Bài cuối: Kích thích trường tư tự khẳng định chất lượng

(Baonghean) - Trước những khó khăn nhất định, các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn TP. Vinh cần xác định tự vận động và có những giải pháp để thích ứng, phát triển. Trên thực tế, nhiều trường mầm non đã có nhiều cách làm sáng tạo, duy trì được hoạt động ổn định, tạo thêm cơ hội lựa chọn cho phụ huynh.
So với nhiều trường mầm non ngoài công lập khác, Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc (TP. Vinh) có khá nhiều thuận lợi khi mới bắt đầu đi vào hoạt động, bởi đến nay, phường vẫn chưa có trường mầm non công lập. Phường Hưng Phúc là một trong những địa bàn có lượng trường mầm non ngoài công lập đông nhất, trong đó có cả Trường Mầm non Họa My – trường mầm non ngoài công lập duy nhất của thành phố đã được công nhận chuẩn quốc gia. 
Tiếp quản Trường mầm non tư thục Hưng Phúc khi mới ngoài 22 tuổi và chưa từng có kinh nghiệm về ngành Mầm non, cô giáo Hoàng Thị Vinh - Hiệu trưởng của trường tâm sự: “Những ngày đầu hết sức lo lắng, bất an. Tuy nhiên, vì một khối lượng tài sản lớn của gia đình đã đầu tư vào trường, nên buộc tôi và các thành viên trong ban quản trị phải tìm mọi giải pháp để từng bước xây dựng thương hiệu. Bản thân tôi cũng chủ động ra Hà Nội xin vào làm việc một năm ở một trường mầm non là một trong những trường điểm của Thủ đô để học cách quản lý, cách chăm sóc trẻ và làm quen với chương trình giảng dạy mới của nhà trường. Dù mình không bê nguyên chương trình của trường mầm non ấy vào trường của mình, nhưng mình học được cách dạy và cách chăm sóc trẻ tiên tiến của họ.
Thi đồ dùng dạy học tại Trường Mầm non Hưng Phúc (TP. Vinh).
Thi đồ dùng dạy học tại Trường Mầm non Hưng Phúc (TP. Vinh).
Ở Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc, cách thiết kế không gian phù hợp với lứa tuổi mầm non đã tạo được ấn tượng thân thiện đối với các cháu và phụ huynh; các lớp học được thiết kế tỷ mỷ và trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi... Nhà trường đặc biệt chú trọng đến khẩu phần ăn của trẻ, ví như với các cháu lứa tuổi nhà trẻ, ngoài 2 bữa ăn chính, sẽ có thêm 2 bữa phụ (nhiều gấp đôi so với trường công). Thực đơn cho các cháu mẫu giáo được thay đổi hàng ngày, giá trị dinh dưỡng của các bữa phụ cũng tương đương với bữa chính.  Riêng về chất lượng giáo viên, phụ huynh có thể giám sát thông qua hệ thống camera được nối mạng 24/24h. Từ đó, những ý kiến của phụ huynh sẽ giúp các giáo viên tự điều chỉnh mình. Ngoài lương, hàng tháng nhà trường có chế độ thưởng, với mức thưởng tăng dần theo xếp loại A – B – C  - D để khuyến khích giáo viên phấn đấu.
Đầu tư vào chất lượng bữa ăn mà Trường Mầm non Hưng Phúc thực hiện theo nhiều ý kiến của phụ huynh là cách làm thông minh. Bởi lẽ, thời điểm năm 2012, đồng loạt tất cả các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố đều bỏ khẩu phần ăn sáng của trẻ, gây bất lợi nhất định cho phụ huynh trong việc đưa con đến trường. Bởi  vậy, sự linh hoạt của Trường Mầm non tư thục Hưng Phúc đã giúp phụ huynh chủ động sắp xếp thời gian và dù học phí có cao hơn, nhưng phụ huynh không còn cảnh cập rập vào mỗi buổi sớm (đặc biệt là những gia đình công chức). Sau này, những trường mầm non ngoài công lập khác cũng thực hiện tương tự, dù tiền ăn vẫn không tăng. 
