Bài 5: Đừng vì cái lợi trước mắt
(Baonghean) - Cùng với các địa phương trong tỉnh có quốc lộ 1A đi qua, những ngày đầu tháng tư này, cấp ủy chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đang gấp rút, bằng mọi biện pháp để sớm bàn giao mặt bằng kịp thông tuyến Quốc lộ 1A đúng tiến độ. Đáng ghi nhận là, vì lợi ích chung, nhiều người dân đã gác lại những sai, đúng, thiệt hơn phối hợp với chính quyền tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân, chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt của bản thân, cố tình “gây khó” cho chính quyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
(Baonghean) - Cùng với các địa phương trong tỉnh có quốc lộ 1A đi qua, những ngày đầu tháng tư này, cấp ủy chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đang gấp rút, bằng mọi biện pháp để sớm bàn giao mặt bằng kịp thông tuyến Quốc lộ 1A đúng tiến độ. Đáng ghi nhận là, vì lợi ích chung, nhiều người dân đã gác lại những sai, đúng, thiệt hơn phối hợp với chính quyền tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân, chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt của bản thân, cố tình “gây khó” cho chính quyền, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công…
Hai ngày nay, đi dọc Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Nghi Trung, Nghi Thuận (Nghi Lộc), chúng tôi được chứng kiến không khí khẩn trương của người dân đang cùng nhau phá lều ốt, tháo dỡ bảng hiệu, chặt cây cối để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Tất cả đều được triển khai với tinh thần tự giác, tự nguyện. Tại xóm 16 - nơi trước đây được xem là điểm vướng khó giải của Nghi Lộc, thì nay cả 31 hộ dân bám mặt đường một đều đồng loạt tự tháo dỡ công trình, kiến trúc trên đất để bàn giao mặt bằng. Có những gia đình như hộ ông Đặng Tố Lâm (Nghi Thuận) có 2 gian ốt trong phần đất giải tỏa cũng đã khẩn trương thuê thêm người để việc tháo dỡ triển khai nhanh hơn, thuận tiện hơn. Còn hộ ông Nguyễn Văn Nghị ban đầu không đồng thuận nhưng nay lại là người hăng hái nhất trong công tác tháo dỡ bàn giao mặt bằng. Trao đổi với chúng tôi, ông vui vẻ cho biết: “Chúng tôi đồng tình với kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, sai đâu sửa đó nhưng trước mắt phải vì lợi ích chung, vì con đường huyết mạch của cả nước. Người dân chúng tôi chấp hành chủ trương, chính sách của nhà nước, nhưng cũng mong sau khi đã hoàn thành tuyến quốc lộ 1A, xét có những phần chưa thỏa đáng thì nhà nước đảm bảo quyền lợi cho dân”.
![]() |
Chính quyền huyện Nghi Lộc và các sở, ngành đối thoại với các hộ dân ở xã Nghi Long |
Luôn bám sát hiện trường để động viên người dân, ông Nguyễn Đình Quang- Bí thư chi bộ xóm 16 cho hay: Sau khi có Thông báo của UBND tỉnh, nhất là được đích thân đồng chí chủ tịch UBND huyện về đối thoại, giải thích, người dân đã thông tỏ về chủ trương, chính sách của nhà nước và tự nguyện bàn giao mặt bằng, có những hộ như gia đình anh chị Liễu Hoa dù chưa nhận tiền hỗ trợ vẫn tích cực tháo dỡ để bàn giao… đến cuối chiều ngày 7/4/2014 cơ bản đã tháo dỡ xong.
![]() |
Biên bản xác nhận đền bù của Dự án PMU1 năm 1994 ở Diễn Châu. |
Anh Nguyễn Bá Điệp- Phó phòng Tài nguyên- Môi trường, Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện Nghi Lộc cho hay: Dù gặp rất nhiều vướng mắc nhưng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, đến thời điểm này huyện Nghi Lộc đã bàn giao mặt bằng đạt 94%.
Hiện chỉ còn khoảng 0,78 km chưa bàn giao, nguyên nhân chủ yếu là do vẫn còn 17 hộ dân tại xóm 2,3 và 6 xã Nghi Long chưa chấp thuận bàn giao mặt bằng. Họ cho rằng đất họ ở trước năm 1980. Trước đây thực hiện dự án PMU1, nhà nước đã đền bù 1,5m, nay họ đòi hỏi phần đền bù về đất trong phạm vi chỉ giới PMU1. Tại buổi đối thoại với 17 hộ dân vào chiều ngày 7 tháng 4, một số gia đình như bà Lê Thị Thiềm, ông Nguyễn Văn Thế… còn vin vào biên bản đền bù tài sản của Ban giải phóng mặt bằng huyện Nghi Lộc năm 1994 làm cái cớ để đòi hỏi chính quyền phải giải quyết. Đây là đòi hỏi trái quy định, bởi: Thứ nhất, biên bản đền bù tài sản này chưa đảm bảo tính pháp lý khi phần chữ ký của đại diện PMU1 bỏ trống. Trong khi cũng với biên bản hồ sơ tương tự, tại địa bàn một số xã dọc tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, có chữ ký xác nhận đã đền bù của phía PMU1... Thứ hai, theo văn bản số 1268/PMU1-QLDA2 ngày 26 tháng 7 năm 2010 về “việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án PMU1, Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh Nghệ An” gửi ban chỉ đạo hỗ trợ, bồi thường, tái định cư các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Nghệ An ghi rõ “diện tích đã xây dựng công trình giao thông thuộc dự án PMU1 đã làm thủ tục thu hồi đất vĩnh viễn”. “… Diện tích đất từ chân công trình đến cọc giải phóng mặt bằng của dự án PMU1 các đoạn tuyến đi qua khu vực nông thôn tính từ chân ta luy nền đường đắp và đỉnh taluy nền đường đào ra mỗi bên 7m. Các đoạn có đường sắt liền kề đi qua chỉ cắm cọc giải phóng mặt bằng về một phía. Trong phạm vi này dự án đã đền bù toàn bộ công trình, vật kiến trúc trên đất và cây cối hoa màu…”. Điều này thể hiện, trong giai đoạn triển khai công tác giải phóng mặt bằng, chủ dự án đã không thực hiện đền bù về đất. Vì vậy, việc một số hộ nhân cho rằng đã được nhận phần hỗ trợ về đất trong phạm vi 7m tính từ chân đường ra mỗi bên là hoàn toàn không có căn cứ. Nếu “sự thật” có được đền bù về đất trong phạm vi chỉ giới cắm mốc, thì cần phải xem xét lại việc giải quyết đền bù của Hội đồng đền bù GPMB QL 1A thời kỳ này của địa phương đã đúng quy định chưa?
![]() |
Người dân xóm 16 xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) tự nguyện tháo dỡ tài sản trên đất bàn giao mặt bằng. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo ông Lê Văn Nghĩa- Chủ tịch UBND xã Nghi Long thì mặc dù chính quyền huyện và xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động đối thoại, giải thích rằng những đòi hỏi đó là trái với quy định của nhà nước bởi theo quy định tại Khoản 3, điều 5 của qui định ban hành kèm theo Quyết định 04/2010/QĐ – UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh ghi rõ: “Đối với phần diện tích đất đã được nhà nước giải tỏa trong quá trình thực hiện chủ trương chính sách qua các thời kỳ nay các chủ sử dụng đất không còn sử dụng hoặc đang sử dụng nhưng do tái lấn chiếm (kể cả trường hợp chưa có quyết định thu hồi) thì bị thu hồi đất mà không được bồi thường về đất” thế nhưng đến nay các hộ dân vẫn không chấp thuận.
Và trong buổi đối thoại vào chiều 7/4, ông Lê Văn Khang- Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc một lần nữa đã giải thích rõ những thắc mắc, yêu cầu đòi hỏi của người dân và nói rõ chủ trương nhất quán của UBND tỉnh thể hiện tại Thông báo số 147/TB. UBND- GT ngày 03 tháng 4 năm 2014 là: “Đối với phần diện tích đất mà trước đây đã được giải tỏa qua các thời kỳ bao gồm dự án PMU1 trước đây nay không thực hiện bồi thường về đất”. Thế nhưng các hộ dân vẫn khăng khăng với những đòi hỏi trái quy định. Nhiều hộ đến dự cuộc đối thoại để nêu kiến nghị, thắc mắc thế nhưng lại bỏ ra về, không lắng nghe ý kiến giải thích của cán bộ chủ trì. Chính vì vậy, giữa người dân và chính quyền vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung. Những hộ dân này đã thể hiện sự cố chấp bảo vệ cái lợi cá nhân trước mắt không đúng quy định mà quên đi lợi ích chung trong đó có quyền lợi của chính mình.
Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của cả nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương nó đi qua. Kể từ khi thông tuyến Quốc lộ Bắc- Nam, đây là lần thứ hai Đảng và Nhà nước ta tiến hành cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A. Thời kỳ thông tuyến sau khi đất nước được giải phóng diễn ra thuận lợi, trong khí thế mở đường lớn để nối liền hai miền Nam- Bắc, không ai tính đến lợi ích cá nhân. Bước sang giai đoạn đổi mới những năm 1993-1998, khi nhà nước chủ trương nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 1A, lúc này chiến tranh đã lùi xa hơn 20 năm, kinh tế phát triển, một số người đã bắt đầu chú trọng tới lợi ích cá nhân, thì cũng là lúc nảy sinh những đòi hỏi yêu cầu bồi thường về đất đai. Vì thế, mặc dù “đất đai là tài sản quốc gia” nhưng Nhà nước vẫn có những chính sách hỗ trợ bồi thường cho người dân. Đến thời kỳ hiện nay, đất đai đã trở thành “tấc đất tấc vàng” thì việc bị thu hồi dù là phần đất lưu không trong chỉ giới cắm mốc rất khó khăn. Một tấc đất đối với nhiều người đã trở thành “của đau con xót”. Họ lấy chính sách của một thời “ấu trĩ cùng hưởng lợi”, lấy những cái không còn phù hợp để bắt chẹt chính quyền, mưu cầu lợi ích riêng.
Nếu việc yêu cầu đòi bồi thường của một số người dân theo họ là “có căn cứ” thì chính quyền địa phương nên chỉ đạo Hội đồng bồi thường GPMB lập hồ sơ hiện trạng, nguồn gốc chi tiết đối với từng hộ dân. Về phía người dân phải có trách nhiệm cung cấp chi tiết hồ sơ hợp pháp phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của chính họ để làm căn cứ đối chiếu với các quy định hiện hành về chính sách hỗ trợ bồi thường GPMB áp dụng với QL1A để thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần phải tính đến việc thu hồi lại những phần chi trả, đền bù chưa đúng với quy định trước đây mà người dân vẫn cố tình vin vào để đòi hỏi trái quy định. Tuy nhiên, song song với việc giải quyết những vấn đề còn chưa thấu suốt, thì mọi người đều phải đồng thuận thực hiện việc bàn giao mặt bằng để Quốc lộ 1A được thông tuyến đúng thời hạn. Bởi không thể vì lợi ích cá biệt, không đúng quy định của 17 hộ dân, trên tuyến chiều dài 0,78km mà ảnh hưởng đến tiến độ thi công của 73,8km tuyến QL1A đi qua Nghệ An và tổng chiều dài 1887 km đoạn Thanh Hóa- Cần Thơ. Thực tế lịch sử đã chứng minh lợi ích quốc gia là trên hết, không ai, tổ chức nào có thể đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong trường hợp này, việc bất hợp tác, cố chấp của một số người dân thuộc xóm 2,3,6 trên địa bàn xã Nghi Long còn ảnh hưởng đến hình ảnh và lòng tự tôn của người Nghệ An vốn giàu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ai cũng có những lúc tính toán thiệt hơn, nhưng điều quan trọng là đến thời điểm này đã có rất nhiều người hiểu ra “lợi ích quốc gia chính là lợi ích của bản thân mình” nên đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để đảm bảo thi công đúng tiến độ. Ngay như 172 hộ dân ở Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) được cấp bìa đỏ trong phạm vi PMU1 ban đầu cố tình không chịu bàn giao nay đã thông tỏ và tích cực phối hợp với chính quyền thực hiện bàn giao mặt bằng. Chẳng nói đâu xa, 31 hộ dân ở Nghi Thuận và 41 hộ Nghi Trung (Nghi Lộc) trong hai ngày nghỉ thứ bảy (5/4), chủ nhật (6/4) đã đồng loạt tự tháo dỡ tài sản, vật kiến trúc trong phạm vi bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng (có tổng chiều dài 1km) cho đơn vị thi công, mà trước đây khi chưa thấu tỏ, họ từng quyết liệt chống đối.
Thế nên, 17 hộ dân ở Nghi Long (Nghi Lộc) cũng cần phải “trông người mà ngẫm đến ta” để thông tỏ và chấp hành chủ trương của Nhà nước, bởi không ai có quyền cản trở, xâm hại đến quyền lợi của quốc gia…
Bài, ảnh: Nhóm P.V