Bài cuối: Quyết định sáng suốt

13/08/2013 09:29

“Làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình học hành đến nơi đến chốn. Nhưng lực học của cháu có hạn, khi đã hổng kiến thức cơ bản, không thể theo học được nữa thì cũng chịu… Năm ngoái, học dở kỳ I, nó bỏ học, động viên mãi cháu quay lại theo hết năm học. Nhưng hè này, nó lại nghỉ. Đến nước này thì cho cháu nghỉ luôn, rồi học nghề, tìm một công việc phù hợp…”. Tâm sự của chị Đinh Thị Phượng (xã Văn Lợi, Quỳ Hợp) khiến tôi trăn trở. Xác định nguyên nhân học sinh bỏ học, từ đó đưa ra một giải pháp phù hợp, căn cơ là điều hết sức cần thiết…

(Baonghean) - “Làm cha, làm mẹ ai cũng muốn con mình học hành đến nơi đến chốn. Nhưng lực học của cháu có hạn, khi đã hổng kiến thức cơ bản, không thể theo học được nữa thì cũng chịu… Năm ngoái, học dở kỳ I, nó bỏ học, động viên mãi cháu quay lại theo hết năm học. Nhưng hè này, nó lại nghỉ. Đến nước này thì cho cháu nghỉ luôn, rồi học nghề, tìm một công việc phù hợp…”. Tâm sự của chị Đinh Thị Phượng (xã Văn Lợi, Quỳ Hợp) khiến tôi trăn trở. Xác định nguyên nhân học sinh bỏ học, từ đó đưa ra một giải pháp phù hợp, căn cơ là điều hết sức cần thiết…

>>Bài 1: Bỏ học do đâu?

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề học sinh bỏ học, ông Lê Đức Thục, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu) cho biết: “Trường đứng chân trên địa bàn các xã vùng khó, đa số gia đình các em làm nghề đi biển nên ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Trong số 32 em bỏ học, chỉ vài trường hợp do hoàn cảnh khó khăn, số còn lại do học lực yếu, chán học nên bỏ bê. Đối với những học sinh này, trước đó nhà trường đã làm công tác tư tưởng, mở lớp học tình thương để bồi dưỡng, phụ đạo cho các em. Song không đủ năng lực, không theo kịp chương trình dẫn đến lưu ban nên các em nghỉ học. Một khi các em đã chán học thì nhà trường cũng đành bó tay...”. Trong số học sinh nghỉ học của trường đã có 5 em đăng ký học các trường nghề. Và theo ông hiệu trưởng thì đây là một “quyết định sáng suốt”, vì khi học lực yếu thì cần sớm tìm cho mình một con đường khác để lập thân, lập nghiệp.

Theo con số thống kê, năm học vừa qua, Quỳnh Lưu là huyện có số lượng học sinh bỏ học cao nhất tỉnh: 470 em, trong đó Tiểu học 1 em; THCS và Bổ túc THCS 158 em, THPT và Bổ túc THPT là 311 em. Theo ông Võ Minh Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục huyện thì số học sinh này cần được phân loại, bóc tách nguyên nhân bỏ học để có hướng giải quyết phù hợp. Đối với học sinh nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn, sẽ huy động các cấp, các ngành vào cuộc chung tay giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các em đến trường; đối với học sinh học lực yếu thì nên định hướng cho các em theo học nghề, tìm một việc làm phù hợp. Không nên cố vận động các em đến trường, khi các em đã không muốn học sẽ gây ảnh hưởng đến các học sinh khác trong lớp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của nhà trường, tốn kém kinh phí và thời gian học tập…



Hướng dẫn học nghề may tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương.
Ảnh: Hữu Nghĩa

Rõ ràng, việc định hướng nghề nghiệp, giúp các em lựa chọn một con đường đúng đắn sẽ có ích hơn nhiều so với việc cố vận động các em đến trường, để các em ngồi nhầm lớp. Tuy nhiên, việc phân luồng học sinh hiện nay vẫn gặp không ít rào cản. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, bình quân hàng năm, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn tỉnh chiếm trên dưới 75% số học sinh tốt nghiệp THCS. Riêng năm học 2012 - 2013, có 34.462 em được tuyển vào lớp 10 THPT, chiếm 74,75% số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2011 - 2012. Số còn lại, tỷ lệ theo học tại các trường nghề không được bao nhiêu.

Hiện tại, Nghệ An có 5 trường Trung cấp chuyên nghiệp, nhưng tổng cộng tất cả các khoá, cũng chỉ có 157 học sinh tốt nghiệp THCS theo học. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT cho biết: “Một bộ phận không nhỏ học sinh không đủ khả năng học lên các bậc cao hơn nhưng do phụ huynh còn có tâm lý “trọng thầy khinh thợ” nên họ quyết định vẫn cho con học tiếp bậc phổ thông bằng mọi giá. Khi lên THPT, do không theo kịp chương trình nên nhiều em buộc phải lưu ban, có em bỏ học giữa chừng về nhà không biết làm gì. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực hiện rất cần lao động có tay nghề nhưng phụ huynh lại ít quan tâm đến các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề gây nên lãng phí rất lớn cho xã hội”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh, nhiều gia đình tự xác định được lực học của con em, của mình để có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Đó là trường hợp Nguyễn Văn Tý (xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn) quyết định nghỉ học khi đang theo học bậc THPT, bố mẹ can ngăn, thầy cô vận động nhưng Tý vẫn không thay đổi ý định. “Em tự biết lực học của mình. Có cố lắm thì cũng học hết cấp 3, cầm bằng tốt nghiệp THPT mà không có nghề ngỗng gì rồi cũng chỉ đi cày. Thà rằng nghỉ sớm, tìm cho mình một nghề mưu sinh còn hơn…” Sau khi nghỉ học, Tý đã tìm hiểu các ngành nghề ở Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật miền Tây Nghệ An (TX.Thái Hòa) và theo học nghề sửa chữa Điện dân dụng. Chỉ mất hơn 1 năm vừa học vừa xin làm thêm ở các tiệm sửa chữa lớn ở Thị xã Thái Hòa, Tý đã thành một tay thợ lành nghề. Sau khi học xong, Tý về quê, thuê mặt bằng ở trung tâm xã, mở ki-ốt sửa chữa điện phục vụ bà con trong xã và các xã phụ cận, thu nhập mỗi ngày cũng ngót nghét 150 - 200 nghìn đồng.

Còn ở trang trại của anh Nguyễn Đình Hoài (Mỹ Thành, Yên Thành) chuyên nuôi lợn theo hình thức công nghiệp với quy mô lớn, anh phải thuê đến 10 lao động thường xuyên, trong đó có 3 người chuyên về thú y với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. “Khó khăn lắm mới tìm được 3 em tốt nghiệp Trung cấp thú y về làm việc tại trang trại. Lao động phổ thông thì nhiều, dễ tìm, dễ thuê nhưng lao động có kiến thức, có kỹ thuật rất hiếm. Ba em này đều người trong huyện, học Trung cấp thú y ra, có chuyên môn, tay nghề nên các em hợp đồng một lúc với nhiều trang trại khác, vừa mở cửa hàng thức ăn gia súc, thuốc thú y và dịch vụ chữa bệnh gia súc…”.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhu cầu về lực lượng lao động có tay nghề, có kiến thức khoa học kỹ thuật ngày một tăng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tiêu chí đưa cơ giới hóa vào sản xuất đòi hỏi người nông dân phải nắm được các kiến thức cơ bản về máy móc, cách sử dụng, bảo trì, sửa chữa. Thế nhưng, rất ít em sau khi tốt nghiệp THCS, THPT theo học các ngành nghề này. Rồi còn việc thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh, quảng canh, sản xuất hàng hóa, sản xuất sản phẩm chất lượng cao... đòi hỏi rất gắt gao về lao động có chuyên môn, kiến thức khoa học kỹ thuật.

Qua phân tích để thấy, giải pháp căn cơ nhất để ngăn chặn tình trạng bỏ học hữu hiệu đó là phải xác định nguyên nhân học sinh bỏ học để có giải pháp phù hợp. Đối với học sinh Tiểu học cần thiết phải vận động, tìm mọi cách huy động các em đến lớp đảm bảo các em có kiến thức nền tảng cơ bản; đối với học sinh THCS và THPT, phải phân định lý do bỏ học: Đối với những em bỏ học do hoàn cảnh khó khăn thì tìm cách giúp đỡ, đảm bảo cho các em “ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) để đến trường; còn đối với những học sinh bỏ học do học lực thì cần có định hướng rõ ràng về lựa chọn nghề nghiệp cho các em. Điều này đòi hỏi các trường phải làm tốt công tác phân luồng học sinh ngay khi bước vào bậc THCS và sau THCS.

Mặt khác, các trường nghề, các cơ sở đào tạo nghề khi tuyển sinh phải dựa trên nhu cầu thực tế lao động của mỗi địa phương, lựa chọn ngành nghề phù hợp và phải gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ trang trại tiếp nhận lao động địa phương có tay nghề vào làm việc. Chính quyền các địa phương khi bố trí các chức danh như cán bộ khuyến nông, khuyến lâm; Hội nông dân, khuyến nông viên thôn, bản… cần chú ý đến việc bồi dưỡng đối tượng học sinh sau tốt nghiệp THCS đi học nghề, tạo cho các em có việc làm phù hợp, ổn định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT thừa nhận: “Khi thống kê số học sinh bỏ học, chúng tôi chưa phân tích, bóc tách để xác định nguyên nhân một cách chính xác, rõ ràng của từng đối tượng. Do đó, giải pháp hiện nay của ngành vẫn là phối hợp với các cấp, các ngành, các chính quyền, đoàn thể vận động các em trở lại trường. Thú thực là việc ngăn chặn học sinh bỏ học vẫn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Có nhiều trường hợp bỏ học, vận động đến trường một thời gian lại tiếp tục nghỉ học. Thời gian tới, ngành sẽ có giải pháp cụ thể, phân định rõ các đối tượng nghỉ học theo từng nguyên nhân để đưa ra giải pháp tối ưu…”.


THANH PHÚC

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài cuối: Quyết định sáng suốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO