Bài cuối: Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Kết quả thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC, đã có 1.384 TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh được rà soát. Trong đó, có 450 thủ tục được giữ nguyên; 934 thủ tục được kiến nghị đơn giản hóa. Trong năm 2012 có 25 thủ tục mới được ban hành, 58 thủ tục sửa đổi, bổ sung; 15 thủ tục bị bãi bỏ, hủy bỏ. Tuy nhiên, theo ông Võ Đình Văn - Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ thì cải cách thủ tục hành chính không chỉ là việc rà soát để cắt giảm hoặc sửa đổi các quy định về thủ tục, mà quan trọng hơn là việc công khai, minh bạch, cũng như thực hiện tốt các thủ tục này trên thực tế. Ông Văn cũng cho rằng công khai, minh bạch TTHC là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống hành chính nhà nước. Làm tốt việc này sẽ góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bước đáp ứng sự kỳ vọng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc niêm yết công khai, minh bạch các quy định, TTHC trên cả 3 cấp cũng là giải pháp nhằm góp phần giảm phiền hà, nhũng nhiễu; tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện đúng quy định; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, đồng thời tăng được tính giám sát của người dân với các cơ quan công quyền. Điều này cũng có nghĩa là tăng tính tương tác giữa người dân và hệ thống chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thủ tục hành chính. (Đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 1.247 TTHC được công khai tại nơi giao dịch; 1.197 TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, 180 TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông).
Ông Nguyễn Chí Nhâm - Chánh Thanh tra tỉnh cho rằng: Hầu hết các thủ tục hành chính trong các cơ quan Nhà nước hiện nay đều được công khai nhưng khó khăn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện, mà để khắc phục nó, điều quan trọng và cơ bản nhất là phải tạo dựng được sự thay đổi về mặt nhận thức của toàn xã hội cũng như từng cá nhân, nhất là đội ngũ cán bộ công chức công tác trực tiếp trong lĩnh vực liên quan đến thủ tục hành chính. Do vậy, muốn công khai minh bạch, trước hết phải nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức và vai trò giám sát của người đứng đầu. Bởi thực tế không công khai minh bạch là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, nhiều vụ việc sai phạm bắt nguồn từ việc cán bộ thực hiện không đúng hoặc không công bằng, không công minh. Nhưng cũng có trường hợp nhiều cán bộ không hiểu, không nắm được chính sách hoặc có chính sách mới mà không biết nên không giải thích cho người dân một cách rõ ràng.
Từ thực tế 22 năm làm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND tỉnh, ông Trần Khắc Thuận - Bí thư chi bộ xóm 18, xã Nghi Phú (TP. Vinh) cho rằng “Công khai minh bạch là liều thuốc đặc trị chống tham nhũng. Càng công khai, minh bạch, dân chủ thì càng tạo được sự đồng thuận trong nhân dân”.
Hiện nay, khi sự giám sát của cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể còn yếu thì phải để sức mạnh nhân dân vào cuộc, đúng như tinh thần trọng dân chủ mà Nghị quyết XI của Đảng đã xác định. “Người dân hiện nay cảm nhận rất rõ về thực trạng tham nhũng nhưng ít ai dám lên tiếng. Muốn cho dân mạnh dạn lên tiếng thì Nhà nước và xã hội phải có trách nhiệm “làm cho dân biết”.
“Chính sách rõ ràng, minh bạch, công khai mọi vấn đề sẽ gỡ được tiêu cực. Đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, được dư luận quan tâm như cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ… càng phải công khai để dân biết, dân hiểu, dân kiểm tra, giám sát, hạn chế lợi dụng quyền hạn chức vụ để nhũng nhiễu… tạo sự đồng thuận lớn trong toàn xã hội”- Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cán bộ hưu trí ở phường Cửa Nam bày tỏ. Bài học kinh nghiệm ở nhiều địa phương cũng cho thấy, khi khả năng minh bạch không cao thì số lượng đơn thư khiếu kiện lớn; khi trách nhiệm giải trình của chính quyền không rõ thì tiếng nói của nhân dân càng có giá trị.
Đồng chí Võ Viết Thanh - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khẳng định: “Cần phải lấy việc công khai minh bạch các quy định của Nhà nước làm khâu đột phá trong cải cách hành chính. Bởi càng công khai, minh bạch, càng hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu. Và một trong những điều kiện chủ yếu để có công khai, minh bạch chính là giám sát. Bất kể một hoạt động nào của các cơ quan công quyền đều phải chịu sự giám sát. Do vậy, cần phải tạo được một môi trường dân chủ, các quyền được biết, được thông tin của người dân cần phải được tôn trọng. Bên cạnh đó, phải kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu….
Để xây dựng một nền hành chính từng bước hiện đại, trước hết các cơ quan hành chính hoạt động phải thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết công việc cho nhân dân, doanh nghiệp đáp ứng các nội dung quan trọng, đó là giảm thời gian, giảm chi phí và nâng cao tính công khai minh bạch. Và theo quan điểm của chúng tôi (PV) thì để đánh giá tính công khai minh bạch không có giải pháp nào tốt hơn việc lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Bởi sự hài lòng đi liền với niềm tin, động lực xây dựng nền hành chính trong sạch và xã hội dân chủ, công bằng, văn minh!
Khánh Ly- Nguyên Sơn