Bài cuối: Cần sự quan tâm của các ngành chức năng

15/05/2013 17:29

Với những ưu thế về thân thiện với môi trường, dễ sử dụng, giá cả chấp nhận được, xe đạp điện (XĐĐ) là một lựa chọn khá tối ưu cho giới HS-SV và cả những người lớn tuổi. Tuy nhiên, xung quanh việc sử dụng loại phương tiện này đã có không ít vấn đề nảy sinh. Đi tìm một giải pháp để XĐĐ thực sự là một phương tiện giao thông an toàn không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường...

(Baonghean) - Với những ưu thế về thân thiện với môi trường, dễ sử dụng, giá cả chấp nhận được, xe đạp điện (XĐĐ) là một lựa chọn khá tối ưu cho giới HS-SV và cả những người lớn tuổi. Tuy nhiên, xung quanh việc sử dụng loại phương tiện này đã có không ít vấn đề nảy sinh. Đi tìm một giải pháp để XĐĐ thực sự là một phương tiện giao thông an toàn không chỉ là trách nhiệm của các nhà trường...

Theo quy định của Nghị định 34/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách là 100.000 - 200.000 đồng (với người trên 18 tuổi). Nhưng với đối tượng trong độ tuổi 16 - 18 chỉ chịu 50% mức phạt này, còn người dưới 16 tuổi thì bị phạt cảnh cáo và bị tạm giữ xe 10 ngày.

Nghị định cũng nêu rõ, người dưới 16 tuổi không được điều khiển XĐĐ. Như vậy, lứa tuổi THCS sử dụng XĐĐ là vi phạm về ATGT. Thời gian qua, mặc dù Ban ATGT và Sở GD&ĐT Nghệ An đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp giáo dục ATGT, nhưng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về trật tự ATGT vẫn diễn ra phổ biến; tình trạng ùn tắc, cản trở giao thông trước các cổng trường vẫn xẩy ra thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Trước tình hình đó, từ giữa tháng 4/2013, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh lập danh sách học sinh sử dụng xe đạp điện đến trường, tổ chức ký cam kết quản lý chặt chẽ việc sử dụng phương tiện giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh; yêu cầu học sinh phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông bằng xe đạp điện và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT; vận động cha mẹ học sinh không để con mình dưới 16 tuổi điều khiển xe đạp điện nhằm bảo đảm an toàn cho chính các em.



Nhiều học sinh THPT sử dụng xe đạp điện.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng học sinh THCS đi xe đạp điện đến trường. Cô Lê Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Thai Mai (TP.Vinh), cho biết: “Sau khi có thông tin về việc cấm lứa tuổi dưới 16 đi xe đạp điện, nhà trường đã tổ chức quán triệt đến học sinh trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, đồng thời tổ chức ký cam kết giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Nội dung này cũng được thường xuyên tuyên truyền lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề và trở thành nội dung để xếp loại hạnh kiểm cuối năm. Nhờ đó, số lượng XĐĐ tại trường đã giảm xuống dưới 50% so với trước đây”.

Tuy nhiên, cũng theo cô Bình, với đặc thù của trường có nhiều học sinh xa nhà (từ Nghi Liên, Hưng Chính...), nên không ít phụ huynh vẫn để con đi xe đạp điện đến trường. Nhà trường không tán thành việc học sinh đi XĐĐ, nhưng một mình nhà trường không thể làm được. Đây là một công việc đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành và xã hội, đặc biệt là nhận thức của học sinh, phụ huynh”.

Về cơ bản, không ít phụ huynh mua xe cho con là coi như xong trách nhiệm, không mấy quan tâm tới ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của con. Đối với các em, mũ bảo hiểm chỉ là “giải pháp” để có thể vào cổng trường. Hình ảnh mũ bảo hiểm để trước giỏ xe hoặc xách trên tay, không thèm đội... chúng tôi đã gặp thường xuyên tại hầu hết các cổng trường THPT.

Thầy Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, cho biết, trường đã tuyên truyền, giáo dục thường xuyên tới các em về việc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng XĐĐ, tổ chức ký cam kết với phụ huynh. Riêng năm học 2012-2013 đã có 3 đợt giáo dục về ATGT (1 đợt phối hợp cùng Tỉnh đoàn, 1 đợt cùng Ban ATGT tỉnh và một đợt cùng Ban ATGT Vì nụ cười ngày mai - Công ty Honda Đức Ân). Học sinh vào trường phải có mũ bảo hiểm trên xe, đoàn trường cũng thường xuyên theo dõi, xử lý, nhắc nhở kịp thời. Ngoài ra, những trường hợp học sinh vi phạm bị CSGT thành phố gửi thông báo về, trường đều xử lý rất triệt để. Mới đây, trường đã công bố khiển trách toàn trường hơn 30 em khác vì đi xe máy không có bằng lái, đi XĐĐ không đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, thầy Khánh cũng cho biết, mặc dầu khi vào trường các em đều có mũ để trên xe, nhưng ra đường thì nhà trường không thể quản lý nổi.



Đi XĐĐ không đội mũ bảo hiểm bị tạm giữ tối 9/5.

Theo Trung tá Hoàng Phi Quyền, đội phó Đội CSGT Thành phố Vinh, từ tháng 1/2013 đến nay, Đội đã bắt và xử lý trên 400 trường hợp người điều khiển XĐĐ vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm chủ yếu không đội mũ bảo hiểm, chở thêm 2 người, dàn hàng ngang trên đường. Đối tượng chủ yếu là học sinh, trong đó có khá nhiều em đang học THCS (dưới 16 tuổi), là lứa tuổi bị cấm sử dụng XĐĐ. Việc bắt giữ các cháu dưới 16 tuổi là rất khó khăn. Bởi nếu muốn chứng minh được cụ thể độ tuổi, cần có giấy khai sinh, hộ khẩu... mới đủ điều kiện xử phạt. Nhưng để có những giấy tờ đó, cần phải mời gia đình, người thân... rất tốn thời gian. Cũng có những trường hợp, khi lực lượng chức năng bắt giữ vi phạm, phụ huynh đã đến tận nơi can thiệp. Khi lực lượng chức năng kiên quyết không chấp thuận, những phụ huynh này đã bức xúc, dọa dẫm, thậm chí còn đòi hành hung.

Để XĐĐ trở thành một phương tiện thân thiện đúng nghĩa, được sử dụng đúng độ tuổi, còn cần nhiều sự quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng, sự vào cuộc tích cực của nhà trường, trong đó ý thức chấp hành của học sinh và hợp tác của phụ huynh đóng vai trò quyết định.


Trần Hải

Mới nhất

x
Bài cuối: Cần sự quan tâm của các ngành chức năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO