Bài học đắt giá về sự miễn phí
(Baonghean) - Hôm nay Bim lên mạng. hí hửng đọc cho mình nghe một mẩu chuyện cười: “Có một anh thợ cắt tóc quyết định cắt miễn phí cho khách hàng trong vòng một tuần nhân dịp khai trương cửa hàng.
Khách hàng đầu tiên là một người Ý, thế là ngày hôm sau anh thợ cắt tóc nhận được một ổ pizza miễn phí. Khách hàng thứ hai là một người Pháp, ngày hôm sau anh thợ cắt tóc liền nhận được mười ổ bánh mì Pháp ngon lành. Khách hàng thứ ba là một người Việt Nam, ngày hôm sau có mười người Việt Nam khác đứng chờ trước cửa hàng để được cắt tóc miễn phí”. Kể xong, Bim phá ra cười, mình nhíu mày hỏi con bé:
- Sao Bim lại cười?
- Tại vì những người khách thật ngốc, chỉ có người Việt Nam là thông minh nhất, biết tận dụng dịp may để được cắt tóc miễn phí. Làm gì có ai lại từ chối những thứ được cho không bao giờ?
Câu trả lời của con bé khiến mình thoáng suy nghĩ. Có thật đấy là biểu hiện của sự khôn ngoan không, hay là lối tư duy vị kỷ, chạy theo những lợi ích nho nhỏ mà không nhận ra ta đã đánh mất rất nhiều?
Lại nhớ đến câu chuyện dở khóc dở cười của người Hà Nội tranh nhau trèo rào “xông vào” công viên nước Hồ Tây khi được tin miễn phí vé vào cửa. Không biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền, chỉ thấy đông đúc, xô đẩy, bể bơi chật chội, rất mất vệ sinh. Thậm chí xảy ra những chuyện đáng hổ thẹn như từng tốp thanh niên xúm vào bắt nạt, quấy rối các bạn nữ. Rõ ràng trong tình cảnh ấy, vui đâu chưa thấy, chỉ thấy choáng, thấy buồn thay cho cách cư xử vô văn hóa của một bộ phận thanh niên. Khi người ta “khóc dở” chưa xong vì câu chuyện nói trên, lại đến một phát ngôn của người quản lý công viên khiến ta không thể nhịn cười: “Không có chuyện quấy rối gì ở đây cả, vấn đề nằm ở chất lượng của đồ tắm”. Nói đến đây thì thật sự phải ngả mũ chào thua lối tư duy hồn nhiên đến…vô duyên này.
Bởi, ấy chính là tư duy của người nhắm mắt làm ngơ trước những thói hư tật xấu, những hiện tượng đáng lên án trong xã hội. Những điều mắt thấy tai nghe không thể chối cãi, thì họ lại dùng cách bóp méo, làm mờ sự thật, chuyển hướng dư luận từ kẻ đáng lên án sang công kích nạn nhân. Vì không dám lên tiếng phản bác, chỉ trích cái xấu; vì nguồn cơn của sự xấu xí đó có liên quan đến họ; hay chỉ đơn giản là kẻ bị hại là kẻ yếu, mà công kích kẻ yếu bao giờ cũng dễ dàng hơn? Bấy nhiêu lý do lại đều bắt nguồn từ một gốc rễ, ấy là sự hèn nhát, vô cảm đến độc ác khi phải đưa ra lựa chọn, chính kiến và hành động khi đối diện với những bất công trong xã hội.
Tất nhiên, những hạt mầm xấu xí đó có sẵn trong mỗi chúng ta bởi hai mặt sáng – tối của con người bao giờ cũng tồn tại song song. Yếu tố quyết định cuối cùng đến sự hướng thiện hay hướng ác của con người tùy thuộc vào môi trường xung quanh. Như vậy, trong câu chuyện này, nạn nhân cũng không hẳn là vô can. Bởi lẽ, nếu người ta không ùn ùn đổ xô đi công viên thì làm gì có cảnh hỗn độn, mất kiểm soát, tạo cơ hội cho những người có thiên hướng không tốt ra tay?
Lại nói đến chuyện miễn phí, về bản chất, đây là một hình thức làm truyền thông, giới thiệu sản phẩm hoặc tạo sự chú ý của dư luận. Nhưng từ đây cũng sinh ra lắm biến tướng, mà nguy hiểm nhất là “làm hư” người tiêu dùng. Bởi lẽ, hiệu quả của một chiến dịch miễn phí dựa trên sự tò mò, thích thú hay nói một cách tiêu cực hơn là sự “hám lợi” của người tiêu dùng. Dần dà, người tiêu dùng sẽ bị rập khuôn thói quen thích đồ miễn phí, dẫn đến một tư duy lệch lạc về thói quen tiêu dùng, gây mất trật tự, cân bằng xã hội.
Nên nhớ rằng chẳng có cái gì là thực sự miễn phí. Tất cả đều là sự trao đổi tương đương, có chăng chúng ta chưa nhìn ra cái giá ngay tức khắc của thứ mà mình nhận được mà thôi. Phải tập cho mình thói quen sẵn sàng trả tiền (hay trao đổi bằng hình thức khác), để đổi lấy thứ thực sự có giá trị. Chỉ khi ấy, chúng ta mới biết trân trọng giá trị và nâng cao chất lượng cuộc sống, để không còn kẽ hở nào cho những hạt giống xấu xí trong con người nảy mầm.
Hải Triều