Bài 5: Mường Choọng

02/10/2013 02:41

(Baonghean) - Nằm giữa mường Quạ và mường Chiêng Ngam, mường Choọng là một trong những mường lớn trên dải đất miền Tây Nghệ An. Mường Choọng trải dài từ xã Châu Lý đến Bắc Sơn, Nam Sơn và một phần xã Châu Đình huyện Quỳ Hợp ngày nay...

Lịch sử đã minh chứng, mảnh đất mường Choọng có một vai trò rất đặc biệt trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427), vùng đất này là nơi nghĩa quân dừng chân để tuyển quân, gom góp lương thảo phục vụ cho chuỗi trận đánh chống quân Minh trên miền Tây Nghệ An. Người dân mường Choọng tự bao đời nay vẫn kể cho con cháu nghe về chuyện lập bản lập mường, rằng “Choọng” nghĩa tiếng Thái là trọng người, mến khách. Quá trình lưu lại nơi này, cảm kích trước tấm lòng mến khách cũng như những đóng góp của dân bản, nghĩa quân Lam Sơn đã đặt tên cho vùng đất này là mường Choọng. Những câu chuyện về lòng yêu nước, yêu bản mường như “Chuyện cha lật, cha Lợi”, “Chuyện Nang Phốm Hóm”, “Chuyện Pu Canh vệ”... hàng trăm năm qua vẫn truyền đời, hằn sâu trong tâm khảm người dân mường Choọng.

Không chỉ lưu lại với địa danh và những câu chuyện kể, ở mường Choọng còn có một ngôi đền thiêng liên quan đến giai đoạn lịch sử đặc biệt này. Đó là đền Choọng, tọa lạc trên đỉnh núi Pu Đên- trung tâm của mường. Đền thờ Nang Phốm Hóm - nàng tóc thơm, người con gái dân tộc Thái đã có công lớn trong việc gom góp lương thảo nuôi quân, giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc. Quá trình nghiên cứu cho thấy đền Choọng có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa của mảnh đất và con người mường Choọng. Từ xa xưa, người dân mường Choọng đã cắt đặt dòng họ Vi lo việc tế lễ ở đền Choọng, còn dòng họ Lương thì đảm trách việc bảo vệ, dòng họ Lo thì đảm nhận chuẩn bị lễ vật...

Hai cây muỗm đại thụ trăm năm tuổi ở trung tâm mường Choọng.
Hai cây muỗm đại thụ trăm năm tuổi ở trung tâm mường Choọng.

Cư dân mường Choọng chủ yếu là bà con dân tộc Thái, bà con cư trú ven dòng Nậm Choọng và phụ lưu, điều đặc biệt là có không ít bản làng chỉ mỗi một dòng họ cư trú, như bản Vi ở Bắc Sơn chỉ mỗi một họ Vi, bản Hiêng (Bắc Sơn) bao đời nay cũng chỉ một dòng họ Lương chung sống. Từ năm 1968, mường Choọng có thêm những hộ người Kinh ở Hưng Nguyên, Nghi Lộc lên dắm dân, xây dựng kinh tế mới. Nhưng sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc anh em Kinh và Thái thì đã có từ rất sớm, đơn cử như việc tế lễ ở đền Choọng đều bằng tiếng Kinh.

Mường Choọng xưa hàng năm có 2 lễ hội chính đó là Đám Lục ngoạt và lễ Tất niên. Đám Lục ngoạt tổ chức vào 2 ngày 15 và 16 tháng 6 âm lịch. Từ 2 giờ chiều ngày 15 tháng 6 âm lịch, bắt đầu tiến hành lễ rước linh giá từ đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng, xuống đình mường Choọng (Đình mường Choọng nay không còn nữa, vị trí đình xưa nằm cạnh những cây muỗm già cuối bản Choọng ngày nay). Những người có chức sắc trong vùng và người dân mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia lễ rước. Chín giờ sáng ngày 16/6 âm lịch, mọi người tổ chức rước kiệu về đền Choọng với không khí trang nghiêm. Chính tế, bồi tế tiến hành lễ cúng tại đền Choọng, cầu cho mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi. Cầu cho những người có chức sắc tâm sáng sức bền để lo việc bản, việc mường chu toàn, dân bản có sức khỏe dồi dào, làm ra nhiều của cải, con em học hành đỗ đạt…

Lễ Tất niên được tổ chức ở đền Choọng vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Khác với Đám Lục ngoạt, lễ Tất niên không tổ chức rước linh giá về đình, không làm thịt trâu. Lễ vật cúng Tất niên là các món được chế biến từ cá, thịt, trứng gà và sản vật không thể thiếu là oản xôi, xôi hông chín được đổ vào khuôn là ống nứa cắt ngắn sau đó úp lên lá mít thành những oản tròn đều nhau và dâng lên ban thờ.

Vị trí địa lý của mường Choọng có vai trò hết sức đặc biệt đối với dải đất miền Tây Nghệ An. Nếu như trong lịch sử, mường Choọng là điểm dừng chân của nghĩa quân Lam Sơn trong hành trình giải phóng miền Tây thì ngày nay, mường Choọng là địạ bàn có Quốc lộ 48C đi qua, chạy ven dòng Nậm Choọng, dọc theo suốt chiều dài của mường, nối mường Chiêng Ngam, mường Khủn Tinh với mường Quạ, mường Lống... Trong lịch sử đồng bào hai dân tộc anh em Kinh và Thái đã cùng sát cánh bên nhau chống giặc ngoại xâm. Ngày nay, truyền thống ấy đang được đắp bồi, làm nên cốt cách và con người mường Choọng: yêu tha thiết bản mường, non sông gấm vóc; cần cù, chịu khó, trọng người mến khách và mộc mạc chân tình như hạt lúa, củ khoai.

Chuyển mình hội nhập nhưng người dân mường Choọng luôn biết gạn đục khơi trong, giữ cho mường những nét đẹp văn hóa bao đời truyền lại. Qua khảo sát cho thấy mường Choọng là địa bàn “sạch” về ma túy. Hiện tại, chưa phát hiện người dân ở các xã Châu Lý, Nam Sơn, Bắc Sơn mua bán, tàng trữ hay sử dụng ma túy. Đa số bà con dân tộc Thái ở mường Choọng đều đang giữ được nếp nhà sàn truyền thống, những vùng như bản Vi (Bắc Sơn), bản Choọng (Châu Lý), bản Quảng (Nam Sơn)... được mệnh danh là “xứ sở nhà sàn”. Bên cạnh nét bản sắc văn hóa của từng dân tộc, sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc anh em Kinh và Thái cũng đã và đang định hình, tạo nên những nét đẹp văn hóa đáng trân trọng nơi mảnh đất này!

Cao Duy Thái

Mới nhất
x
Bài 5: Mường Choọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO