Bài 6: Dấu ấn Hoàng đế Quang Trung trên đất Nghệ An

03/10/2011 16:47

Nghệ An không phải là nơi diễn ra những trận đánh có ý nghĩa quyết định dẫn đến thắng lợi của phong trào Tây Sơn. Nhưng trong tất cả những cuộc tiến quân ra Bắc, quân Tây Sơn đều dừng chân tại Nghệ An và việc Quang Trung Nguyễn Huệ chọn núi Phượng Hoàng xây thành làm Kinh đô có thể thấy ông đã đánh giá rất cao đất và người nơi đây.

(Baonghean) - Nghệ An không phải là nơi diễn ra những trận đánh có ý nghĩa quyết định dẫn đến thắng lợi của phong trào Tây Sơn. Nhưng trong tất cả những cuộc tiến quân ra Bắc, quân Tây Sơn đều dừng chân tại Nghệ An và việc Quang Trung Nguyễn Huệ chọn núi Phượng Hoàng xây thành làm Kinh đô có thể thấy ông đã đánh giá rất cao đất và người nơi đây.

Di tích Thành Phượng Hoàng Trung Đô

Theo một số nhà nghiên cứu, tổ tiên của 3 anh em Tây Sơn vốn người làng Thái Lão (xã Hưng Thái, Hưng Nguyên). Trong những năm 1655 - 1660, dòng họ này gốc là họ Hồ, theo chúa Nguyễn vào ấp Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, nay là tỉnh Bình Định để khai hoang mảnh đất mới mở rộng. Vào đây, họ Hồ đổi thành họ Nguyễn, mấy đời sau sinh ra ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

Năm 1771, Nguyễn Nhạc cùng với hai người anh em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ Đàng Trong. Sau đó, Nguyễn Huệ hai lần tiến quân ra Bắc, lần lượt đánh đổ chúa Trịnh và vua Lê.

Năm 1788, Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Thanh xâm lược Bắc Hà, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế đặt niên hiệu là Quang Trung, sáng nghiệp ra nhà Nguyễn Tây Sơn, rồi thần tốc kéo quân ra Bắc đánh đuổi ngoại xâm. Trên đường tiến quân, nhà vua đã cho dừng lại ở Nghệ An để mộ quân.

Sau khi đánh bại quân Thanh, Quang Trung nhìn thấy rõ thế chiến lược của vùng đất Nghệ An và lòng người xứ Nghệ nên đã giao cho Trấn Thủ Thận và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp tổ chức xây dựng Thành Phượng Hoàng Trung Đô. Sách "Hoàng Lê nhất thống chí" viết: "Vua Quang Trung cho rằng Nghệ An ở vào giữa chính nước, đường sá từ Nam ra, từ Bắc vào đều vừa bằng nhau, quê tổ tiên mình ở đấy, bèn sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất chung quanh và sai lính đào đá o­ng ở địa phương để xây dựng thành trong. Dựng tòa lầu rồng ba tầng cung điện Thái Hòa, hai dãy hành lang để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ. Thành này được gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung kinh Phượng Hoàng thành". Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 5 tháng 10 năm Kỷ Dậu (tức ngày 21/11/1789), trong tờ chiếu gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một lần nữa Nguyễn Huệ Quang Trung khẳng định việc xây dựng bằng được Phượng Hoàng Trung Đô để đóng đô ở Nghệ An: "Trẫm nay đóng đô ở Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây tiên sinh hãy ra giúp nhau để trị nước". Theo các thư tịch còn giữ được thì vua Quang Trung đã làm việc ở Phượng Hoàng Trung Đô ít nhất hai lần. Lần thứ nhất, tháng 5 năm 1791, vua Quang Trung từ đây kéo quân lên vùng thượng du Nghệ An, vượt sang Lào đánh các lực lượng phản động đang có âm mưu cấu kết với bè lũ Lê Duy Chỉ chống lại triều Tây Sơn. Lần thứ hai, tháng 1 năm 1792, trên đường đánh giặc từ thượng du Nghệ An về, vua Quang Trung đã dừng chân ở đây.

Rất tiếc, vua Quang Trung qua đời đột ngột vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792) nên chưa kịp dời đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô. Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích hào hùng thể hiện tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ Quang Trung trong quá trình đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.



Lễ Đại tế tại Đền thờ Vua Quang Trung kỷ niệm ngày mất của ông.

Đền thờ Vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết

Từ một cuộc khởi nghĩa nông dân phát triển thành một phong trào dân tộc, thắng lợi vẻ vang nhất của phong trào Tây Sơn là lật đổ nền thống trị của các thế lực phong kiến phản động, thống nhất đất nước và bảo vệ độc lập dân tộc.

Thể theo nguyện vọng của nhân dân và tỏ lòng biết ơn vị anh hùng "áo vải", ngày 23/7/2004, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xây dựng Đền thờ Vua Quang Trung tọa lạc trên đỉnh thứ hai của núi Dũng Quyết có độ cao 97m so với mặt nước biển, thuộc vùng đất linh thiêng được Vua Quang Trung từng chọn đóng đô cách đây hơn 200 năm. Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim, lối đi, bờ vỉa, sân đền tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản. Đền có hai lối ra vào ở hai bên, chính giữa là nghi môn ngoại (Nghi môn tứ trụ) được thiết kế kiến trúc kiểu 2 tầng 8 mái. Tiếp đó là bình phong tứ trụ được dựng ngay trên trục chính đạo, được làm bằng đá chạm trổ rất công phu và đẹp. Hai bên bình phong khắc triện gấm, ở giữa là cuốn thư, trung tâm có hai chữ Thọ Đế. Phía trên nữa là hình rồng chầu mặt nguyệt, dưới cùng là chân quỳ dạ cá, chạm hổ phù. Hai bên có hai con nghê đứng chầu, tượng trưng cho vai trò người bảo vệ kiểm soát linh hồn người ra vào. Qua bình phong tứ trụ là hai nhà bia ngoảnh mặt vào nhau song song với trục chính đạo. Nối tiếp là nhà tả vu, hữu vu. Qua khu vực này là nhà bái đường rộng lớn còn gọi là tiền đường, nơi để sửa soạn lễ, chỉnh trang trước khi hành lễ. Nhà Tiền đường có thể được xem là trung tâm của ngôi đền được thiết kế theo lối kiến thúc dân gian Việt Nam gồm ba gian, hai chái, với bốn hàng cột. Công trình được khánh thành vào ngày 7/5/2008.

Hàng năm, tại Đền thờ Vua Quang Trung có các ngày lễ quan trọng như giỗ Vua Quang Trung ngày 29 tháng 7 âm lịch; ngày 5/1 âm lịch kỷ niệm ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; ngày 1/10 DL kỷ niệm ngày Vua Quang Trung ban chiếu chỉ xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.

Mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) quê ở làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là một nhà nho lỗi lạc, một vị qua thanh liêm, mẫn cán dưới thời vua Quang Trung.

Với cương vị Viện trưởng Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp đã đề ra những cải cách về văn hóa, giáo dục của nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII. Trong đó, công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Tại triều đình, ông chủ trương dùng chữ Nôm trong các hạng sắc dụ thay chữ Hán. Ông cùng với các cộng sự dày công ở Viện Sùng Chính dịch nhiều bộ sách kinh điển quan trọng từ Hán tự sang Nôm. La Sơn Phu Tử còn là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Chánh Chủ khảo. Ngoài Viện Sùng Chính, Nguyễn Thiếp còn được vua Quang Trung giao phó một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng: chọn địa điểm để xây dựng Kinh đô mới cho triều đại nhà Tây Sơn tại Nghệ An.

Khi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp qua đời, nhân dân và con cháu đã mai táng ông tại núi Bùi Phong, xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Để phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục thế hệ trẻ về những giá trị lịch sử và văn hóa, Bộ VHTT đã xếp hạng mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cấp Quốc gia.

Hiện nay, mộ ông đã được Nhà nước, dòng họ tôn tạo, xây dựng thành khuôn viên đẹp trên núi Bùi Phong, có đường lên xuống dễ dàng, thuận tiện cho nhân dân và du khách mỗi khi tới thắp hương tưởng nhớ tới ông - một bâc tiên sinh tài cao, đức trọng, chí khí sáng ngời, tiêu biểu cho nhân cách của con người Việt Nam. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết và ngày giỗ của ông, con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương tổ chức lễ tế trang trọng, chu đáo.

Cùng với các địa danh khác, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là một trong những di tích lịch sử văn hóa quan trọng nằm trong điểm đến tâm linh của du khách trong và ngoài tỉnh.

Chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ

Hoàng đế Quang Trung từng cho quân sĩ vượt qua núi Đại Huệ và dừng chân nghỉ lại trên đỉnh núi Đại Huệ vào những ngày cuối cùng của năm 1788, trước khi tiến ra Bắc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh. Tương truyền, ông đã vào thắp hương tại chùa Đại Tuệ, nhà sư trong chùa hướng dẫn ông con đường hành quân nhanh nhất trên địa bàn Nghệ An để ra Bắc.

