Bài học lịch sử và giao thông hiện đại

Nguyễn Nghĩa Tài 21/07/2019 19:30

(Baonghean.vn) - Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia hàng đầu về tốc độ internet và có tỉ lệ phổ cập Internet lớn nhất thế giới. Rất nhiều quốc gia khác đang phải chật vật nâng cấp lên cáp quang còn chúng ta đã có cáp quang Internet từ gần 20 năm trước.

Khi nói đến môn Lịch sử ở trường học, hiện tại mọi người thường liên tưởng đến một môn học chán ngắt và học sinh thường không chịu học. Tôi sinh ra ở thế hệ 8x và những bài học ở môn Lịch sử ở thời đại tôi cũng gần giống như vậy, mỗi bài học thường đầy ắp những con số và các sự kiện để nhớ. Hầu như tất cả các bạn cùng lớp tôi đều cố gắng để nhớ rồi để quên. Tuy nhiên, có một bài học mà tôi không thể quên được cho đến tận bây giờ. Đó là bài nói về kế hoạch canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ dâng vua Tự Đức và bài học về cuộc Cải cách Minh Trị của Nhật Bản. Cả hai sự kiện lịch sử diễn ra gần như cùng thời điểm vào khoảng những năm giữa thế kỉ 19. Những bạn cùng lứa với tôi đều ước, giá như thời đó vua Tự Đức nghe lời nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ để canh tân đất nước thì hay biết bao.

Rồi cậu học sinh trong tôi lớn lên, được tiếp xúc nhiều với thế giới với vô vàn thông tin, kiến thức từ mạng Internet. Mạng Internet là một phát minh vĩ đại của loài người, thay đổi hoàn toàn cách vận động của xã hội. Thật khó tưởng tượng được một xã hội hiện đại có thể vận hành như thế nào nếu không có mạng Internet. Rồi tôi lại được biết thêm một bài học của lịch sử, lần này không phải từ sách giáo khoa mà từ mạng Internet. Vào những năm 90 của thế kỉ 20, những người tiên phong của ngành viễn thông Việt Nam đã nhận ra Internet là một phát minh quan trọng của loài người. Họ đã nỗ lực mang Internet vào nước ta khi mà không có nhiều người ở Việt Nam biết nó là gì. Không dừng lại ở đó, tại thời điểm Việt Nam đứng trước đòi hỏi quyết liệt về đổi mới công nghệ truyền tin, họ phải đứng trước sự lựa chọn sống còn là tiếp tục sử dụng công nghệ analogue hay đi thẳng vào kỹ thuật số của phương Tây.

Như một bài báo đã nói về nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu điện Đặng Văn Thân “Hợp tác với các nước tư bản phương Tây, quyết định dùng cáp quang thay cho cáp đồng vào thời điểm đó với hầu hết mọi người là điều không tưởng, viễn vông, thậm chí có không ít ý kiến có tính quy chụp cả về quan điểm”. Họ đã dũng cảm lựa chọn sử dụng công nghệ cáp quang cho Việt Nam. Và tôi biết, đó là một bài học tốt. Việt Nam hiện nay là một trong những quốc gia hàng đầu về tốc độ internet và có tỉ lệ phổ cập Internet lớn nhất thế giới. Rất nhiều quốc gia khác đang phải chật vật nâng cấp lên cáp quang còn chúng ta đã có cáp quang Internet từ gần 20 năm trước.

Hai bài học lịch sử đó in đậm trong đầu óc tôi và khi làm việc, tôi luôn tự hỏi, những quyết định của mình sẽ đi theo hướng nào? Theo dòng sự kiện gần đây đang được tranh luận rộng khắp trong cả nước về việc có nên xây đường sắt cao tốc cho Việt Nam, tôi lại liên tưởng đến hai bài học đó. Quyết định về đường sắt cao tốc là cực kỳ quan trọng cho Việt Nam. Nó có thể tốn tận 50-100 tỷ đô la và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia cả trăm năm. Việt Nam có thể nghèo đi hoặc giàu lên vì hạ tầng giao thông. Rất nhiều câu hỏi tự động phát ra trong tôi, như Việt Nam cần đường sắt cao tốc để làm gì? 100 năm sau giao thông Việt Nam sẽ như thế nào? Công nghệ giao thông hiện đại có gì? Việt Nam có thể lựa chọn công nghệ mới nào? Những câu hỏi tương tự như thế cứ lặp đi lặp lại trong tôi và tôi phải tìm cách trả lời cho chính mình.

Hiện nay, công nghệ giao thông nổi bật nhất thế giới là công nghệ xe tự lái. Rất nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm xe tự lái ở môi trường thực tế. Dự kiến, đến năm 2030 xe tự lái sẽ trở nên phổ biến trên thế giới. Và có một điều chắc chắn, công nghệ xe tự lái sẽ là phương tiên giao thông chủ yếu của thế kỉ 21 - 22. Sự lựa chọn của Việt Nam bây giờ gần giống như lựa chọn công nghệ analog với công nghệ cáp quang trước đây, nhưng sự ảnh hưởng của nó sâu và rộng hơn nhiều. Chúng ta có nên lựa chọn công nghệ xe tự lái để thiết kế hệ thống giao thông quốc gia hay không? Hay chúng ta vẫn tìm cách phát triển giao thông đường sắt, một phát minh của thế kỉ 16 và nó đã qua thời phát triển cực thịnh vào thế kỉ 19 - 20? Công nghệ xe tự lái cần một mạng lưới đường bộ cao tốc lớn và nó sẽ vận hành đến mọi ngõ ngách của đất nước. Xe tải tự lái có thể chở hàng Bắc Nam với chi phí tương đương hoặc rẻ hơn đường sắt. Chúng ta đang bắt đầu phát triển đường bộ cao tốc. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đường bộ cao tốc, chúng ta sẽ ứng dụng được công nghệ giao thông tốt nhất cho tương lai. Tuy nhiên, những người tiên phong về ngành giao thông của Việt Nam vẫn sẽ là người quyết định.

Tôi rất yêu lịch sử, những bài học, câu chuyện về lịch sử luôn làm tôi say mê. Có những câu chuyện lịch sử rất buồn và có những bài học rất hay, tôi luôn tìm cách để học hỏi phát triển bản thân từ những câu chuyện, bài học đó. Tôi chỉ là một kỹ sư, không phải là người làm chính trị, nhưng tôi nghĩ, ở vị trí nào cũng phải lựa chọn. Các bài học lịch sử luôn là nơi tham khảo tốt nhất cho những quyết định cho tương lai.

Mới nhất

x
Bài học lịch sử và giao thông hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO