Bài cuối: “Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo tồn văn hóa biển”

07/09/2012 16:34

Để gửi tới độc giả cái nhìn sâu hơn về văn hóa làng biển - văn hóa biển đảo Nghệ An nói riêng và nước ta nói chung, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Ninh Viết Giao - người đã dành cả cuộc đời mình nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ.

> Bài 4: “Giữ lửa” nghề truyền thống

PV: Xin Phó Giáo sư nói đôi điều về văn hóa biển Nghệ An?

PGS Ninh Viết Giao: Văn hóa biển là những hệ thống giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo, tích lũy trong quá trình tồn tại lấy biển làm nguồn sống. Văn hóa biển đảo Nghệ An luôn nằm trong tổng thể văn hóa Nghệ An nói chung. Ở Nghệ An có nhiều dấu ấn đặc trưng về văn hóa biển như: biển trong văn học dân gian, tên địa danh gắn với nghề biển Hòn Ngư, Hòn Câu,... nghề biển có nghề lưới, câu cá biển; trong ẩm thực nổi tiếng có nghề làm nước mắm, các loại mắm; văn hóa dân gian có Lễ hội Cầu Ngư Đền Cờn, Cửa Lò… Những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ Quỳnh Văn là những dấu tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Nghệ An từ hàng ngàn năm trước.



Bắt đầu hành trình tìm cá của ngư dân Cửa Lò. Ảnh: Từ Thành.

Văn hóa biển Nghệ An, ngoài vấn đề đánh bắt tôm cá để mưu sinh còn có Hòn Mắt, Hòn Ngư là những tiền đồn quan trọng bảo vệ đất nước, lãnh thổ quê hương. Những hòn đảo này còn là cột mốc phân định địa giới giúp ngư dân, thương thuyền Việt Nam trên biển phân biệt được hiện đang ở vùng biển nào.

Biển gần gũi là thế nhưng phải nói rằng, lâu nay, ở Nghệ An nói riêng và nhiều địa phương khác chưa chú ý đến văn hóa biển đảo, nhất là văn hóa cận duyên. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa hiểu biển - Điều này xuất phát từ đặc thù ngư dân ta trước đây với những con thuyền mành, thuyền ván, thuyền giã mới chỉ đánh bắt vùng biển gần ven bờ… Và chỉ đến thế kỷ XVI, việc khai phá, tìm hiểu biển mới dần cải thiện khi các chúa Nguyễn cử những đoàn thuyền vượt biển đi giao lưu, buôn bán với các nước lân cận, dong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác nguồn lợi hải sản, đo đạc hải trình, xác lập chủ quyền của Tổ quốc. Nhưng sau khi bị Pháp xâm chiếm, quá trình khai phá biển sớm dừng lại.

P.V: Phó Giáo sư có thể cho biết một vài góc nhìn về những cư dân làm nên văn hóa biển ở Nghệ An?

PGS Ninh Viết Giao: Phải thấy rằng, những làng chài ven biển như ở Cửa Hội, Cửa Lò, Cửa Vạn không độc nghề mà là đa nghề thủ công sinh sống. Người miền biển ở đây mang trong mình tâm hồn sáng tạo đa dạng và phong phú. Và với đặc thù địa lý, nghề nghiệp thường xuyên giao lưu, đi đây đi đó nên người miền biển có vốn tri thức, hiểu biết, văn hóa, khả năng ngoại giao lưu loát hơn những người sống trong nội địa. Chính vì thế, ngay cả những giá trị vật thể như tủ chè, bộ ấm chén hay các giá trị phi vật thể mà người miền biển tạo ra đều rất đẹp, trình độ tay nghề, mỹ thuật cao. Con người miền biển Nghệ An rất phóng khoáng, cởi mở và hiếu khách. Bám biển nhưng không có nghĩa ngư dân ít học; ở Nghệ An có rất nhiều làng biển là làng học như làng Vạn Lộc, Cửa Lò chẳng hạn,có rất nhiều người đỗ đạt. Từ những làng biển này đã xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử như Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Hữu Chính, Hoàng Văn Thái …

Vì trong văn hóa biển, yếu tố quan trọng nhất là tư duy biển chứ không phải là kiếm ăn từ biển. Văn hóa biển hiện nay mới chỉ được biết ở bề nổi chứ chưa có bề sâu, cần phải tìm hiểu kỹ hơn như về tâm tư, tình cảm người ngư dân, con cá trong tâm thức người ngư dân Nghệ An chẳng hạn hay tục thờ Tứ vị Thánh nương ở Đền Cờn, Đền Chính Vị ở Cửa Hội …

PV: Chiến lược xây dựng “quốc gia biển” hiện đang được Nhà nước ta đẩy mạnh. Để chiến lược thành công, theo Phó Giáo sư, cần lưu ý gì về mặt văn hóa?

PGS Ninh Viết Giao: Một “quốc gia biển” chỉ thực sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Và chiến lược “phát triển kinh tế biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”.

Bảo tồn, xây dựng văn hóa biển đồng nghĩa thoát khỏi tư duy cũ “bế quan tỏa cảng”, tư duy bám chặt đất liền để vươn ra chinh phục biển lớn.. Việc vươn ra biển lớn để hội nhập với thế giới đã được nước ta bắt đầu hai mươi năm trở lại đây. Để bảo tồn, xây dựng nền văn hóa biển cần học hỏi những nước đã đi trước mình. Mỗi một ngư dân cần học hỏi tri thức toàn diện về biển. Kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm đánh cá sẽ được nhân lên nếu người đi biển vừa có kinh nghiệm vừa có kiến thức.

PV: Xin cảm ơn Phó Giáo sư!


Thành Chung (Thực hiện)

Mới nhất
x
Bài cuối: “Phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo tồn văn hóa biển”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO