sản phẩm khai thác năm 2011, toàn huyện đạt 32.000 tấn cá, tôm, mực… đạt giá trị sản xuất khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lĩnh vực khai thác rủi ro cao, muốn vươn khơi đòi hỏi phải có tàu to máy lớn. Ngư dân muốn vươn khơi xa phải đầu tư 2 - 4 tỷ đồng để đóng tàu to. Nhưng hiện chính sách tín dụng rất khó khăn, ngân hàng không muốn cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền. Dân hoàn toàn phải vay ngoài để làm, lãi suất cao. Để phát triển đánh bắt xa bờ, vươn khơi, giá trị cao, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, cần một cơ chế chính sách tín dụng cho ngư dân để người dân được tiếp cận vốn đầu tư đóng mới tàu thuyền. Ngoài ra, ngư dân rất cần hỗ trợ bảo hiểm tàu thuyền khi gặp rủi ro trên biển.

Chiến lược biển nên coi ngư dân là một đối tượng trọng tâm, vì ngư dân và vì chủ quyền biển đảo. Chính sách tốt cho ngư dân, nhất là chính sách tín dụng cũng không nằm ngoài mục đích đó.


Quỳnh Lan

Mới nhất

x
Bài 5: Để ngư dân bám biển...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO