Bài cuối: Cần xử lý nghiêm các vụ vi phạm khai thác khoáng sản
(Baonghean.vn) Quản lý khai thác vàng trên địa bàn tỉnh lâu nay được coi là khá phức tạp. Trong các số báo gần đây, Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh khá đầy đủ về tình hình vi phạm trong hoạt động khai thác vàng trên địa bàn tỉnh. Báo Nghệ An đã nhận được nhiều ý kiến của các đồng chí cán bộ, lãnh đạo có trách nhiệm đến vấn đề quản lý khai thác khoáng sản nói chung và vàng nói riêng.
1-Thượng tá Chu Minh Tiến- Trưởng đoàn công tác số 1, Phó trưởng phòng PC49 (Phòng CSMT- CA Nghệ An): Nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.
Hầu hết các huyện dọc Quốc lộ 7A đều có tài nguyên khoáng sản như: vàng gốc, vàng sa khoáng, quặng các loại, đá xây dựng, cát, sỏi được phân bố rộng ở nhiều địa bàn, tập trung ở những địa bàn phức tạp. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn còn bộc lộ một số hạn chế, có phần lỏng lẻo, dẫn đến nhiều đối tượng ở các tỉnh như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Ninh Bình... cùng với người dân địa phương tập trung về các huyện miền tây khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các dòng sông, khe, suối, làm mất an toàn lao động và an ninh trật tự trên địa bàn.
Chính vì thế, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2636 ngày 8/7/2011 về việc thành lập các đoàn công tác kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó đoàn số 1 được phân công kiểm tra xử lýhoạt động khoáng sản trên địa bàn các huyện dọc tuyến Quốc lộ 7A từ 26/7- 26/8/2011. Với vai trò trách nhiệm của mình, đoàn đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện trên tuyến Quốc lộ 7A để nắm tình hình, tham mưu cho UBND các huyện ban hành các quyết định chỉ đạo, cử cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phối hợp tham gia với đoàn, chuẩn bị tiếp nhận mặt bằng sau khi đoàn bàn giao, đồng thời phối hợp với UBND các huyện đồng loạt ra quân phối hợp liên ngành truy quét hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, triển khai các biện pháp đấu tranh, xử lý góp phần làm ổn định tình hình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Kết thúc đợt công tác, đoàn đã tiến hành lập hồ sơ xử lý 6 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, tham mưu cho UBND tỉnh, huyện xử phạt 210 triệu đồng.
Tuy nhiên, địa bàn các huyện dọc Quốc lộ 7A chủ yếu là núi cao, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (chủ yếu vàng sa khoáng ở vùng sâu, vùng xa), mỗi lần đi đến các điểm khai thác thường mất nhiều thời gian. Có những trường hợp dù đoàn đã phát hiện và xử lý nhưng vì ở cách xa UBND xã nhiều cây số đường rừng, khe suối nên các phương tiện như máy đào, máy nổ, tàu Cuốc, các dụng cụ phục vụ đào đãi vàng không thể đưa về được. Các đối tượng phổ biến là người ngoại tỉnh, khi đoàn đến kiểm tra thường bỏ trốn vào rừng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra thu giữ dụng cụ vi phạm. Hơn nữa, đoàn có 14 người hoạt động trên địa bàn rộng nhưng chỉ có 1 xe Uoát cũ thường xuyên hư hỏng nên ảnh hưởng đến quá trình công tác.
2- Đồng chí Nguyễn Phước Lâm - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Quế Phong: Huyện sẽ yêu cầu Công ty Tân Hồng chấm dứt mua đất nông nghiệp để khai thác vàng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 đối tượng khai thác vàng chính, đó là các công ty được cấp phép và các đối tượng khai thác trái phép (vàng tặc và vàng thổ phỉ).
Đối với các công ty được cấp phép, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý ngay. Còn đối với hoạt động khai thác vàng trái phép, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, truy quét, đồng thời kết hợp với các công ty được cấp phép khai thác trên địa bàn thực hiện tuần tra, truy quét. UBND tỉnh đã có Công văn số 4898 UBND-TN "về việc quản lý bảo vệ khoáng sản tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong" giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với huyện Quế Phong cắm mốc thực địa để làm cơ sở bảo vệ các điểm mỏ đã được giao.
Hiện nay, UBND huyện Quế Phong cùng với cấp uỷ xã Cắm Muộn đã phối hợp với Công ty CP truyền thông Lạc Việt truy quét vàng tặc, vàng thổ phỉ dọc theo khe Quỷa thuộc địa bàn xã Cắm Muộn. Lập, thẩm duyệt phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản tại khu vực Cắc Pỏm đến hết khe Quỷa, có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý bảo vệ, chống khai thác khoáng sản trái phép.
Còn đối với vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh là trên địa bàn xã Quang Phong (huyện Quế Phong), có một số diện tích đất khai hoang trồng lúa của nông dân được Cty Tân Hồng mua lại với mục đích khai thác vàng, chúng tôi chưa nghe xã Quang Phong báo cáo. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay, nếu có tình trạng trên, huyện sẽ yêu cầu Cty Tân Hồng chấm dứt mua đất nông nghiệp của dân, chỉ được khai thác ở khu vực được cấp phép.
3- Ông Nguyễn Hồ Cảnh -Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến người dân. Gần đây khi nghe tin cuối tháng 10/2011 sẽ tích nước lòng hồ Thuỷ điện Khe Bố nên những người dân sống dọc sông Lam đã mua máy nổ về khai thác vàng. Ngoài ra còn có các đối tượng đến từ các tỉnh phía Bắc cũng tham gia khai thác vàng trái phép.
Trước thực trạng phức tạp trên, huyện đã đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị, vai trò quản lý của Nhà nước về khai thác khoáng sản vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Huyện thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, cùng các lực lượng công an, huyện đội, thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm.
Trục xuất, đẩy đuổi các tổ chức, cá nhân khai thác vàng trái phép ra khỏi địa bàn. Từ năm 2007 đến tháng 5 năm 2011, huyện đã xử phạt 41 đối tượng vi phạm lĩnh vực khoáng sản, xử phạt 293 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, huyện đã tổ chức truy quét 47 đợt, thu giữ 24 máy nổ Đông Phong, phá huỷ 3 máy, 2 máy nén khí, đình chỉ 86 trường hợp vi phạm...
Tuy nhiên, các cuộc kiểm tra truy quét còn mang tính nhất thời, chưa triệt để, do vậy người dân vẫn thường lén lút đào đãi vàng trái phép trong những thời gian nghỉ làm rẫy. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Tổ chức cho các hộ ký cam kết với huyện, xã không tham gia hoặc bao che đối tượng đào đãi vàng trái phép. Gắn việc xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững thông qua việc đầu tư đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn, cải thiện đời sống nhân dân để ngăn chặn tình trạng đào đãi vàng trái phép.
Ông Hoàng Danh Lai-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Nghệ An: Đối với các doanh nghiệp trước khi xin thủ tục được cấp phép khai thác vàng cần phải có đầy đủ hồ sơ thẩm định năng lực, tránh tình trạng sau khi được cấp phép lại chuyển nhượng, hoặc chia nhau làm nhỏ lẻ mỏ. Đối với tình trạng khai thác vàng trái phép và có phép, trước tiên các cơ quan cấp huyện, xã tại địa bàn cần kiểm tra giám sát, xử lý. Nếu vượt thẩm quyền, tiếp tục báo cáo lên cấp trên để kiểm tra, xử lý nghiêm.
Nhóm phóng viên