Bài 6: Trên vùng đất "chết"
Một lần đi là lần khó, đã theo chân Đoàn Quy tập thì phải tận cùng, rời Thẳm Phiu, Muang Kham, chúng tôi ngược về huyện Muang Pek -Thị xã Phonsavan. Trung tá Nguyễn Văn Dậu đích thân cầm lái đưa phóng viên về trung tâm Đoàn... Xiêng Khoảng có tất cả 8 huyện thì Muang Pek - Phonsavan là nơi bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh nhiều nhất, bởi nơi đây từng diễn ra những trận đánh cực kỳ ác liệt như trận Kou Kiet (Cù Kiệt) ròng rã 6 tháng mùa khô năm 1971 để giải phóng Cánh đồng Chum.
(Baonghean) - Một lần đi là lần khó, đã theo chân Đoàn Quy tập thì phải tận cùng, rời Thẳm Phiu, Muang Kham, chúng tôi ngược về huyện Muang Pek -Thị xã Phonsavan. Trung tá Nguyễn Văn Dậu đích thân cầm lái đưa phóng viên về trung tâm Đoàn... Xiêng Khoảng có tất cả 8 huyện thì Muang Pek - Phonsavan là nơi bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh nhiều nhất, bởi nơi đây từng diễn ra những trận đánh cực kỳ ác liệt như trận Kou Kiet (Cù Kiệt) ròng rã 6 tháng mùa khô năm 1971 để giải phóng Cánh đồng Chum.
Về đến trung tâm của Đoàn Quy tập mới chỉ hơn 9h sáng, để tranh thủ thời gian chúng tôi xin phép chỉ huy đoàn đi thăm một trong ba Cánh đồng Chum của tỉnh Xiêng Khoảng. Thượng úy Nguyễn Văn Tuyển được cử dẫn chúng tôi đi... Cánh đồng Chum ở bản Ang nằm trên một ngọn đồi thưa thớt cây, cách Phonsavan chừng 10 km. Cánh đồng này hiện có trên 650 chiếc chum đá khổng lồ có độ cao từ 1-3,5m và đường kính trên dưới 1m, có chiếc nặng tới hơn 14 tấn, nằm rải rác khắp nơi, cái đứng, cái nghiêng, cái chìm xuống một nửa. Với niên đại khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc, tác dụng các chum này, nhưng đáng tin nhất: chum chính là mộ táng các tầng lớp thống trị thời đó.
Theo anh Tuyển, lịch sử huyền bí là vậy nhưng để Cánh đồng Chum trở thành huyền thoại thì phải gắn liền với cuộc chiến tranh chống Mỹ của bộ đội Pathet Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Cao nguyên Cánh đồng Chum tương đối bằng phẳng rộng chừng 4.500km2, có độ cao hơn 1500m so với mực nước biển. Với địa thế đó, trong chiến tranh, Cánh đồng Chum được đánh giá quan trọng nhất về mặt chiến thuật - được ví như "cái đầu của một con voi", ai cưỡi lên đầu voi thì người đó làm chủ nước Lào, đặt hỏa lực mạnh tại cao nguyên này sẽ khống chế được cả Đông Dương. Thế nên, Cánh đồng Chum đã trở thành nơi phân tranh cực kỳ ác liệt, bộ đội ta giải phóng xong thì địch huy động quân chiếm lại. Mỹ coi Cánh đồng Chum là "chiếc chìa khóa của nước Lào". Từ năm 1964 - 1973, khối lượng bom Mỹ rải xuống nơi này đủ để mỗi người dân nơi đây hứng chịu 350 tấn bom. Trận đánh kéo dài nhất diễn ra ở đây là trận Cù Kiệt giằng co ròng rã 6 tháng mùa khô năm 1971. Lạ kỳ thay, đến đồi núi cũng bị san bằng vì bom đạn mà những chum đá chẳng hư hại là bao.
Tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ở Muang Pek
Ngày nay, Cánh đồng Chum đã được chính quyền nhân dân Lào xây dựng thành khu du lịch. Anh Tuyển đã dẫn chúng tôi đi khắp chiến địa xưa này. Trên đồi cây cỏ phủ mơn man xanh, nhìn về Phonsavan nhà cửa đã mọc lên san sát. Nhưng tại đây, những hố bom, hào rãnh vẫn còn được giữ nguyên như cũ, một vài biển cảnh báo có bom, mìn vẫn còn. Đến thăm động có hang thông lên trời, anh Tuyển cho biết nơi đây từng là nơi trú ẩn của bộ đội Pathet Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Giờ hang được xem như cầu nối giữa người còn với người mất. Ngay khu vực sát hang, Đoàn Quy tập từng tìm được 10 liệt sỹ ta và trên Cánh đồng Chum, đoàn đã tìm thấy hơn 1 nghìn liệt sỹ (tổng số bộ đội tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Lào khoảng 12 nghìn người).
Trở về Thị xã Phonsavan cũng đã quá trưa. Trung tá Hoàng Ngọc Lân - Đoàn phó Đoàn Quy tập thông báo: "Vừa có thông tin người dân báo về phần mộ liệt sỹ, qua khảo sát bước đầu đây là nghĩa trang của bộ đội mình, mời các anh đi luôn". Địa điểm tìm kiếm, cất bốc lần này nằm tại bản Len, cách Phonsavan chừng khoảng 20 km về phía Tây Nam. 3 chiến sỹ cùng chỉ huy đoàn và phóng viên cùng lỉnh kỉnh cuốc, xẻng, máy móc leo lên 3 xe máy, hồ hởi chạy về nơi tạm nghỉ của các anh. Đường đất gập ghềnh đá sỏi, câu được câu mất, Trung tá Hoàng Ngọc Lân nói: "Liệt sỹ ta ở khu vực Cánh đồng Chum thì cơ bản đã quy tập xong, đặc biệt ở 2 nghĩa trang lớn là Phu Kenh và sân bay. Hiện nay, theo sơ đồ mộ chí do Sư đoàn 316 bàn giao thì còn có 1 ngôi mộ tập thể gồm 16 liệt sỹ nữa nhưng đau xót là ngôi mộ này khi chôn lại gần suối, nay suối đã nắn dòng... Hiện liệt sỹ còn nằm lại trên đất huyện Muang Pek cơ bản nằm tại các vùng rừng núi sâu".
Đến bản Len mới hơn 13h, đi thêm 2 km nữa là đến khu vực nghĩa trang. Tại đây, 9 chiến sỹ từ Đội 2 ở bản Na được tăng cường ra đã vào việc đào bới, tìm kiếm tự bao giờ. Thiếu tá Nguyễn Minh Lợi, Đội 2, Đoàn Quy tập nhẹ nhàng xắn đất, tươi cười cho hay: "Nghe chỉ huy đoàn điều về hỗ trợ tìm các bác, anh em phấn khởi lắm. Xác định đây có mộ, anh em ăn cơm trưa sớm, chạy ù đến đây luôn"... Khuôn viên nghĩa trang đã được xác định, trừ một số mô đất nhô cao, các phần đất lộn nghi vấn cũng đã tìm ra và đánh dấu, hai chiến sỹ một chỗ, người đào, người xúc nhịp nhàng. Đất ở vùng đồi này mềm lắm nhưng nhát cuốc chẳng dám dấn sâu... "Thấy bác rồi"! - tiếng reo vang như đồng loạt lên từ 3 huyệt sâu chừng 1 mét ở hàng đầu tiên của nghĩa trang. Lúc đó là 15 giờ chiều; "Rồi các chiến sỹ ở hàng thứ hai tìm thấy được 3 liệt sỹ nữa, Lúc đó là 16 giờ chiều...! Như ngờ ngợ điều gì, Trung tá Hoàng Ngọc Lân yêu cầu chiến sỹ bốc cẩn thận, khoan làm lễ gọi hồn, đêm nay các chiến sỹ cắm trại nghỉ lại đây. Suốt đường về, anh Lân trầm ngâm lắm...!
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng 6h chúng tôi cùng anh Lân đi vào bản Len. Đến nơi 7h, cầm theo một sơ đồ mộ chí (cả đêm Trung tá Lân nghiên cứu sơ đồ này), anh yêu cầu các chiến sỹ đào theo những vĩ trí mà anh chỉ. 8h, chiến sỹ ở vị trí thứ nhất báo đến tầng đất nguyên thổ rồi, không có! ở vị trí thứ 2 lại không có! 8h30, 8 chiến sỹ ở 4 vị trí khác đều tìm được các liệt sỹ. 10h, 4 chiến sỹ đầu tiên không tìm thấy nay đào ở 2 vị trí khác đã thấy các bác. Giữa rộn vang tiếng cười sung sướng của đoàn, lặng lẽ thắp một bó hương lớn, Trung tá Hoàng Ngọc Lân giọng nghẹn ngào: "Các bác rõ tên cả rồi các em ạ!" - Đây là nghĩa trang của Sư đoàn 316 trước đây đã bàn giao cho đoàn, nhưng do địa hình thay đổi mà chưa thể tìm ra. Các bác đều hy sinh vào tháng 2 năm 1970..., 18h chiều hôm ấy, 20 liệt sỹ đều đã tìm thấy hết. "Bác Cảnh, bác Phương, bác Thanh, bác Lương, bác Tâm... ơi - Hồn nhập về đây! Chúng cháu xin đưa các bác về...!" Giữa hoàng hôn bộn bề gió, đất bên huyệt lăn lăn rơi rơi xuống đáy. Đưa các bác từ bản Len về trung tâm đoàn, lòng thành kính, nghiêm trang không hiểu sao trên môi mọi người nụ cười đều nở. Từ đây, đất mẹ gần lắm chẳng còn xa...!
Đầu giờ sáng, Trung tá Nguyễn Bá Dương, Đội phó Đội 2, mũi trưởng mũi Lạt Khòi có ghé qua trung tâm đoàn, chả là anh Dương đang đưa rau, đậu, cá của mũi tăng gia được đi tiếp tế cho hai nhóm đang tìm kiếm ở bản Lat Son và Lat Buoc, nghe tin có phóng viên Báo Nghệ An đến nên vào mời đi thăm các chiến sỹ. Chiếc xe máy anh Dương chở tôi ọp ẹp quá. Vành thì đảo, giảm xóc không còn tác dụng, tiếng máy chẳng dòn, lạo xạo rên xiết. Anh Dương giải thích: "Xe chạy toàn đường núi, đường rừng chẳng mấy chốc lại hư, con KOLAO này sửa cả chục lần rồi đấy. Đoàn có 9 chiếc xe máy, xe nào cũng thế này cả"... Địa điểm đầu tiên mà chúng tôi đến nghĩa trang ở bản Lat Son, huyện Muang Pek, cách Thị xã Phonsavan chừng 25 km về phía Nam. Từ đường nhựa rẽ quặt lên phía Bắc chừng 1km, xe vừa qua một cổng kiểm soát quân sự, mỗi người đi qua phải có giấy phép và đăng ký tên tuổi rõ ràng tại cổng. Đánh tay rẽ quặt vào đường rừng, anh Dương cho biết: Vùng đang đi nằm trong khu vực kho đạn dữ trữ chiến lược của Bộ Quốc phòng Lào, không có dân ở.
Anh Dương phát hiện nghĩa trang này vào năm 2009, khi được trưởng bản Lat Son cho biết vùng này ông đã từng thấy có một mộ bộ đội Việt Nam. Đến nói chuyện tâm tình thì trưởng bản cho biết có 5 mộ. Cấp tốc báo lên cấp trên xin phép trưởng kho đạn vào khảo sát, xác minh, anh đã thấy 21 ngôi mộ chôn thẳng hàng, thẳng lối, có hào thoát nước, đầu quay hướng đông, đúng các đặc điểm của nghĩa trang bộ đội tình nguyện Việt Nam. Sau khi được phép, năm 2010, các chiến sỹ Đội 2 vào tìm kiếm và làm công tác quy tập, qua đó đưa được 21 liệt sỹ về nước...Tìm hiểu thêm thông tin khu vực này thì được biết: Đây là khu vực nghĩa trang Hang Thẳm Eo - nơi bộ đội ta thiết lập bệnh viện. Thông thường, các chiến sỹ khi bị thương ở Noong Pec thì được đưa về đây điều trị. Nơi này trước đây từng bị bom thả trụi cả vùng. Năm nay phạm vi tìm kiếm được mở rộng... Vào đến nghĩa trang cũ vừa tròn 11h, cũng là lúc các chiến sỹ chuẩn bị nghỉ trưa. Trung úy Lê Văn Huấn báo cáo: "Sáng nay xung quanh hố bom đã tìm thấy 2 bác nữa, nâng tổng số liệt sỹ tìm thấy trong 5 ngày qua ở đây lên 18 người...". Nghỉ trưa giữa cánh rừng rậm rạp rất nhiều ổi, hồng rừng, mạc chòng đang mùa chín quả, Huấn cho hay: "Không người ở, rừng mọc nhanh và dày lắm, bọn em lùng sục khắp cả vùng này và phát hiện thêm nhiều chỗ nghi vấn là mộ liệt sỹ lắm anh ạ. Thể nào bọn em cũng tìm hết bằng được các bác. Các bác thiêng lắm, đúng ngày 08/03/2010 bọn em tìm được một bác nữa đấy!
Từ bản Lat Son đi thêm 12km nữa là đến bản Lat Buoc. Đường chạy qua những núi đồi mà hơn 35 năm trước tưởng như là hoang mạc, không ngọn cỏ nào có thể mọc nổi giữa mưa bom bão đạn, nay đã xanh cây sây lá. Tôi đã thấy những rừng trồng bạch đàn thẳng hàng, thẳng lối. Vùng đất chết ngày xưa nay từng bước hồi sinh. Xe chúng tôi vừa qua đường vào sân bay lòng chảo Bouam Long - địa điểm được ví như Điện Biên Phủ ở nước Lào. Bouam Long giáp ranh giữa 3 huyện Phou Kout, Muang Kham và Muang pek và phía đông bắc giáp với tỉnh Hua Phun, phải giải phóng Bouam Long. Khi đánh vào đây, chiến sỹ ta hy sinh nhiều. Nhiều chiến sỹ bị địch vùi dưới khe sâu, hầm kín khiến Đoàn Quy tập dù nỗ lực mà vẫn không tìm thấy. Khó khăn trong công tác tìm kiếm liệt sỹ ở Bouam Long hiện nay là lượng mìn mà Mỹ và Thái gài rất nhiều. Đây là loại mìn Zip nặng 5kg, vỏ nhựa và rất mỏng, qua nhiều năm vỏ mìn co lại, khi có các tác động mạnh như cuốc, xẻng thì phát nổ. Ngày nay, mỗi năm vẫn còn hàng chục người dân Lào thiệt mạng hoặc bị thương tật bởi những quả bom loại này.
Đến Lat Buoc vừa lúc 4 chiến sỹ quy tập chuẩn bị lên đường tiếp tục nhiệm vụ. Anh em xuống bản đã 6 ngày rồi, ăn ở nhờ bản, tìm các liệt sỹ qua nguồn tin của người dân cung cấp. Chiều muộn, ai cũng mong muốn tìm, đào bới nhưng nhát cuốc cũng đã rã rời và thấm mệt. Bên đồi vàng rực dã quỳ và hoa bất tử, lời khấn của các chiến sỹ quy tập Đội 2 như tiếng khóc thương: "Các anh ơi! Đất nước đã yên tiếng súng, đất khách lạnh lắm, các anh ở đâu báo cho chúng em biết, để chúng em đưa các anh về...".
Thành Chung