Bài cuối: Nhận rõ nguyên nhân, tìm giải pháp phù hợp

02/04/2014 09:24

(Baonghean) - Có thể khẳng định, công tác tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn ngành phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế của địa phương và xã hội sau khi tốt nghiệp THPT rất quan trọng. Tuy vậy, cho đến nay, chất lượng và hiệu quả dạy nghề hướng nghiệp trong các trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trăn trở.

Học sinh học thực hành may tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An.
Học sinh học thực hành may tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Nghệ An.

TIN LIÊN QUAN

Có 2 dạng hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông: hướng nghiệp nghề và hướng nghiệp tuyển sinh. Hướng nghiệp nghề giúp học sinh hiểu tổng quan các nghề, hình thành một số kỹ năng cơ bản nhất về một nghề nào đó, còn hướng nghiệp tuyển sinh giúp học sinh nắm trường học, ngành học, khối thi… để chọn ngành học phù hợp sau khi tốt nghiệp THPT. Hiện nay, trong chương trình giáo dục trung học, giáo dục hướng nghiệp trở thành một môn học chính khóa, theo đó, về hướng nghiệp nghề, các em học sinh THCS có 70 tiết (trong năm lớp 9) còn học sinh THPT có 105 tiết (trong năm lớp 11); về hướng nghiệp tuyển sinh, trong 3 năm THPT, các em có 27 tiết (mỗi tháng 1 tiết) theo các chuyên đề khác nhau.

Ở tỉnh ta, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh (trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo) có chức năng dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn Thành phố Vinh. Các nghề phổ thông mà Trung tâm giảng dạy là: Tin học ứng dụng, kỹ thuật nấu ăn, vẽ kỹ thuật, điện dân dụng, đan len, thêu tay và cắm hoa nghệ thuật. Năm học 2012 – 2013, Trung tâm đã tổ chức dạy nghề phổ thông cho 3.215 em học sinh của 21 trường THCS và 7 trường THPT; tư vấn hướng nghiệp cho 616 em; tư vấn hướng học cho 572 em. Kinh phí cho hoạt động dạy nghề dựa vào nguồn đóng góp của các em học sinh, trong đó học sinh THCS đóng 54.000 đồng, học sinh THPT 84.000 đồng.

Theo kết quả thi nghề phổ thông hàng năm, hơn 99% số học sinh học ở trung tâm đạt loại khá trở lên, trong đó có hơn 80% đạt loại giỏi. Cô Trần Thị Kim Chung – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thực tế, công tác hướng nghiệp nghề hiện nay chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của ngành giáo dục nói chung và các trường nói riêng. Với mức đóng góp hiện tại, rất khó để bảo đảm thực hiện tốt cả việc giảng dạy lý thuyết, tổ chức thực hành và tham quan thực tế cho học sinh theo yêu cầu của chương trình. Như ở trung tâm chúng tôi từ trước đến nay mới chỉ có năm 2010 là tổ chức được cho học sinh đi tham quan thực tế tại Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức, còn lại các tiết tham quan thực tế được thay bằng việc xem video, trình chiếu về hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở sản xuất, do đó không tạo được sự hứng thú cũng như nhận thức rõ ràng hơn của các em về việc học nghề. Hầu hết các em đều học đối phó và để lấy điểm cộng (từ 0,5 đến 2 điểm) cho các kỳ thi tốt nghiệp, chuyển cấp”.

Ở thành phố là vậy, ở các vùng nông thôn, miền núi, việc hướng nghiệp nghề còn nhiều bất cập hơn. Trước đây, cả tỉnh có 7 huyện có trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp trực thuộc ngành Giáo dục phối hợp dạy nghề cho học sinh. Những năm qua, các trung tâm này đã sáp nhập với các trung tâm dạy nghề cấp huyện thành các trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của các trung tâm này còn rất hạn chế, chỉ thực hiện được phần nào yêu cầu về dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng chính phủ, còn việc dạy nghề cho học sinh phổ thông thì trả hẳn về cho các trường THPT. Do năng lực về dạy nghề hạn chế nên các trường chỉ dạy loanh quanh mấy nghề là tin học, điện dân dụng, trồng trọt, hiệu quả không cao. Thầy Hoàng Mạnh Nhân – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2 cho biết: “Những năm qua, trường chỉ tổ chức học mỗi một nghề là Tin học ứng dụng. Dù biết là không phải học sinh nào cũng thích học nghề này nhưng ít ra trường còn tận dụng được các phòng học Tin học, giáo viên sẵn có. Còn các môn học khác, giáo viên nhà trường chỉ dạy được lý thuyết, lại không có thiết bị, vật liệu để thực hành nên trường không thể tổ chức”.

Từ năm 2011, Nghệ An là 1 trong 2 tỉnh trong cả nước được Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ Kỹ thuật vùng Flamăng, Vương quốc Bỉ (viết tắt là VVOB) hỗ trợ thực hiện dự án đổi mới công tác hướng nghiệp trong các trường trung học. Đến nay, dự án đã tổ chức được 33 lớp tập huấn cho 1.382 người là giáo viên chủ nhiệm và cán bộ phụ trách Đoàn, Đội của các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh, giúp họ nắm được lý thuyết chung về hướng nghiệp, có các kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Còn ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp, những năm qua, đã áp dụng phần mềm tư vấn hướng nghiệp vào công tác hướng nghiệp tuyển sinh, học sinh có nhu cầu tư vấn sẽ được trắc nghiệm năng lực tự nhiên, xã hội trên máy vi tính, dựa vào đó giáo viên tư vấn hướng nghiệp đưa ra được những lời khuyên thích hợp về việc chọn trường, chọn ngành. Cô Trương Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách công tác hướng nghiệp cho biết: “Tư vấn hướng nghiệp là hệ thống những biện pháp tâm lý - giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh, thiếu niên, đối chiếu các năng lực đó với những yêu cầu do nghề hay nhóm nghề đặt ra đối với người lao động, có cân nhắc đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó cho họ những lời khuyên về chọn nghề có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn trong khi chọn nghề. Do đó, hoạt động này đòi hỏi giáo viên phải có hiểu biết thực tế sâu rộng về các ngành nghề trong xã hội, nhiều lĩnh vực, có kỹ năng thuyết trình tốt, nắm bắt được tâm lý học sinh... Tuy nhiên, thời gian qua, số học sinh được tư vấn hướng nghiệp ở trung tâm chưa nhiều (hàng năm từ 500 – 600 em). Nguyên nhân là nhiều học sinh và các bậc phụ huynh vẫn chọn nghề theo trào lưu và cảm tính; đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp còn mỏng (từ 4-6 người), trong lúc một buổi, nếu làm đầy đủ quy trình, chỉ có thể tư vấn cho từ 1-2 em”.

Theo thầy Hoàng Quốc Khánh – chuyên viên phụ trách giáo dục hướng nghiệp, Phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo) hiện nay, hoạt động hướng nghiệp tuyển sinh chưa được nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức. Giáo viên dạy hướng nghiệp tại các trường hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm, có trường phân công giáo viên môn giáo dục công dân, có trường phân công giáo viên chủ nhiệm, có trường phân công giáo viên những môn thiếu tiết dạy định mức… nên hiệu quả không cao. Một số hoạt động tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp do các trường phối hợp với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp được thực hiện quá sát với thời điểm chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng nên nhiều em không có đủ thời gian để suy nghĩ và lựa chọn thấu đáo. Hơn nữa, trong các buổi tư vấn, các câu hỏi chỉ xoay quanh vấn đề là chọn ngành nào, trường nào thì sẽ có tỷ lệ đậu đại học cao, chứ chưa đề cập nhiều đến ngành nghề đó là như thế nào. Thậm chí, có không ít trường hợp tư vấn tuyển sinh mang tính chất tiếp thị, quảng bá, thu hút tuyển sinh…

Như vậy, một trong những nguyên nhân khiến cho hiệu quả định hướngnghề nghiệp cho học sinh ở tỉnh ta còn thấp, dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” kéo dài trong nhiều năm, đặc biệt là thiếu lao động có tay nghề, một phần là do công tác hướng nghiệp, công tác phân luồng ở khối THCS và PTTH chưa tốt. Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Mai – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án VVOB để nâng cao hơn nữa năng lực tư vấn hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp ở các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, sẽ chỉ đạo các trường tăng cường việc liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để tổ chức thực tế, tăng cường thực hành nghề cho học sinh, giúp các em nhận thức đầy đủ hơn về học nghề; lựa chọn các cơ sở đào tạo phù hợp với đặc thù của học sinh để tổ chức tư vấn tuyển sinh, giúp các em có hướng lựa chọn phù hợp”.

Bên cạnh đó, cũng cần xem lại hệ thống trường nghề, hệ thống các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh ta hiện nay. Dù Nghệ An là một trong những tỉnh có hệ thống trường nghề đông nhất cả nước với 62 cơ sở dạy nghề, bao gồm: 5 trường CĐ nghề (3 trường địa phương, 2 trường Trung ương), 8 trường TCN, 35 trung tâm dạy nghề, 14 cơ sở có dạy nghề (trong đó có 37 cơ sở dạy nghề công lập, 25 cơ sở ngoài công lập) nhưng chất lượng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung ở Thành phố Vinh. Các trường nghề ở các huyện miền núi, khu vực nông thông cơ sở vật chất hạn chế, giáo trình cũ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người học và nhu cầu của địa phương. Ngay cả những trường được đầu tư bài bản thì các ngành nghề đào tạo giữa các trường còn nhiều chồng chéo, chưa có các ngành nghề kỹ thuật cao theo yêu cầu của thị trường. Chất lượng giáo viên ở một số trường nghề còn thấp và chưa đồng đều, tâm lý ngại đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với tình trạng “dạy chay” rất phổ biến.

Theo ông Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để đạt mục tiêu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 52% vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII nhiệm kỳ (2011-2015), tỉnh ta cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhất là các chính sách cho người học nghề, người lao động qua đào tạo nghề, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề…; xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn (2011-2020) phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là cơ sở đào tạo công nhân kỹ thuật; tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động chuyên gia; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc; áp dụng công nghệ tiên tiến vào giảng dạy; mở rộng thị trường lao động trong và ngoài nước;…

Quân – Hà

Mới nhất
x
Bài cuối: Nhận rõ nguyên nhân, tìm giải pháp phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO