Bài cuối: Thương hiệu - giá trị sống còn

05/06/2013 10:33

> Bài 2: “Quýt ngọt lấp lá”

Đã có rất nhiều thương hiệu thành công và được nhắc đến không chỉ nhờ những Slogan nổi tiếng mà còn bởi chất lượng của dịch vụ, sản phẩm. TH True Milk là một thương hiệu như thế. Xuất hiện sau nhiều thương hiệu sữa khác trên thị trường, song đến nay, TH True milk của Nghệ An đã có thị phần vững chắc không chỉ ở Nghệ An mà còn được người tiêu dùng trong cả nước biết đến với sự khác biệt “sữa tươi sạch”. TH True milk bền bỉ quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông, lay động cảm xúc người nghe, người xem. Ở đó, người tiêu dùng được biết đến công nghệ sản xuất sữa, những đàn bò chất lượng cao được “tắm mát, nghe nhạc”, hình ảnh những cánh đồng hoa hướng dương vàng rực làm thức ăn cho bò, dàn máy móc hiện đại tham gia vào trồng, thu hoạch, chế biến thức ăn, các chuyên gia nước ngoài làm việc, trang trại bò TH ở Nghĩa Đàn… Tất cả là một sự hoàn hảo của quy trình từ “vườn… đến bàn ăn”, sự khác biệt về chất lượng sản phẩm, làm cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng TH Truemilk.

Logo có ý nghĩa quan trọng để nhớ đến thương hiệu. Thương hiệu ngân hàng Vietinbank (Ngân hàng Công thương Việt Nam) với lo go mang biểu tượng hình trái đất trùm lên đồng tiền cổ với hai màu nổi bật xanh đỏ. Thương hiệu này liên tục được Vietinbank nhắc đi nhắc lại trên các không gian nơi có chi nhánh của Vietinbank với cùng một kích cỡ, màu sắc để người tiêu dùng dễ nhận ra. Logo ấn tượng và Slogan nổi tiếng của hãng bảo hiểm nhân thọ Prudential “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” với hình ảnh Prudential, vị thần cẩn trọng màu đỏ thắm là biểu tượng của sự thống nhất trong các dịch vụ của Prudential từ năm 1848. Hay thương hiệu ô tô Toyota của Nhật gắn với dòng họ Toyoda với Logo bao gồm 3 hình eclip lồng vào nhau mang ý nghĩa: một thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng, một tượng trưng cho chất lượng sản phẩm và thứ ba là những nỗ lực phát triển khoa học công nghệ, rồi Slogan “Thơm ngon tới giọt cuối cùng” của nước mắm Chinsu…



Vùng nguyên liệu dứa ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Châu Lan.

Ở Nghệ An, mặc dù khá nhiều doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu rất ít, chỉ đếm được trên đầu các ngón tay. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để xây dựng nên được thương hiệu cho mình, đó là điều kiện cần có cả “gỗ tốt” lẫn “nước sơn”. Công nghệ lạc hậu, sản phẩm gia công, tính cạnh tranh kém, làm ăn theo “phi vụ” khiến các doanh nghiệp không muốn theo đuổi về thương hiệu; hoặc dù rất muốn nhưng nhiều doanh nghiệp không thể có được thương hiệu mà chỉ có thể xây dựng và bảo vệ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm.

Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, từ năm 1991 đến nay, Nghệ An đã có 403 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 367 nhãn hiệu, 19 kiểu dáng công nghiệp, 9 bằng sáng chế, 1 chỉ dẫn địa lý. Con số đó so với số lượng gần 10.000 doanh nghiệp trên địa bàn không phải là nhiều và nếu nhìn trong số đó thì số có thương hiệu nhờ “sự khác biệt” cũng rất ít. Số văn bằng bảo hộ so với số lượng các doanh nghiệp chỉ mới chiếm khoảng 0,04% số doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn còn xẩy ra ví dụ như làm giả Ke chống bão của Công ty TNHH Định Nhàn; rồi phân bón giả, nước mắm giả, cam Vinh giả…

Nhiều sản phẩm chủ lực của Nghệ An vẫn chưa xây dựng được thương hiệu vững chắc trên thương trường như lạc Nghệ An, tương Nam Đàn, gà đen, lợn Mông, bò Mông… Nhiều sản phẩm mặc dù được người tiêu dùng yêu thích, nhưng mức độ quảng bá, phát triển rất kém. Ví như nhiều người dân TP.Vinh rất muốn mua được sản phẩm vịt bầu Quỳ tại Vinh nhưng không có. Hay cam Xã Đoài rất hiếm và giá quá đắt, không phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng…

Thời gian gần đây, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho một số doanh nghiệp trong hoạt động quảng bá sản phẩm, Sở Công thương đã hỗ trợ kinh phí cho một số đơn vị đi tham dự các hội chợ trong và ngoài nước. Mới đây, Công ty TNHH Đức Phong đã được hỗ trợ gần 200 triệu đồng để giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ ở Đức. Sở Công thương cũng đang gấp rút hoàn thiện gian trưng bày giới thiệu một số sản phẩm. Theo ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương thì: Doanh nghiệp Nghệ An hiện đang rất khó khăn trong xây dựng thương hiệu, vì lý do từ cả tài chính, khả năng lẫn nhận thức. Nhiều sản phẩm của Nghệ An rất có tiềm năng xây dựng được thương hiệu nổi tiếng đang phải xuất thô sang các nước như đá trắng, chè đen, nước dứa cô đặc…

Thực tế đó cho thấy, việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp không phải là việc “một sớm một chiều”, cũng không thể dựa vào nhà nước mà tự thân các doanh nghiệp khát khao vươn tới để sản phẩm, tên tuổi của mình trường tồn. Cái khó nữa của việc xây dựng thương hiệu đó là nhu cầu của người tiêu dùng thường xuyên thay đổi, nên sản phẩm, công nghệ cũng phải thay đổi theo để chiều khách hàng. Điều này càng khó với doanh nghiệp Nghệ An. Vì vậy sự động viên, hỗ trợ các đơn vị đổi mới dây chuyền, công nghệ cũng như các quĩ khuyến công, cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ của tỉnh càng nên hướng đến sự thực chất.


Châu Lan - Ngọc Anh

Bài cuối: Thương hiệu - giá trị sống còn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO