Bài cuối: Phát huy lợi thế từng vùng sản xuất
(Baonghean) - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh ta có những bước chuyển căn bản, tạo khối lượng nông sản hàng hóa lớn. Tuy nhiên thực tế lại đặt ra những thách thức không nhỏ trong đảm bảo một thị trường tiêu thụ ổn định cho người nông dân.
Những năm gần đây, tỉnh ta đã xây dựng nhiều đề án quan trọng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, đặc biệt là xác định các quy hoạch phát triển cây công nghiệp để làm cơ sở cho đầu tư phát triển. Từ đó, trong cơ cấu ngành trồng trọt, đã có những bước chuyển rõ nét… Và đặc biệt đã tạo ra những thay đổi căn bản trong tư tưởng người nông dân và chính quyền các địa phương, hướng họ chú trọng vào sản xuất hàng hóa, bỏ dần tập quán sản xuất, chăn nuôi theo kiểu tận dụng, nhỏ lẻ trước đây.
Giám đốc Sở NN&PTNT- ông Hồ Ngọc Sỹ cho biết: Trong nội ngành đã có những bước chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ. Riêng ngành trồng trọt cũng đã có những thay đổi rất căn bản. Nếu giai đoạn những năm 2000- 2005, quỹ đất nông nghiệp tăng thêm trên 568ha, thì đến những năm 2009, đã giảm gần 300ha, trong đó giảm nhiều về đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cỏ, trồng cây lâu năm... Đáng ghi nhận là diện tích gieo trồng cây lương thực tăng ít, đặc biệt diện tích lúa lại giảm, nhưng sản lượng lương thực có hạt những năm gần đây tăng liên tục, nhờ cơ cấu lúa lai, ngô lai tăng nhanh ở tất cả các vùng trong tỉnh. "Trong 5 năm tới, chúng tôi xác định giảm khoảng trên 20 nghìn ha lúa nước, với hướng đầu tư thâm canh lúa chất lượng cao, và vẫn đảm bảo được chỉ tiêu sản lượng lương thực hàng năm trên 1 triệu tấn, bằng cách nâng độ đồng đều giữa các địa phương về trình độ thâm canh, giống mới và năng suất"- ông Sỹ cho biết.
Hội thảo đầu bờ giống lúa mới tại xã Diễn Thái (Diễn Châu).
Cùng với lúa, các loại cây trồng khác cũng đạt được những kết quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu giống, trình độ thâm canh. Nhận thức rõ những lợi thế như đất đai, nguồn nước, truyền thống sản xuất…, mấy năm qua, tỉnh ta đã chú trọng phát triển mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp truyền thống có ưu thế; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng diện tích, đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng và chất lượng hàng hóa, mặt khác, coi trọng phát triển công nghệ chế biến, từng bước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.
Được xếp hàng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng, những năm gần đây diện tích lạc của Nghệ An đã giảm dần theo hướng đầu tư hiệu quả, năng suất được cải thiện đáng kể, từ 12 tạ/ha năm 2002 tăng lên 14 tạ, rồi 16 tạ và bây giờ đã đạt mức bình quân khoảng 20 tạ/ha. Với chương trình phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từ chỗ người nông dân không hề có khái niệm về trồng cỏ chăn nuôi, đến nay toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn ha cỏ với các giống cỏ chất lượng, năng suất cao như VA66… Cùng với đó là hàng chục nghìn ha ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi, cao lương phục vụ đàn bò sữa… Thực tế, diện tích và năng suất ngô đều tăng đáng kể, các giống ngô địa phương đã dần được thay thế bằng các giống ngô lai, đưa năng suất bình quân tăng từ 20 tạ/ha (năm 2007) lên 40 tạ/ha.
Trong nông nghiệp thuần có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Năm 2012, giá trị trồng trọt đạt 55,3%, chăn nuôi 41,1% và dịch vụ 3,6%. Sản lượng lương thực đạt 1.171.139 tấn, tăng 19,32% so với năm 2003, giá trị thu nhập tăng từ 35 triệu đồng/ha năm 2003 lên trên 50 triệu đồng/ha năm 2012... Đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như vùng nguyên liệu chè trên 7.500 ha, vùng mía nguyên liệu 25.500 ha, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gần 2.000 ha... Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tổng đàn trâu, bò hiện đạt trên 701.000 con, đàn lợn trên 1,2 triệu con, đàn gia cầm đạt trên 16,8 triệu con, tăng 59,60% so với năm 2003; tổng đàn bò, bê sữa đạt trên 28.500 con.
Đặc biệt, đã hình thành được một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng trồng rau, hoa, vùng chăn nuôi bò sữa. Toàn tỉnh đã xây dựng được 40 “cánh đồng mẫu lớn” trong sản xuất lúa, ngô, lạc, chè, mía..., với năng suất, chất lượng tăng tối thiểu 10%, tạo được mối liên hệ hiệu quả trong mối quan hệ “4 nhà”, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả đã thành công, nhân ra diện rộng góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao như mô hình chè Tuyết shan, chanh leo Quế Phong, nuôi vịt bầu, lợn đen, gà ác ở Kỳ Sơn, Quỳ Châu...
Với những chủ trương phù hợp, sát đúng của Nhà nước, những năm qua trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta đã có những bước chuyển đáng kể, tạo được phong trào sản xuất thâm canh toàn diện với cơ cấu cây trồng đa dạng, hợp lý. Tuy nhiên, khi đã có những bước chuyển dịch đúng đắn, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, lại đặt ra những yêu cầu và thách thức, khó khăn, nhất là trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Do công tác quản lý chất lượng sản phẩm vẫn còn rất hạn chế, một số giống cây trồng chất lượng không cao, nên những năm gần đây, đã thường xuyên xảy ra tình trạng ế thừa, đặc biệt với sản phẩm lúa lai, lạc… Bên cạnh đó, giá thành sản xuất lương thực còn cao do thời tiết, giá vật tư cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn kém…, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Sản xuất nông nghiệp đang tăng trưởng theo sản lượng, chưa coi trọng nhiều việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Thêm vào đó sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, đã làm cho người nông dân nhiều lúc lâm vào tình cảnh "lao đao" do thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhiều tiềm năng to lớn chưa được khai thác, sử dụng đất còn kém hiệu quả, nhất là thế mạnh về đất đai vùng trung du, miền núi...
Để nâng cao hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, cần phát huy tốt lợi thế riêng của từng vùng để sản xuất hàng hóa, từng bước tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hình thành các vùng nguyên liệu, cung cấp nguyên liệu cho chế biến; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: Phú Hương