Lãnh đạo Trường Mầm non Sunrise (TP. Vinh) thì cho hay, bên cạnh việc đầu tư trang, thiết bị cơ sở vật chất, thì chất lượng đội ngũ giáo viên là một yếu tố quan trọng và quyết định đến chất lượng chăm sóc trẻ. Vì vậy, khi tuyển dụng, nhà trường cố gắng tuyển những giáo viên đạt chuẩn. Trong quá trình dạy học, những người có kinh nghiệm sẽ kèm cặp những người mới vào nghề để từng bước nâng đều chất lượng cho toàn bộ giáo viên. Trường Mầm non Sunrise thu học phí cao hơn các trường tư, nhưng đối với học sinh học các môn năng khiếu như vẽ, múa, hát lại không phải nộp thêm tiền.  
Trường Mầm non Phương Đông được đầu tư khang trang. Ảnh: Thanh Lê
Trường Mầm non Phương Đông được đầu tư khang trang. Ảnh: Thanh Lê
Còn Trường Mầm non Phương Đông dù chỉ mới đi vào hoạt động từ tháng 4/2014, nhưng đến nay đã thu hút khoảng 400 trẻ (đạt gần 70% chỉ tiêu đề ra). Cách làm thiết thực nhất của trường này là xác định khung học phí hợp lý để những gia đình có thu nhập bình thường vẫn có thể cho con theo học. Như hiện tại, với mức học phí (đã được giảm tới 25%) là từ 650 - 700.000 đồng/tháng, dù còn khá chênh lệch so với trường công, nhưng so với một số trường tư khác thì đã có sự cạnh tranh không nhỏ. Riêng đối với gia đình có 2 cháu cùng học tại trường, được giảm thêm học phí hàng tháng 5% cho bé thứ 2. Nhóm từ 3 trẻ đăng ký và nhập học được giảm thêm 5% học phí cho tháng đầu của mỗi bé. Ngoài ra, học phí đóng cả năm sẽ được giảm 8%, nửa năm giảm 4% và đóng theo quý giảm 2%.
Với những trường mầm non ra đời sớm như Trường Mầm non Tâm Việt (phường Hưng Bình), dù cơ sở vật chất của trường còn hạn chế, nhưng với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, nhà trường đã điều chỉnh để thích ứng, kể cả học phí. Theo bà Nguyễn Thị Tố Uyên, – Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Tâm Việt: mức học phí 360 – 400 nghìn/tháng đã được nhà trường duy trì trong nhiều năm qua và có chính sách giảm học phí 20% (cho một trẻ) đối với gia đình có 2 con gửi tại trường; giảm học phí cho trẻ là con gia đình hộ nghèo, trẻ mồ côi… Do đối tượng học sinh trong trường đều chủ yếu là con em lao động, buôn bán nhỏ, nên để tạo điều kiện cho phụ huynh, nhà trường sẵn sàng giữ trẻ đến 6 - 7 giờ tối và dạy trẻ cả ngày Chủ nhật.
Như vậy, bằng những cách làm trên, “dịch vụ” của các trường mầm non ngoài công lập nay đã có phần trội hơn so với hệ thống trường mầm non công lập. Và điều này đã chắc chắn thu hút sự quan tâm và tác động tích cực tới sự lựa chọn của các phụ huynh, nhất là với những người có điều kiện. Thực tế, trong hoàn cảnh hiện nay của nhiều gia đình ở Thành phố Vinh, phụ huynh khi lựa chọn trường học cho con “nghiêng” nhiều về chất lượng trường lớp, chất lượng chăm sóc trẻ chứ không hẳn đặt vấn đề học phí lên hàng đầu. Thế nên, mới có những người sẵn sàng bỏ qua trường công và chi từ 5.000.000 – 7.000.000 đồng/tháng để cho con được học trong một trường ngoài công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cũng đã khẳng định, nếu có cách làm hay, nếu có nhiều tâm huyết, thì hệ thống trường mầm non ngoài công lập cũng có thể đồng hành cùng hệ thống mầm non công lập, tạo ra môi trường giáo dục đa dạng và tạo sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng phục vụ giữa các cơ sở nuôi dạy trẻ. 
Tuy nhiên, để giúp cho hệ thống này phát triển ổn định, bền vững hơn, Phòng Giáo dục thành phố cần làm tốt hơn nữa trong triển khai chương trình giáo dục mầm non, tạo điều kiện cho các giáo viên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường kỳ, tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, tham dự chuyên đề giống như các trường mầm non công lập. Phòng Giáo dục cũng cần phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm trong việc yêu cầu các trường thực hiện đúng chế độ lương, thưởng cho giáo viên, nhất là trong việc ký hợp đồng, đóng bảo hiểm, để các giáo viên có thể yên tâm và gắn bó lâu dài với nhà trường. Đồng thời, tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các văn bản nhằm chỉ đạo các phường, xã tăng cường quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập theo đúng quy định của Nhà nước.
Những trường quá yếu kém về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, không đảm bảo an toàn và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ thì phải đình chỉ, không cho hoạt động. Về phía các nhà trường, phải tự điều chỉnh, nâng chất lượng giáo dục, nâng chất lượng chăm sóc trẻ. Đồng thời, phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, có chính sách giảm học phí nhằm thu hút trẻ. Xu hướng này cũng sẽ buộc các trường mầm non công lập phải tự điều chỉnh, phải tự nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất hoặc có giải pháp để mở rộng trường lớp, tránh tình trạng các lớp học quá tải như hiện nay. Ông Nguyễn Trung Châu, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: “Hệ thống trường mầm non công lập thiếu và chưa đảm bảo đúng theo quy định đã ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc trẻ. Lẽ dĩ nhiên, chất lượng giáo dục do đó cũng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, chưa thực sự bền vững, chưa vượt trội và chưa tạo được khoảng cách xa so với các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh…”.
Liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường lớp, theo ý kiến của ông Lưu Đức Thuyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Thời điểm này, quy mô dân số ở Thành phố Vinh đã phát triển khá cao và nếu theo chu kỳ thì sẽ có thời điểm chững lại. Vì vậy, trong việc quy hoạch, cấp phép xây dựng trường, lãnh đạo Thành phố phải cân nhắc, không nên xây dựng trường quá ồ ạt, dẫn đến khủng hoảng “thừa” sau này. Trong hoàn cảnh ngân sách thành phố hạn hẹp, cũng không nên đầu tư dàn trải, chắp vá, mà nên đầu tư tập trung một năm từ 1 đến 2 điểm trường. Trong quá trình xây dựng mới, phải chú trọng đến quy mô trường lớp, quy mô phòng học đảm bảo đủ diện tích theo như quy định, đảm bảo an toàn cho trẻ. Tăng cường quản lý Nhà nước, quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường ngoài công lập, tích cực tuyên truyền về các trường có chất lượng để tạo độ tin cậy cho phụ huynh yên tâm lựa chọn. Sở Giáo dục mong muốn, bên cạnh những nỗ lực của ngành, Nhà nước cần ban hành chính sách bổ sung biên chế cho cán bộ xã, phường đảm nhiệm việc quản lý cơ sở giáo dục mầm non tư thục, hoặc hỗ trợ kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm; bổ sung thêm biên chế cán bộ phụ trách cấp học mầm non các cấp quản lý giáo dục; có chính sách hỗ trợ trang, thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi cho các trường mầm non tư thục theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 11/2/2010”. 
Mỹ Hà - Đinh Nguyệt

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.

Lớp 10

Thi lớp 10 ở thành phố Vinh: Cửa hẹp vào công lập

(Baonghean.vn) - Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập là mong muốn của đông đảo phụ huynh, học sinh thành phố Vinh. Điều đó càng cấp thiết hơn khi năm nay, số lượng học sinh thi vào lớp 10 trên địa bàn tăng đột biến với hơn 800 em.