Khi đánh thắng giặc Thanh trở về, ông lấy 20 mẫu ruộng ở địa bàn xã Nam Anh (Nam Đàn) ngày nay cấp cho chùa Đại Tuệ. Số ruộng đất này được tăng ni phật tử, nhân dân trong vùng cày cấy giúp nhà chùa. Như vậy, từ khi Hoàng đế Quang Trung còn trị vì, chùa Đại Tuệ đã có mối liên hệ gần gũi với Vương triều Tây Sơn.

Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV để thờ Phật toạ lạc trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Tương truyền chùa có cách đây trên 600 năm, từ lâu đã là một không gian tâm linh hùng vĩ, thiêng liêng, không chỉ của đất Nghệ An mà còn của cả nước. Chùa nằm trên khuôn viên khoảng 600m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển trong một không gian tĩnh lặng, cảnh vật thơ mộng, hữu tình.

Trải qua thời gian hàng trăm năm với nhiều biến cố lịch sử, thiên nhiên, Chùa Đại Tuệ nay đã thành phế tích, đồ tế khí mất mát, lưu tán. Hiện nay, dấu tích còn lại của chùa là 3 bức tượng xây bằng gạch cao 2,2 m; dày 0,5 m xung quanh khuôn viên có kè đá bao quanh rộng khoảng 20 m, dài 30 m. Phía Đông có một ngôi mộ được ghép bằng đá cao khoảng 1m mà nhân dân cho rằng đó là mộ Vua Cảnh Thịnh. Cách chùa 50 m về phía Đông Bắc là một giếng nước được kè đá xung quanh dùng để phục vụ tế lễ. Cách đây hơn 10 năm, nhân dân địa phương đã tự nguyện công đức phục hồi lại một gian nhà nhỏ trên nền chùa xưa. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cùng một số doanh nghiệp đã góp công đức xây dựng một con đường từ chân núi lên đến di tích để thuận lợi cho nhân dân, phật tử, du khách lên thăm chùa.

Để gìn giữ và phát huy một di tích lịch sử - văn hoá có giá trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của phật tử, nhân dân trong vùng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã đồng ý việc phục dựng Chùa Đại Tuệ. Đầu tháng 10/2009, Sở VH - TT và DL đã tổ chức Hội thảo khoa học "Phục dựng Chùa Đại Tuệ" với mục đích làm rõ nguồn gốc, nội dung, kiến trúc, cảnh quan, văn hoá, hiện trạng của Chùa Đại Tuệ. Tháng 4/2010, Đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao Quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Đại Tuệ cho Thượng toạ Thích Thọ Lạc và công bố Quyết định của UBND tỉnh về việc phục dựng chùa Đại Tuệ. Việc phục dựng lại Chùa Đại Tuệ trong thời gian tới có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đáp ứng nguyện vọng thờ Phật, hướng thiện, nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo thêm một công trình kiến trúc, văn hóa tâm linh đẹp, gắn với danh thắng núi Đại Huệ, mộ bà Hoàng Thị Loan để phục vụ khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.

Di tích thời Hoàng Đế Quang Trung trên đất Nghệ An ngoài Phượng Hoàng Trung Đô, Mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Chùa Đại Tuệ, còn có các sắc phong của Vua Quang Trung cho Đậu Yên, Đậu Khâm là hai chú cháu quê ở làng Yên Dũng Hạ, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay thuộc phường Bến Thủy và Trung Đô, TP Vinh); gia đình ông Lê Quốc Cơ ở thượng huyện Anh Sơn (xưa là xã Quan Lạng, nay là xã Tường Sơn, Anh Sơn); Hồ Phi Tứ ở Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu; Nguyễn Sỹ Xung ở Thanh Lương, Thanh Chương; Đào Đình Truật ở Lưu Sơn, Đô Lương; Trần Suất ở An Hòa, Quỳnh Lưu. Tất cả những sắc phong này đang được bảo quản cẩn thận ở các nhà thờ họ. Riêng Đậu Yên, Đậu Khâm được nhân dân làng Yên Dũng Hạ dựng đền Tam Tòa ngày đêm hương khói, thờ phụng. Hàng năm, đến ngày Rằm tháng Giêng âm lịch, nhân ngày giỗ Đậu Yên, Đậu Khâm, nhân dân tổ chức rất long trọng để nhớ ơn hai chú cháu đã làm rạng rỡ cho quê hương, đất nước.



Thanh Thủy

Mới nhất

x
Bài 6: Dấu ấn Hoàng đế Quang Trung trên đất Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO