Bài cuối: Sáng mãi truyền thống tôn sư, trọng đạo

18/11/2011 14:28

(Baonghean.vn) "Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", truyền thống "tôn sư, trọng đạo" đã trở thành nét đẹp văn hóa bao đời nay của người Việt Nam. Vào dịp 20/11 và đầu xuân mới, các thế hệ học trò lại nô nức rủ nhau tới chúc Tết, thăm hỏi gia đình thầy giáo, cô giáo.


Truyền thống tôn sư, trọng đạo có từ ngàn xưa. Ở thời phong kiến, trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy Tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó, gia đình có một "lễ mọn", mang tính chất "lòng thành" dâng lên thầy. Tỏ lòng thành kính "tôn sư, trọng đạo", nhiều gia đình còn gửi gắm con mình theo học và ở luôn bên nhà thầy. Đạo trò xưa không chỉ rất khiêm nhường, tôn kính người thầy của mình, mà còn có trách nhiệm, nghĩa vụ rất lớn lao. Khi ra đường, gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào; lúc thầy già yếu, các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan)... Ngày nay, truyền thống tôn sư, trọng đạo không bị ràng buộc bởi những lễ giáo mà xuất phát từ cái tâm, tình cảm của lớp lớp học trò hướng về thầy cô giáo của mình.


PGS.TS. NGƯT Nguyễn Đình Noãn, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trường ĐH Vinh đã đóng góp cho sự nghiệp "trồng người" hơn nửa thế kỷ - 56 năm tuổi nghề, 48 năm tuổi đảng. Được nhận nhiều bằng khen, Huy chương, Kỷ niệm chương của tỉnh, các bộ, ngành, Trung ương, song có lẽ phần thưởng mà Phó Giáo sư coi trọng nhất đó là tình cảm, sự quý trọng của học trò dành cho mình. Mỗi năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, dù là học sinh khóa đầu tiên hay những học sinh thuộc hàng con cháu; dù ở gần hay ở xa Tổ quốc, họ vẫn luôn hướng về thầy. Những ngày này, ngôi nhà nằm sâu trong xóm nhỏ, nép mình bên chân núi Quyết yên tĩnh lại rộn ràng. Thầy đó, trò đây, bạn bè cùng trang lứa gặp lại nhau hàn huyên chuyện thuở đi học, cái thời "...thứ ba học trò" với những trò nghịch ngợm, phá phách làm phiền lòng thầy.


Trong cuốn lưu bút hiện thầy còn lưu giữ chất chứa những dòng chữ đầy tình cảm, chân thành, kính trọng mà bao thế hệ dành cho thầy. PGS.TS Nguyễn Đình Huân - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, tâm sự: "Nhắc đến thầy giáo Noãn là nhắc đến một cuộc đời tận tụy với học trò, tâm huyết với nghề nghiệp. Là một nhà khoa học có nhiều cống hiến nhưng thầy rất gần gũi, luôn luôn phổ biến tri thức khoa học với cộng đồng dân cư. Thầy có một gia đình mẫu mực mà thầy là tấm gương sáng. Chân tình cởi mở với bạn bè, luôn luôn giúp đỡ mọi người cũng là nét đẹp nổi bật trong tính cách của thầy".


Tỉnh ta hiện có 118 nhà giáo được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, nhiều giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi, Giáo viên chủ nhiệm giỏi. Thầy giáo Trần Văn Nga - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, 35 năm tuổi đời, 10 năm tuổi nghề nhưng dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học sinh Trường Phan Bội Châu đã giành nhiều thành tích cao ở trong nước và trên thế giới. Hầu hết học sinh lớp thầy chủ nhiệm đỗ vào các trường ĐH danh tiếng trong nước, nhiều em đã được chọn vào các lớp tài năng của Trường ĐH Bách Khoa HN, được nhận học bổng du học tại các trường nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Anh, Nga...

Trong số những học trò của thầy Nga bồi dưỡng, có thể điểm qua những gương mặt: Võ Hoàng Biên - tham dự kỳ thi Olympic Vật lý châu Á tại Indonesia (2005); Nguyễn Tất Nghĩa - giành 2 Huy chương Vàng (HCV) Olympic Vật lý Quốc tế, 1 HCV Olympic Vật lý châu Á; Nguyễn Trung Hưng - Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á. Và mới đây nhất, Nguyễn Huy Hoàng giành HCV (Hoàng cũng giành 1 trong 2 Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Á 2011 của đoàn VN), và Nguyễn Đình Hội giành Huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 42 tại Thái Lan. Hầu hết các em đến với thầy đều là học sinh nghèo, chịu khó học hỏi. Biết các em khó khăn nên thầy đã đưa về nhà mình để kèm cặp, gần những kỳ thi lớn, thầy trò cùng thức từ 19 giờ đêm nay cho đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Cả thầy và trò đều cùng học, cùng sống với nhau như người trong một nhà".


Thầy Nga cho biết: "Học trò của tôi, có mặt khắp "năm châu, bốn biển" song thầy trò thường xuyên trao đổi hoặc thăm hỏi nhau qua điện thoại, internet. Những thành công của trò luôn là món quà đầy ý nghĩa nhất đối với tôi".


Trong một lần trả lời phỏng vấn, PGS.TS Văn Như Cương từng nói: "So với các nghề khác, nghề giáo có thu nhập thấp hơn, song họ luôn nhận mình là người giàu có nhất: giàu tình cảm, giàu sự yêu thương, kính trọng của học trò và sự tin tưởng của phụ huynh. Những ngày Tết, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học trò cũ về thăm, học sinh đã lớn tuổi, hay học sinh còn trẻ khi gặp lại người đã dạy dỗ mình thì hết sức lễ phép chào "thầy"... Đó là những tình cảm chân thành mà vật chất không thể đánh đổi được".


Nhà giáo Nguyễn Bùi Vợi trong bài giới thiệu tuyển tập thơ "Thầy giáo và nhà trường" đã viết: "Đạo đức và tình nghĩa, chỉ mấy chữ tưởng chừng khô khan ấy mà thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau giữ gìn như giữ vàng mười của phẩm giá, của lối sống, của đạo lý dân tộc. Không còn đạo đức, không còn tình nghĩa, thì dù có sống với nền văn minh vật chất nào, con người cũng chỉ là bầy-thú-giàu-sang mà thôi. Nhiều thầy cô có người đã trở về với cát bụi, có người đã về hưu, có người còn đang trên bục giảng... tất cả đều sống mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ học trò".


Thảo Nhi

Mới nhất

x
Bài cuối: Sáng mãi truyền thống tôn sư, trọng đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO