Bài cuối: Cần các giải pháp thiết thực

31/07/2013 15:24

Trong loạt bài viết về “Đảm bảo lợi ích của nông dân trong sản xuất nông nghiệp”, tác giả Doãn Trí Tuệ đã nêu rất cụ thể về bài toán lợi ích của nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, việc người dân gắn bó với đồng ruộng là điều không thể khác. Vấn đề là chúng ta cần có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân một cách cụ thể, thiết thực.

(Baonghean) - Trong loạt bài viết về “Đảm bảo lợi ích của nông dân trong sản xuất nông nghiệp”, tác giả Doãn Trí Tuệ đã nêu rất cụ thể về bài toán lợi ích của nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng như những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội, việc người dân gắn bó với đồng ruộng là điều không thể khác. Vấn đề là chúng ta cần có những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân một cách cụ thể, thiết thực.

Hiện nay Nghệ An có 105 nghìn ha đất sản xuất lúa, với tổng sản lượng trên 900 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, trong cơ cấu, những năm gần đây lúa lai vẫn luôn chiếm trên 70%, như vụ xuân 2012, diện tích lúa lai chiếm đến 73%, trong đó chỉ có khoảng 1.000 ha (gần 2%) là các giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo khá như giống lúa lai 3 dòng GS9, lúa THB71, Bio 404, Nghi hương 2308... Vụ xuân 2013, với những nỗ lực đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, diện tích lúa chất lượng cao cũng chỉ tăng lên gần 20 nghìn ha, đạt sản lượng khoảng trên 50 nghìn tấn, thậm chí chưa đủ cho nhu cầu nội tiêu trên địa bàn tỉnh chứ chưa nói đến bán ra ngoài nâng cao thu nhập.

Trong khi sản phẩm lúa lai chất lượng thấp, những năm gần đây giá vừa thấp vừa khó bán thì các giống lúa chất lượng cao hoàn toàn ngược lại. Ngay như những ngày này, giá gạo trắng xuất khẩu các loại của Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong đó ấn tượng nhất là gạo chất lượng cao. Khách hàng từ Trung Quốc và châu Phi chủ yếu mua gạo chất lượng cao, khi mà giá gạo cùng loại của Thái Lan vẫn đang ở mức khá cao. Dù trong tình trạng thị trường gạo thế giới vẫn trong xu hướng sụt giảm, nhu cầu yếu và chậm thì gạo Việt Nam, nhất là gạo thơm và gạo chất lượng cao, vẫn có cơ hội.

Có thể thấy, các loại lúa chất lượng cao đang có được một thị trường tiêu thụ tốt, kể cả xuất khẩu và nhu cầu nội tiêu trong nước. Chính vì vậy, để tăng hiệu quả kinh tế cho cây lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân, trước hết chúng ta cần tính đến nhu cầu của thị trường để có hướng sản xuất, chuyển đổi giống phù hợp.

Cùng với đó, phải tính đến đồng bộ các giải pháp để giảm chi phí sản xuất lúa, như dồn điền đổi thửa tạo diện tích lớn, tạo điều kiện cho việc hình thành các vùng chuyên thâm canh lúa chất lượng cao cũng như đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm công lao động, đồng thời tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, thuận lợi cho “đầu ra” của nông sản. Các giải pháp sau thu hoạch như bảo quản, chế biến cũng cần được coi trọng, giúp sản phẩm lúa gạo của chúng ta “có giá” hơn trên thị trường.

Ông Từ Trọng Kim - Trưởng phòng Trồng trọt- Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, trong chủ trương của tỉnh sẽ quy hoạch thành các vùng tập trung với quy mô trên 30% tổng diện tích trồng lúa để phát triển các loại giống lúa chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Dự kiến bố trí trọng điểm ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương.

Đối với cây mía, để nâng cao hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Thực tế, hiện nay không ít người dân vẫn chưa thực sự chú trọng đầu tư chăm sóc để có năng suất cao, ở nhiều vùng bà con còn để mía lưu gốc quá lâu, không làm cỏ, bóc lá và bón phân đầy đủ, do đó năng suất thấp.

Bên cạnh việc đưa các giống mới có tiềm năng năng suất cao vào sản xuất, cần khuyến cáo người nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc để nâng cao năng suất cho cây mía. Tỉnh cũng chủ trương sẽ chỉ đạo thực hiện đầu tư thâm canh ngay từ đầu, kết hợp giảm dần diện tích mía trên đất đồi nhằm đạt được mục tiêu năng suất từ 700 - 750 tạ/ha năm 2015 và 800 tạ/ha năm 2020. Đồng thời bố trí nguồn vốn hợp lý nhằm xây dựng các công trình thuỷ lợi tưới cho mía, phấn đấu từ 2015 có khoảng 10- 15% diện tích mía được tưới, tương ứng khoảng 4.000 ha nhằm tăng năng suất mía.



Dây chuyền sản xuất ở Công ty mía đường Sông Con. Ảnh: Công Sáng.

Cùng những biện pháp đó, thì giải quyết “đầu ra” cho cây mía luôn là vấn đề được người dân quan tâm. Diện tích trồng luôn được tính toán để phù hợp với công suất của các nhà máy “đứng chân” trên địa bàn như Tate&Lyle, Nhà máy đường Sông Lam và Nhà máy đường Sông Con, cố gắng không để xảy ra tình trạng ứ thừa nguyên liệu, đồng thời có các biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người trồng mía và nhà máy. Để người nông dân gắn bó lâu dài với cây mía, các nhà máy đường cần có mức giá thu mua hợp lý theo mức bình quân cả nước, phân phối lợi nhuận hợp lý giữa nhà máy và người nông dân.

Đồng thời, cần thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo hiểm sản xuất cho bà con khi mất mùa do thiên tai gây ra. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người trồng mía, đầu tư nghiên cứu, tuyển chọn giống mía mới ưu việt hơn để thay thế dần những giống mía cũ.

Là địa phương có truyền thống về chăn nuôi, nhưng chăn nuôi tỉnh ta chủ yếu nhỏ lẻ, chưa mang tính công nghiệp và tập trung nên khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả cũng như phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Lưu Công Hòa (Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN&PTNT), thì Nghệ An chủ trương chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung quy mô vừa và lớn theo phương thức công nghiệp; đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tạo năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Kết hợp chăn nuôi nông hộ, nhưng phải đầu tư kỹ thuật về giống, thức ăn, có bể biogas để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, kiểm soát được dịch bệnh trong chăn nuôi nông hộ, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Với mục tiêu đến năm 2015, tổng đàn lợn đạt 1.600.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 230.000 tấn, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp. Trước hết, phải quan tâm đến công tác giống và quản lý giống, có những giống lợn tốt, đảm bảo tiêu chuẩn nhằm giúp người chăn nuôi đạt được hiệu quả thực sự.

Thực tế, giá cả các loại thức ăn chăn nuôi hiện quá cao, nâng giá thành sản phẩm và ảnh hưởng tới thu nhập của người dân. Cần phát triển thêm một số doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ngay trên địa bàn, sản xuất thức ăn tại chỗ. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng ngô, đậu tương vụ đông và xuân hè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao ở các vùng dọc ven sông Lam và các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn nhằm giải quyết nguyên liệu chủ yếu tại chỗ để hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cùng tăng cường công tác thú y, thì hệ thống chuồng trại phải đảm bảo cho đàn lợn sinh trưởng, phát triển, tiện lợi cho công tác quản lý và thực hiện các giải pháp an toàn sinh học.

Đặc biệt, cần có giải pháp phù hợp để xây dựng mới và nâng cấp, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở giết mổ gia súc tập trung để có thể tiêu thụ lợn một cách chủ động và hiệu quả thông qua xuất khẩu và bán tại siêu thị. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa 5 nhà (nhà cung cấp con giống, nhà cung cấp thức ăn; nhà chăn nuôi, nhà kinh doanh, nhà khoa học), trong đó nêu cao vai trò của quản lý nhà nước.


Phú Hương

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài cuối: Cần các giải pháp thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO