Bài cuối: Quyết liệt chống lửa rừng

24/05/2014 15:37

(Baonghean) - Những ngày qua nắng nóng, nhiệt độ lên cao, cộng gió Tây Nam thổi mạnh khiến trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy. Sau vụ cháy 2 ha rừng bạch đàn ở TX. Hoàng Mai vào ngày 21/5, ngày 22/5 tại địa bàn giáp ranh giữa xã Thượng Sơn - Đô Lương và xã Công Thành - Yên Thành đã xảy ra cháy rừng. Theo báo cáo nhanh, lửa đã thiêu rụi khoảng hơn 10 ha rừng thông của 2 địa phương Đô Lương và Yên Thành... Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần có tinh thần trách nhiệm cao trong phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng.

Kiểm tra đốt dọn thực bì ở khu rừng mộ Bà Hoàng Thị Loan
Kiểm tra đốt dọn thực bì ở khu rừng mộ Bà Hoàng Thị Loan

TIN LIÊN QUAN

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn trong cả nước nhưng thực trạng cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCCR còn rất yếu kém. Hệ thống đường băng trắng không được duy tu đã dần mất khả năng chia tách đám cháy do thực bì và thông non phát triển. Hệ thống bể chứa nước, vòi bơm, máy bơm nước chữa cháy rừng ở một số nơi xuống cấp, hư hỏng. Máy móc thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công tác PCCCR còn thiếu thốn và thô sơ, chủ yếu là vỉ dập lửa, dao phát, đèn pin. Nhiều xã, huyện mặc dù có điều kiện về kinh phí nhưng vẫn hết sức ỷ lại, dựa dẫm vào cấp trên, không đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho PCCCR. Ví như một máy thổi gió chỉ 15 triệu đồng nhưng nếu cấp trên không trang cấp thì cũng không có xã nào đầu tư. Bởi vậy, để đảm bảo cho công tác PCCCR, công tác đầu tư tối thiểu các trang thiết bị cho PCCCR cần được đảm bảo tốt hơn. Ví như, ở Hưng Nguyên, hiện cần có 3 máy thổi gió để cung cấp cho 3 xã nhưng chưa có. Toàn Hạt kiểm lâm Hưng Nguyên mới được trang cấp dao phát 20 cái, 2 máy thổi gió, 1 máy cắt cỏ, 2 cưa xăng, trong khi thực tế số lượng cần gấp đôi, gấp ba.

Ở các hạt kiểm lâm khác trên địa bàn, tình hình cũng tương tự. Các biện pháp, phương tiện, công cụ PCCCR tiên tiến, hiện đại chưa có. Cháy rừng ở Nghệ An chủ yếu nằm ở các huyện có rừng thông nhựa như: Nam Đàn, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Nghi Lộc, Đô Lương... là những địa phương tập trung nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa quan trọng, như: Đền Cuông, Mộ Vua Mai, Mộ Bà Hoàng Thị Loan, di tích Truông Bồn... Bởi vậy, công tác PCCCR cần được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nâng tầm lên một bước.

Đường băng cản lửa - Giải pháp tối ưu

Một trong những nguyên nhân gây nên cháy rừng là do ý thức bảo vệ rừng của một số người dân chưa cao. Chẳng hạn tại Nam Đàn, thực tế qua các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn thời gian trước cho thấy, phần lớn do con người gây ra và không ít trường hợp lén lút đốt rừng để "giải quyết mâu thuẫn". Rừng Nam Đàn lại giáp ranh với nhiều huyện có diện tích rừng thông như Hưng Nguyên, Thanh Chương, rừng liền giải, liền thửa nên khi cháy lây lan nhanh giữa các xã, các huyện. Chính vì thế, việc xây dựng đường băng cản lửa rất quan trọng. Hệ thống đường băng tại các xã đều đã được xây dựng, cả đường băng trắng và đường băng xanh.

Đường băng cản lửa được chặt trắng cây, rộng 12 m trở lên, có tác dụng ngăn lửa, thuận lợi trong công tác dập lửa. Nam Đàn có đường băng dọc và đường băng ngang, đường băng dọc lên đến tận đỉnh núi, đường băng ngang liền theo các giải núi, được bố trí ở các điểm rừng quan trọng. Tại Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan, đường băng được xây dựng “xanh”, gồm các loại cây không bén lửa như xoài, ngọc lan. Những loại cây có khả năng chống chịu lửa khi cháy, chịu hạn cao, không có nhựa như thông nên không dẫn cháy. Đường băng xanh còn có tác dụng ngăn cháy mặt đất và ngăn cháy lướt trên tán cây. Đường băng cản lửa cũng đồng thời là đường dùng để di chuyển lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng, đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ các hoạt động kinh doanh rừng.

Nam Đàn hiện xây dựng được 51 km đường băng cản lửa ở hầu hết các xã. Cứ 15 - 20 ha rừng tiến hành làm đường băng cản lửa, đường cản lửa được xây dựng ở trên đỉnh, dốc núi hoặc lợi dụng khe, suối. Tuy nhiên, công tác tu bổ đường băng rất quan trọng hằng năm bởi nếu không tu bổ, cây cối, thảm thực vật lại phủ kín đường băng, nguy cơ cháy lan rất cao. Vì vậy, kinh phí để tu bổ đường băng hàng năm cần được xem xét. Theo dự toán, một km đường băng tu bổ một năm cần khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần trên 300 triệu đồng để tu bổ nhưng nguồn kinh phí này hiện nay chưa được cấp.

Hiệu quả mô hình giao đất giao rừng cho người dân

Đồng Văn - Tân Kỳ hơn 10 năm qua không để xẩy ra cháy rừng. Là xã miền núi vùng sâu của Tân Kỳ, rừng và đồi núi có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sản xuất làm ăn của người dân nơi đây. Từ rừng, người dân Đồng Văn trồng keo, trồng cây gỗ quý, chăn thả gia súc, làm trại... Ngoài ra, công tác giao đất giao rừng đã được thực hiện sớm và rất tốt. 100% người dân được giao đất bảo vệ rừng, được ký cam kết với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ để có cơ sở pháp lý về quyền lợi và nghĩa vụ. Với đặc điểm đất lúa ít, đất đồi rừng là chủ yếu, người dân đã biết khai thác tiềm năng rừng để phát triển kinh tế. Ông Võ Văn Phấn ở xóm 10 Nghĩa Hành (Tân Kỳ), là một trong hàng trăm hộ nhận khoán bảo vệ 2 ha rừng phòng hộ, được Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ giao bảo vệ.

Ông Phấn đã tiến hành trồng mét và đồng thời được thu lâm sản phụ trong rừng được giao bảo vệ. Nhờ lập sổ giao khoán đất rừng cụ thể theo từng xã, từng hộ, rừng Tân Kỳ những năm gần đây đã bắt đầu xanh trở lại. Ông Kiều Phương cũng nhận hàng trăm ha rừng bảo vệ, tiến hành làm trang trại chăn nuôi trong rừng cho hiệu quả cao. Chủ tịch UBND xã Đồng Văn - ông Phạm Công Lý cho biết: Với diện tích lúa ít, chủ yếu là đất đồi và rừng, người dân sống dựa vào rừng nên công tác bảo vệ rừng, PCCCR được chú trọng. Các chòi canh lửa rừng luôn có người trực 24/24h, Ban chỉ huy chữa cháy rừng của xã luôn đi kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng.

Không chỉ Đồng Văn để giảm nỗi lo lắng về cháy rừng thường trực ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), tháng 5/2014, huyện và xã rút kinh nghiệm 2013, tổng kết công tác PCCCR, xã đã thành lập các BCH cấp bách, phân công nhiệm vụ cụ thể trong PCCCR, đồng thời tổ chức ký cam kết cho các hộ gia đình. Tổ chức cấp quyền sử dụng đất rừng cho các hộ với 85%, 102 hộ, giao đất, giao rừng tận các gia đình quản lý rừng. Xã cũng đã ký hợp đồng với các lực lượng canh rừng, chủ yếu là các hộ dân, với hỗ trợ của Hạt kiểm lâm, của huyện trích 400.000 đồng/người/tháng để bảo vệ rừng từ tháng 5 đến tháng 9.

Nâng nhận thức cho người dân, các chủ rừng, các địa phương

Để công tác PCCCR hiệu quả hơn trong thời gian tới, một vấn đề quan trọng là cần nâng cao nhận thức của người dân vùng có rừng, về tầm quan trọng của rừng đối với môi sinh và phát triển kinh tế hộ. Đây là một giải pháp quan trọng và không thấy ngay kết quả nhưng phải làm thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với các giải pháp xử lý hành chính, hình sự về vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nhiều nơi như ở Hưng Nguyên, Thanh Chương với suy nghĩ đơn giản của người dân về đốt rừng để lấy cỏ cho bò ăn, để trện nhanh mọc, để lấy tổ ong... cần phải chấm dứt ngay. Khi chính quyền xã, huyện, các lực lượng chức năng cũng xem nhẹ những hoạt động trên thì người dân đương nhiên vẫn đốt rừng mà không nghĩ đến hậu quả.

Bên cạnh các biển, biểu cấm lửa, tuyên truyền về rừng thì ngành chức năng cần đa dạng hóa các giải pháp tuyên truyền và đầu tư cho công tác tuyên truyền PCCCR. Đi từng nhà giải thích, vận động, ký cam kết và hợp đồng về bảo vệ rừng. Thành lập các lực lương chủ chốt về bảo vệ rừng ở từng xóm, từng xã, kịp thời xử lý, hoặc báo ngay cho chính quyền, Kiểm lâm các hành vi ảnh hưởng đến rừng. Các biện pháp như tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCCR, nghiệp vụ quản lý cháy rừng cho lực lượng chuyên ngành, cán bộ quản lý và chuyên trách lâm nghiệp, lực lượng hợp đồng PCCCR, các chủ rừng... phải được làm thực chất, hiệu quả, gắn với trách nhiệm về quyền lợi và nghĩa vụ. Công tác tuyên truyền về PCCCR trên các phương tiện truyền thông, kỷ luật, phê bình các xã, các huyện cháy rừng nhiều... cần được làm mạnh và làm chặt. Bên cạnh nâng cao nhận thức về phòng chống cháy rừng cho người dân thì chính chính quyền cơ sở cũng cần được nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ rừng. Có không ít nơi phương án, ban bệ đầy đủ nhưng cháy rừng vẫn xẩy ra thường xuyên là bởi lãnh đạo cơ sở chưa gắn trách nhiệm của bản thân với công tác PCCCR.

Qua nghiên cứu các phương án PCCCR của các huyện, các ban quản lý rừng phòng hộ và phương án PCCCR đặc dụng ở một số địa phương cho thấy: Nơi nào lập phương án đầy đủ, chu đáo, cụ thể, thực chất với tâm huyết dành cho rừng, quyết liệt chống lửa rừng thì nơi đó công tác PCCCR trở nên thực chất, dễ thực hiện và có hiệu quả trong thực tế. Còn nơi nào phương án PCCCR đối phó, sẽ dẫn đến sự lúng túng trong công tác PCCCR và đi kiểm tra thực tế cũng không như trong phương án. Có những xã, huyện thành lập rất nhiều ban bệ nhưng cháy rừng vẫn liên tục xẩy ra. Ví dụ như xã Thanh Lâm (Thanh Chương), ngoài 33 thành viên Ban Chỉ huy PCCCR của xã (trong đó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban) thì còn có các ban viên là trưởng thôn, bí thư thôn... Theo báo cáo của xã này, mặc dù năm 2013 xảy ra 20 vụ cháy rừng nhưng “diện tích cháy giảm hẳn so với năm 2012 và thiệt hại về rừng không đáng kể, hầu hết các vụ cháy đều tiến hành điều tra nhưng không có kết quả”. Một số ý kiến người dân Thanh Lâm cho rằng, nên chăng giao cho người dân bảo vệ rừng sẽ hiệu quả hơn, chính người dân được trả công bảo vệ rừng và có các cam kết về bảo vệ rừng.

Châu Lan - Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Bài cuối: Quyết liệt chống lửa rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO