Bài cuối: Phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm cho các doanh nghiệp bảo hiểm
(Baonghean) - Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ vừa được tổ chức tại Mỹ đầu tháng 7 vừa qua đã diễn ra một hội nghị bàn tròn về kinh doanh bảo hiểm theo thông lệ quốc tế. Ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí tham dự Hội nghị xung quanh vấn đề này. Báo Nghệ An xin giới thiệu về nội dung cuộc trao đổi.
Ảnh minh họa |
P.V: Thưa đồng chí Cục trưởng, hội nghị bàn tròn về kinh doanh bảo hiểm theo thông lệ quốc tế đã đề cập tới vấn đề gì phù hợp với chủ đề hội nghị chính lần này?
Đồng chí Phùng Ngọc Khánh: Là một trong những thành viên chính thức của đoàn công tác Bộ Tài chính tại hội nghị này, chúng tôi tổ chức hội nghị bàn tròn về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã được sự đồng thuận, phê chuẩn của lãnh đạo đơn vị ngay trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị lớn. Tham gia hội nghị bàn tròn này bao gồm lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tại Hoa kỳ như Hội đồng kinh doanh Mỹ-Asean, Công ty bảo hiểm ACE, Công ty bảo hiểm AIG, Công ty bảo hiểm Metlife; các DNBH tại Việt Nam bao gồm Công ty liên doanh bảo hiểm BIV-Metlife, Prudential, AIA, Manulife và AIG. Họ đều là những DN nắm trong tay nhiều nghìn tỷ đô la vốn đầu tư, đồng thời nhiều người trong số họ là chủ của nhiều DN sản xuất, kinh doanh - dịch vụ vật chất khác, không chỉ riêng kinh doanh vốn. Nói như vậy để hiểu trong các nhà đầu tư tài chính Hoa Kỳ, các nhà đầu tư đang hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm đều là những nhà đầu tư lớn, hoạt động trong một lĩnh vực rộng khắp.
Tại hội nghị, Cục quản lý, giám sát bảo hiểm đã rất lắng nghe ý kiến các DNBH, với các nội dung cơ bản về đa dạng hóa kênh phân phối, về phê duyệt sản phẩm bảo hiểm, các cải cách thủ tục hành chính, các ưu đãi của Nhà nước. Mặc dù tổ chức trong một buổi chiều, thời gian chuẩn bị ngắn nhưng theo tôi, hội nghị bàn tròn này đã diễn ra rất tốt đẹp, được các DNBH đánh giá rất cao từ công tác tổ chức bài bản, phong cách lãnh đạo chuyên nghiệp, cam kết của lãnh đạo rất mạnh mẽ, các giải pháp đưa ra rất thiết thực, nâng cao sự tin tưởng của các thành viên tham gia thị trường.
P.V: Vâng, và có phải các DNBH rất quan tâm tới việc đa dạng hóa kênh phân phối, thưa đồng chí?
Đồng chí Phùng Ngọc Khánh: Chúng ta nên nhớ rằng, nước ta có hơn 61% dân số trong độ tuổi lao động, là cơ hội rất lớn để các DNBH sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ, đại lý bảo hiểm có trình độ cao nhằm đẩy mạnh phân phối sản phẩm bảo hiểm. Tại cuộc họp này, các DNBH cũng nêu lên yêu cầu được mở rộng kênh phân phối. Với điều kiện đại lý được quy định hiện hành, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đã được các DNBH nhân thọ triển khai được gần 8 năm và đã là sản phẩm phổ biến và chủ đạo của nhiều DNBH, chiếm gần một nửa kết quả khai thác mới của thị trường. Do đó, các DNBH đề nghị Bộ Tài chính cho phép nới lỏng quy định về 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm để có thể mở rộng kênh phân phối hơn.
Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 2 hội nghị, hội thảo với các DNBH để trực tiếp lắng nghe ý kiến các DNBH, trao đổi định hướng của cơ quan quản lý và giải pháp phù hợp. Theo đó, ngay sau Hội thảo tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 5/2015, trên cơ sở đề xuất của các DNBH, Bộ Tài chính đã và đang tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm lần đầu tiên tại Việt Nam, cho các DNBH nhân thọ, với số tiền là 6.000 tỷ đồng, lãi suất là 7,75%.
P.V: Đồng chí đề cập tới việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm. Vậy đâu là thủ tục có tác dụng tức thì giúp DNBH giảm tải được thủ tục hành chính?
Đồng chí Phùng Ngọc Khánh: Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, theo quy định tại Thông tư số 194/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 (có hiệu lực từ 1/2/2015), thời hạn phê chuẩn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 21 ngày. Cải cách TTHC này đã giúp DN kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh khai thác. Kết quả được thể hiện ngay trên thị trường, khi mà chỉ riêng trong 4 tháng kể từ khi Thông tư có hiệu lực, đã có gần 30 sản phẩm bảo hiểm mới được Bộ Tài chính phê chuẩn, tương đương 65% số sản phẩm được phê duyệt cả năm 2014. Sắp tới, một số DNBH nhân thọ đề xuất rút ngắn thời gian phê chuẩn sản phẩm từ 21 ngày xuống còn 14 ngày. Về vấn đề này, Cục QLBH đã yêu cầu các DNBH phối hợp cùng với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam xây dựng quy tắc, điều khoản mẫu áp dụng chung toàn thị trường để có khả năng giảm thiểu thời gian phê duyệt sản phẩm bảo hiểm.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, AIG đề nghị Bộ Tài chính cho phép phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm sức khỏe theo hướng phê chuẩn hệ thống các quyền lợi bảo hiểm để giúp DN triển khai linh hoạt và rút ngắn thời gian giới thiệu sản phẩm bảo hiểm ra thị trường. Cục QLBH hoàn toàn ủng hộ và sẽ tổng hợp khi xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2007/NĐ-CP. Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu rằng do đặc trưng hoạt động bảo hiểm nhân thọ là kéo dài rất nhiều năm, có thể có những hợp đồng bảo hiểm trọn đời cho khách hàng. Vì vậy, hồ sơ chứng từ lưu trữ rất nhiều. Khi quy mô kinh doanh càng ngày càng lớn, càng có nhiều khách hàng thì càng có nhiều hồ sơ. Theo quy định hiện hành về thuế, các DN đã được phép lưu trữ chứng từ điện tử. Vì vậy, các DNBH đã phản ánh mong muốn được Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán) cho phép sử dụng chứng từ điện tử và lưu trữ các chứng từ điện tử, trường hợp có kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, DN có trách nhiệm in đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu. Cục QLBH đã ghi nhận ý kiến này của DN và sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo sớm.
P.V: Các DNBH nước ngoài mong muốn những gì về sự ưu đãi, ủng hộ, hỗ trợ từ phía Nhà nước, thưa đồng chí?
Đồng chí Phùng Ngọc Khánh: Theo phản ánh của DN tại hội nghị bàn tròn lần này tại Hoa Kỳ, các DN ghi nhận thời gian qua, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm bảo hiểm mới như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm hưu trí, thuế đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, để khuyến khích người lao động chuẩn bị nguồn lực khi đến tuổi nghỉ hưu, từ đó góp phần giảm nhẹ gánh nặng ngân sách, giúp ổn định an sinh xã hội, các nước thường cho phép ưu đãi thuế theo tỷ lệ % lương tối thiểu hàng tháng đối với khoản đóng góp vào bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Hiện nay, ở Việt Nam, mức khấu trừ đang là 1 triệu đồng, tương đương 33 đô la Mỹ/tháng, chưa khuyến khích được người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí do mức ưu đãi rất thấp, không tương xứng với thu nhập của người lao động. Cục QLBH chúng tôi đã ghi nhận ý kiến này của DN và sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc, báo cáo Chính phủ.
Tại hội nghị, các DNBH đều đánh giá rất cao sự hỗ trợ của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Cục QLBH, sự quan tâm, tạo điều kiện cho ngành phát triển. Ngoài ra, trên diễn đàn Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ lần đầu tiên này, các DNBH nhận thấy sự định hướng, hỗ trợ các DN trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư vào các trái phiếu Chính phủ dài hạn, vào các chương trình như bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thể hiện cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo thuận lợi cho các DNBH phát triển, đóng góp trở lại nền kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là cơ hội rất lớn mà các DNBH muốn được nắm bắt.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Sông Hồng