Bài diễn văn và đường ra biển lớn!

02/09/2015 10:35

(Baonghean) - Đúng 10 giờ sáng 31/8/2015 (theo giờ New York, Mỹ, tức đêm 31/8, rạng sáng 1/9 theo giờ Việt Nam), Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư đã chính thức khai mạc với sự tham dự của của 140 đoàn nghị viện cấp cao từ các quốc gia trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng và có ý nghĩa, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của Việt Nam.

Bài diễn văn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư trong đó có đoạn: “Trải qua nhiều năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng với nhân dân các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn khao khát được sống trong một thế giới hòa bình và dân chủ. Vì lẽ đó, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” luôn là mục tiêu hướng tới và động lực phát triển của dân tộc Việt Nam chúng tôi”.

Bài diễn văn của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội đã đúc kết những giá trị cốt lõi suốt chặng đường 70 năm dân tộc Việt Nam bền bỉ đấu tranh để bảo vệ. Đồng thời, cũng khái quát được chặng đường Việt Nam từng bước lớn mạnh và vươn ra biển lớn bằng những giá trị nhăn văn có tính phổ quát, toàn cầu, thực sự góp phần quan trọng cho tiến trình thúc đẩy hòa bình và hợp tác, phát triển của thế giới.

Phiên toàn thể lần thứ nhất Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu  của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: TTXVN
Phiên toàn thể lần thứ nhất Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội với bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: TTXVN

Cách đây đúng 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám thần kỳ, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời với 15 bộ, trong đó có Bộ Ngoại giao. Ngoại giao hiện đại Việt Nam chính thức ra đời, và cho đến nay, 70 năm đã trôi qua, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã ngày càng được khẳng định, cờ đỏ sao vàng năm cánh đã thực sự tạo được dấu ấn đậm nét trong cộng đồng các nước ở khắp 5 châu.

Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử đã khẳng định sự quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Đó chính là thông điệp ngoại giao quan trọng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi tới cộng đồng quốc tế, thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Mục tiêu quan trọng nhất của công tác đối ngoại thời kỳ này là "làm sao cho các nước công nhận nền độc lập của nước Việt Nam" và khẳng định "Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam".

Trong lời tuyên bố cùng chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố lập trường của Việt Nam: "Sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới". Sau lời tuyên bố đó, chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ mới đã lần lượt chính thức công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam như Trung Quốc, Liên Xô, CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Rumani, Ba Lan, Hungary, Bungary, Anbany...

Đến năm 1954, Hiệp định Geneve được ký kết, đánh dấu một thắng lợi ngoại giao quan trọng, chấm dứt sự xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn bán đảo Đông Dương. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam luôn đấu tranh để làm cho dư luận thế giới thấy rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng này đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Hòa bình lập lại, đất nước Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, hoạt động ngoại giao được triển khai theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ nhiều nguồn, nhiều nước, góp phần tăng cường sức mạnh kinh tế đất nước. Với tinh thần sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, việc triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa đã đạt được những thành tựu to lớn.

Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, từ chỗ bị coi là một dân tộc nhược tiểu, không có tên trên bản đồ thế giới, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hợp quốc.

Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Chủ tịch ASEAN năm 1998 và năm 2010, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 7 năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tháng 3/2015, và tới đây là Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng trên 250 tỷ USD vốn FDI, và là một trong số ít nước đang tham gia tất cả các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Trải qua nhiều năm đấu tranh giành độc lập dân tộc, cùng với nhân dân các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam luôn khao khát được sống trong một thế giới hòa bình và dân chủ”. Lời phát biểu mang đầy nhuệ khí dân tộc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã vang lên ở phía bên kia địa cầu, hòa cùng không khí rộn ràng của cả dân tộc trong ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 70 năm nhìn lại, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm để ngọn cờ độc lập luôn phất cao dưới bầu trời thế giới. Ngọn cờ ấy sẽ còn sáng mãi bởi nó mang niềm tin bất diệt vào hòa bình, hạnh phúc của cả dân tộc Việt Nam.

Phương Thảo

Mới nhất
x
Bài diễn văn và đường ra biển lớn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO