Bài cuối: Khó trong việc quy trách nhiệm

03/11/2012 12:55

>Bài 2: Gian nan công tác thu hồi nợ!



Ngân hàng Eximbank Vinh đang tập trung khắc phục nợ xấu.

Ngân hàng là ngành đặc thù, uy tín rất quan trọng, vì thế, thời gian vừa qua các ngân hàng chi khá nhiều tiền để xây dựng thương hiệu, tạo hình ảnh, nhưng ngân sách dành ra cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bao gồm cả việc giáo dục đạo đức cán bộ xem ra vẫn bị coi nhẹ. Bất cập là vậy, nhưng khi được hỏi trách nhiệm của ngân hàng nhà nước trong vấn đề con người như thế nào thì lãnh đạo ngân hàng này cho rằng: "Cán bộ ngân hàng thương mại chúng tôi không quản lý".
Các vụ lừa đảo liên quan đến ngân hàng cho thấy, những người lừa được là do tạo chữ tín. Để tạo lòng tin, đối tượng thực hiện chiêu bài sòng phẳng trong việc thanh toán cả tiền gốc lẫn lãi. Và sau khi vỡ nợ, làm đơn xin nghỉ việc, các đối tượng cao chạy xa bay, còn về phía ngân hàng lại đơn giản chỉ cho rằng đó là việc riêng của cá nhân, không liên quan đến hoạt động của ngân hàng(?!). Lãnh đạo các ngân hàng này không thẳng thắn để thừa nhận rằng cơ quan, lãnh đạo đơn vị thiếu sâu sát, chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện không bình thường của cán bộ mình trong quá trình công tác.

Chẳng hạn đối với trường hợp Nguyễn Sơn Hà ở phòng giao dịch Thái Hòa (Ngân hàng BIDV chi nhánh Phủ Quỳ), quá trình công tác ở vị trí trưởng phòng giao dịch, có trách nhiệm cao nhất của phòng,… đã có biểu hiện điều hành kém, thường xuyên chỉ hoàn thành 70% kế hoạch theo quy định, nếu lãnh đạo ngân hàng, chi nhánh tìm hiểu kỹ nguyên nhân, kịp thời kiểm điểm nghiêm khắc thì chắc chắn sẽ không để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Điều đáng nói là, làm việc trong môi trường nhạy cảm, nhưng một mặt các ngân hàng không quan tâm đúng mức công tác đào tạo, giáo dục cán bộ; mặt khác, quá dễ dàng khi cán bộ có “đơn xin nghỉ việc”. Họ đã thiếu cảnh giác vì đằng sau mỗi lá đơn xin nghỉ việc là những lá đơn tố cáo, là cơ quan công an lại vất vả vào cuộc truy nã để điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản, gây hậu quả xấu cho xã hội.

Trong khi môi trường nhạy cảm, cơ chế kiểm soát tín dụng của nhiều ngân hàng lại đang bộc lộ nhược điểm. Trong những năm qua, các ngân hàng đều “phát triển nóng” với các chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm được khai trương trên địa bàn dẫn đến sự phân tán nguồn lực, đặc biệt là sự phân tán thẩm quyền phán quyết tín dụng. Theo đó, việc giao quyền cho các giám đốc chi nhánh quá lớn, còn hội sở ở xa, quy định nội bộ lờ mờ, công tác quản lý giấy tờ, con dấu thiếu chặt chẽ… rất dễ dẫn đến các vấn đề rủi ro đạo đức. Dư luận cho rằng, trường hợp vi phạm vừa xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phủ Quỳ cũng có phần nguyên nhân của việc phát triển ồ ạt các chi nhánh, bổ nhiệm đề bạt tạo uy tín cho TCTD.

Về lỗi chủ quan của ngân hàng gây nợ xấu có nguyên nhân sơ suất trong kiểm tra sử dụng vốn vay dẫn đến nhiều trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích; đánh giá tài sản thế chấp thiếu chặt chẽ… Chẳng hạn, Công ty TNHH thương nghiệp Hà Châu (Diễn Châu) tháng 6/2007 vay của Ngân hàng Ngoại thương Vinh số tiền 4,659 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh thu mua lạc xuất khẩu. Đây là doanh nghiệp từng một thời được vinh danh trong công tác xuất khẩu của tỉnh với kim ngạch luôn dẫn đầu, việc vay vốn ngân hàng vì thế cũng thuận lợi. Thời điểm vay cao nhất lên đến 13 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi vay vốn kinh doanh, doanh nghiệp này dùng tiền bán lạc để đầu tư kinh doanh gỗ ở Lào… Đầu tư vào lĩnh vực mới, thiếu kinh nghiệm, rủi ro thương trường dẫn đến kinh doanh thua lỗ.

Lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Vinh thừa nhận, mặc dù hồ sơ vay vốn cán bộ thực hiện đúng, nhưng quá trình sản xuất kinh doanh khách hàng vi phạm hợp đồng tín dụng, trong lúc về phía ngân hàng cán bộ đã chủ quan, không kiểm tra sát sao quá trình sử dụng vốn vay, dẫn đến đầu tư sai mục đích. Thế nhưng, việc xử lý cán bộ có liên quan nhìn chung chưa nghiêm, một số trường hợp cũng chỉ bị kiểm điểm nhẹ nhàng trong nội bộ đơn vị. Nhiều trường hợp tòa đã tuyên án đối với bị cáo, nhưng một số cán bộ ngân hàng có trách nhiệm liên quan đến việc cho vay tiền chưa được xem xét trách nhiệm, cơ quan chủ quản chưa có biện pháp xử lý.

Thông thường, rủi ro ngân hàng được chia làm 4 nhóm: rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro tác nghiệp. Trong đó, nhóm rủi ro tác nghiệp rất khó quản trị vì liên quan trực tiếp đến đạo đức cán bộ ngân hàng. Rủi ro do đạo đức cán bộ tín dụng là điều không thể tránh khỏi, song, để xảy ra sai phạm thì trách nhiệm thuộc về ai, làm sao để quản trị tốt, giảm thiểu những rủi ro này là một câu hỏi lớn dành cho các ngân hàng. Đi tìm lời giải cho vấn đề này, chúng tôi được một số cán bộ ngân hàng cho rằng, bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, thì đạo đức nghề nghiệp và bề dày kinh nghiệm luôn là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu tuyển dụng đào tạo, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ của các ngân hàng.

Để xử lý nợ xấu, đã có hàng loạt biện pháp được Ngân hàng Nhà nước đề ra và tăng cường chỉ đạo thực hiện, trong đó có việc giảm trần lãi suất cho vay, cho đến thời điểm hiện tại lãi suất trần cho vay chỉ còn tối đa 15%/năm. Do nợ xấu bắt nguồn từ những khoản vay "khó đòi, khó trả", việc giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc trả nợ, giải quyết nợ tồn đọng. Song về chủ quan, để xử lý rốt ráo nợ xấu, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp thay đổi chiến lược kinh doanh, củng cố sản xuất, cần quy trách nhiệm những người tạo nên món nợ xấu để xử lý bằng các biện pháp hành chính, kinh tế và thậm chí là luật pháp.

Bà Võ Thị Thu Thảo - cán bộ Phòng Quản lý rủi ro – Ngân hàng Công thương chi nhánh Nghệ An: “Ngân hàng là ngành nghề kinh doanh gắn chặt với tiền nên rất dễ tác động tới lòng tham con người nếu thiếu bản lĩnh. Trước đây, quá trình đào tạo được một cán bộ ngân hàng khá công phu, mọi động thái đều được quản lý rất chặt, nếu có biểu hiện vi phạm ngay lập tức chấm dứt việc học. Quá trình công tác, đa số lớp cán bộ nhân viên ngân hàng lâu năm trong nghề tại các ngân hàng hiện nay đã được sàng lọc kỹ. Những cám dỗ vật chất không làm họ động lòng, những kẽ hở nghiệp vụ họ cũng không lợi dụng. Đó là truyền thống của ngành và ngành ngân hàng trong thời chiến cũng đã hạn chế rủi ro, tiêu cực là dựa trên nền tảng, tiêu chuẩn đạo đức đó. Thế nhưng, đáng tiếc là hiện nay có khá nhiều vụ việc lình xình liên quan đến cán bộ ngành ngân hàng và chủ yếu rơi vào lớp trẻ."

Ông Phan Hoàng Vượng – Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Nghệ An: Hiện nay tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Agribank chi nhánh Nghệ An đang ở mức thấp, dưới 1%. Kinh nghiệm của ngân hàng chúng tôi, trước hết là đào tạo cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định có nghiệp vụ tinh thông. Trong quá trình đầu tư, chúng tôi không cho vay ồ ạt mà lựa chọn đối tượng đầu tư phù hợp căn cứ phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, sau đó mới xét đến các điều kiện khác như tài sản thế chấp… Trong quản trị điều hành, chú ý khâu kiểm tra dòng vốn trước, trong và sau khi cho vay, tránh việc đầu tư sai mục đích. Đặc biệt, yếu tố quan trọng nhất là đạo đức cán bộ. Chúng tôi thường xuyên quan tâm giáo dục phẩm chất đạo đức cán bộ của mình.


Thu Huyền

Mới nhất
x
Bài cuối: Khó trong việc quy trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO