Bài học kinh nghiệm từ các vụ cháy rừng ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Thời gian qua nắng nóng khốc liệt kéo dài khiến địa bàn Nghệ An xảy ra khá nhiều vụ cháy rừng. Ngay sau khi xảy ra các vụ cháy rừng, chính quyền địa phương và lực lượng tích cực chữa cháy, khắc phục hậu quả, tuy nhiên qua những vụ cháy rừng để lại nhiều bài học kinh nghiệm.
Liên tiếp xảy ra cháy rừng
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, từ đầu năm đến nay, địa bàn Nghệ An đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị cháy trên 17 ha. Đó là vụ cháy rừng tại xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương; cháy rừng giang, nứa ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; cháy rừng xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc; xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu... Đặc biệt, chỉ trong các ngày 12, 13/7 địa bàn Nghệ An liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy rừng tại Nam Đàn và Diễn Châu, trong đó vụ cháy rừng ở huyện Nam Đàn có quy mô lớn, địa điểm cháy thuộc xóm Phú Lộc, Đại Lộc, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn. Diện tích rừng bị cháy khoảng hơn 10 ha.
Để chữa cháy rừng, lực lượng điều động trên 2.300 người, trong đó, chủ yếu là lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ, công an cứu hoả, công an huyện, bộ đội, nhân dân sống gần rừng và các đoàn thể…
Qua các vụ cháy rừng, nhìn chung cấp ủy, chính quyền các địa phương đã phát huy được vai trò của lực lượng tại chỗ trong công tác chữa cháy, khắc phục hậu quả. Như tại vụ cháy rừng tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn đã huy động được 650 người dập lửa, vụ cháy rừng tại huyện Diễn Châu đã huy động gần 500 người. Các lực lượng dân quân tại chỗ, bộ đội địa phương, công an, kiểm lâm và người dân chủ động chữa cháy, tạo đường băng cản lửa chống cháy lây lan, di dời người và tài sản nhân dân kịp thời.
Trong quá trình chữa cháy, mặc dù vị trí phát sinh đám cháy thường là những khu vực có nhiệt độ cao, khói bụi, rừng rậm, địa thế hiểm trở nhưng các lực lượng kiểm lâm, công an, bộ đội và nhân dân vẫn không quản khó khăn, hiểm nguy, tích cực dập lửa, di chuyển người, tài sản trong vùng nguy hiểm về nơi an toàn.
Thấy gì sau các vụ cháy ?
Các vụ cháy rừng quy mô lớn liên tiếp xảy ra địa bàn Nghệ An trong đợt nắng cao điểm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương có rừng thông. Tuy chưa thống kê hết về những hậu quả từ các vụ cháy rừng vừa qua, nhưng chắc chắn thiệt hại tại các vụ cháy rừng nói trên rất lớn; trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, nguồn nước, đời sống sinh hoạt và sinh kế của người dân quanh vùng.
Qua các vụ cháy rừng, đặc biệt là vụ cháy rừng ở xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn đã lộ ra nhiều bất cập. Đó là các xã trọng điểm có rừng thông như Thượng Tân Lộc, Nam Hưng, Nam Nghĩa… địa phương chưa lập chốt ở cửa rừng để kiểm soát người ra vào rừng.
Như tại xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn do không có chốt nên người từ khắp nơi tự do vào rừng thông, lên hồ chứa Ba Khe tham quan, mang theo lửa để nướng các vật dụng. Trên địa bàn thời điểm cháy rừng, có 4 công nhân trong quá trình khảo sát đường điện tại rừng xã Thượng Tân Lộc đã hút thuốc và có vứt tàn xuống đất rừng. Đây có thể là nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng ngày 12/7 ở Nam Đàn. Ngoài ra, diện tích thực bì dưới tán rừng thông dày đặc hầu hết chưa được xử lý.
Quá trình chữa cháy rừng tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn huy động lực lượng đông, nhưng tiếp cận hiện trường chữa cháy còn chậm nên lửa bùng lớn, lây lan khó dập. Chưa kể là có những thời điểm dập được lửa rừng rồi, do chưa xử lý triệt để được tàn tro nên vẫn bị bùng phát trở lại.
Tại địa bàn huyện Diễn Châu, ngày 13/7, xảy ra vụ cháy rừng thông tại xã Diễn Phú. Đại diện UBND xã Diễn Phú chia sẻ: Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã huy động được gần 500 người chữa cháy. Gồm các lực lượng Đồn Biên phòng Diễn Thành, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu, Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm vùng 2, huyện Nghi Lộc, cùng lực lượng của 5 xã lân cận, sau 4h đồng hồ đã dập được đám cháy.
Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập đó là thiếu dụng cụ chữa cháy như máy thổi lửa, cưa xăng để cắt đường băng cản lửa. Hầu hết là người dân chủ yếu dùng cành cây và một số dụng cụ khác dập lửa nên hiệu quả chưa cao. Địa bàn xã Diễn Phú có trên 300 ha rừng thông giáp ranh với xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc thường xuyên xảy ra cháy rừng, theo kế hoạch cần phải làm 7 km đường băng cản lửa nhưng do thiếu kinh phí hiện vẫn chưa thể triển khai. Vụ cháy rừng ở xã Diễn Phú vừa qua do không có đường băng cản lửa nên lửa rừng gây cháy lan nhanh, công tác cứu chữa khó khăn.
Hiện toàn tỉnh Nghệ An có diện tích đất rừng 956.703ha (rừng tự nhiên 783.699,87ha; rừng trồng 173.055,36ha), trong đó vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao tập trung 15.476ha rừng trồng thông nhựa, 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn. Đó là các địa phương như Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, thành phố Vinh.
Trong tổng số hơn 15.000ha rừng dễ cháy, mỗi năm toàn tỉnh chỉ phát dọn thực bì dưới tán 2.000 - 2.500 ha, số còn lại chưa có kinh phí để phát dọn, nguy cơ cháy rừng luôn đe dọa.
Một thực tế đáng lo ngại trong công tác PCCCR là hệ thống đường băng cản lửa ở Nghệ An quá ít so với yêu cầu thực tế và được xây dựng từ những năm trước đây, hiện đã bị thực bì phủ kín, kích thước đường băng nhỏ, không đủ để ngăn cách đám cháy. Như địa bàn huyện Diễn Châu có trên 6.000 ha rừng thông, hiện có trên 40 km đường băng chưa được tu sửa, huyện Yên Thành có trên 1.000 ha diện tích rừng thông, có trên 30 km đường băng chưa được tu sửa. Theo ước tính, toàn tỉnh đang còn thiếu khoảng trên 150 km đường băng cản lửa làm mới và hàng trăm km đường băng cản lửa chưa tu sửa.
Hiện nay còn có nhiều địa phương thiếu dụng cụ thiết bị chữa cháy rừng. Như huyện Thanh Chương, có diện tích rừng khá lớn (64.869 ha), nhưng toàn huyện chỉ có 35 máy thổi gió, trong đó có nhiều máy bị hư hỏng, hiện nay, có 5 xã chưa có máy thổi gió, 7 xã chưa có cưa xăng. Việc thiếu trang thiết bị, phương tiện chữa cháy rừng chuyên dụng khiến công tác chữa cháy gặp khó khăn. Nhiều xã cán bộ, lực lượng dân quân tự vệ dập lửa bằng cành cây, các phương tiện thô sơ nên hiệu quả không cao.
Thời điểm này, địa bàn Nghệ An còn đang thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi qua một số diện tích rừng thông của các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Hưng Nguyên, mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các đơn vị thi công không làm ảnh hưởng đến khu vực rừng xung quanh, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng khi nhiều hoạt động diễn ra tại đây.
Tăng cường các giải pháp
Để chủ động đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), các địa phương và các cơ quan chức năng cần khẩn trương chỉ đạo, tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Các địa phương tiếp tục rà soát các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy, thông tin liên lạc để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ - 5 sẵn sàng”.
Tăng cường công tác canh trực phòng cháy của lực lượng chức năng ở cơ sở. Từng bước tiến hành trang bị phương tiện chuyên dụng cho lực lượng tại chỗ. Các địa phương cũng cần tu bổ, xây dựng lại đường băng cản lửa, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng. Đồng thời, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những cá nhân, tập thể thiếu ý thức trong bảo vệ rừng để xảy ra cháy...