Bài 5: Họ Moong và những tục lạ
Những người nhiều tuổi trong cộng đồng trên 3 vạn người Khơ mú đang sinh sống tại vùng cao Nghệ An (các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, đặc biệt là huyện Kỳ Sơn) không còn nhớ được dân tộc mình và người họ Moong đã đến đây từ bao giờ? Người được cho là học rộng hiểu nhiều nhất trong những người Khơ mú ở Nghệ An, là ông Moong Văn Nghệ, cũng chỉ biết rằng họ đã đến đây từ Lào, vào một thời xa xưa nào đó...
(Baonghean) - Những người nhiều tuổi trong cộng đồng trên 3 vạn người Khơ mú đang sinh sống tại vùng cao Nghệ An (các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, đặc biệt là huyện Kỳ Sơn) không còn nhớ được dân tộc mình và người họ Moong đã đến đây từ bao giờ? Người được cho là học rộng hiểu nhiều nhất trong những người Khơ mú ở Nghệ An, là ông Moong Văn Nghệ, cũng chỉ biết rằng họ đã đến đây từ Lào, vào một thời xa xưa nào đó...
>>Bài 4: Ghi ở dòng họ Hủn Vi
Một ngày hè, chúng tôi tìm đến ông Moong Văn Nghệ (Thị trấn Mường Xén - Kỳ Sơn). Ông Nghệ là một trong những người Khơ mú được biết nhiều nhất ở Nghệ An, từng làm Phó ban Dân tộc - miền núi tỉnh. Tuy đã hưu trí từ lâu, sức khỏe giảm nhiều, ông vẫn thích lao động chân tay, dẫu đã có hẳn một cơ ngơi khá bề thế ở trung tâm thị trấn.
Biết chúng tôi tìm hiểu về dòng họ Moong, ông tỏ ra phấn khởi: Dòng họ Moong và họ Hoa lớn nhất trong cộng đồng dân tộc Khơ mú. Sách báo nói người Khơ mú từ Lào vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 3 TCN, nên ngày nay họ vẫn có mối liên hệ thân thiết với người Khơ mú ở nước bạn Lào. Trước đây, người Khơ mú sống gần người Thái, chịu nhiều ảnh hưởng về văn hóa như trang phục, nhà ở, lối sống và cả ngôn ngữ. Thời phong kiến, những người Khơ mú chịu sự chèn ép của người Thái, nên không được tham gia giữ chức sắc trong chính quyền. Chỉ sau này, Cách mạng thành công (1945), người Khơ mú mới có cơ hội tiến thân và đóng góp cho xã hội.
Ông Moong Văn Nghệ giới thiệu về gian thờ của dòng họ. Ảnh: Hữu Vi
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những người Khơ mú ở Kỳ Sơn có đóng góp rất nhiệt tình cho cách mạng. Họ là cộng đồng chịu nhiều hy sinh mất mát nhất của huyện vùng cao Kỳ Sơn với hàng trăm liệt sỹ, thương, bệnh binh. Trong đó, có những cá nhân như Hoa Phò Đi (xã Tà Cạ) được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLĐ, ông Moong Văn Nghệ từng là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.
Cũng như người Thái, mỗi dòng họ người Khơ mú có tập tục riêng trong đó có những điều kiêng kỵ. Họ Moong không ăn thịt con chồn đen, như một số sách báo đã đề cập. Ông Moong Văn Nghệ cho biết thêm, dòng họ của ông còn không được nấu nướng, nhóm bếp trong gian thờ (một gian quan trọng trong ngôi nhà người Khơ mú). Khi tìm hiểu về gian thờ cho bài viết này, chúng tôi chỉ được đứng ngoài mép cửa.
Đối với những người họ Moong ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn), vì đại đa số cư dân là người Khơ mú, dòng họ Moong ngoài ăn Tết Nguyên đán, họ còn ăn tết "khoai sọ" vào tháng 8, 9 âm lịch. Những dòng họ khác tổ chức vào tháng 4, 5 và nghi lễ tiến hành vào ban ngày. Họ Moong lại tổ chức vào ban đêm, càng khuya càng tốt, vì theo họ lúc ấy vạn vật, con người, thần linh đều yên giấc, chỉ có tổ tiên của dòng họ trở về bên con cháu. Lúc này, không có ai lên nhà làm ảnh hưởng đến lễ nghi. Nếu có ai đó vô tình lên nhà thì phải tổ chức lại lễ tế. Lúc đó, con cháu trong nhà cũng phải tuyệt đối giữ yên lặng, chỉ có lời cúng bái của người chủ lễ, là trung gian giữa thế giới con người với thần linh. Con gái đã về nhà chồng cũng không được ăn tết chung trong gian thờ, vì khi đã về nhà chồng, cô gái đã thành người họ khác. Sau khi "ma nhà" ăn xong, người chủ lễ bưng mâm cúng ra ngoài, ngay trước cửa gian thờ, đánh thức con cháu dậy hưởng lộc. Cháu nhỏ nào ngủ say, cha mẹ sẽ đưa một miếng thịt lại gần mũi để vía của con được ăn tết. Sau khi tổ tiên và người nhà ăn xong bữa cơm cúng, người ngoài mới được đặt chân lên nhà...
Trong mâm cúng ngày Tết “Khoai sọ”, cũng như Tết Nguyên đán của người họ Moong, ngoài món khoai sọ, không thể thiếu một đôi gà (một trống, một mái). Người họ Hoa, Lô Lương lại cúng lợn. Rượu cần, cũng phải có 2 vò cho có cặp, có đôi. Nhà có điều kiện mới mổ lợn, thậm chí mổ bò, nhưng đó chỉ là phần "phụ", tùy điều kiện từng nhà.
Hiện nay, những người Khơ mú, họ Moong ở Kỳ Sơn, cũng có những người đang giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền cấp huyện, xã. Nhiều người đang theo học trong các trường CĐ, ĐH trên cả nước.
Hà Phượng - Lang Lương (Huyện đoàn Kỳ Sơn)