Bài cuối: Liên kết chặt chẽ, đa dạng hóa hình thức đào tạo
Như đã đề cập, đến thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của ngành Du lịch Nghệ An vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Vì vậy, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cấp thiết phải có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Công Kiên • 21/09/2024
Như đã đề cập, đến thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của ngành Du lịch Nghệ An vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Vì vậy, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cấp thiết phải có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thời gian gần đây, tỉnh và ngành Du lịch Nghệ An đã thực hiện một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch. Tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành giám sát, nắm bắt những khó khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp phù hợp, giúp ngành Du lịch phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh có quyết định ban hành danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề, mức hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng tham gia học chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có những nghề liên quan đến du lịch.
Đối với Sở Du lịch, đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Vinh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist), Công ty cổ phần Tiếp thị và Du lịch Giao thông vận tải (Vietravel), trong đó có nội dung về liên kết phát triển du lịch, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho Nghệ An. Tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp phát triển du lịch, trong đó bàn các giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hằng năm, Sở Du lịch tổ chức ít nhất 5 lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề, tập huấn nâng cao chất lượng lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Tham mưu các công văn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thường xuyên rà soát lại toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên, người lao động, tuyển dụng đầy đủ, đúng tiêu chuẩn các vị trí làm việc, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng phục vụ và giao tiếp ứng xử văn minh cho toàn bộ nhân viên. Hỗ trợ các nhà đầu tư mở rộng kinh doanh, đầu tư mới các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Kết nối với các cơ sở đào tạo trên địa bàn cung cấp lao động cho các doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch, để xây dựng hình ảnh du lịch Nghệ An ngày càng chuyên nghiệp và hấp dẫn, ngành Du lịch đã có những định hướng dài hơi về phát triển nguồn nhân lực. Trước hết, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch khai thác phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại Nghệ An để tạo đà, duy trì và phát triển lực lượng lao động chất lượng cao cho ngành Du lịch. Nâng cao hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch đến Nghệ An vào mùa thấp điểm để giảm thiểu tình trạng lao động mùa vụ, để lao động gắn bó với nghề.
Giải pháp không thể thiếu nữa là tăng cường liên kết hợp tác về đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các đơn vị kinh doanh du lịch với các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp lớn, để gắn đào tạo với thực tiễn, tăng cường đào tạo chuyên sâu, tạo điều kiện nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trong ngành Du lịch.
Mặt khác, đối với các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong bối cảnh hội nhập và xu thế số hóa toàn cầu, nguồn nhân lực du lịch tỉnh cần được tiếp cận với những cách thức đào tạo mới mẻ, hiệu quả hơn. Các cơ sở đào tạo xem xét việc thiết kế chương trình đào tạo, dạy nghề tiếp cận theo chuẩn đầu ra - năng lực của mỗi vị trí việc làm gắn với thực tế thị trường lao động; gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành cũng như kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý công việc chuyên môn. Phải làm tốt công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp ngay từ ban đầu mới có cơ hội thu hút được những người học có chất lượng tham gia học tập tại các cơ sở đào tạo.
Phải làm tốt công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp ngay từ ban đầu mới có cơ hội thu hút được những người học có chất lượng tham gia học tập tại các cơ sở đào tạo.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực ngành Du lịch, ông Nguyễn Đức Hiển - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Sông Lam cho rằng, vấn đề quan trọng là các cơ sở du lịch phải cân đối, lên kế hoạch, xác định nhu cầu về nhân lực để tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao. Các doanh nghiệp cần có sự liên kết, ký kết với cơ sở đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc theo từng giai đoạn. Các cơ sở du lịch cũng cần có sự phối hợp, chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong sử dụng nguồn lực lao động. Đặc biệt, cần nâng cao thu nhập để người lao động yên tâm gắn bó với công việc.
Còn ông Đinh Trung Kiên - Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Kim Liên cho rằng, cần thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động tại doanh nghiệp, hoặc mời các cơ sở đào tạo có uy tín tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày có cấp chứng nhận. Các doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương theo trình độ tay nghề để động viên người lao động tự học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ. Bên cạnh đó, thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo giúp hỗ trợ nhau về đào tạo lý thuyết và thực hành để sản phẩm của các cơ sở đào tạo gần và thiết thực hơn với kinh doanh du lịch; tiến tới có thể ký các hợp đồng hợp tác đào tạo theo yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp.
Theo trao đổi của bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Chi nhánh Vietravel Nghệ An, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm thường xuyên. Vì vậy, cần phát triển, mở rộng đào tạo nghề, đào tạo nhân sự chất lượng cao tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển. Các doanh nghiệp cần chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao kiến thức nghiệp vụ. Ngành Du lịch cần tổ chức các khóa đào tạo định kỳ kiểm tra nghiệp vụ, xây dựng tiêu chí, cơ sở đánh giá và phân hạng nhân lực. Từ đó, công bố danh sách sau các kỳ thi trên trang thông tin chính thức của Sở Du lịch, tạo nên sự minh bạch để khách hàng yên tâm lựa chọn...
Ở góc độ quản lý du lịch ở địa phương, ông Phạm Văn Giang – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Lưu cho rằng, cần chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch ở cơ sở. Đó là tuyển dụng cán bộ có bằng chuyên môn về du lịch, cử những cán bộ chưa có bằng cấp chuyên môn tham gia học văn bằng 2 để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, ngành Du lịch tăng cường tập huấn về chuyên môn và kỹ năng, cập nhật nguồn thông tin mới cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Dưới góc độ của người làm công tác đào tạo, TS Nguyễn Văn Trung - Chủ nhiệm khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh khẳng định: Chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch có vai trò vô cùng quan trọng với việc phát triển ngành. Muốn vậy, cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn nhân lực ngành Du lịch; đa dạng hóa hình thức đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch, đảm bảo cả về số lượng cũng như về trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ và sức khỏe; có chính sách đãi ngộ để thu hút, sử dụng và phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao.