Bài học không của riêng ai
(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Tạ Văn Huy, xóm 5, xã Diễn Thắng (Diễn Châu) về việc gia đình ông làm hồ sơ và đóng 147 triệu đồng cho Công ty cổ phần thương mại đầu tư xây dựng và cung ứng lao động 19/5 để con trai đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty đã không thực hiện theo đúng cam kết và không trả lại tiền cho gia đình...
![]() |
Ông Tạ Văn Huy trao đổi với phóng viên. |
Theo đơn của ông Tạ Văn Huy: Con trai thứ 3 của tôi là Tạ Văn Hành (sinh năm 1986, tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật 3 ngành Động lực) nhưng chưa có việc làm. Năm 2010, gia đình vay mượn được 50 triệu đồng cho Hành đi xuất khẩu lao động tại Lybia. Nhưng chỉ sau 1 năm, do tình hình chính trị tại Lybia bất ổn, nên Hành phải về nước. Số tiền kiếm được chỉ đủ trả nợ. Cùng thời điểm đó, tôi bị bệnh viêm tụy và phải ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) mổ, chi phí hơn 80 triệu đồng. Cuộc sống gia đình đã khó khăn lại thêm phần túng bấn. Cuối năm 2012, khi vào TP. Vinh khám bệnh, tôi gặp lại đồng đội cũ. Sau khi nghe kể về hoàn cảnh gia đình, tôi được bạn giới thiệu với anh Nguyễn Lương Bằng, cán bộ Công ty cổ phần Thương mại đầu tư xây dựng và cung ứng lao động 19-5. Anh Bằng hứa sẽ lo cho con trai tôi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và đề nghị gia đình làm hồ sơ, đóng 21 triệu đồng tiền đặt cọc để làm thủ tục với đối tác nước ngoài. Ngày 3/1/2013, con trai tôi mang 21 triệu đồng vào TP. Vinh đưa cho anh Bằng. Tuy nhiên, trên phiếu thu chỉ ghi 20 triệu đồng. Ngày 6/1/2013, ông Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Công ty CP thương mại đầu tư xây dựng và cung ứng lao động 19-5 gọi điện về cho gia đình yêu cầu phải nộp 2.000 USD để làm thủ tục cấp Visa. Ngày 10/1/2013, ông Tưởng lại tiếp tục gọi điện về yêu cầu gia đình phải nộp tiếp 5.000 USD để xuất cảnh. Tổng số tiền gia đình nộp trực tiếp cho ông Tưởng là 126 triệu đồng. Để có tiền, tôi phải đi vay nóng với lãi suất cao, phải thế chấp bìa đỏ, sổ lĩnh tiền trợ cấp thương binh, bán tài sản trong gia đình.
Khi nhận tiền của gia đình tôi, ông Tưởng hứa trong tháng 4/2013 con trai tôi sẽ xuất cảnh. Nếu không xuất cảnh được thì công ty sẽ trả lại số tiền trên. Nhưng chờ hết tháng 4 vẫn không có hồi âm, tôi cùng con trai vào Vinh, đến tận văn phòng công ty để đòi lại tiền, nhưng ông Tưởng đi vắng. Ngày 18/7/2013, cha con tôi lại vào Vinh với mong mỏi được nhận lại số tiền đã nộp. Tại đây, ông Tưởng tiếp tục quanh co và viết giấy cam kết là đến ngày 29/7/2013, công ty sẽ trả lại hồ sơ và hoàn tiền cho gia đình. Nhưng một lần nữa, ông Tưởng không thực hiện lời hứa. Khi tôi vào công ty thì ông Tưởng trốn biệt tăm, gọi điện thoại cũng không nghe máy. Biết là gia đình đã bị lừa, nhưng không biết làm sao để đòi lại tiền. Trong khi đó, mỗi tháng gia đình phải đóng tiền lãi suất hơn 2 triệu đồng. Đến khi giấy nợ hết hạn, tôi phải vay mượn tiền của 2 đứa con gái mới giữ lại được mảnh đất của gia đình.
Theo hồ sơ, ông Huy cung cấp cho phóng viên gồm bản gốc 2 phiếu thu tiền (1 phiếu 42 triệu đồng, 1 phiếu 84 triệu đồng). Trên phiếu thu có con dấu của Công ty CP thương mại đầu tư xây dựng và xuất khẩu lao động 19-5 và chữ ký của ông Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc công ty với lý do là nộp tiền xuất khẩu lao động; 1 bản cam kết và giấy hẹn do ông Nguyễn Huy Tưởng viết về việc trả lại tiền. Tìm hiểu được biết, khi nghe thông tin ông Huy làm đơn tố cáo ông Tưởng, tháng 4/2014, anh Nguyễn Lương Bằng đã trực tiếp trả cho ông Huy 20 triệu đồng. Còn 1 triệu đồng anh Bằng cho rằng đó là số tiền làm hồ sơ và hộ chiếu. Ông Huy chia sẻ: “Vì quá tin tưởng vào bạn bè, tin tưởng vị giám đốc có dấu đỏ chót nên gia đình tôi mới lâm vào tình cảnh này. Đây cũng là bài học cho những gia đình đang mong muốn cho con đi xuất khẩu lao động mà không qua con đường chính thống”.
![]() |
Các phiếu thu tiền, giấy cam kết có chữ ký của Giám đốc Nguyễn Huy Tưởng. |
Làm việc với lãnh đạo xã Diễn Thắng được biết, xã Diễn Thắng hiện có 130 lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài, trong đó, có khoảng 90% là đi theo con đường chính thống, còn lại là qua “cò mồi”. Nhưng hiện xã chỉ mới biết được duy nhất trường hợp của gia đình ông Huy là không đi được và chưa lấy lại được tiền. Ông Nguyễn Văn Trạch, Chủ tịch UBND xã xác nhận sự việc và cho hay: “Qua sự việc của gia đình ông Huy, xã mong muốn cơ quan chức năng cần có những thông báo, hướng dẫn cụ thể trong việc tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động. Có rất nhiều công ty về xã đặt vấn đề hợp tác để đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng không biết công ty nào thật, công ty nào giả. Trong khi nhu cầu đi xuất khẩu lao động của người dân là rất lớn, nếu không cẩn thận sẽ bị lừa…”.
Sáng 21/10, chúng tôi đến văn phòng Công ty cổ phần Thương mại và cung ứng lao động 19-5, địa chỉ tại 41, đường Nguyễn Sỹ Sách (TP. Vinh). Văn phòng công ty đặt trên tầng 2, chỉ có 1 nhân viên trực. Hỏi gặp ông Tưởng, thì nhân viên này cho biết hiện ông Tưởng đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Liên lạc qua điện thoại, ông Tưởng xác nhận việc ông đang nợ tiền của gia đình ông Huy. “5, 6 tháng nay công ty không làm nữa mà chỉ đi tập trung đòi nợ. Nhận tiền đặt cọc thì công ty đặt cọc người khác, nhưng do gặp trục trặc nên lao động không đi được và phía nhận đặt cọc của công ty chưa hoàn trả kinh phí. Hiện tôi đang ở Sài Gòn, cố gắng lấy tiền để về trả cho người dân”, ông Tưởng cho biết.
Qua sự việc trên cho thấy, việc tuyển dụng, đưa người đi xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn ra phức tạp. Rất nhiều công ty làm dịch vụ xuất khẩu lao động, nhưng không có năng lực thực sự. Còn người dân do thiếu thông tin, đã không phân biệt được đâu là con đường đi XKLĐ chính thống để bị lừa, “tiền mất, tật mang”… Đây chính là bài học cho người dân khi làm thủ tục đi XKLĐ.
Bài, ảnh: Nguyên Hưng