Bài cuối: Nâng cao trách nhiệm và năng lực của mỗi “nhà”

15/05/2013 14:18

(Baonghean) - Có thể nói hiệu quả rõ nhất trong thực hiện liên kết 4 nhà theo Quyết định 80/TTCP năm 2002 tại Nghệ An, là nông dân đã tiếp cận với cách sản xuất chuyên nghiệp, tiêu thụ hàng hóa lớn thông qua hợp đồng. Như vậy, cơ bản có thể tiếp tục định hướng phát huy vai trò các “nhà” trong thời gian tiếp theo. Trong đó nổi lên yêu cầu cơ bản là giải quyết những khúc mắc về giá, về thu mua, ép cấp… trong quan hệ giữa nhà nông và nhà máy.

>>Bài 2: “Nhạt” vai trò của nhà khoa học

Thời gian gần đây, người trồng rừng ở nhiều huyện như Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn, Quỳ Châu… đang lo lắng khi mà đầu ra cho cây nguyên liệu bị ách tắc, khó tiêu thụ.

Khi nhà máy bột giấy Tân Hồng được xây dựng đồ sộ, hoành tráng, cán bộ nhà máy xuống tận nhà dân thuyết phục, người dân Môn Sơn, Mậu Đức - Con Cuông đã chặt hết cây mét - là cây trồng hiệu quả nhất ở đây để chuyển sang trồng keo nguyên liệu cho nhà máy này. Nhưng nay nhà máy này đóng cửa, cả ngàn ha keo của Môn Sơn, Chi Khê, Đôn Phục… đều không có ai thu mua, đứng già. Anh Nguyễn Vinh ở bản Hợp Thành - Đôn Phục bức xúc: Gia đình có hơn 3 ha keo đã quá 2 năm tuổi, nhưng cũng chỉ mới bán được 1 ha với giá rẻ như củi. Giá bình quân hơn 10.000 đồng/cây keo lai. Bên cạnh đó, xã Mậu Đức có trên 400 ha cây nguyên liệu chưa thu hoạch được.

Cây chè là cây xóa đói giảm nghèo bền vững cho nông dân bởi chu kỳ kinh doanh kéo dài, tuy nhiên diện tích vùng nguyên liệu hằng năm vẫn khó mở rộng. Nguyên nhân là đầu tư của doanh nghiệp chưa thu hút người nông dân. Người trồng chè ở Thanh Chương cho biết thêm: Trong quá trình chăm sóc cho cây chè, Xí nghiệp thường hỗ trợ lãi suất để người dân mua các loại phân về chăm bón nhưng lại hỗ trợ chậm nên khi lấy về, ảnh hưởng đến phát triển, sinh trưởng của cây chè. Giá chè cũng gây băn khoăn cho người trồng. Giá chè mà chè Xí nghiệp chè Ngọc Lâm thu mua thấp so với giá tư thương mua ngoài. Cụ thể như hiện tại giá chè búp tư thương mua ngoài là trên 3000 đ/kg, trong khi giá xí nghiệp là 2.850 đ/kg. Bên cạnh đó, không ít xí nghiệp mua chè xong lại chậm trả tiền cho nông dân (XN chè Con Cuông), một tháng mới trả một lần, trong khi đó các xưởng chế biến chè ở ngoài mua chè lại trả ngay, vì vậy mà có nhiều hộ dân không muốn bán chè cho xí nghiệp.

Vào mùa cao điểm thu mua nguyên liệu, các vùng chè, mía vẫn có hiện tượng các xí nghiệp và tư thương mua chè ép giá, ép cấp dân. Các xưởng chế biến chè nhỏ ở Thanh Chương khá nhiều, các xưởng này chủ yếu chế biến không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đầu tư nên thường hạ giá cạnh tranh không lành mạnh. Không ít nhà máy không đầu tư mà chỉ thu mua. Với cây sắn thì có những thời điểm giá sắn tăng lên người dân tự mở rộng diện tích, phá vỡ vùng nguyên liệu nên các nhà máy sắn ở Yên Thành, Thanh Chương có những thời điểm ứ đọng nguyên liệu. Đối với cây lạc chỉ mới có mô hình liên minh tiêu thụ lạc ở Diễn Thịnh do Dự án cạnh tranh nông nghiệp tài trợ, còn nhiều nơi người nông dân vẫn tự lo đầu ra.

Một thực tế nữa là trên một địa bàn, cùng một loại cây, nhưng giá mỗi nơi một khác . Đó là trường hợp cây mía. Nơi thì mua mía giá 900.000 đồng/tấn, nơi thì mua 870.000 đồng/tấn, nơi thì mua 850.000 đồng/tấn, gây bức xúc cho người dân. Trong liên kết lợi ích, mặc dù tính “thỏa thuận” là nguyên tắc cao nhất của hợp đồng, song hiện nay chủ yếu là ý chí của doanh nghiệp, nhà máy. Hợp đồng ký kết với nhà nông có nhiều điều khoản không có lợi cho nông dân. Chẳng hạn: thời hạn thu mua mía đến hết 30/4 hàng năm. Như vậy, nông dân cứ mòn mỏi chờ, mía thì trổ cờ, trời đã chuyển mùa hè. Khi mía được thu hoạch xong thì nông dân rất khó để trồng được cây trồng khác bởi đã hết thời vụ.

Ông Từ Đức Hà ở xóm 5, Nghĩa Hành (Tân Kỳ) có khoảng 30 tấn mía chưa được thu hoạch mặc đã đến 10/4/2013. Ông cho hay trong hợp đồng ký kết thời hạn thu mua mía là 30/4, nhưng giá như nhà máy thu mua sớm hơn bởi đây là khu vực lụt, mía non dễ gặp lụt không phát triển được. Trong hợp đồng cũng có những điều khoản ngặt nghèo đối với nông dân. Như chia mía, chè thành nhiều loại. Để rồi khi bán sản phẩm, nông dân rất ít khi bán được sản phẩm theo giá loại 1. Các biện pháp chia sẻ rủi ro giữa hai bên cũng ít được thực hiện trong thực tế. Khi giá đường cao, nhà máy lãi lớn nhưng nông dân vẫn chỉ bán được giá đã ký kết. Nhiều doanh nghiệp không có tiềm lực đã không ký kết ổn định lâu dài với nông dân, nên đã không thu hút được họ đầu tư thâm canh. Trong hợp đồng, các công ty, nhà máy đang chú trọng hơn về lợi ích của mình.

Xem xét ở mặt khác, thì phải thừa nhận một hạn chế của nhà nông khi tham gia vào liên kết “ 4 nhà”. Đó là: Việc tuân thủ hợp đồng đã ký kết giữa các nhà máy với nông dân chưa nghiêm, khi xẩy ra tranh chấp thiếu chế tài xử lý. Cụ thể như: nhiều hộ nông dân ký hợp đồng, nhận đầu tư vốn và kỹ thuật của doanh nghiệp (DN), nhưng khi có sản phẩm lại bán ra ngoài, dây dưa trong việc hoàn trả, chiếm dụng vốn của DN. Việc chấp hành các qui trình đầu tư, thâm canh của nhiều hộ chưa đúng yêu cầu, qui cách sản phẩm chưa đạt nên nông sản khó đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là đối với sản phẩm xuất khẩu. Trong sản xuất kinh doanh vẫn còn những tranh chấp, mâu thuẫn.

Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Hồ Ngọc Sỹ - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN và PT NT Nghệ An, đó là trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn: Giá cả nông sản luôn biến động, thị trường tiêu thụ không ổn định, trong khi đó giá vật tư đầu vào liên tục tăng làm cho cả người sản xuất lẫn DN khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng. Do tính thời vụ, thời gian thu hoạch tập trung ngắn, trong khi đó công suất của một số nhà máy không đáp ứng được. Về chủ quan: Một số nhà máy do năng lực tài chính hạn chế đã không chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách lâu dài, ổn định. Trình độ hiểu biết về hợp đồng kinh tế của một bộ phận nông dân còn hạn chế, nhiều hộ không thích sự ràng buộc, trách nhiệm.

Thời gian tới, để đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, mấu chốt vẫn là Nhà nước và doanh nghiệp. Các DN cần có chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững, có chất lượng, đầu tư khoa học kỹ thuật vào vùng nguyên liệu. Giá cả thu mua hợp lý, có lợi cho người sản xuất trong tương quan so sánh với cây trồng khác. Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và các DN, đơn vị thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện hợp đồng đã ký kết. Khuyến khích DN và người dân ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hợp đồng phải có ràng buộc lẫn nhau giữa quyền và nghĩa vụ, hợp đồng có sự tham gia tích cực của chính quyền địa phương (Nhà nước) theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp hạn chế tình trạng DN ngoại tỉnh thu mua nguyên liệu theo hướng phá giá, làm hại đến DN và người sản xuất nguyên liệu.


Châu Lan - Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài cuối: Nâng cao trách nhiệm và năng lực của mỗi “nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO