Bài cuối: Hỗ trợ nhân rộng những cách làm hay
Tại tỉnh ta, lượng điện tiêu thụ phục vụ cho tiêu dùng chiếm gần 60%, công nghiệp xây dựng chiếm hơn 29%, nông, lâm, ngư nghiệp, thủy sản là hơn 2%... Sự không đồng đều đó, cộng với tình hình quản lý và sử dụng năng lượng vẫn còn nhiều bất cập, đã làm cho việc tổ chức thực hiện tiết kiệm điện năng gặp khó khăn. Chính vì thế, các cấp, ngành chức năng đã khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cách làm hay trong việc tiết kiệm điện.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KHCN) là một trong những đơn vị hưởng ứng tích cực chương trình tiết kiệm điện thông qua Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp và xây dựng mô hình sử dụng an toàn tiết kiệm điện ở vùng nông thôn”. Thạc sỹ Phạm Hồng Hải – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, cho biết: “Để thực hiện đề tài này, đã tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng điện trên 900 đối tượng gồm 20 đơn vị điện lực, các HTX dịch vụ điện năng, các làng nghề… Qua đó tìm ra nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để sử dụng an toàn, tiết kiệm điện như nhóm giải pháp về kỹ thuật nhằm tiết kiệm điện năng, giải pháp về chính sách quản lý, khuyến khích hỗ trợ nhằm tiết kiệm điện năng và nhóm giải pháp đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn.
Bên cạnh đó, đã lựa chọn 5 mô hình thuộc 3 nhóm khác nhau để thực hiện, gồm: Sử dụng an toàn và tiết kiệm điện tại các trang trại chăn nuôi gà xã Nghi Ân – TP Vinh; sử dụng điện an toàn và tiết kiệm tại làng nghề Quỳ Hợp, HTX làng nghề ngói Cừa -Tân Kỳ; sử dụng điện an toàn và tiết kiệm tại các hộ dân cư tập trung xã Viên Thành - Yên Thành và Tràng Sơn - Đô Lương”. Để chứng minh hiệu quả cho các giải pháp tiết kiệm điện năng, tại mô hình làng nghề Quỳ Hợp, đã đầu tư lắp thiết bị điện Powerboss cho một động cơ máy xẻ đá 37 kW, trong quá trình sản xuất tiết kiệm được 31 triệu đồng/năm và thời gian hoàn vốn hơn 1,5 năm. Hay tại HTX ngói Cừa tiến hành việc lắp đặt thay thế 1.000 bóng đèn sợi đốt 60W tại khu vực sản xuất ngói bằng bóng đèn Compact 15 W nhưng có độ sáng tương đương, với việc thay thế này, mỗi năm tiết kiệm được 112 triệu đồng… Những mô hình áp dụng rất hiệu quả ở vùng nông thôn và có thể nhân rộng.
Cần cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển hệ thống thiết bị điện năng lượng mặt trời.
Với đặc thù của ngành sản xuất xi măng, Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai mỗi ngày tiêu thụ hơn 500.000 kwh và một trong những doanh nghiệp tiêu thụ điện năng lớn nhất ở tỉnh ta. Vì vậy, doanh nghiệp rất quan tâm đến công tác tiết kiệm điện năng. Được biết, tại dây chuyền sản xuất xi măng, Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai đã nghiên cứu và lắp đặt 10 máy biến tần (giá trị gần 7 tỷ đồng) thay cho việc sử dụng van điều chỉnh tiêu hao điện năng lớn. Ông Nguyễn Công Hòa - Phó Giám đốc Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai, cho biết: “Với việc thay đổi thiết bị này, thì sau 3 năm đưa vào khai thác sẽ khấu hao hết nguồn vốn đầu tư máy biến tần. Bên cạnh đó, Công ty còn có nhiều giải pháp tiết kiệm điện như vào thời điểm thích hợp có thể dừng các thiết bị không cần thiết, như máy nghiền nguyên liệu, máy nghiền xi măng..., hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm. Tại những nơi sử dụng bóng điện chiếu sáng bằng sợi đốt được thay thế bằng bóng đèn Compact. Với những việc làm thiết thực trong việc tiết kiệm điện năng, mỗi năm Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai tiết kiệm từ điện được 3 - 4 tỷ đồng”.
Có thể thấy rằng, chương trình tiết kiệm điện năng được các cấp, ngành và khách hàng hưởng ứng tích cực. Tại HTX dịch vụ điện năng Bắc Thịnh (Diễn Thịnh - Diễn Châu) người dân cũng đã chuyển dần sang sử dụng bóng đèn Compact tiết kiệm điện và chuẩn bị thay thế hơn 500 đồng hồ điện sử dụng đã lâu (do Trung Quốc sản xuất) để tránh tổn thất điện năng. Ông Cao Đức Kỳ - Ban quản lý HTX dịch vụ điện năng Bắc Thịnh, cho hay: Người dân nơi đây có ý thức cao trong việc tiết kiệm điện, nên với 1.000 khách hàng sử dụng điện, mỗi tháng chỉ trả tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Một vấn đề cấp bách hiện nay tại Bắc Thịnh là tỷ lệ hao hụt, thất thoát điện năng còn lớn, chất lượng điện chưa cao nên rất cần sự hỗ trợ để nâng cấp trạm biến áp và hệ thống đường dây điện.
Hiện có các đề tài, giải pháp và cách làm hay tiết kiệm điện năng đã được chứng minh tại các mô hình thực tế, nhưng lại chưa được nhân rộng bởi còn vướng mắc về cơ chế, chính sách và khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ, như đề tài “Các giải pháp và xây dựng mô hình sử dụng an toàn tiết kiệm điện ở vùng nông thôn” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN thực hiện; hay dự án sử dụng nhiệt thừa của lò nung Clanhke để tái sản xuất điện năng phục vụ sản xuất xi măng của Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai. Việc sử dụng công nghệ bằng năng lượng mặt trời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn chưa được nhân rộng... Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế cụ thể khuyến khích hỗ trợ tiết kiệm điện năng, đặc biệt cần có quy hoạch, đầu tư hợp lý hệ thống điện nông thôn.
Ngành Điện ngoài việc tiếp nhận hệ thống điện, cần đầu tư cải tạo những nơi đã xuống cấp, đồng thời tư vấn kỹ thuật cho các khách hàng sử dụng tiết kiệm điện. Những năm tới, nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng, tỉnh cần có các biện pháp mạnh mẽ, cụ thể và khả thi để quản lý, điều chỉnh nhu cầu sử dụng năng lượng đạt hiệu quả cao, hài hoà với sự tăng trưởng kinh tế, ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên do sự gia tăng nhu cầu về năng lượng và ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
Hoàng Vĩnh