Bài 7: Ngôi mộ và lán thờ

04/06/2015 17:12

(Baonghean) - Sự độc đáo trong đám cưới đã tạo nên những nét văn hóa đặc sắc của người Mông miền Tây Nghệ An. Tuy nhiên, trong một số bài viết chúng tôi đã đề cập đến khi tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Mông thì người Mông đều quan niệm rằng con người có phần hồn và phần xác. Phần hồn được thể hiện rõ nhất khi người ta chết đi. Bởi vậy mới có những cây khèn, những tờ giấy thờ hay tấm xử ca dùng trong việc thờ cúng người đã khuất.

Đám tang cụ Pà Dênh

Một trưa tháng Năm, nghe ông Và Cháy Xa (người thợ rèn ở bản Liên Sơn, xã Nậm Càn mà chúng tôi đã có dịp giới thiệu ở kỳ trước) gọi điện báo: “Bố của bố mất rồi”. Ấy là ông Cháy Xa nói về cụ Và Pà Dênh thọ gần trăm tuổi. Chúng tôi vội vàng vượt cái nắng gay gắt để đến thắp cho cụ Pà Dênh một nén hương.

Đặt chân đến bản Liên Sơn, chúng tôi đã thấy nhân dân khắp các bản về đây viếng cụ. Nghe mọi người bảo nhau rằng, cụ Pà Dênh là người cao tuổi nhất nhì ở cái xã này. Tính ra bây giờ cụ đã gần một trăm mùa rẫy rồi, cụ ra đi cũng như cái cây, già quá thì nó phải khô héo vậy thôi. Trong nhà, bên quan tài, con cháu khóc thương cụ. Ông Xồng Gà Sâu đang múa điệu khèn “Chò chìa” để tiễn đưa linh hồn người chết về với thế giới bên kia. Tiếng khèn vang lên trầm đục hòa với tiếng khóc than nức nở thấm lạnh vào tâm hồn những người đến viếng.

Đám tang cụ Và Pà Dênh (Bản Liên Sơn - Nậm Càn).
Đám tang cụ Và Pà Dênh (Bản Liên Sơn - Nậm Càn).

Anh Lầu Bá Chá từ bản Nậm Khiên bảo với chúng tôi: “Ngày xưa, người Mông thường để người chết nằm giữa nhà mấy ngày, chọn được ngày đẹp mới đưa vào quan tài để đem chôn. Bây giờ, thực hiện đời sống văn hóa mới, người chết xong được nhập quan ngay, muộn lắm cũng không để qua ngày thứ hai là đem chôn rồi”. Chiếc quan tài cụ Pà Dênh được đặt ngay trước bàn thờ của gia đình, kê trên hai chiếc ghế cách mặt đất chừng hơn một mét để người đến viếng có thể dễ dàng đến thắp hương lên quan tài cụ. Phía trước là những tấm giấy do gia đình tự làm được treo dày đặc hai bên theo phong tục truyền thống của người Mông.

Tò mò, tôi hỏi anh Lầu Bá Chá: Có phải trước đây khi đến viếng người chết, người Mông thường đặt một bát cơm bên thi thể người chết để người viếng lấy một nắm nhỏ chấm vào miệng người chết rồi ăn không? Anh Chá bảo rằng: “Đúng là trước đây có nghe các cụ kể lại như vậy. Việc này cũng xuất phát từ quan niệm để cho người chết được ăn no sau khi về thế giới bên kia thôi. Nhưng bây giờ người Mông đã nhận thức cao hơn rồi, phong tục ấy chẳng ai thực hiện nữa đâu”.

Bên ngoài, những thanh niên trai tráng của bản Liên Sơn đang làm thịt một con lợn to để cúng người chết. Anh Lầu Bá Chá bảo rằng, người Mông chết bao giờ cũng phải làm thịt lợn để cúng. Sau khi thịt đã làm xong, người ta sẽ thổi một bài khèn để giao con lợn ấy cho người chết, đến khi thầy cúng bảo người chết đã nhận được lợn thì lúc đó mọi người mới được ăn. Người ta cũng chỉ thổi khèn khi người chết đang nằm trong nhà, còn khi đã ra khỏi nhà sẽ không thổi nữa.

Ngày hôm sau, đám tang cụ Pà Dênh được cử hành. Cụ được chôn cất ở một ngọn đồi cách nhà chừng 1 cây số. Dọc đường đi, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ngôi mộ của người Mông, cái thì được đắp bằng đá, cái thì đã được xây cất đẹp đẽ. Đám đi được hơn 300 mét thì dừng lại bên một lán nhỏ. Thấy chúng tôi tò mò, một cụ đi cùng bảo rằng, đó là lán của người chết đã được dựng từ hôm qua. Tại đây, đám tang thực hiện một số nghi lễ cúng bái và tiếp tục lên đường tới nơi chôn cất. Việc chôn cất cũng diễn ra nhanh chóng để người chết được sớm yên nghỉ. Ngôi mộ cụ Dênh được đắp đất ngang với mặt đất, phía trên đắp đá cao lên như bao nhiêu ngôi mộ khác.

Chiếc lán và những ngôi mộ bằng đá

Chuyện xoay quanh đám tang cụ Và Pà Dênh, chúng tôi tò mò vì thấy một số phong tục khác lạ so với đám tang của các dân tộc khác ở miền Tây Nghệ An, nhất là những ngôi mộ bằng đá và chiếc lán giữa đường để thờ người chết. Đi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa về vấn đề này, chúng tôi đến bản Nậm Khiên gặp già làng Lầu Xái Phia.

Qua câu chuyện, già làng Lầu Xái Phia bảo rằng, những ngôi mộ được đắp bằng đá của người Mông xuất phát từ cuộc chiến tranh giữa người Hán với người Mông cách đây hàng thế kỷ. Ngày ấy, người Mông vì bị người Hán dùng gà trống để đổi hết lẫy nỏ nên thua trận bỏ chạy sang biên giới các nước Việt Nam và Lào. Khi người Mông bỏ chạy bị người Hán truy đuổi rất gắt gao, gặp người nào giết người đó. Những người Mông mặc quần áo còn nguyên vẹn bị người Hán giết và lột sạch quần áo, một số người may mắn hơn vì nhà nghèo mặc quần áo rách nên khi bị giết quần áo không bị lấy đi. Vì vậy, hiện nay trong các đám tang của người Mông, khi đưa thi hài người chết vào quan tài người ta thường lấy dao kéo cắt hết quần áo để khi nào đến thế giới bên kia “Tủa sò” gặp người Hán thì nói rằng “tôi là người nghèo khổ, cơm không đủ ăn, quần áo rách rưới” thì mới không bị người Hán quấy phá, linh hồn được yên ổn.

Cũng liên quan đến câu chuyện này, cụ Lầu Xái Phia kể rằng: Trên đường chạy về phía biên giới Việt Nam và Lào, người Mông chết nhiều vô số kể. Khi truy đuổi, người Hán gặp những ngôi mộ đắp bằng đất, biết đó là mộ của người Mông họ bèn đào lên đưa xác người ra phơi giữa mưa, giữa nắng. Để tránh điều này, người Mông suy nghĩ cách làm mộ giống với mộ người Hán, họ lấy đá ghép lại thành mộ. Người Hán thấy những ngôi mộ bằng đá cứ nghĩ rằng đó là mộ của dân tộc mình nên không đào lên nữa. Phong tục đắp đá trên mộ người chết vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Từ Trung Quốc về đến núi “Tủa la chùa gua”, khu vực biên giới Việt - Trung, gặp núi cao, khí hậu lạnh và có rất nhiều những con sâu gai. Những người Mông không có dép không thể nào vượt qua được dãy núi này. Họ bèn lấy vỏ cây lanh tước sợi đan thành dép để đi. Những đôi dép bằng sợi lanh đã giúp người Mông vào sâu trong khu vực Việt Nam, Lào. Kể từ đó, người Mông khi chết đi, dù già hay trẻ, trai hay gái đều lấy vỏ sợi lanh đan dép để linh hồn qua được núi “Tủa la chùa gua” về với tổ tiên họ ở “Tủa sò”.

Còn thầy cúng Lầu Vả Tu ở bản Nậm Khiên cho chúng tôi biết về sự tích của những chiếc lán thờ người chết bên đường như sau: Ngày xưa, có một gia đình người Mông nọ sinh được hai người con, một trai một gái. Người con trai ở nhà sống với bố mẹ để phụng dưỡng khi tuổi già, còn em gái đi lấy chồng xa. Chẳng may, người anh lâm bệnh qua đời khi tuổi còn trẻ. Họ hàng thương tiếc cử người đi gặp em để báo tin buồn. Nhưng đến ngày thứ năm vẫn không thấy người em về để đưa tiễn anh nên họ buộc phải đưa người anh đi chôn. Đám tang đến giữa đường thì người em cũng vừa về kịp. Quá đau buồn vì không được gặp anh lúc anh nhắm mắt xuôi tay, người em tha thiết mong cha mẹ dừng lại để được nhìn anh lần cuối. Quá thương con, cha mẹ đành dựng một cái lán nhỏ để anh em được gặp nhau. Tại đây, mọi người làm thịt trâu, bò để ăn uống trước khi đưa người chết đến mộ. Phong tục làm lán giữa đường để thờ người chết tồn tại từ đó đến nay.

Như vậy, phong tục trong đám tang của người Mông xuất phát từ những cuộc đấu tranh để sinh tồn của họ trong quá trình thiên di từ Trung Quốc về Việt Nam. Nó thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc rất riêng của người Mông miền Tây Nghệ An từ lúc định cư tại đây đến nay.

Đào Thọ - Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Bài 7: Ngôi mộ và lán thờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO