Bài học kinh nghiệm từ vụ lúa xuân

05/06/2014 14:38

(Baonghean) - Được coi là vụ sản xuất cho năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay, đến thời điểm hiện tại có thể kết luận vụ xuân 2014 là một vụ lúa thắng lợi. Đây là lúc ngành Nông nghiệp, các địa phương đúc rút bài học kinh nghiệm trong sản xuất.

Thu hoạch lúa vụ xuân ở Hưng Nguyên.
Thu hoạch lúa vụ xuân ở Hưng Nguyên.

Vụ xuân năm nay, diện tích sản xuất lúa của Nghi Lộc tăng tới 200 ha, đều ở những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả trước đây, thuộc các xã vùng bán sơn địa, nguồn nước khó khăn, đưa diện tích lúa xuân của toàn huyện lên tới 7.500 ha. Không chỉ tăng về diện tích, vụ lúa xuân năm nay của Nghi Lộc còn đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Theo ông Nguyễn Đức Thọ (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện), thì bước chuyển góp phần vào tăng hiệu quả sản xuất lúa xuân là các giống lúa được cơ cấu theo hướng tiến bộ hơn các năm trước, ngoài đảm bảo gieo cấy tối thiểu 2.000 ha lúa lai để đảm bảo chỉ tiêu lương thực, diện tích lúa thuần chất lượng cao đã tăng từ 850 ha (vụ xuân 2013) lên 1.500 ha, với các giống khá ưu việt như DT68, VTNA2, RVT, AC5…

Nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn đã được xây dựng. Bên cạnh thời vụ gieo cấy được thực hiện nghiêm túc giúp lúa trổ đúng trong khung tiết Cốc vũ đến lập hạ (20/4- 5/5), thì diện tích lúa gieo thẳng trong toàn huyện cũng đã giảm tới 1.500 ha, cây lúa ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết mưa rét đầu vụ. Công tác BVTV, phòng trừ tác hại của sâu bệnh được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả cũng là một trong những tác nhân góp phần đưa năng suất lúa vụ xuân bình quân trong toàn huyện lên tới trên 65 tạ/ha, tăng gần 4 tạ/ha so với vụ xuân năm ngoái.

Cái được đầu tiên trong sản xuất vụ xuân năm nay của tỉnh ta, đó là diện tích đã tăng từ 88.653 ha lên 90.024 ha, chủ yếu ở một số địa phương như Nghi Lộc, Yên Thành... Sau chuyển đổi ruộng đất, các địa phương củng cố lại hệ thống bờ vùng bờ thửa, hệ thống tưới được đảm bảo hơn. Đầu vụ xuân, dù trời mưa rét nhưng mức độ không khốc liệt như những năm trước, nhờ đó mạ không bị chết rét, các điều kiện khác phục vụ cho sản xuất cũng đảm bảo hơn, góp phần làm tăng diện tích lúa. Cùng với đó, năng suất lúa vụ xuân năm nay cũng được đánh giá là cao nhất từ trước đến nay- lên tới trên 66 tạ/ha, tăng 4,8 tạ/ha so với vụ xuân năm ngoái và cao hơn gần 1 tạ/ha so với vụ xuân có năng suất “kỷ lục” nhất là vụ xuân năm 2011.

Theo ông Nguyễn Văn Lập (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), thì nguyên nhân đầu tiên giúp chúng ta có một vụ sản xuất thắng lợi, đó là vào đầu vụ, trời rét âm u nhưng không có rét hại làm mạ, lúa mới cấy bị chết, trời rét âm u kéo dài trên 50 ngày liên tục trong tháng 3, tháng 4 làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa, tất cả các giống lúa đều kéo dài thời gian sinh trưởng từ 5 - 10 ngày. Thế nhưng nhờ bố trí nông lịch sớm hơn, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt để đảm bảo về thời vụ nên cây lúa vẫn trổ đúng trong thời kỳ thuận lợi nhất về thời tiết, từ ngày 25/4- 5/5. Đi kèm với đó là cơ cấu giống hợp lý, đảm bảo giữa giống lúa lai và giống lúa thuần, giữa giống có năng suất cao và giống có chất lượng gạo khá, như VTNA2, AC5, RVT… Bên cạnh đó, dù tình hình sâu bệnh diễn biến rất phức tạp, đạo ôn lá xuất hiện trên diện rộng nhưng nhờ tập trung chỉ đạo, xử lý quyết liệt và dứt điểm, nên diện tích nhiễm và mức độ gây hại của bệnh đạo ôn cổ bông không đáng kể. Những yếu tố đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các địa phương, cấp, ngành đã góp phần vào một vụ lúa xuân thắng lợi.

Nổi rõ lên trong sản xuất vụ xuân năm nay, đó là diện tích lúa lai giảm trên 2.000 ha, trong khi diện tích lúa thuần chất lượng cao tăng gần 3.000 ha. Từ đó, ở những vùng sản xuất hàng hóa, ngoài được về mặt năng suất, sản lượng, còn có giá bán cao hơn, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Nhận thức người dân cũng đã chuyển dần từ sản xuất chú trọng về lượng sang chất.

Theo đánh giá chung, vụ xuân năm nay tuy sản lượng, khối lượng chung lớn nhưng sản xuất, sản phẩm nông sản lúa gạo vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ so với nhiều địa phương khác, nếu để có thể tập trung thành lượng hàng hóa lớn thì còn khó khăn. Hệ thống tiêu thụ vẫn còn bất cập, lượng nông sản được bao tiêu chưa nhiều. Dù thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế vận động các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhưng đến nay, mới có một số ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, như Tổng công ty CP VTNN Nghệ An và Công ty TNHH Vĩnh Hòa tham gia đầu tư xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết do sản xuất lúa của Nghệ An còn manh mún, để có thể mua được lượng lớn nông sản, doanh nghiệp có thể phải ký kết với hàng trăm hộ dân. Trong khi đó, việc đầu tư phối hợp trong sản xuất nông nghiệp với nông dân còn mang tính rủi ro, nông dân chưa thực sự có ý thức trong tuân thủ hợp đồng đã ký. Để giải quyết được vấn đề này, theo ông Hồ Ngọc Sỹ, cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp vào ký kết với nông dân theo chuỗi sản xuất hàng hóa - từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, giúp người nông dân không bị động và phụ thuộc vào tư thương như hiện nay. Chính sách thì đã có, nhưng để làm tốt khâu kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, cần triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như của tỉnh để có thể thu hút các doanh nghiệp.

Để có thể có sản xuất thắng lợi, bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ sản xuất vụ xuân năm nay, đó là ngành Nông nghiệp phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện khí hậu thời tiết cụ thể để bố trí lịch thời vụ sát đúng, phù hợp. Cơ cấu giống phải cụ thể, sát và phù hợp với từng vùng, từng địa phương để phát huy hết tiềm năng của từng vùng, từng giống. Trong chỉ đạo, phải đồng bộ, quyết liệt, đồng thời phải hết sức linh hoạt đối với diễn biến cụ thể, từ đó có các giải pháp phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương.

Phú Hương

Bài học kinh nghiệm từ vụ lúa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO