Bài 5: Người Đan Lai trong xu thế hội nhập

27/01/2013 16:37

> Xem Bài 4: Bản họ Lo và mối lo vắng tiếng Ơ Đu

Tôi biết ông có lí khi xét trên bình diện văn hóa, người Đan Lai chỉ còn giữ được tiếng nói, một vài bài đồng dao và nhà ở (nhà sàn như người Thái, Khơ mú, Thổ, Tày, Nùng, Ê Đê...). Người Đan Lai ở Con Cuông cũng ở nhà sàn như hàng chục dân tộc khác trên mảnh đất này và tiếng nói của họ cùng nhóm ngữ với người Mường, Thổ... Tôi trộm nghĩ, họ vẫn lưu giữ được ngần ấy cũng có thể gọi là nhiều đối với một cộng đồng như người Đan Lai.

Thời kinh tế thị trường, các cộng đồng dân tộc cũng xích lại gần nhau hơn cả về kinh tế cũng như văn hóa, đồng nghĩa với việc nhiều vốn quý về văn hóa của những cộng đồng có xu hướng hòa tan vào văn hóa chung mà ta vẫn gọi là sự mai một. Người Đan Lai và văn hóa, lối sống của họ cũng đang trong xu thế này. Điều đó khiến những người quan tâm đến văn hóa cổ rất trăn trở!



Tục ngủ ngồi bên bếp lửa của người Đan Lai chỉ còn trong ký ức.

Mới đây, tiếp xúc với một nhóm các học sinh Đan Lai ở bán trú tại Trường THCS Lục Dạ. Những học sinh nói với tôi: “Chúng cháu đến từ bản Thỉn.” Thật ra, đó là cách gọi của bà con trong xã đối với đội 3 của bản Khe Mọi (Lục Dạ - Con Cuông). Những học sinh Đan Lai tuổi từ 12 - 14 ở đây chỉ nói tiếng Thái. Hỏi về tiếng Đan Lai, không còn mấy người biết nữa. Có em nói: “Chú có về bản cháu hỏi cũng không có nhiều người nói tiếng Đan Lai nữa.” Tôi quyết định đến bản Thỉn tìm nguyên nhân vì sao không còn mấy ai nói tiếng Đan Lai nữa, vì theo những học sinh thì tại đây tuyệt đại đa số cư dân vẫn là người Đan Lai.

Bản Thỉn vào buổi sáng mùa đông khá vắng lặng. Con đường dẫn vào điểm du lịch Thác Kèm mùa này đi ngang qua bản không một bóng người. Những đám ruộng cuối bản lúa đã lên xanh, đã vào kỳ làm cỏ. Một cụ bà đứng tần ngần bên hàng rào nứa nói rằng, ở đây người ta chỉ làm một vụ lúa nên mới cấy sớm vậy, cũng là để tránh những đợt lũ đầu mùa có thể ập đến vào tháng 3 âm lịch.

Đội trưởng Vi Văn Tiên vẫn trùm chăn kín đầu. Người đứng đầu cộng đồng nhỏ nhoi với 34 hộ dân này đã 20 năm nay vẫn được bà con gọi là “trưởng ban”, thấy người nhà báo có khách liền gạt chăn gượng dậy. Sau mỗi đêm uống rượu ông phải ngủ đến quá trưa hôm sau. Ông bảo đêm qua say, tôi không đến đánh thức thì có khi ông sẽ ngủ đến tận chiều muộn.

Ông cho biết: Bản Thỉn có từ năm 1988, khi người dân từ bản Khe Mọi vượt núi sang đây làm rãy rồi sinh sống thành bản. Trước đây, người Đan Lai ở bản Mọi vẫn kết hôn với người Thái và cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Thái. Hiện nay, trong bản, những người nhiều tuổi nhất như mẹ ông Tiên đã 76 tuổi cũng không còn mấy khi dùng tiếng Đan Lai nữa.

Về điều này thật trái ngược với công đồng Đan Lai tại bản Khe Bu, Khe Nóng (xã Châu Khê)... Tại những bản này, người Đan Lai và Thái vẫn chung sống từ nhiều năm nay, nhưng những người Đan Lai già trẻ, lớn bé đều giao tiếp hàng ngày bằng tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, tại khu tái định cư người Đan Lai ở 2 bản Cửa Rào và Tân Sơn (xã Môn Sơn) bà con chỉ còn giữ được tiếng nói, ngay cả không gian sinh hoạt là ngôi nhà sàn cũng không còn, bởi trước khi họ chuyển từ bản cũ ở thượng nguồn sông Giăng về đây, ban dự án tái định cư đã dựng sẵn cho họ những ngôi nhà xây cấp bốn.

Ông Tiên cho biết, thật ra tục ngủ ngồi đã là một quá khứ rất xa xôi của người Đan Lai và được báo chí thêu dệt thêm, sống gần 60 năm, chưa chứng kiến người ta ngủ ngồi bao giờ, có chăng khi rét quá người ta chỉ thiếp đi khi đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thế thôi!

Còn tục cưới của người Đan Lai ngày trước cũng có khác biệt so với những cộng đồng khác. Ngày cưới, họ nhà gái thường chẳng phải làm gì, thậm chí người ta còn có tục tắt hết củi lửa để họ nhà trai phải lo liệu tất cả từ gạo muối đến rượu thịt. Khi đón dâu, họ trai phải chờ ngoài bìa rừng, chỉ được cử một người trong nhà đến nhận lấy cô dâu, sau đó cả đoàn rước dâu mới cùng về. Nhưng bây giờ, những tục lệ này không còn nữa. Đám cưới người Đan Lai cũng giống với người Thái rồi. Đứa trẻ sau khi sinh 3 ngày, phải đặt tên. Nếu gia đình quá khó khăn, cha mẹ đứa trẻ phải nấu một nồi nước chè cúng tổ tiên báo cáo về thành viên mới của gia đình và chọn một cái tên cho nó. “Từng này tuổi rồi, tôi cũng chưa chứng kiến ai nhúng đứa trẻ mới sinh xuống nước như trong ti vi vẫn nói?!”. – ông Vi Văn Tiên cho biết thêm.

Người Đan Lai ở Con Cuông đã có con em vào đai học. Riêng với bản Thỉn, từ 3 năm nay có người ra trường ngoài xã học cấp 2. Chuyển ra nơi tái định cư, bà con ở thượng nguồn sông Giăng trước đây đã có trạm xá, được chăm sóc sức khỏe. Ngoài những sự phát triển đi lên của đời sống kinh tế, văn hóa, người Đan Lai ở Con Cuông cũng đang cần được quan tâm gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần, mà cụ thể là tiếng nói Đan Lai. Tại những bản vùng ngoài gần trung tâm, tiếng Đan Lai đang dần bị lãng quên?!


Hữu Vi

Mới nhất
x
Bài 5: Người Đan Lai trong xu thế hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO