Bài cuối: Nỗi lo từ chất phụ gia

07/11/2012 16:55

(Baonghean) - Hiện nay, chất phụ gia vượt quá mức cho phép dùng trong thực phẩm chế biến sẵn đang khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Với mắt thường, người tiêu dùng hiện nay khó có thể xác định được đâu là thực phẩm an toàn và không an toàn.

>>Bài 2: Tràn lan thực phẩm không bảo đảm chất lượng

Trong quá trình tác nghiệp để tìm hiểu vấn đề phụ gia thực phẩm, chúng tôi đã may mắn được nghe những thông tin từ người bán hàng vịt quay tại ngã ba Thị trấn Nam Đàn. Được biết, hàng vịt quay này đã xuất hiện khoảng nửa tháng nay. Cũng khá đông người mua, bởi hàng vịt quay này nằm ngay ngã ba – nơi đông người qua lại.

Chủ hàng tên là H, quê ở Hải Dương, vịt quay là nghề mà anh H đã học được mãi tận Lạng Sơn. Sau khi thạo nghề, anh H quyết định vào Nghệ An để kinh doanh. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được nước để phết lên vịt trong quá trình nướng là mật o­ng pha với nước sôi. Vấn đề quan trọng là để có mùi vịt quay đặc trưng, hấp dẫn, đi từ xa đã ngửi thấy mùi thơm thì trong quá trình chế biến phải ướp trong bụng vịt một loại chất bột đặc biệt, có giá 2 triệu đồng/hộp được sản xuất từ Trung Quốc mà hiện thị trường Nghệ An không có (?). Mỗi hộp như thế có thể ướp được chừng 200 con vịt. Mỗi lần hết loại gia vị này, anh H phải gọi điện đặt hàng cho một người chuyên làm đại lý mặt hàng này. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để hỏi cho ra tên loại gia vị đó nhưng anh H nhất định không tiết lộ. Mỗi ngày anh H chỉ bán vào buổi chiều, trung bình khoảng hơn 20 con vịt, mỗi con có giá 120 ngàn đồng.



Hàng thịt quay đặt bên lề đường, liệu có bảo đảm ATVSTP?.

Bên cạnh bún, bánh, chân gà nướng, vịt, gà, lợn quay, thì giò chả cũng là một trong những mặt hàng có tỷ lệ chất phụ gia cao. Trong vai người mở quán bia, cần đặt một lượng giò, nem chua lớn, chúng tôi tìm đến bà Tr – chuyên sản xuất và bán giò chả lẻ tại chợ Vinh. Khi biết chúng tôi muốn đặt loại giò, nem chua nhỏ giá rẻ, bà Tr cho biết: Muốn đặt loại nào thì sẽ có loại đó, nhưng rẻ nhất là 40 ngàn đồng/chục giò, nem. Tôi hỏi “rẻ thế có ngon không?”. Bà Tr bảo: “Hàng lúc nào cũng rẻ, ngon, đảm bảo chất lượng. Ngoài giò bò, giò lợn chả, nem chua, gia đình còn sản xuất cả giò da, giò bạc nhạc mà khách uống rượu bia rất thích”. Không ngần ngại, bà Tr cắt cho chúng tôi ăn thử giò lụa có giá 100 ngàn đồng/cây/1kg. Mới nhìn thì thấy khá hấp dẫn vì miếng giò có màu hồng tươi của thịt lợn nạc nhưng khi cắn một miếng thì có cảm giác cứng, không có độ mềm của thịt. Chúng tôi thắc mắc thì bà Tr giải thích: “Bây giờ người ta thích ăn giò cứng chứ không thích giò mềm”. Và bà Tr thừa nhận rằng phải có hàn the giò mới giòn, ngon…

Chợ Vinh – chợ lớn nhất thành phố, hiện có hàng chục hộ kinh doanh mặt hàng gia vị lớn trong đình, chưa kể các hộ nhỏ lẻ. Tìm đến cửa hàng B.T, ở đây có khoảng 50 loại mặt hàng gia vị khác nhau mà người tiêu dùng nhìn vào đã thấy hoa cả mắt. Biết chúng tôi muốn mua hàn the về làm bánh, chị chủ cửa hàng đưa ngay cho tôi một hộp bột khá to, màu trắng, có tên là PhoPhatemix – một loại phụ gia thực phẩm thay thế hàn the, trên nhãn ghi sản xuất tại Thái Lan. Chủ cửa hàng cho biết: “Làm bún, bánh, giò, chả người ta thường mua hàn the, vì nó có giả rẻ hơn. Còn loại phụ gia này có giá 90 ngàn đồng/hộp, khá đắt nên những người chuyên làm nghề họ không mua”.

Theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, 6 tháng đầu năm 2012, cùng với công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, cơ quan này đã tham mưu cho các cấp chính quyền tổ chức 571 đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có 1 đoàn liên ngành cấp tỉnh, 42 đoàn liên ngành cấp huyện. Qua kiểm tra 12.192 cơ sở chế biến thực phẩm, cơ sở kinh doanh tiêu dùng, cơ sở dịch vụ ăn uống, các đoàn đã phát hiện 20,1% số cơ sở không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, 198 cơ sở bị phạt tiền tổng cộng 48,43 triệu đồng; 418 cơ sở phải huỷ 522 sản phẩm các loại vi phạm, 605 cơ sở bị cảnh cáo. Cũng trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh để xảy ra 5 vụ ngộ độc làm 44 người mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong do ăn phải rau quả rừng có độc. Đáng chú ý trong số đó có 2 vụ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật và 1 vụ ngộ độc thực phẩm do hoá chất làm gần 40 người phải nhập viện.

Qua trao đổi, các ông Đào Trọng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Dương Trọng Hùng - Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp &Phát triển nông thôn) đều cho rằng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là ý thức trách nhiệm của một số nhà sản xuất, kinh doanh còn thấp. Do đó, các cơ quan chức năng đề nghị mỗi người dân phải là “một người tiêu dùng thông thái”. Người tiêu dùng trước hết nên đến các cửa hàng, quày hàng có tín nhiệm để mua hàng. Có như thế, chúng ta mới góp phần làm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về sức khoẻ, tiền bạc do thực phẩm không an toàn vệ sinh gây ra.

Nếu sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại nhất là những phụ gia không cho phép dùng trong thực phẩm sẽ gây những tác hại cho sức khỏe:

1.Gây ngộ độc cấp tính: Nếu dùng quá liều cho phép.

2.Gây ngộ độc mạn tính: Dù dùng liều lượng nhỏ, thường xuyên, liên tục, một số chất phụ gia thực phẩm tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài. Khi sử dụng thực phẩm có hàn the, hàn the sẽ được đào thải qua nước tiểu 81%, qua phân 1%, qua mồ hôi 3% còn 15% được tích luỹ trong các mô mỡ, mô thần kinh, dần dần tác hại đến nguyên sinh chất và đồng hóa các aminoit, gây ra một hội chứng ngộ độc mạn tính: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút.

3. Nguy cơ gây hình thành khối u, ung thư, đột biến gen, quái thai, nhất là các chất phụ gia tổng hợp.
4. Nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm: phá huỷ các chất dinh dưỡng, vitamin...


Nhóm phóng viên

Mới nhất

x
Bài cuối: Nỗi lo từ chất phụ gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO