“Bài chòi” - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại?

16/03/2012 14:26

Duyên hải miền Trung, trong những năm của những thế kỷ trước, người dân đa số sống bằng nông nghiệp. Vì thế nhân dân đã tạo cho mình những thú chơi riêng nhưng hết sức độc đáo, mang phong vị làng quê, đậm chất văn hóa nông thôn. Trong đó có Bài chòi. Thú chơi Bài chòi tương tự như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc. Bộ Bài chòi còn gọi là bộ Bài Tới, thoạt đầu có 6 người chơi trong nhà rồi dần dần mới lan ra và chuyển sang lối chơi nơi công cộng như đình làng, sân bãi.

Duyên hải miền Trung, trong những năm của những thế kỷ trước, người dân đa số sống bằng nông nghiệp. Vì thế nhân dân đã tạo cho mình những thú chơi riêng nhưng hết sức độc đáo, mang phong vị làng quê, đậm chất văn hóa nông thôn. Trong đó có Bài chòi. Thú chơi Bài chòi tương tự như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc. Bộ Bài chòi còn gọi là bộ Bài Tới, thoạt đầu có 6 người chơi trong nhà rồi dần dần mới lan ra và chuyển sang lối chơi nơi công cộng như đình làng, sân bãi.

Bài chòi sử dụng các con bài của bộ Bài Tới (30 lá bài) được đặt tên theo danh vị, đặc tính biểu trưng của con người, tên các con vật, đồ vật như : Thầy, Trò, Nghèo, Thái Tử , Gióng, Rế, Gà, Voi v.v... Tên con bài là những tên gọi nôm na, tinh nghịch, tiếng Nôm có, tiếng Hán có... Tên gọi đã mang tính hài hước, còn về hình vẽ con bài thì ẩn dụ nhiều ý nghĩa.




Biểu diễn Bài chòi cho khách du lịch nước ngoài xem


Bài chòi là sân chơi của những ván cờ. Mỗi ván gồm có 30 quân cờ với 30 tên gọi khác nhau chia thành 10 thẻ gỗ (3 quân cờ khác nhau được dán lên một thẻ gỗ) và người chơi sẽ được chọn mua các loại thẻ đó. Sau khi các thẻ được bán cho mọi người, ván cờ sẽ được bắt đầu bằng việc rút lần lượt từ 30 thăm que tre có ghi tên một quân cờ tương ứng với 30 quân cờ dán trên thẻ. Lúc này, anh "Hiệu” (người hô) sẽ dẫn dắt cuộc chơi bằng những câu hát có liên quan đến tên quân cờ ghi trên chiếc thẻ đó. Khi tham gia, nếu thấy tên quân cờ của mình được nhắc đến trong câu hát, người chơi sẽ phải hô lên và trình thẻ gỗ để được phát một lá cờ vàng, lần lượt cho đến khi các thẻ tre được rút có tên gọi trùng với các tên 3 quân cờ ghi trên cùng một thẻ gỗ, người nào có được thẻ đó thì thắng cuộc, tương đương với một phần thưởng nhỏ của cuộc chơi và ván cờ kết thúc... Ngày xưa người chơi được ngồi trong một chòi lợp cỏ tranh (vì vậy có tên là Bài chòi). Một hội Bài chòi được chơi 9 ván, nhà "cái” được hưởng 1 ván để trang trải kinh phí tổ chức. Như vậy mỗi người chơi có 90% hòa vốn; sự sát phạt ít thể hiện ở hội Bài chòi, chủ yếu là mua vui trong dịp đầu Xuân...

Người ta chơi Bài chòi không chỉ tìm thú vui giải trí trong ba ngày Tết mà còn muốn đến để nghe lối hô Bài chòi độc đáo, đó chính là phần cốt lõi, thu hút người chơi và hấp dẫn nhất. Anh Hiệu hô Bài chòi phải là người thuộc hết các bài hô truyền khẩu trong dân gian, cộng với tài năng ứng tác, đôi lúc để tăng thêm sinh động thì phải biết "chế thêm” cho hay nhưng phải đúng bài, đúng bản, cốt nội dung lời hô lúc nào cũng đầy bất ngờ, hợp với mạch cộng cảm của cuộc chơi. Từ chỗ lẽ ra chỉ hô tên con bài, anh Hiệu biến cách, phá thể bằng hô một hay nhiều câu lục bát ứng tác có mang tên con bài và để gây sự chú ý cho người chơi bao giờ cũng mở đầu bằng câu rao "Quờ mà quớ quơ quớ quơ” mang âm tiết đầy chất giọng miền Trung, đặc biệt là vùng Quảng Nam – Đà Nẵng.

Lời hô hát bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, nó phản ánh tư duy thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp. Sau này cũng chính từ dân gian đúc kết lại để ra đời các làn điệu dân ca Nam Trung Bộ như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng... cộng với ảnh hưởng của lối hát, lối nói tuồng mà hình thành bộ môn Nghệ thuật sân khấu Kịch hát Bài chòi rất độc đáo. 4 làn điệu cơ bản trên không đủ để diễn đạt các tình huống, tâm trạng vui buồn, hờn giận. Vì vậy, các nghệ sỹ, nhạc sỹ... đã sáng tạo và bổ sung nhiều bài dân ca, điệu hò, câu lý đậm chất dân ca truyền thống như hò Khoan, hò Chèo thuyền, vè Quảng, hát Ru con. Đây chính là nét đặc sắc nhất, là "phần hồn” trong tổng thể giá trị văn hoá phi vật thể ở đất Quảng mà người dân quê đi đâu bao giờ cũng không quên được.


Nhiều người có thể cho rằng hình thức vui chơi này có vẻ dễ dàng và đơn giản, dựa vào sự may rủi là chính. Nhưng thực ra, ý nghĩa và cách thức chơi hội Bài chòi không hẳn vậy. Và thực tế đây là một hoạt động văn hóa đáng được tôn trọng và giữ gìn.

Mới đây, ngày 6-1, tại TP Đà Nẵng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam vừa tổ chức lớp Tập huấn kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi.

Hiện Đà Nẵng là 1 trong 8 tỉnh, thành Nam Trung Bộ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị khẩn trương làm công tác kiểm kê khoa học di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật bài chòi, để Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam sớm tập hợp lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian sớm nhất.


Theo Daidoanket

Mới nhất
x
“Bài chòi” - Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO