Bài cuối: Tạo động lực để người nghèo, xã nghèo vươn lên
hỗ trợ giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An là một chủ trương sáng tạo, đúng đắn của tỉnh, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức và nhân dân. Đây cũng là động lực để người nghèo, xã nghèo tích cực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo miền Tây của tỉnh về vấn đề này.
(Baonghean) - hỗ trợ giúp đỡ các xã nghèo miền Tây Nghệ An là một chủ trương sáng tạo, đúng đắn của tỉnh, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, công chức và nhân dân. Đây cũng là động lực để người nghèo, xã nghèo tích cực vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo miền Tây của tỉnh về vấn đề này.
>>Bài 1: Những tấm lòng sẻ chia
P.V: Thưa đồng chí! Qua một năm triển khai thực hiện cuộc vận động các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ giúp đỡ xã nghèo miền Tây tỉnh Nghệ An, đồng chí đánh giá như thế nào về công tác này?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Chủ trương xuyên suốt của chương trình hành động là huy động nguồn lực để ủng hộ, giúp đỡ xã nghèo miền Tây Nghệ An giảm nghèo nhanh và bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, giúp đỡ người nghèo tiếp cận, thụ hưởng thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội. Qua theo dõi 85 cơ quan, đơn vị trên địa bàn giúp đỡ 89 xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An, chúng tôi thấy những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Đó là, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều hình thức giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo như: Thăm hỏi, tặng quà cho gia đình nghèo và các phương tiện cấp thiết cho các xã hoạt động; hỗ trợ, giúp đỡ các xã củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ủng hộ, giúp đỡ xây dựng tủ sách pháp luật, hướng dẫn UBND xã thực hiện việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch hàng năm, kế hoạch giai đoạn; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 34 hộ nghèo, gia đình chính sách, xây dựng 3 trường học, 1 phòng học máy vi tính, 3 trạm y tế và các công trình giao thông, nước sạch, nhà bán trú dân nuôi; hỗ trợ, giúp đỡ về tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, trong phát triển chăn nuôi và dạy nghề: hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng mô hình, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế. Trong năm 2012, các đơn vị nhận giúp đỡ hỗ trợ UBND các xã thực hiện 37 mô hình chăn nuôi, trồng trọt với giá trị năng suất cao. Một số đơn vị đã tổ chức thực hiện việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí….Kết quả thực hiện việc huy động giúp đỡ người nghèo, xã nghèo miền Tây toàn tỉnh năm 2012 đạt gần 29 tỷ đồng. Thông qua chủ trương này đã góp phần xóa đói giảm nghèo vùng miền Tây của tỉnh từ 5-7%/năm.
Đồn Biên phòng Mỹ Lý vận động người dân trồng rau xanh tại vườn của gia đình
P.V: Theo đồng chí, còn có những hạn chế, bất cập nào trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các xã nghèo miền Tây Nghệ An?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Qua theo dõi thực tế, chúng tôi thấy, trong quá trình thực hiện việc giúp đỡ các xã nghèo, nhiều đơn vị còn mang tính hình thức, chưa khảo sát, nắm bắt tình hình thực tiễn ở cơ sở. Hay một số đơn vị báo cáo việc giúp đỡ các xã trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chuyên môn liên quan, chứ chưa có chương trình, lộ trình để hướng tới việc giúp đỡ lâu dài.
Thực tế cho thấy, việc triển khai cuộc vận động giúp đỡ người nghèo, xã nghèo của tỉnh ta trong điều kiện kinh tế thế giới, kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn lực cho việc giúp đỡ người nghèo, xã nghèo chưa đạt được kết quả như mong muốn. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân ở cơ sở còn hạn chế. Việc khảo sát, lập kế hoạch để từng bước giúp đỡ người nghèo, xã nghèo chưa mang tính định hướng cụ thể, lâu dài. Việc triển khai xây dựng kế hoạch, đề án ở một số cơ sở còn chậm, chưa bám sát thực tiễn, có đơn vị chưa tổ chức thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Đội ngũ cán bộ được phân công trực tiếp giúp đỡ là kiêm nhiệm nên quỹ thời gian bám cơ sở không nhiều, việc am hiểu địa bàn, phong tục tập quán còn rất nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo giám sát việc tổ chức thực hiện chưa thường xuyên, sâu sát.
Trong quá trình khảo sát có một số cơ sở và các ngành phối hợp chưa tốt. Bên cạnh đó, hệ thống cở sở hạ tầng các xã vùng miền Tây còn nhiều khó khăn, giao thông không thuận lợi, đội ngũ cán bộ chủ chốt năng lực còn hạn chế, trình độ dân trí còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã được nhận hỗ trợ còn cao, nhận thức của đồng bào miền núi nhìn chung còn lạc hậu, tư tưởng trông chờ ỷ lại còn lớn, một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, chưa phát huy hết ý thức tự vươn lên trong cuộc sống. Đây là chủ trương mới nên việc triển khai thực hiện ở các cơ quan, đơn vị có lúc, có nơi chưa đồng bộ; còn lúng túng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Sở Xây dựng tặng quà xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (ảnh nhỏ)
P.V: Làm thế nào để sự giúp sức đó thật sự có ý nghĩa, phát huy hiệu quả lâu dài là vấn đề đáng quan tâm của cả bên giúp và được giúp. Đồng chí có thể cho biết thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ quan tâm định hướng như thế nào để chủ trương này có hiệu quả thiết thực hơn?
Đồng chí Lê Xuân Đại: Mục tiêu của chương trình hành động giúp đỡ các xã nghèo trong năm 2013 và những năm tới được xác định là tiếp tục ủng hộ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, hướng dẫn tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn tài trợ, các nguồn ủng hộ của các cơ quan, đơn vị; tập trung nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở và cơ sở hạ tầng cho người nghèo, xã nghèo vùng miền Tây Nghệ An, góp phần tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Quá trình đó, chúng ta cũng nhìn nhận rằng, việc xóa đói, giảm nghèo không thể do một tổ chức hay cá nhân có thể đảm nhiệm, mà cần sự chung sức của toàn xã hội. Chúng ta vừa phải đầu tư xây dựng hạ tầng, vừa phải kết hợp lồng ghép các chương trình dự án phát triển kinh tế-xã hội như Chương trình 134, 135, 30a, Chương trình 167, các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tập trung nhân rộng mô hình, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời huy động cộng đồng giúp đỡ người nghèo, góp phần tăng nguồn lực cho xã nghèo.
Miền Tây Nghệ An chiếm 83,36% diện tích, 36,5% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng được đánh giá có tiềm năng lớn về quỹ đất, tài nguyên rừng, khoáng sản để phát triển và mở rộng sản xuất nông lâm nghiệp, khai thác khoáng sản gắn với công nghiệp chế biến trên quy mô lớn. Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có nhiều chính sách quan tâm đến phát triển miền Tây Nghệ An. Quá trình đó, sự giúp sức của các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong an sinh xã hội, tạo sự ổn định cho những bước phát triển lâu dài.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý miền Tây nhiều hơn, hiệu quả hơn với mức độ ưu tiên cao hơn. Tiếp tục triển khai tốt hơn, đồng bộ hơn các chương trình, dự án. Thực hiện tốt hơn công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông lâm nghiệp gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững. Quá trình đó, với sự phân công của UBND tỉnh, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp sẽ tiếp tục giúp đỡ các xã nghèo. UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong việc vận động ủng hộ người nghèo, xã nghèo vùng miền Tây, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh.
Việc giúp đỡ các xã nghèo của các cơ quan, đơn vị được phân công cần phải tổ chức bài bản hơn từ xây dựng kế hoạch, tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức đến việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã để thực hiện. Quá trình đó, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp cần huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trong phạm vi chức năng của cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện giúp đỡ người nghèo, xã nghèo như cam kết. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các huyện miền Tây tiếp tục tổ chức chỉ đạo, giám sát UBND các xã trong việc thực hiện tiếp nhận và sử dụng có mục đích, có hiệu quả các nguồn tài trợ; tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo về thực hiện kế hoạch vận động ủng hộ người nghèo, xã nghèo miền Tây Nghệ An.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Nhóm PVTS